Bài học về chọn khâu đột phá trong chiến dịch Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cách đây 49 năm, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ của dân tộc Việt Nam, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất. Để đi đến thắng lợi đó, trên mặt trận quân sự, việc lựa chọn những trận đánh mang tính chất quyết định tạo nên bước ngoặt của cuộc kháng chiến đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Với vị thế là một trung tâm kinh tế lớn, TP.HCM luôn là đầu tàu, là động lực tăng trưởng của cả nước. Ảnh: Đông Giang
Với vị thế là một trung tâm kinh tế lớn, TP.HCM luôn là đầu tàu, là động lực tăng trưởng của cả nước. Ảnh: Đông Giang

Chiến thắng Phước Long chính là đòn trinh sát chiến lược, trận đánh báo hiệu cho sự thất bại của chính quyền và quân đội Sài Gòn, là bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

PGS. TS. Phạm Minh Anh

PGS. TS. Phạm Minh Anh

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta giành thắng lợi năm 1954, đế quốc Mỹ thay chân Pháp biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Để thực hiện mưu đồ, Mỹ không ký vào bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ, đồng thời tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền và quân đội tay sai làm công cụ đắc lực phục vụ cho chúng. Trong suốt quá trình xâm lược miền Nam Việt Nam, Mỹ đã tiến hành các chiến lược chiến tranh để thử nghiệm hình thức chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã anh dũng lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nước Việt Nam, rút quân về nước.

Tuy nhiên, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ từng bước phá hoại Hiệp định, tình hình miền Nam diễn biến phức tạp. Mặc dù phải rút quân chiến đấu khỏi miền Nam nhưng đế quốc Mỹ vẫn đẩy mạnh trợ giúp, chỉ đạo ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn tiếp tục mở chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng, vùng tranh chấp, đặc biệt là khu vực đồng bằng nhằm xây dựng, củng cố địa bàn chiếm đóng, tạo thế đối trọng và làm suy yếu các lực lượng cách mạng.

Trước tình hình đó, tháng 7/1973, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 đã xác định hai khả năng cho cách mạng miền Nam:

Một là, do đấu tranh tích cực trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, ta có thể từng bước buộc địch phải thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam, hòa bình được lập lại thật sự, cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam nhằm hoàn thành độc lập, dân chủ tuy còn lâu dài, khó khăn, phức tạp, nhưng ngày càng phát triển và ở thế tiến lên mạnh mẽ.

Hai là, đế quốc Mỹ cố bám giữ khu vực Đông Dương, Đông Nam Á, do bản chất phản động, ngoan cố của Mỹ và tập đoàn thống trị tư sản mại bản, quan liêu, quân phiệt tay sai Mỹ, Hiệp định Paris về Việt Nam tiếp tục bị vi phạm và phá hoại, xung đột quân sự có thể ngày càng tăng, cường độ và quy mô chiến tranh ngày càng lớn, ta lại phải tiến hành chiến tranh cách mạng quyết liệt để đánh bại địch, giành thắng lợi hoàn toàn. Nghị quyết Hội nghị chỉ rõ: Ta phải hết sức tranh thủ thực hiện khả năng thứ nhất và chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng thứ hai, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Để giành thắng lợi, Đảng ta cần phải tính toán, cân nhắc về thời điểm, thời cơ để có quyết định đúng đắn và kịp thời. Việc lựa chọn những trận đánh mở màn để từ đó Đảng đưa ra quyết định đúng đắn kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nó không chỉ tạo ra sự so sánh tương quan lực lượng có lợi cho ta mà còn mở ra thời cơ để ta tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình, Trung ương cục miền Nam và Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Đây là sự tính toán, cân nhắc mang tầm chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy miền Nam. Việc giành thắng lợi trong chiến dịch này là đòn điểm huyệt, là trận đánh báo hiệu sự thất bại thảm hại của chính quyền và quân đội Sài Gòn.

Lựa chọn này xuất phát từ vị trí quân sự chiến lược của Phước Long, cách Sài Gòn hơn 100 km về hướng Đông Bắc, tiếp giáp với các địa bàn chiến lược như Nam Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia, Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, là địa bàn đặc biệt quan trọng đối với cả ta và địch.

Đối với ta, Phước Long là đầu mối cuối cùng của hệ thống đường vận tải chiến lược Bắc - Nam trên bộ, đồng thời cũng là nơi hoàn chỉnh hệ thống tuyến đường Hồ Chí Minh, một trong những trung tâm giao liên vận tải ở Đông Nam Bộ. Phước Long chính là căn cứ địa chiến lược, hậu phương tại chỗ, tiếp nhận sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Vì thế, việc giải phóng hoàn toàn Phước Long sẽ giúp ta chiếm cứ và giữ vững một địa bàn chiến lược quan trọng, mở ra thế liên hoàn vững chắc giữa các vùng giải phóng, vùng căn cứ từ Trị Thiên lên Tây Nguyên đến Đồng bằng sông Cửu Long; cho phép ta có thêm điều kiện thuận lợi để nhanh chóng cơ động lực lượng và vận chuyển phương tiện chiến tranh tới miền Đông Nam Bộ. Ngoài ra, với địa hình của Phước Long, đây còn là địa bàn thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tập kết, giấu ém lực lượng, hoàn tất mọi sự chuẩn bị trước khi mở cuộc tiến công chọc thủng vùng trung tuyến hướng Đông Bắc và Tây Bắc, tiến về giải phóng Sài Gòn.

