Bản tin thời sự sáng 10/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thanh tra việc cung ứng điện của EVN từ 10/6; xuất khẩu qua thương mại điện tử đạt 3,5 tỷ USD năm ngoái; nhiều loại thép Việt sang EU chịu thêm 1 năm hạn ngạch thuế quan; mưa dông tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến hơn 140 chuyến bay bị ảnh hưởng…

Từ 10/6, thanh tra việc cung ứng điện của EVN

Bộ Công Thương lập đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương lập đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN

Bộ Công Thương lập đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN

Đoàn thanh tra bắt đầu tiến hành việc thanh, kiểm tra kể từ ngày 10/6/2023 trong thời gian 30 ngày, kể cả ngày nghỉ.

Theo đó, đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Công Thương sẽ làm việc với EVN về quản lý, cung ứng điện giai đoạn từ tháng 1/2021 đến 6/2023. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, thanh tra làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện, vận hành hệ thống điện, huy động các nguồn điện (về kỹ thuật), tính công bằng và vấn đề truyền tải điện cũng như huy động các nguồn năng lượng tái tạo.

Cùng với việc lập đoàn thanh tra, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu lập đoàn giám sát thanh tra.

"Để xảy ra tình trạng thiếu điện dù bất kỳ lý do gì cũng cần chỉ rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục, xử lý thỏa đáng, kịp thời", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận.

Từ đầu tháng 6 tới nay, người dân Hà Nội cũng như các tỉnh, thành miền Bắc thường xuyên bị mất điện.

Thủy điện - một trong hai nguồn điện chính cung ứng cho miền Bắc đang sụt giảm huy động do hạn hán, các hồ thủy điện cạn nước. Theo Bộ Công Thương, một số nhà máy thủy điện phải dừng phát điện, trong đó đến ngày 9/6, có 4 nhà máy ở miền Bắc phải dừng là Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Tuyên Quang. Đây là lý do gây thiếu hụt khoảng 5.000 MW, tương đương quy mô toàn thành phố Hà Nội bị cắt điện, tức khoảng 8 triệu người dân bị ảnh hưởng.

Bộ Công Thương cho hay, miền Bắc sẽ thiếu 30,9 - 50,8 triệu kWh/ngày. Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, các hồ thuỷ điện còn "khát" nước khi lưu lượng nước về hồ rất thấp.

Trong tháng 5, lượng điện tiêu thụ bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh/ngày, tăng hơn 20% so với tháng 4.

Xuất khẩu qua thương mại điện tử đạt 3,5 tỷ USD năm ngoái

Xuất khẩu bán lẻ qua kênh online ước đạt 3,5 tỷ USD năm 2022, tăng 7% so với 2021 và có thể tăng gần 4 lần lên 13 tỷ USD vào 2027.

Xuất khẩu bán lẻ qua kênh online có tăng lên 13 tỷ USD vào năm 2027

Xuất khẩu bán lẻ qua kênh online có tăng lên 13 tỷ USD vào năm 2027

Báo cáo mới công bố của hãng tư vấn Access Partnership (Anh) cho biết, kim ngạch xuất khẩu bán lẻ từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) qua thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD (khoảng 80.700 tỷ đồng) năm ngoái. Con số trên chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022. Access Partnership cho biết, dữ liệu được tính toán dựa trên số liệu từ cơ quan hải quan, thống kê của Việt Nam và các thông tin từ Ngân hàng Phát triển châu Á, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Ngân hàng Thế giới.

Dựa trên các xu hướng xuất khẩu gần đây và tốc độ áp dụng thương mại điện tử, đơn vị này dự báo doanh thu xuất khẩu qua thương mại điện tử ở Việt Nam có thể tăng lên 5,5 tỷ USD (124.200 tỷ đồng) vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng hàng năm 9%. Đây được gọi là kịch bản "kinh doanh theo thông lệ" (BAU-Business as Usual).

