Bản tin thời sự sáng 1/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là công bố Nghị quyết lập thành phố Thủ Đức; khai trương 8 tuyến phố đi bộ ở Hà Nội; chính thức đưa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài vào khai thác; phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt…

Công bố Nghị quyết lập thành phố Thủ Đức

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc việc thành lập TP. Thủ Đức cho lãnh đạo TP.HCM, sáng ngày 31/12.

TP.Thủ Đức thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 Quận 2, 9 và Thủ Đức

TP.Thủ Đức thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 Quận 2, 9 và Thủ Đức

Đây là lần đầu tiên thành lập "thành phố trong thành phố" trực thuộc Trung ương. TP. Thủ Đức sau thành lập có rộng khoảng hơn 211 km2, hơn một triệu người trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số ba Quận 2, 9 và Thủ Đức. Thành phố giáp Quận: 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh; tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, sau 60 ngày, cơ quan, tổ chức ở thành phố mới phải hoàn thành việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy, đảm bảo ổn định, không làm ảnh hưởng cuộc sống người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo kế hoạch của UBND Thành phố, trước ngày 18/1, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy sắp xếp, thành lập bộ máy của 3 quận để thành lập bộ máy chính quyền TP.Thủ Đức. Thành ủy TP.HCM sẽ chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư Thành ủy và Thành ủy viên của TP. Thủ Đức.

Trước ngày 19/2, HĐND TP.Thủ Đức bầu Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐND; Trưởng, Phó các ban thuộc HĐND; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND và các ủy viên UBND. Trước 25/2, các quận 2, 9 và Thủ Đức bàn giao bộ máy, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính, các dự án đầu tư cho TP.Thủ Đức quản lý.

Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho phép sáp nhập 19 phường thuộc Quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận. Như vậy, từ ngày 1/1/2021, TP HCM có 16 quận, 5 huyện và một thành phố; 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn.

Khai trương 8 tuyến phố đi bộ ở Hà Nội

Quận Hoàn Kiếm khai trương không gian đi bộ phía nam khu phố cổ kết nối phía bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm, tối 31/12.

Lễ khai trương 8 tuyến phố đi bộ diễn ra tối 31/12 tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm)

Lễ khai trương 8 tuyến phố đi bộ diễn ra tối 31/12 tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm)

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết Quận đang duy trì hoạt động ba khu vực không gian đi bộ. Đó là tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy kết hợp với chợ đêm Đồng Xuân mở ra từ năm 2004.

10 năm sau, không gian đi bộ trong khu vực bảo tồn cấp I - khu phố cổ Hà Nội, gồm Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, được triển khai. Tháng 9/2016, Quận triển khai không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận với 16 phố.

Các phố đi bộ được khai trương lần này gồm Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu - Thanh Hà), ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên, ngõ Phất Lộc.

Thời gian hoạt động phố đi bộ vào 3 tối cuối tuần (Thứ Sáu, Thứ Bảy, Chủ Nhật), từ 19 - 24h vào mùa hè và từ 18 - 24h vào mùa đông.

Chính thức đưa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài vào khai thác

7h sáng 1/1/2021, đường băng 1B sân bay Nội Bài đã chính thức được đưa vào khai thác.

Chuyến bay VN159 từ Hà Nội đi Đà Nẵng là chuyến bay đầu tiên cất cánh trên đường băng 1B. Ảnh minh hoạ

Chuyến bay VN159 từ Hà Nội đi Đà Nẵng là chuyến bay đầu tiên cất cánh trên đường băng 1B. Ảnh minh hoạ

8h sáng ngày 1/1, chuyến bay VN159 từ Hà Nội đi Đà Nẵng là chuyến bay đầu tiên cất cánh trên đường băng 1B sau thời gian đường băng này phải tạm đóng cửa để sửa chữa, nâng cấp.

Theo ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Quản lý dự án Nội Bài (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, dự án sửa chữa, nâng cấp khu bay Nội Bài phức tạp hơn Tân Sơn Nhất khá nhiều do phải sửa cả hai đường 1A và 1B.

Theo đó, đường băng 1B xuống cấp nặng hơn nên làm trước. Đáng lưu ý, đường băng này nằm phía nhà ga, sân đỗ, máy bay phải lăn qua để đến đường 1A cất cánh. Quá trình thi công, đường băng 1B phải đóng từng phần và vừa bám sát tiến độ, vừa đảm bảo khai thác an toàn.

Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh 1A và 1B; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các đường lăn nối; xây dựng các công trình phục vụ bay, đèn tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ tại Nội Bài có tổng mức đầu tư khoảng 2.032 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2020 (gồm 3.000m đường cất/hạ cánh 1B và các đường lăn nối, hệ thống thoát nước đồng bộ...) đảm bảo khai thác được máy bay Code E.

