Bản tin thời sự sáng 10/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là yêu cầu bảo hiểm bồi thường thiệt hại do bão Yagi chậm nhất 12/9; kiểm toán lưu ý Quốc Cường Gia Lai về khả năng thu hồi dự án Phước Kiển; cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu dừng hoạt động từ 14h ngày 9/9; hàng trăm nghìn dân ở Lào Cai, Cao Bằng bị mất điện do mưa lũ…

Yêu cầu bảo hiểm bồi thường thiệt hại do bão Yagi chậm nhất 12/9

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm nhất là ngày 12/9.

Cơ quan quản lý đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng ngay, bồi thường thiệt hại do bão số 3 gây ra

Cơ quan quản lý đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng ngay, bồi thường thiệt hại do bão số 3 gây ra

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do bão Yagi (bão số 3) gây ra.

Công văn của Cục nêu rõ, bão Yagi đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc. Do đó, Cục đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

"Thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật", Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhấn mạnh.

Đồng thời, cơ quan quản lý cũng đề nghị, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu, các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm nhất là ngày 12/9.

Được biết, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hiện đã chủ động cử cán bộ, nhân viên tới các địa bàn trọng điểm mà bão Yagi đi qua để xác định thiệt hại về người và tài sản của khách hàng tham gia bảo hiểm.

Nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để hỗ trợ nhân đạo, tiến hành xác định thiệt hại để tạm ứng và bồi thường cho các khách hành bị thiệt hại do bão Yagi để lại.

Kiểm toán lưu ý Quốc Cường Gia Lai về khả năng thu hồi dự án Phước Kiển

Công ty kiểm toán nêu ý kiến về số tiền gần 2.883 tỷ đồng mà Quốc Cường Gia Lai phải trả cho bà Trương Mỹ Lan để thu hồi dự án Phước Kiển.

Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư

Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư

Trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã soát xét, Công ty Kiểm toán DFK Việt Nam nêu ý kiến về khả năng thu hồi dự án Bắc Phước Kiển (Nhà Bè, TP.HCM) của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG). Cụ thể, theo bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP.HCM, doanh nghiệp này phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận từ Công ty CP Đầu tư Sunny Island (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là 2.882,8 tỷ đồng để thi hành nghĩa vụ cho bà Trương Mỹ Lan. Nếu hoàn trả đủ, QCG sẽ nhận lại toàn bộ các bất động sản cùng giấy tờ liên quan.

Kiểm toán viên lưu ý về vấn đề này khi nguồn lực tài chính của doanh nghiệp chưa đủ bao quát khoản phải hoàn trả. Theo báo cáo soát xét, tính đến cuối tháng 6, Công ty chỉ còn khoảng 27,6 tỷ đồng tiền mặt. Tổng khoản người mua trả tiền trước - khoản thanh toán của khách hàng theo tiến độ dự án và sẽ được ghi nhận thành doanh thu trong tương lai - cũng chỉ đạt hơn 190,6 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty có gần 4.886 tỷ đồng nợ phải trả, riêng vay nợ tài chính là hơn 434 tỷ đồng.

Phản hồi về lưu ý của kiểm toán viên, QCG cho biết đã có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án Nhân dân TP.HCM chấp thuận cho Công ty chỉ hoàn trả số tiền 1.441,1 tỷ đồng, tức giảm bớt một nửa. Số tiền được đề nghị dựa trên tinh thần Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tuyên trước đó.

Bắc Phước Kiển là siêu dự án từng được bà Nguyễn Thị Như Loan, người đứng đầu QCG giai đoạn 2011 - 2016, kỳ vọng mang lại doanh thu trên 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 7.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, song hiện vẫn dở dang. Dự án Phước Kiển là nguồn cơn khiến Công ty phải gánh nợ trong hơn một thập kỷ qua, đến nay vẫn còn bị đình trệ vì liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan.

Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu dừng hoạt động từ 14h ngày 9/9

Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành tạm dừng hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa từ 14h ngày 9/9 do tình hình mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao.

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai lúc 17h, ngày 9/9

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai lúc 17h, ngày 9/9

Theo lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai, việc tạm thời đóng cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu theo đề nghị của phía Hà Khẩu - Trung Quốc, do ảnh hưởng của mưa lớn, mực nước sông Hồng, Nậm Thi dâng cao.

Lực lượng quản lý biên giới phía Việt Nam và Trung Quốc sau đó đã thống nhất tạm dừng cho đến khi có thông báo mới. Theo đó, từ 14h ngày 9/9, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã dừng hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Khi tình hình mưa lũ giảm, hai bên sẽ nghiên cứu đánh giá và thống nhất thời gian khôi phục hoạt động trở lại.

Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai khuyến cáo, cá nhân, tổ chức có hoạt động xuất - nhập cảnh, xuất, nhập - khẩu nắm thông tin, có kế hoạch vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phù hợp.

Trước khi tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu, sáng 9/9 có gần 150 xe hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện, còn tồn khoảng hơn 40 xe hàng tại Cửa khẩu Kim Thành.

Hàng trăm nghìn dân ở Lào Cai, Cao Bằng bị mất điện do mưa lũ

Ngành điện chủ động cắt điện một số khu vực tại Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn khi nước lũ dâng cao do hoàn lưu sau bão Yagi, khiến hàng trăm nghìn dân bị mất điện.

Một trạm biến áp trên địa bàn huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn ngập sâu trong nước, ngày 9/9

Một trạm biến áp trên địa bàn huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn ngập sâu trong nước, ngày 9/9

Sáng 9/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão Yagi, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc có mưa to, ngập lụt nghiêm trọng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, một số công ty điện lực phải chủ động ngừng cung cấp điện để ngăn ngừa sự cố và đảm bảo an toàn.

Tại Lào Cai, đến 10h, công ty điện lực đã cắt trên 600 trạm biến áp hạ thế, tương ứng hơn 100.000 khách hàng bị mất điện. Hiện, điện lực Lào Cai huy động tối đa nhân lực ứng trực để khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra.

Khoảng 13.650 khách hàng ở Cao Bằng bị mất điện. Trong đó, huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc bị cô lập bởi lũ, mất tín hiệu sóng điện thoại. Nguồn điện cho các trạm bơm tiêu úng tại tỉnh này vẫn được duy trì.

Tại Bắc Kạn, nhiều cột điện hạ thế bị sạt lở, gẫy, đổ. Điện lực huyện Ba Bể buộc ngừng cấp điện 18 trạm biến áp, khiến 2.540 khách hàng bị ảnh hưởng.

Trước đó, do ảnh hưởng của bão Yagi, hệ thống điện tại nhiều địa phương bị tê liệt diện rộng do 10 sự cố đường dây 500 kV, 35 đường dây 220 kV, 9 trạm biến áp 220 - 500 kV và 97 đường dây 110 kV do các điện lực địa phương đảm trách vận hành. Hiện các sự cố này đã được khắc phục. Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), hơn 5,7 triệu khách hàng bị cắt điện do bão.

Hai ngày sau bão, khoảng 4,2 triệu khách hàng (tương đương gần 74%) đã được cấp điện trở lại. Hiện hơn 110.000 khách hàng ở Quảng Ninh có điện trở lại, tương đương 24%. Điện lực Quảng Ninh cho biết sẽ cấp điện trở lại cho các khách hàng ưu tiên ở thành phố Hạ Long. Các khu vực còn lại, do nhiều cột điện bị gãy đổ, dự kiến được khôi phục trong vài ngày tới.

Tại Hà Nội, 290.000 khách hàng bị ảnh hưởng do bão Yagi, hầu hết ở khu vực các huyện ngoại thành. Đến nay, gần như toàn bộ các khách hàng được cấp điện trở lại.

Tương tự, Thanh Hóa đã khắc phục xong, cấp điện lại cho toàn bộ người dân. Trước đó, có 18 đường dây trung áp bị sự cố, 10 cột hạ áp bị gãy đổ và 5 cột bị nghiêng do bão... khiến 68.000 khách hàng bị ảnh hưởng.

Việt Nam chi hơn tỷ USD mua lúa mì

7 tháng, Việt Nam chi hơn 1 tỷ USD nhập 3,64 triệu tấn lúa mì, tăng 18,3% về lượng nhưng giảm 6,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá bình quân hạ.

7 tháng, Việt Nam chi hơn 1 tỷ USD nhập 3,64 triệu tấn lúa mì

7 tháng, Việt Nam chi hơn 1 tỷ USD nhập 3,64 triệu tấn lúa mì

Theo số liệu vừa được hải quan công bố, Brazil, Australia, Ukraine, Mỹ và Canada là những nguồn cung lúa mì chính cho Việt Nam. Trong đó, Brazil dẫn đầu với 1,17 triệu tấn, trị giá hơn 293 triệu USD, tăng gần 349% về lượng và hơn 205% về giá trị so với năm ngoái.

