Bàn giải pháp tránh lãng phí trong đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước thực tế nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi sau khi hoàn thành nhưng không phát huy được hiệu quả đầu tư, tại phiên thảo luận ở tổ ngày 2/11/2020, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần lấp “khoảng trống” trong đánh giá hiệu quả đầu tư công theo đầu ra, rà soát chặt chẽ, cân nhắc kỹ lưỡng các dự án trước khi đầu tư.
Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) được đầu tư 3.000 tỷ đồng nhưng sau khi hoàn thành lại không có vùng tưới. Ảnh: Công Bắc
Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) được đầu tư 3.000 tỷ đồng nhưng sau khi hoàn thành lại không có vùng tưới. Ảnh: Công Bắc

Theo bà Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất nỗ lực và có thành công rất lớn khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, góp phần làm giảm đáng kể tình trạng đầu tư công quá mức và dàn trải, đầu tư công ít gắn kết với khả năng ngân sách dẫn đến tình trạng nợ công tăng, mất cân đối nguồn vốn, bị động, đầu tư cắt khúc ra từng năm, manh mún… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít tồn tại khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng không phát huy được tác dụng và đạt được hiệu quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, theo bà Mai, khi thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, chúng ta phân cấp quản lý mạnh cho địa phương, nhu cầu đầu tư các dự án tăng mạnh về số lượng nên đầu tư công lại rơi vào tình trạng đầu tư dàn trải và thiếu tập trung. Vì thế, cần phải xem xét lại cơ chế phân cấp quản lý và có biện pháp lấp đầy khoảng trống pháp lý, đánh giá hiệu quả đầu tư công theo đầu ra để tránh lãng phí, thất thoát trong đầu tư. Việc giao cho địa phương quản lý, quyết định đầu tư cần gắn chặt với trách nhiệm để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Tại phiên thảo luận ở tổ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng nêu ra dẫn chứng, Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước lên đến 3.000 tỷ đồng nhưng sau khi hoàn thành thì chưa biết để làm gì, tưới nước vào đâu. Đây là ví dụ điển hình cho câu chuyện đầu tư công lãng phí mà báo chí đã nói rất nhiều, cần phải có giải pháp khắc phục. Để không bị lãng phí nguồn vốn đầu tư công, cần phải rà soát, đánh giá về quá trình đầu tư, tính hiệu quả thực tế đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi. Hiện Quốc hội đang thảo luận, cho ý kiến về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, việc rà soát, đánh giá tổng thể hiệu quả đầu tư công nên được tiến hành trên diện rộng, với nhiều công trình, dự án đã và đang đầu tư.

Ông Vũ Trọng Kim, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, khi phân cấp quản lý nguồn lực đầu tư công, do năng lực của nhiều cán bộ địa phương kém, không biết triển khai thủ tục, thực hiện việc giải ngân nên phải trả lại nguồn lực đã được phân bổ cho Nhà nước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư. Liên quan tới đầu tư thủy điện, ông Kim cho rằng, việc đầu tư khai thác được tiến hành theo phong trào, không đánh giá kỹ hiệu quả đầu tư nên sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải đánh giá được tác động đa chiều của việc đầu tư, có sự giám sát chặt chẽ đối với hiệu quả đầu tư, chứ không phải đầu tư một cách ào ạt như bản đồ đầu tư thủy điện dày đặc được đề xuất như hiện nay, nếu làm sai về chiến lược, cái giá phải trả là rất lớn.

Bên cạnh đó, một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận ở tổ ngày 2/11/2020 là việc sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương, bộ, ngành nhưng việc điều chuyển nguồn vốn đã được phân bổ không quyết liệt, dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư. Ở một số dự án, do nhiều nguyên nhân khác nhau như năng lực của chủ dự án hạn chế; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; điều chỉnh, sử dụng vốn dư; kéo dài thời gian rút vốn... đã làm chậm tiến độ giải ngân hoặc “tắc” giải ngân nhưng các đơn vị chủ quản lại không quyết liệt trong việc điều chuyển nguồn vốn đầu tư công, mà xin hoàn trả lại kế hoạch vốn được giao. Điều này đòi hỏi phải nghiêm túc xem xét lại cơ chế phân cấp, quản lý vốn đầu tư để đảm bảo tính hiệu quả trong thực thi, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Tin cùng chuyên mục