Bản tin thời sự sáng 10/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khai trương Phố Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan; gắn giá điện với trách nhiệm bộ điều hành cung ứng; nhập hơn 26 triệu tấn than cho sản xuất điện năm 2024; Bình Dương đồng ý chủ trương đầu tư 17.400 tỷ đồng làm 45,7 km cao tốc…

Khai trương Phố Việt Nam đầu tiên ở Thái Lan

Sáng 9/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Tỉnh trưởng Udon Thani Wanchai Kongkasem, các quan chức địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan, các hội người Việt dự lễ khai trương Phố Việt Nam (Vietnam Town) ở tỉnh Udon Thani.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự lễ khai trương Phố Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự lễ khai trương Phố Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là Phố Việt Nam đầu tiên và duy nhất trên thế giới hiện nay. Lãnh đạo Việt Nam tin tưởng, với sự ủng hộ từ chính quyền Udon Thani, Phố Việt Nam sẽ phát triển các hoạt động kinh doanh, văn hóa, du lịch và trở thành điểm đến của cộng đồng người Việt tại Thái Lan, du khách Việt Nam và nước ngoài.

Phố Việt Nam được hình thành tại khu chợ Việt trung tâm thành phố Udon Thani, với gần như toàn bộ người gốc Việt sinh sống và kinh doanh tại đây.

Cộng đồng người Việt tại Udon Thani có khoảng 1.600 gia đình với khoảng 15.000 người, đời sống kinh tế khá cao. Dự án Phố Việt Nam nhận được tài trợ từ chính quyền Udon Thani, kiều bào tại Thái Lan cùng một số doanh nghiệp trong nước.

Tỉnh trưởng Wanchai đánh giá, cộng đồng người Việt tại Udon Thani là thành tố quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước. Ông Wanchai mô tả, Phố Việt Nam là biểu tượng cho tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam - Thái Lan và nhân dân hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đang thăm chính thức Thái Lan từ ngày 7 - 10/12 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha. Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.

Gắn giá điện với trách nhiệm bộ điều hành cung ứng

Công thức giá điện cần phản ánh đúng chi phí thực tế, gắn trách nhiệm các đơn vị điều hành như Bộ Công Thương, EVN, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Công nhân Điện lực Hà Nội sửa chữa máy biến áp

Công nhân Điện lực Hà Nội sửa chữa máy biến áp

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, trình Chính phủ việc sửa cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg). Cơ quan này đề nghị rút ngắn thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần, tức mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá.

Công thức tính giá sẽ gồm giá phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ và các yếu tố gắn với giá thành sản xuất như chênh lệch tỷ giá, lỗ từ sản xuất kinh doanh và các chi phí khác chưa tính vào giá bán lẻ được xác định căn cứ báo cáo tài chính được kiểm toán.

Theo thông báo kết luận cuộc họp bàn cơ chế này vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, đánh giá kỹ để công thức tính giá điện đảm bảo thị trường, tính toán tác động tới ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, đời sống người dân.

"Công thức này cũng cần phản ánh đúng, chính xác giá thành, chi phí thực tế phù hợp đặc thù ngành điện, gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan trong xây dựng, điều hành kế hoạch cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh", thông báo kết luận nêu.

Về thẩm quyền điều chỉnh giá điện, theo dự thảo của Bộ Công Thương, EVN có thẩm quyền tăng giá 3% đến dưới 5% khi các thông số đầu vào (phát điện, truyền tải, phân phối...) biến động. EVN giảm giá tương ứng nếu giá điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với hiện hành.

Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh trong trường hợp giá tăng từ 5 đến dưới 10%. Còn với mức tăng giá bán lẻ bình quân trên 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Nhập hơn 26 triệu tấn than cho sản xuất điện năm 2024

Nhu cầu than cho sản xuất điện năm 2024 là hơn 74,3 triệu tấn, nhưng nguồn trong nước chỉ đáp ứng được 65%, số còn lại phải nhập khẩu.

Nhu cầu than cho sản xuất điện năm 2024 là hơn 74,3 triệu tấn

Nhu cầu than cho sản xuất điện năm 2024 là hơn 74,3 triệu tấn

Theo kế hoạch than cho sản xuất điện năm 2024 vừa được Bộ Công Thương phê duyệt, chủ đầu tư các nhà máy điện phải thu xếp hơn 74,3 triệu tấn than cho sản xuất điện năm sau, trong đó lượng than phải nhập khẩu trên 26 triệu tấn.

Tức là nguồn than trong nước từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Than Đông Bắc chỉ cung ứng được hơn 48,2 triệu tấn cho sản xuất điện năm sau.