Lúa mì nhập từ Ukraine cũng tăng mạnh, với 612.800 tấn trị giá khoảng 159 triệu USD, tăng hơn 2.411% về lượng và gần 1.862% về giá trị. Thị phần của lúa mì Ukraine trong tổng kim ngạch nhập khẩu đã nhảy vọt từ 0,8% lên 16,7%, vượt Mỹ và Canada, trở thành nguồn cung lớn thứ ba của Việt Nam.

Ngược xu hướng trên, lượng lúa mì nhập từ Australia giảm mạnh 65,3% về lượng và 69,1% về giá trị, với tổng chi là 227,5 triệu USD.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi, lúa mì chủ yếu được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp. Việt Nam không sản xuất lúa mì, vì vậy nguồn cung phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Giá lúa mì nhập khẩu năm nay lao dốc, giảm gần 22% so với năm ngoái, khiến các doanh nghiệp tận dụng cơ hội giá rẻ, đặc biệt từ Ukraine, để gia tăng lượng nhập khẩu.

Thị trường lúa mì toàn cầu rất lớn, với sản lượng khoảng 770 triệu tấn mỗi năm và giá trị vượt 200 tỷ USD. Các quốc gia xuất khẩu chính bao gồm Nga, Mỹ, Canada và Ukraine. Việt Nam, với khối lượng nhập khẩu này, đứng trong top 10 quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.

Năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 5,5 triệu tấn lúa mì, với tổng giá trị khoảng 1,9 tỷ USD. Năm này chứng kiến sự gia tăng nhu cầu lúa mì trong nước, đặc biệt ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm.

Hoãn tổ chức hội chọi trâu Đồ Sơn

Do bão Yagi gây thiệt hại lớn, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2024 sẽ diễn ra muộn hơn 10 ngày, thay vì ngày 9/8 Âm lịch (11/9) như hàng năm.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2023 sẽ diễn ra muộn hơn 10 ngày

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2023 sẽ diễn ra muộn hơn 10 ngày

Thông tin được Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đưa ra ngày 9/9. Nguyên nhân là khi bão Yagi đổ bộ vào Hải Phòng trong ngày 7 - 8/9, sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn, nơi diễn ra các trận chọi trâu bị hư hỏng nặng, hàng loạt cơ sở kinh doanh bị thiệt hại (ước tính 200 tỷ đồng), hệ thống điện nước chưa đảm bảo.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng bão Yagi, nhiều nhà dân, công trình công cộng ở Hải Phòng cũng bị hư hỏng, hàng loạt cây xanh gãy đổ... Chính quyền cùng người dân địa phương này đang tập trung khắc phục.

Lễ hội chọi Đồ Sơn có từ lâu đời và được quận Đồ Sơn khôi phục từ năm 1990. Năm 2012, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn gồm phần Lễ với những lễ nghi trang trọng, thấm đẫm văn hóa tâm linh của người Đồ Sơn và phần Hội với những pha đấu gay cấn, quyết liệt; những miếng đánh đẹp, dũng mãnh của trâu chọi.

Giả fanpage Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh kêu gọi chuyển khoản

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh bị làm giả fanpage nhằm kêu gọi chuyển tiền từ thiện, sau khi bão Yagi đổ bộ.

Fanpage mạo danh Hội chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh

Fanpage mạo danh Hội chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh

Chiều 9/9, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Quảng Ninh phát cảnh báo về một fanpage trên mạng xã hội facebook mạo danh Hội Chữ thập đỏ Tỉnh vừa mới được lập, hiện có 128 người theo dõi.

Fanpage này đăng nhiều hình ảnh, clip, thông báo của Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh và kêu gọi ủng hộ tiền từ thiện về số tài khoản tên Nguyễn Anh Tuấn tại Ngân hàng Vietcombank.

Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Quảng Ninh khẳng định, đây là thông tin giả mạo và đang làm rõ để xử lý.

Tại Quảng Ninh, bão Yagi đã khiến 20.000 nhà bị tốc mái, 21 phương tiện thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; trên 2.400 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; gần 1.300 lúa, hoa màu, trên 17.000 ha rừng trồng bị ảnh hưởng. Trên 1.400 cột điện bị gãy đổ gây mất điện diện rộng kéo theo mất nước. Mạng lưới viễn thông gần như bị tê liệt đến nay chưa khắc phục xong...

Do mưa lớn ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, từ tối ngày 7/9 một số địa phương có mưa lớn, gây lũ cục bộ như Tiên Yên, Uông Bí, Ba Chẽ khiến.

Để khắc phục hậu quả, toàn Tỉnh đã huy động gần 6.000 người từ các đơn vị quân đội, công an đứng chân trên địa bàn; huy động 53 ôtô, 38 tàu, 35 xuồng tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa chữa các công trình bị hư hỏng.

Tin cùng chuyên mục