Đối với địch, Phước Long có vai trò chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ của ngụy quyền Sài Gòn. Phước Long được xây dựng thành một trong những căn cứ quan trọng trên tuyến phòng thủ Đông Bắc Sài Gòn. Do đó, mất Phước Long, tuyến phòng thủ này sẽ bị phá vỡ ở một khâu quan trọng, đồng thời Quốc lộ 13 và các vùng trung tuyến như Phước Bình, Bình Dương, Bến Cát sẽ lâm vào thế bị uy hiếp trực tiếp.

Để đáp ứng yêu cầu đánh lớn của giai đoạn mới - giai đoạn tổng tiến công và nổi dậy kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 20/7/1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã ra quyết định thành lập Quân đoàn 4 do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh. Nhiệm vụ mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long được Bộ Tư lệnh giao cho Quân đoàn 4 thực hiện. Đây là trận đánh lớn đầu tiên do Quân đoàn 4 thực hiện sau hơn 4 tháng thành lập.

Tượng đài Phước Long chiến thắng tại thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước

Tượng đài Phước Long chiến thắng tại thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước

Ngày 13/12/1974, quân ta bắt đầu nổ súng tấn công chi khu Bù Đăng, mở đầu chiến dịch. Trải qua 3 đợt tấn công, ngày 6/1/1975, chiến dịch Đường 14 - Phước Long giành thắng lợi hoàn toàn. Quân ta đã đánh chiếm, lần lượt làm chủ chi khu Bù Đăng, Đồng Xoài và thị xã Phước Long. Ta đã tiêu diệt một tiểu khu của Quân đoàn 3 ngụy, bẻ gãy một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ Sài Gòn của địch, làm cho hướng Tây Bắc Sài Gòn trở thành mảng yếu, uy hiếp trực tiếp phía Đông Đường 13.

Lần đầu tiên sau gần 21 năm kháng chiến chống Mỹ, ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở miền Nam, tạo niềm tin cho quân và dân ta thúc đẩy mọi hoạt động trên chiến trường cũng như ở hậu phương khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng miền Nam. Việc lựa chọn Phước Long là trận chiến mở màn cho cuộc tiến công mùa khô 1974 - 1975 ở miền Đông Nam Bộ đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, đồng thời khẳng định khả năng đánh giá đúng sự thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch. Do đó, chiến thắng Đường 14 - Phước Long chính là đòn trinh sát chiến lược, không chỉ đánh giá khả năng tác chiến của ta, khả năng chống trả của quân đội Sài Gòn, mà còn đánh giá cả phản ứng của Mỹ đối với chiến tranh Việt Nam.

Qua sự kiện Phước Long, ta hiểu rõ quân ngụy không đủ khả năng đối phó cùng một lúc với nhiều hướng tấn công, không có khả năng chiếm lại một thị xã. Còn Mỹ, không dễ can thiệp trở lại miền Nam bằng bất cứ hình thức nào. Sau khi Phước Long thất thủ, mọi hành động chiếm lại Phước Long đều không thực hiện được, Nguyễn Văn Thiệu đã kêu gọi treo cờ rủ, dành 3 ngày cầu nguyện cho Phước Long.

Như vậy, mặc dù Phước Long có vị trí hết sức quan trọng nhưng ngụy quyền Sài Gòn và cả chính giới Mỹ đành khoanh tay nhìn Phước Long thất thủ. Trên cơ sở đó, ta nhận định “chiến thắng Phước Long là nhân tố mới cho phép nhìn xa hơn về triển vọng thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược. Sang đợt hai, ta có khả năng giải phóng từng khu vực lớn hơn”. Đây là một chỉ báo cho thấy thời cơ lịch sử để giải phóng hoàn toàn miền Nam đã xuất hiện.

Đảng chỉ rõ: “Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân… Ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào khác”. Chiến thắng Phước Long là minh chứng cụ thể, sinh động nhất cho tương quan thế và lực giữa ta và địch trên chiến trường. Đảng đã nhận thấy rõ sự so sánh tương quan lực lượng có lợi cho ta, sự suy yếu toàn diện của địch, thế và lực của ta trên chiến trường miền Nam nói chung và miền Đông Nam Bộ nói riêng càng lớn mạnh, làm xoay chuyển cục diện chiến trường, đánh dấu bước phát triển, trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang cách mạng cả về chính trị, tư tưởng. Trải qua nhiều năm đấu tranh gay go, gian khổ, cách mạng miền Nam, theo Kết luận của Bộ Chính trị ngày 7/1/1975, “mới tạo được bước chuyển quan trọng nói trên về lực lượng so sánh. Chưa bao giờ hai mặt đấu tranh quân sự, chính trị có điều kiện thuận lợi, có khả năng kết thành cao trào cách mạng như hiện nay”.

Đây chính là cơ sở quan trọng để Đảng hạ quyết tâm, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Thực hiện quyết tâm đó, Đảng chủ trương mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đảng chủ trương “động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà”. Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Thắng lợi của chiến dịch Đường 14 - Phước Long nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung đã giúp toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về xác định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam; bài học về nghệ thuật giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, kết thúc chiến tranh; bài học chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược chiến tranh cách mạng và nghệ thuật tạo, nắm bắt thời cơ giành những thắng lợi quyết định; bài học về so sánh, đánh giá đúng thực lực cách mạng; bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong kháng chiến chống ngoại xâm.

Trải qua gần nửa thế kỷ, những bài học này vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Bối cảnh thế giới có những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, những vấn đề về an ninh phi truyền thống diễn biến nghiêm trọng, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng lớn đòi hỏi Đảng ta phải đưa ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đồng thời tích cực, chủ động phát huy sức mạnh nội lực, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nắm chắc thời cơ, chọn khâu đột phá, tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tin cùng chuyên mục