Bản tin thời sự sáng 10/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Trung ương thống nhất thực hiện chế độ tiền lương mới từ năm 2022; hơn 5.200 tỷ đồng xây hai đường ven sông Đồng Nai; bắt Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Mạnh Hùng vụ sai phạm ở Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; cựu Tổng giám đốc PVOil Nguyễn Xuân Sơn bị phạt 3 năm tù…

Trung ương thống nhất thực hiện chế độ tiền lương mới từ 2022

Tại Hội nghị lần thứ 13 diễn ra tuần qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất về thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2022 đối với cán bộ, công chức và người lao động.

Hội nghị Trung ương 13, khoá XII thống nhất thực hiện chế độ tiền lương mới từ năm 2022

Hội nghị Trung ương 13, khoá XII thống nhất thực hiện chế độ tiền lương mới từ năm 2022

Đây là một trong những nội dung được Văn phòng Trung ương Đảng thông tin về nội dung, kết quả làm việc của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 13 diễn ra từ ngày 5/10 đến ngày 9/10/2020.

Tại Hội nghị, Trung ương đã cho nhiều ý kiến chỉ đạo toàn diện về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, thu, chi ngân sách nhà nước 9 tháng đầu 2020 và dự báo cả năm 2020; dự kiến kế hoạch phát triển năm 2021 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2021 - 2023.

Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế độ tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế, khả năng ngân sách và theo đúng quan điểm, định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Hơn 5.200 tỷ đồng xây hai đường ven sông Đồng Nai

Hai tuyến đường ven sông dài gần 10 km sẽ được tỉnh Đồng Nai thực hiện trong thời gian tới, kinh phí hơn 5.200 tỷ đồng.

Khu vực được quy hoạch làm đường ven sông Đồng Nai từ cầu Hoá An (TP. Biên Hòa) đến huyện Vĩnh Cửu dài 5,2 km

Khu vực được quy hoạch làm đường ven sông Đồng Nai từ cầu Hoá An (TP. Biên Hòa) đến huyện Vĩnh Cửu dài 5,2 km

Dự án Tuyến đường ven sông Cái (nhánh sông Đồng Nai) được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua chủ trương xây dựng với tổng kinh phí hơn 3.900 tỷ đồng. Mới đây, Ban Quản lý dự án Tỉnh (chủ đầu tư) đã trình báo cáo nghiên cứu khả thi lên UBND Tỉnh phê duyệt.

Theo Chủ đầu tư, tuyến đường dài gần 4,6 km, điểm đầu giao với đường Hà Huy Giáp (phường Quyết Thắng) và điểm cuối giao đường Trần Quốc Toản (phường An Bình). Với quy mô mặt cắt ngang 32 m, Dự án gồm 5 cầu: Chìm Tàu, Tân Mai, Bà Bột, Rạch Gió, Suối Linh. Các cầu sẽ được xây dựng rộng gần 23 m.

Tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho khoảng 500 hộ dân hơn 3.247 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2024.

Trong khi đó, Dự án Đường ven sông Đồng Nai từ cầu Hoá An (TP. Biên Hòa) đến huyện Vĩnh Cửu dài 5,2 km, kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng. UBND TP. Biên Hòa (chủ đầu tư) đã ban hành 428 thông báo thu hồi đất của tất cả tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất nằm trong Dự án.

Tuyến đường rộng 34 m, trong đó vỉa hè mỗi bên 5 m, mặt đường 24 m. Các hạng mục gồm: đầu tư hoàn thiện mặt đường, lề đường, hệ thống tín hiệu giao thông, hệ thống thoát nước, lát gạch vỉa hè, cây xanh, xây dựng cầu Rạch Lung, đầu tư hệ thống chiếu sáng và trạm biến áp cấp nguồn chiếu sáng.

Bắt Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Mạnh Hùng vụ sai phạm ở Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), bị cáo buộc có sai phạm ở Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Mạnh Hùng

Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Mạnh Hùng

Tối 9/10, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, ông Hùng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố, khám xét và tạm giam để điều tra về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan điều tra cũng khởi tố, ra lệnh bắt, cấm đi khỏi nơi cư trú với 6 bị can khác thuộc VEC và Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, về cùng tội danh với ông Hùng.