Giai đoạn 2 hoàn thành các hạng mục còn lại của đường cất/hạ cánh 1B và hoàn thiện đường cất/hạ cánh 1A, các đường lăn nối và toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2021.

Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt

Doanh nghiệp liên danh có sự góp mặt của CIENCO4 đã trúng thầu dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.

Trước đó, CIENCO4 cũng trúng 3 gói thầu xây lắp quy mô lớn tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Trước đó, CIENCO4 cũng trúng 3 gói thầu xây lắp quy mô lớn tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Bộ GTVT vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Đơn vị trúng thầu Dự án đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt là Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công tỵ TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2.

Dự án đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có điểm đầu tại Km430 + 00 (trùng với điểm cuối Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu), thuộc địa phận xã Diễn Cát (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Điểm cuối tại Km479 + 300, thuộc địa phận xã Đức Thịnh (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) được thực hiện với hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao)

Giai đoạn hoàn chỉnh quy mô gồm 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 17m...

Thời gian thực hiện của Dự án là 3 năm. Thời gian thu phí và vận hành khai thác dự kiến là hơn 16 năm.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 11.700 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư là hơn 11.157 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư là hơn 5.090 tỷ đồng. Phần nhà nước tham gia trong Dự án khoảng hơn 6.067 tỷ đồng.

Hà Nội: Một số tuyến đường gần Sân vận động Mỹ Đình bị tạm cấm

Để phục vụ diễn tập của Bộ Công an, một số tuyến đường gần Sân vận động Mỹ Đình sẽ bị tạm cấm.

Một buổi diễn tập của lực lượng công an

Một buổi diễn tập của lực lượng công an

Trong các ngày 3/1, 4/1, 6/1, 8/1 và 10/1/2021, tại khu vực trước khán đài B - Sân vân động Quốc gia Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Bộ Công an tổ chức Lễ xuất quân và diễn tập phương án bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong thời gian này, Công an TP. Hà Nội sẽ phân luồng giao thông và tổ chức hướng đi cho các loại phương tiện. Cụ thể, từ 06h00’ đến 12h30’ ngày 3/1/2021; từ 12h30’ đến 17h00’ ngày 4/1/2021 và từ 06h00’ đến 12h30’ các ngày 6/1, 8/1, 10/1/2021, tạm cấm các phương tiện di chuyển trên tuyến đường Lê Đức Thọ (đoạn từ Lê Đức Thọ - Lê Quang Đạo đến Lê Đức Thọ - Nguyễn Hoàng), Lê Quang Đạo (đoạn từ Lê Đức Thọ - Lê Quang Đạo đến Mễ Trì - Lê Quang Đạo).

Trong thời gian diễn ra Lễ xuất quân và diễn tập Phương án, công an sẽ phân luồng và tổ chức hướng đi cho các phương tiện tham gia giao thông từ Quốc lộ 32 đi Đại lộ Thăng Long và ngược lại.

Cụ thể, các phương tiện di chuyển theo hướng Hồ Tùng Mậu - Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long hoặc Phạm Hùng - rẽ phải Mễ Trì - rẽ trái Lê Quang Đạo - Đại lộ Thăng Long hoặc Mễ Trì - Châu Văn Liêm - Đại lộ Thăng Long và theo chiều ngược lại.

Các phương tiện có thẻ di chuyển theo hướng Quốc lộ 32 - Xuân Phương - Tỉnh lộ 70 - Đại lộ Thăng Long và theo chiều ngược lại hoặc theo hướng Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ - Nguyễn Hoàng - Phạm Hùng - Mễ Trì - Châu Văn Liêm - Đại lộ Thăng Long và theo chiều ngược lại.

Khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại PV Combank Đồng Nai

Công an Đồng Nai đã khởi tố vụ án chiếm đoạt tài sản xảy ra tại PV Combank Đồng Nai. Số tiền nạn nhân tố cáo bị chiếm đoạt trên 70 tỷ đồng.

Khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại PV Combank Đồng Nai. Ảnh minh họa

Khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại PV Combank Đồng Nai. Ảnh minh họa

Ngày 31/12, theo Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PV Combank).

Theo kết quả điều tra ban đầu, cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã làm rõ tố giác tội phạm của bà Lê Thị Xuân Bích và ông Trần Bá Thắng (cùng ngụ tại ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai).

Bà Bích và ông Thắng tố cáo bà N.T.B.V- Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng, bà T.D.H, Kiểm soát viên của PV Combank – Chi nhánh Đồng Nai, bà N.T.T.T – Giám đốc Công ty CP Đầu tư XNK H.K và ông T.T.N là khách hàng của PV Combank Đồng Nai, có hành vi chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 70 tỷ đồng.

Sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án.

Tin cùng chuyên mục