Để đủ than cho sản xuất điện, Bộ Công Thương giao các chủ đầu tư đa dạng nguồn than nhập khẩu, mua bù đắp lượng than mà TKV, Tổng công ty Than Đông Bắc không thể đáp ứng, trừ các nhà máy điện BOT dùng than trong nước được Chính phủ bảo lãnh hợp đồng cấp than. Hàng tháng, doanh nghiệp báo cáo cơ quan quản lý việc cung ứng, dự trữ than cho sản xuất điện.

Các nhà máy cũng chịu trách nhiệm toàn diện trong thu xếp nguồn than hợp pháp, thông số kỹ thuật phù hợp công nghệ của nhà máy (trừ các nhà máy BOT). Việc này nhằm đảm bảo cung cấp đủ, ổn định than cho hoạt động của nhà máy với giá cạnh tranh.

"Trong mọi trường hợp không được để đứt gãy nguồn cung ứng than, thiếu than cho sản xuất điện", Bộ Công Thương yêu cầu.

Ngoài Australia, Indonesia - các thị trường nhập than chính của Việt Nam, thì nhập khẩu than từ Lào cũng được tính tới. Theo bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực than Việt Nam - Lào ký hồi tháng 7, mỗi năm Việt Nam sẽ nhập khoảng 20 triệu tấn than từ Lào, tùy điều kiện thực tế thị trường, nhu cầu mỗi bên.

Để giá than nhập từ Lào cạnh tranh hơn, tại Hội nghị bàn về thúc đẩy hợp tác mua bán than từ Lào ngày 9/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ Lào giảm thuế xuất khẩu than và các loại phí liên quan.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Lào đẩy nhanh việc đầu tư, nâng cấp hoặc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hệ thống hạ tầng, kho bãi, vận chuyển than về Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng giao TKV, Tổng công ty Than Đông Bắc đề xuất cơ chế nhập (giá mua và bán) than từ Lào về Việt Nam, để báo cáo Thủ tướng.

Bình Dương đồng ý chủ trương đầu tư 17.400 tỷ đồng làm 45,7 km cao tốc

HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư 17.400 tỷ đồng xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, đoạn 45,7 km qua tỉnh Bình Dương theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Dự án cao tốc TP.HCM - Chơn Thành có đoạn trùng với Đường tỉnh 743

Dự án cao tốc TP.HCM - Chơn Thành có đoạn trùng với Đường tỉnh 743

Kỳ họp lần thứ 13 HĐND Tỉnh khóa X đã bế mạc và thông qua 22 nghị quyết quan trọng, tác động đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Dương theo phương thức PPP, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình giao thông trọng điểm quốc gia, thúc đẩy kết nối liên vùng.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 45,7 km. Quy mô đường cao tốc thiết kế 100 km/h, là công trình giao thông cấp I.

Điểm đầu của Dự án tại Vành đai 3 TP.HCM thuộc địa phận TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tiếp đó đi trùng với đường ĐT. 743, ĐT. 747 tới cầu Khánh Vân. Sau đó chuyển hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại đi men suối Cái và song song với ĐH. 409. Tiếp đó cắt đường ĐT. 743A tại Cổng Xanh, rồi đi song song và giao cắt với ĐT. 741. Tuyến tiếp tục cắt đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, lên xã An Long, huyện Phú Giáo đến ranh giới tỉnh Bình Phước.

Như vậy, cao tốc này sẽ đi qua địa giới hành chính các huyện, thành phố: Thuận An, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương.

Dự án sẽ được triển khai thi công và hoàn thành trong giai đoạn năm 2023 - 2027. Sơ bộ tổng vốn đầu tư khoảng 17.400 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước đảm nhiệm chi phí giải phóng mặt bằng và hỗ trợ chi phí xây dựng khoảng 8.770 tỷ đồng. Huy động từ nhà đầu tư khoảng 8.878 tỷ đồng.

Gói thầu mua thiết bị Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc "tăng sai quy định" 299.000 USD

Thực hiện gói thầu mua sắm thiết bị tăng 299.000 USD so với phê duyệt, nhiều lãnh đạo Trường Cao đẳng Việt - Hàn bị đề nghị điều tra.

Sai phạm ở Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc được nêu trong kết luận thanh tra do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi công bố. Ảnh minh họa

Sai phạm ở Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc được nêu trong kết luận thanh tra do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi công bố. Ảnh minh họa

Theo kết luận thanh tra do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi công bố đầu tháng 12, Gói thầu Mua sắm thiết bị có giá trị gần 2,38 triệu USD (tương đương 37 tỷ đồng) thuộc Dự án Thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc.

