Ông Nguyễn Đức Chi |
Nhiều nội dung liên quan đến việc sử dụng người đại diện, đầu tư, nhận bàn giao và thoái vốn Nhà nước đã được ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC trao đổi với báo giới.
Trong 2 mùa ĐHCĐ vừa qua, đã có những lãnh đạo DN nhiều năm gắn bó và đi liền với những thành công của tổ chức, không được SCIC giới thiệu ứng cử HĐQT. Lý do tại sao, thưa ông?
Đúng là có những lãnh đạo DN rất giỏi, gắn liền với thành công của DN, nhưng SCIC phải rút quyền người đại diện vốn cho SCIC tại DN của họ, thay thế người đại diện khác. Đó là điều đáng tiếc, song buộc phải tuân theo vì đó là quy định.
Theo Nghị định 106/2015, người đại diện vốn Nhà nước được coi như các công chức, viên chức Nhà nước và phải đảm bảo trong độ tuổi quy định. Những trường hợp như chị Vũ Thị Thuận tại Traphaco hay chị Phạm Thị Việt Nga tại Dược Hậu Giang đều đã đến tuổi nghỉ hưu. Bởi vậy, chúng tôi đều không thể cử họ làm đại diện vốn tại DN. Tuy nhiên, cũng có trường hợp chúng tôi vẫn tiếp tục ký hợp đồng, giữ lãnh đạo DN đã quá tuổi làm đại diện vốn.
Tại một số cuộc kiểm tra, cơ quan chức năng đã đặt câu hỏi về điều này. Theo đó, cũng tại Nghị định trên, ở một số trường hợp đặc biệt vẫn có thể tiếp tục gia hạn thêm thời gian với người đại diện. Song để giải thích và làm rõ thế nào là những trường hợp đặc biệt, thì quả thực không dễ và rất khó để đo đếm, lượng hóa những tiêu chí này.
Có những lãnh đạo, cán bộ của SCIC đảm nhận chức vụ thành viên HĐQT, Ban kiểm soát tại nhiều DN, thù lao trả cho họ lên tới hàng tỷ đồng. Khoản tiền này được thu chi như thế nào?
Năm 2015, khoản thù lao các DN trả cho lãnh đạo và cán bộ viên chức của SCIC do họ đảm trách các chức vụ thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát… là 11,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, không có lãnh đạo hay cán bộ, viên chức nào của SCIC được trực tiếp nhận khoản tiền này. Tất cả các khoản thù lao trên, DN đều trả về một tài khoản do SCIC lập. Việc chi tiêu quỹ thù lao đó, SCIC thực hiện theo quy chế của Bộ Tài chính, do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Trong Nghị định 91/2015 về quản lý vốn nhà nước và quy chế của SCIC hiện quy định rõ, tất cả các loại thù lao và lợi ích vật chất mà người đại diện vốn nhà nước tại các DN là cán bộ của SCIC kiêm nhiệm được hưởng đều phải chuyển về tài khoản của SCIC. Hàng năm, SCIC đều có văn bản gửi các DN để tra soát lại số tiền chuyển về tài khoản trên làm cơ sở đối chiếu.
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên của một số DN lớn, SCIC đã bỏ phiếu phủ quyết một số nội dung, đề xuất thay đổi một số nội dung như chia cổ tức, cổ phiếu ESOP… Thị trường băn khoăn về những căn cứ để SCIC ứng xử như vậy?
SCIC hiện có vốn điều lệ 50.000 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chưa đạt mức đó. Đến thời điểm này, SCIC chỉ còn quản lý khoảng gần 200 khoản đầu tư, với tổng giá vốn khoảng hơn 20.000 tỷ đồng. Chúng tôi đều thống nhất một quan điểm rằng, trong các trường hợp, SCIC sẽ cố gắng ứng xử để đảm bảo quyền lợi Nhà nước, hài hòa và đồng hành cùng DN, để DN có thể hoạt động hiệu quả nhất và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, có thể trong những tình huống cụ thể, quyền lợi của các cổ đông không hài hòa, thì pháp luật quy định thế nào, chúng tôi sẽ ứng xử đúng như thế. Cũng có những điều mà chúng tôi phải rút kinh nghiệm, đó là sự trao đổi và phối hợp chia sẻ với các cổ đông trong các vấn đề để họ hiểu rõ và nắm được quan điểm của SCIC hơn.
Thị trường thấy SCIC chưa có nhiều thương vụ đầu tư lớn, có hiệu quả tương xứng với tiềm lực nhà đầu tư của Chính phủ. Tới đây, lĩnh vực này có gì mới hay không?
Đầu tư để luôn đảm bảo có lãi là việc thực sự khó. Đối với đồng vốn nhà nước, quả thực anh em cán bộ trong SCIC vẫn có tâm lý “ngại” trách nhiệm. Trong 3 dự án, 2 dự án có lãi mà 1 dự án lỗ thì cũng có thể có rủi ro với cá nhân chịu trách nhiệm ngay. Tuy vậy, tới đây, SCIC sẽ tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực này, mục tiêu cao nhất vẫn là đảm bảo hiệu quả vốn nhà nước.
Thông tin về thoái vốn của SCIC luôn được quan tâm. Vậy ông có thể cho biết, năm 2016, lộ trình thoái vốn của các DN lớn có gì cụ thể?
Với góc độ của SCIC, thì lợi ích Nhà nước trên vốn đầu tư là trên hết. Việc bán, giữ, đầu tư thêm cần được xem xét cụ thể. Nếu đạt lợi ích tốt hơn thì giữ lại và đầu tư thêm để tăng lợi nhuận. Trong việc thoái vốn, khi nào đánh giá thị trường tốt nhất, thì SCIC sẽ đưa ra quyết định.
Trong một số báo cáo của SCIC, việc bàn giao vốn về Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn. Vậy SCIC sẽ ứng xử như thế nào với vấn đề này trong năm 2016?
Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã nhận bàn giao vốn tại 2 DN với quy mô vốn chỉ 110,8 tỷ đồng. Dù rất tích cực, nhưng việc này nằm ngoài tầm tay của SCIC. Bởi vậy, chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan quản lý có thêm các chỉ đạo quyết liệt hơn về việc này.