Còn trong kịch bản tốt hơn gọi là "MSME đảm trách", Access Partnership dự báo kim ngạch có thể đạt đến 13 tỷ USD (296.300 tỷ đồng) vào năm 2027. Để có thể đạt được con số này, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) phải đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ của mình so với hiện tại.

"Việt Nam đang ở vị trí ưu thế để gặt hái những lợi ích đáng kể từ tốc độ phát triển nhanh chóng của lĩnh vực thương mại điện tử", báo cáo nhận xét. Các lợi thế chủ yếu nhờ những hạn chế từ đại dịch giúp thay đổi thói quen tiêu dùng, môi trường chính sách thuận lợi cho xuất khẩu qua thương mại điện tử.

Access Partnership cho biết, 95% MSME được hỏi kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu B2C qua thương mại điện tử ít nhất 10% mỗi năm trong 5 năm tới.

Nhiều loại thép Việt sang EU chịu thêm 1 năm hạn ngạch thuế quan

Nhiều nhóm sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) phải chịu hạn ngạch thuế quan đến hết tháng 6/2024.

Việt Nam bị áp dụng hạn ngạch thuế quan chung với các nước khác theo từng quý với 8 nhóm sản phẩm thép. Ảnh minh họa

Việt Nam bị áp dụng hạn ngạch thuế quan chung với các nước khác theo từng quý với 8 nhóm sản phẩm thép. Ảnh minh họa

Ủy ban Tự vệ thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, EU đã gia hạn biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu theo hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ) với một số sản phẩm thêm 1 năm (hiệu lực từ 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024). TRQ là biện pháp mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hoá nhập khẩu hoặc hàng xuất khẩu được hưởng mức thuế suất ưu đãi hơn mức thuế suất ngoài hạn ngạch.

Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, ngành sản xuất nội địa sẽ tiếp tục bị thiệt hại nghiêm trọng nếu không gia hạn biện pháp. Các nhà sản xuất thép trong khối vẫn đang điều chỉnh để thích nghi với sự gia tăng nhập khẩu thép. Vì vậy, việc gia hạn các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu là cần thiết.

EC duy trì kết hợp phân bổ hạn ngạch riêng theo từng nước và hạn ngạch chung cho các nước còn lại. Thuế ngoài hạn ngạch là 25%. Lượng hạn ngạch không chịu thuế tiếp tục tăng 4% so với giai đoạn 1/7/2021 - 30/6/2023.

Việt Nam bị áp dụng TRQ chung với các nước khác theo từng quý với 8 nhóm sản phẩm bao gồm: tấm thép cán nóng, tấm thép kỹ thuật điện, tấm thép mạ, tấm thép mạ phủ hữu cơ, tấm thép cán nguội không gỉ, các loại ống thép lớn, các loại ống thép khác.

Với các nhóm sản phẩm thép khác, Việt Nam được loại trừ theo tiêu chí nước đang phát triển có thị phần nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%).

Trường hợp thị phần nhập khẩu một nhóm sản phẩm thép khác từ Việt Nam vào EU vượt quá 3%, nhóm này sẽ bị đưa vào danh sách áp dụng TRQ trong các lần rà soát hành chính hàng năm. Ngoài ra, Việt Nam cũng không được áp dụng hạn ngạch riêng với nhóm nào.

Mưa dông tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến hơn 140 chuyến bay bị ảnh hưởng

Trong các ngày 4 và 5/6, thời tiết xấu tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến 140 chuyến bay bị ảnh hưởng, một số chuyến bay phải chuyển hướng đi sân bay dự bị và 1 chuyến quay lại sân bay khởi hành.

Sản phẩm Radar CMAX thể hiện độ phản hồi cực đại của khối mây CB (vũ tích) tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

Sản phẩm Radar CMAX thể hiện độ phản hồi cực đại của khối mây CB (vũ tích) tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

Ngày 9/6, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, trong hai ngày 4 và 5/6 vừa qua, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã xảy ra mưa kèm dông, gió giật mạnh, tầm nhìn ngang giảm xuống còn 1.200 m.