Dự án được thực hiện từ năm 2006 đến 2018 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi làm Chủ đầu tư. Vai trò chủ đầu tư được chuyển giao cho Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc tại Quảng Ngãi từ năm 2015.

Khi có kết quả đấu thầu, Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Liên danh nhà thầu KT của Hàn Quốc. Sau 5 tháng, Trường lập hồ sơ thanh lý hợp đồng và thanh toán tổng chi phí gần 2,38 triệu USD gửi Sở Tài chính thẩm tra, trình UBND Tỉnh phê duyệt quyết toán.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước phát hiện dấu hiện bất thường nên kiến nghị thanh tra làm rõ. Sau 1 năm thanh tra, nhà chức trách tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán của gói thầu này tăng so với kết quả thẩm định giá và tính thêm chi phí đào tạo, dịch vụ sau bán hàng.

Cụ thể, giá trị Gói thầu Mua sắm thiết bị gần 2,38 triệu USD là cao hơn phê duyệt trước đó khoảng 299.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng). Con số tăng thêm này bao gồm chi phí đào tạo, dịch vụ sau bán hàng 263.710 USD và chi phí dự phòng thiết bị 35.556 USD.

Cơ quan thanh tra nhận định, quá trình thực hiện Gói thầu Mua sắm thiết bị có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, 5 người và 4 cơ quan, đơn vị bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị khởi tố vụ án và yêu cầu Thanh tra Tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu liên quan đến Công an Tỉnh để điều tra.

Xuất khẩu cà phê có thể đạt 5 tỷ USD năm 2024

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, từ nay đến tháng 4 năm sau, châu Âu gần như chỉ có thể trông vào Việt Nam để mua cà phê Robusta.

Xuất khẩu cà phê có thể đạt 5 tỷ USD năm 2024. Ảnh minh họa

Xuất khẩu cà phê có thể đạt 5 tỷ USD năm 2024. Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2023, xuất khẩu cà phê của Việt đạt 80.000 tấn, thu về 252 triệu USD, giảm 37,9% về lượng và giảm 17,5% về giá trị so với tháng 11/2022.

Tháng 10 trước đó, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam ở mức thấp kỷ lục khi chỉ đạt 43.720 tấn, giá trị khoảng 157,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê giảm mạnh 48,8% về lượng và 28% về giá trị.

Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,38 triệu tấn, giá trị 3,54 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính cả niên vụ 2023 - 2024, xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 4,5 - 5 tỷ USD nhờ giá tăng trong khi sản lượng giảm.

Ngay ở đầu niên vụ 2023/2024, giá cà phê nhân Việt Nam đã ở mức rất cao, khoảng 60.000 đồng/kg. Giá đầu vụ cao như vậy cũng là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam. Dự báo giá cà phê ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao.

BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm bồi thường cho hàng trăm nhà dân

Nhà đầu tư và các bên có liên quan sẽ chi trả bồi thường cho hơn 500 hộ dân còn lại từ nay đến ngày 25/12 để đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thiệt hại.

Nhà đầu tư Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm giải quyết thiệt hại cho người dân ở ven đường

Nhà đầu tư Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm giải quyết thiệt hại cho người dân ở ven đường

Trong quá trình thi công Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, các nhà thầu đã làm hư hỏng nhà ở, vật kiến trúc của rất nhiều hộ dân ven đường. Điều đáng nói là sau hơn 1 năm đưa vào khai thác, nhà đầu tư, nhà thầu của dự án này vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường cho người dân.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, trong quá trình thi công Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (địa bàn tỉnh Tiền Giang) đã làm bong nứt nhà ở, hư hỏng vật kiến trúc của 784 hộ dân ven đường. Tổng thiệt hại mà doanh nghiệp, nhà thầu của dự án này phải chi trả bồi thường là 5,79 tỷ đồng.

Qua nhiều lần làm việc giữa Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cơ quan bảo hiểm và các ngành chức năng, UBND tỉnh Tiền Giang, đến nay mới có 259 hộ dân bị ảnh hưởng được bồi thường.

Theo cam kết với UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư và các bên có liên quan sẽ chi trả bồi thường cho hơn 500 hộ dân còn lại từ nay đến ngày 25/12 để đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, trách nhiệm này thuộc về Công ty BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và các nhà thầu thi công. Bởi vì đã làm hư hỏng trong quá trình thi công là phải có trách nhiệm chi trả cho dân. Còn đối với UBND Tỉnh, trách nhiệm cơ quan nhà nước có thẩm quyền là theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chi trả bồi thường cho dân.

“Từ nay đến ngày 25/12, UBND Tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi việc này. Nếu doanh nghiệp không hoàn thành chi trả cho dân theo cam kết, UBND Tỉnh sẽ có giải pháp”, ông Vĩnh khẳng định.