Theo thiếu tướng Tô Ân Xô, 7 nghi can bị cáo buộc liên quan vi phạm quy định xây dựng trong nghiệm thu, thi công công trình cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đã phê chuẩn các quyết định tố tụng với các bị can.

Liên quan sai phạm ở Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, từ tháng 11/2019 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bị can gần 20 người. Trong số này có ông Lê Quang Hào (Phó Tổng giám đốc VEC), Nguyễn Tiến Thành (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án), Hà Văn Bình (cựu Giám đốc Ban điều hành Gói thầu số 7), Phạm Đình Phú (Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc Ban điều hành Gói thầu số 5) và Nguyễn Thành An (Phó Giám đốc Ban điều hành Gói thầu số 7).

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, hoàn thiện toàn tuyến tháng 9/2018. Tuy nhiên, không lâu sau khi khánh thành, Dự án liên tiếp xuống cấp, xuất hiện sụt lún, ổ gà.

Cựu Tổng giám đốc PVOil Nguyễn Xuân Sơn bị phạt 3 năm tù

Sau một ngày ngày xét xử và nghị án, chiều 9/10, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, án 3 năm tù. Ông Sơn bị cáo buộc phạm tội trong giai đoạn năm 2010 - 2014.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (trái) và Vũ Trọng Hải tại phiên toà

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (trái) và Vũ Trọng Hải tại phiên toà

Cùng tội danh, ông Vũ Trọng Hải, cựu Kế toán trưởng PVOil giai đoạn 2011 - 2014, bị phạt 3 năm tù.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định, với cương vị tại PVOil, hai bị cáo đã mở hai tài khoản tiền gửi không kỳ hạn và ký 7 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại OceanBank Chi nhánh TP.HCM với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ đồng và 10,1 triệu USD.

Ông Sơn và ông Hải, do đó được Nguyễn Minh Thu, Tổng giám đốc OceanBank, trích tiền của Ngân hàng để chi tiền ngoài hợp đồng, còn gọi là "chi chăm sóc khách hàng", theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm.

Từ tháng 10/2013 đến tháng 10/2014, ông Sơn nhận 1,9 tỷ đồng, còn ông Hải nhận 2,1 tỷ đồng. 4 tỷ đồng trên được giao 6 lần bằng tiền mặt, tại văn phòng làm việc của hai bị cáo.

Tại phiên tòa, hai bị cáo thừa nhận cáo buộc, khai nhận thức việc được nhận lãi suất ngoài hợp đồng do nắm giữ các chức vụ quan trọng trong PVOil. Song thời điểm đó, các bị cáo không biết đó là tiền phạm pháp, nghĩ đó là "chế độ chăm sóc khách hàng" mà hầu như đơn vị nào cũng có.

Khi tuyên án, Hội đồng Xét xử cho biết, các bị cáo và gia đình đã khắc phục toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính.

Đề xuất 480 tỷ đồng xây nút giao phía Tây Bắc TP.HCM

Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị xây nút giao ngã tư Đình (Quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Quá, Quận 12), tổng vốn 480 tỷ đồng nhằm giảm kẹt xe trục đường phía Tây Bắc TP.HCM.

Quốc lộ 1 đoạn giao với đường Nguyễn Văn Quá, Quận 12 luôn ùn tắc vào giờ cao điểm

Quốc lộ 1 đoạn giao với đường Nguyễn Văn Quá, Quận 12 luôn ùn tắc vào giờ cao điểm

Kiến nghị được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM sau khi có đề xuất từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư) và ý kiến thống nhất từ các bên liên quan.

Hạng mục chính của Dự án gồm xây cầu vượt trên Quốc lộ 1 dài 600 m, trong đó phần cầu dài 240 m, rộng hơn 17 m cho 4 làn xe. Công trình tuổi thọ 100 năm, chịu được động đất cấp 7. Đồng thời, ba tuyến đường qua nút giao gồm Nguyễn Văn Quá, Tân Thới Hiệp 20 và Nguyễn Thị Đặng được mở rộng. Hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh... xung quanh được xây dựng hoàn chỉnh.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Quốc lộ 1 hiện là trục giao thông chính nhưng xe khi qua ngã tư Đình thường xuyên bị kẹt, nhất là vào giờ cao điểm. Cầu vượt khi xây xong đáp ứng xe chạy 80 km mỗi giờ, giảm ùn tắc cho khu vực.