Theo ghi nhận của Trung tâm Khí tượng hàng không Tân Sơn Nhất, đã có rất nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng do thời tiết xấu.

Cụ thể trong ngày 4/6, có 89 chuyến bay chờ, 4 chuyến bay phải chuyển hướng đi sân bay dự bị và 1 chuyến quay lại sân bay khởi hành; trong ngày 5/6, có 46 chuyến bay chờ.

Theo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, từ giữa tháng 5, khu vực Nam Bộ bắt đầu bước vào mùa mưa. Đến tháng 6, gió mùa Tây Nam hoạt động tích cực, mưa gia tăng đều hơn trên khu vực khiến tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết bất lợi đối với hoạt động bay càng nhiều và khó lường hơn, kéo theo đó là ảnh hưởng đến khả năng điều hành không lưu, đặc biệt khó khăn hơn đối với sân bay có mật độ bay cao như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ 2 dự án hạ tầng hơn 92.800 tỷ đồng

Tiến độ xây dựng các khu tái định cư phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 còn chậm, với Dự án Vành đai 3 TP.HCM đã ra thông báo thu hồi đất.

Thiết kế đường Vành đai 3 TP.HCM

Thiết kế đường Vành đai 3 TP.HCM

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo địa phương vừa chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn Tỉnh.

Sở Giao thông vận tải Đồng Nai báo cáo, cả 2 dự án đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục liên quan để đảm bảo khởi công đúng tiến độ. Đối với công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 TP.HCM, UBND huyện Nhơn Trạch đã ban hành thông báo thu hồi đất Dự án.

Với Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, UBND Tỉnh đã có quyết định về việc phê duyệt Tiểu dự án thành phần 1. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các khu tái định cư phục vụ Dự án đang bị chậm, đặc biệt là 2 khu tái định cư trên địa bàn TP. Biên Hòa.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu huyện Nhơn Trạch tiếp tục triển khai nhanh công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Khu vực tổ chức lễ khởi công Dự án phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 15/6.

Đối với Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, hai địa phương là TP. Biên Hòa và huyện Long Thành đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng các khu tái định cư. Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Tỉnh hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công Dự án.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM dự kiến được khởi công vào ngày 18/6 với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng.

Còn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có kế hoạch khởi công vào ngày 30/6, đi qua Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng chiều dài hơn 53 km, tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.

Sẽ sắp xếp lại 13 cơ sở kiểm định thuộc Cục Đăng kiểm

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết sẽ sắp xếp lại 13 trung tâm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm với mục đích tách bạch chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Hiện có 13 trung tâm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh minh họa

Hiện có 13 trung tâm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng đề nghị ban hành quyết định về danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GTVT.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết, đã chuyển giao 2/15 trung tâm đăng kiểm cho doanh nghiệp quản lý. Hiện nay, Bộ GTVT còn 13 trung tâm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, đây là các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Trên cơ sở kết quả rà soát của Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo Thủ tướng tiếp tục duy trì 13 trung tâm này theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập.

Hiện nay, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm đánh giá tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong thời gian qua của các trung tâm, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp, đặc biệt là việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực. Mục đích là tách bạch chức năng quản lý nhà nước (do các phòng tham mưu thực hiện) với việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm.

Bộ GTVT cho hay, thời gian tới sẽ nghiên cứu để sắp xếp lại các trung tâm đăng kiểm cho phù hợp.

Triệt phá đường dây làm giả giấy tờ, tem đăng kiểm "khủng" ở TP.HCM

Ngày 9/6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an quận Bình Thạnh cùng các đơn vị nghiệp vụ triệt phá thành công đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả quy mô lớn trên địa bàn.

Tang vật công an thu giữ được trong vụ án

Tang vật công an thu giữ được trong vụ án

Theo đó, qua công tác nắm địa bàn, Công an TP.HCM phát hiện đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Sau thời gian điều tra, thu thập chứng cứ, Ban Chuyên án đã quyết định thực hiện kế hoạch phá án. Chiều 29/5, trước cổng một chung cư trên đường Đỗ Xuân Hợp (phường Phước Long B, TP. Thủ Đức), Ban Chuyên án bắt giữ đối tượng Lương Triều Vỹ.

Thời điểm bắt giữ, lực lượng chức năng thu giữ 1 thùng tài liệu giả. Cùng lúc này, tại đường Bùi Hữu Nghĩa (Phường 2, quận Bình Thạnh), lực lượng trinh sát bắt giữ Nguyễn Văn Hưng và thu giữ thêm 1 thùng tài liệu giả.

Mở rộng vụ án, Ban Chuyên án bắt giữ thêm 10 đối tượng liên quan. Trong đó có 4 đối tượng ở TP.HCM gồm Trần Tiến Thành, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lưu Trường Giang, Trần Tiến Đạt. 6 đối tượng còn lại là Nguyễn Minh Hải, Bùi Phạm Yến Nhi, Bùi Thị Ngọc Hiếu, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Quyết, Ngô Văn Tùng.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của các đối tượng, công an thu giữ hàng trăm giấy tờ giả gồm chứng minh nhân dân, bằng cấp các loại, chứng chỉ đào tạo, hành nghề, giấy phép lái xe mô tô, ô tô, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định phương tiện giao thông đường bộ…

Ngoài ra lực lượng chức năng cũng thu giữ hàng chục con dấu các loại, máy ép nhựa, máy vi tính, bàn cắt giấy, máy in và nhiều tài liệu, tang vật khác có liên quan.

Theo cảnh sát, đây là đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn do Trần Tiến Thành cầm đầu. Qua mạng xã hội, các nghi phạm đăng quảng cáo nhận làm giả các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng kiểm, sổ tiết kiệm ngân hàng...

Trung bình mỗi ngày, nhóm của Thành làm giả khoảng 20 tài liệu các loại, bán với giá trung bình 220.000 - 250.000 đồng/tài liệu. Tính đến thời điểm bị phát hiện, Thành đã làm được khoảng 6 tháng, mỗi tháng làm khoảng 600 tài liệu giả các loại, thu lợi bất chính khoảng 900 triệu đồng.

Tìm thấy đồng hồ Patek Philippe 300 triệu đồng bị mất ở sân bay Phú Quốc

Ngày 9/6, Công an tỉnh Kiên Giang xác nhận, cơ quan chức năng đã tìm thấy chiếc đồng hồ Patek Philippe trị giá gần 300 triệu đồng mà khách báo mất ở sân bay Phú Quốc cuối năm 2022.

Sân bay Phú Quốc

Sân bay Phú Quốc

Công an Kiên Giang đang làm các thủ tục thông báo cho bị hại vì người mất đồng hồ đang ở nước ngoài. Hiện nhà chức trách chưa thông tin chính thức nguyên nhân chiếc đồng hồ bị mất và nơi tìm thấy.

Ngày 25/12/2022, gia đình chị M.T.T rời Phú Quốc để về TP.HCM. Sau khi làm thủ tục, chị cùng chồng đến khu vực kiểm soát an ninh để vào khu vực chờ. Tại đây, chị để chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe vào túi xách, sau đó đặt vào khay và đưa qua máy soi chiếu.

Hành khách đi qua cửa soi chiếu an ninh nhưng khi tới đầu bên kia, người này phát hiện chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe của mình đã không còn trong túi, kiểm tra các khay xung quanh cũng không có.

Sự việc sau đó được chị T. trình báo với công an sở tại. Đến chiều 30/12/2022, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đã trích xuất camera, gửi 4 đoạn clip, 3 tấm ảnh liên quan cho công an.