Bản tin thời sự sáng 11/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhập khẩu ô tô về Việt Nam tăng hơn 200% trong tháng 1/2023; từ đêm 10/2 kết nối mạng được khôi phục; doanh nghiệp cần hàng chục nghìn lao động phổ thông; ngành thuế đã nắm thông tin 53.000 người bán trên sàn thương mại điện tử …

Nhập khẩu ô tô về Việt Nam tăng hơn 200% trong tháng 1/2023

Theo số liệu Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa công bố, trong tháng 1/2023, cả nước nhập khẩu 14.457 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 314,5 triệu USD.

Nhập khẩu ô tô về Việt Nam đạt 14.457 chiếc trong tháng 1/2023. Ảnh minh hoạ

Nhập khẩu ô tô về Việt Nam đạt 14.457 chiếc trong tháng 1/2023. Ảnh minh hoạ

Cơ quan hải quan cho biết, con số nhập khẩu ô tô nêu trên tăng 218,9% về lượng và tăng 148,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, số lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam trong tháng đầu tiên năm 2023 là 6.693 xe, kim ngạch đạt 125,47 triệu USD. Con số nhập khẩu từ thị trường Indonesia là 6.179 xe, kim ngạch đạt 89,7 triệu USD. Lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc là 328 xe, với kim ngạch 11,26 triệu USD.

Cũng trong tháng 1, Việt Nam nhập khẩu xe nguyên chiếc từ thị trường Mỹ đạt 432 xe, với kim ngạch 28,4 triệu USD.

Kết thúc năm 2022, tiêu thụ ô tô tại Việt Nam đạt mức kỷ lục với hơn 508.547 xe. Trước đó, khi thị trường sôi động nhất, con số bán ra chỉ đạt hơn 400.000 xe vào năm 2020, còn lại đều ở mức 300.000 xe/năm.

Năm 2022 cũng là năm có lượng ô tô nhập khẩu nhiều nhất từ trước đến nay với 173.467 chiếc, vượt 8,5% kết quả của năm 2021 (gần 160.000 xe). Với số xe này, năm 2022, người Việt đã chi 3,84 tỷ USD để nhập khẩu ô tô, tăng 5,1% về giá trị so với năm 2021.

Từ đêm 10/2 kết nối mạng được khôi phục

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, các doanh nghiệp viễn thông cam kết cải thiện tốc độ truy cập Internet từ tối 10/2, sau khi áp dụng phương pháp ứng cứu dung lượng bằng cáp trên đất liền.

4 trong số 5 tuyến cáp quang biển mà các nhà mạng Việt Nam đang khai thác gặp sự cố, làm ảnh hưởng đến việc truy cập Internet của người dùng

4 trong số 5 tuyến cáp quang biển mà các nhà mạng Việt Nam đang khai thác gặp sự cố, làm ảnh hưởng đến việc truy cập Internet của người dùng

Hơn 72 triệu người dùng Internet Việt Nam chia sẻ 5 tuyến cáp quang biển: SMW3, AAE-1, AAG, APG và IA. Số tuyến cáp vốn đã ít so với các nước trong khu vực, nay còn ít hơn nữa vì từ đầu tháng 12/2022 đến cuối tháng 1, lần lượt các tuyến AAE-1, AAG, APG và IA gặp sự cố.

Cục Viễn thông thuộc Bộ TT&TT cho biết, 2 tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, 2 tuyến IA và AAE-1 còn một phần đang hoạt động. Tuyến SMW3 hoạt động bình thường.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đều bị ảnh hưởng, ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng, đặc biệt là những nhu cầu truy cập đặc biệt cần băng thông lớn đi nước ngoài.

Cũng theo ông Thắng, tổng dung lượng trên các tuyến cáp trước đây là 18,7 Tbps, trong đó khai thác 60% và dự phòng 40%. Sau loạt sự cố, dung lượng này bị mất 75%.

Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông mở thêm hướng kết nối trên đất liền và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo kết nối đi quốc tế. Cụ thể, nhà mạng phải đảm bảo dung lượng sử dụng thực tế của khách hàng vào giờ cao điểm sẽ luôn ở mức không quá 90% dung lượng quốc tế mà nhà mạng có thể đáp ứng để không bị nghẽn.

Bắt đầu từ tối 10/2, các doanh nghiệp viễn thông cam kết với Bộ TT&TT sẽ đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế không bị nghẽn, thông qua các giải pháp ứng cứu lẫn nhau trong thời gian tiếp tục đàm phán với các đối tác quốc tế để mở dung lượng cáp đất liền.

Đây là lần đầu tiên tất cả doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam đối mặt với việc ứng cứu quy mô lớn khi nhiều cáp quang biển gặp sự cố.

Doanh nghiệp cần hàng chục nghìn lao động phổ thông

Doanh nghiệp của 10 tỉnh, thành phía Bắc cần tuyển 54.100 lao động phổ thông, chiếm 97% tổng chỉ tiêu tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm.

Nhiều đơn vị tuyển dụng phỏng vấn online với ứng viên ở ngoại thành hoặc tỉnh khác

Nhiều đơn vị tuyển dụng phỏng vấn online với ứng viên ở ngoại thành hoặc tỉnh khác

Phiên giao dịch việc làm kết nối 10 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng. Ngành nghề tuyển chủ yếu là điện tử, may mặc, cơ khí. Riêng lao động phổ thông là 54.100 chỉ tiêu, chiếm gần 97% tổng nhu cầu; cao đẳng, đại học khoảng 2% và 1% còn lại là công nhân kỹ thuật và trung cấp.

Bắc Giang dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng với 44.800 vị trí việc làm. Tại sàn giao dịch việc làm Bắc Giang, gần 500 lao động đến ứng tuyển, chủ yếu là công nhân phổ thông với thu nhập dự kiến 9 - 15 triệu đồng, gồm lương cứng và tăng ca. Với những vị trí có mức lương cao hơn đòi hỏi trình độ như biết ngoại ngữ, ứng viên hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu.

Năm 2023, do nhu cầu mở rộng sản xuất, Bắc Giang sẽ cần khoảng 60.000 lao động ở nhiều ngành nghề, chủ yếu vẫn là công nhân sản xuất ngành điện tử, còn lại là phụ trợ, xây dựng, bán hàng.

Bắc Ninh có 11 doanh nghiệp đăng ký phiên giao dịch việc làm với hơn 2.500 chỉ tiêu. Dự kiến cả năm, các doanh nghiệp Bắc Ninh tuyển mới khoảng 15.000 công nhân sản xuất, do các tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện tử tăng đầu tư.

Tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội, hàng chục doanh nghiệp tuyển dụng chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, thương mại dịch vụ, xây dựng và giáo dục.

Bắc Ninh, Bắc Giang vẫn chiếm thế mạnh tuyển dụng lao động gia công thiết bị, linh kiện điện tử; Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... với sự hồi phục dịch vụ, thương mại, vận tải nên nhu cầu tuyển dụng của khối này lớn. Riêng quý I, Hà Nội cần tuyển khoảng 120.000 vị trí việc làm. Các doanh nghiệp logistics cần tuyển nhiều nhất, khoảng 18.000 vị trí (lái xe, nhân viên kho, điều vận) do nhu cầu đi lại của người dân lẫn vận chuyển hàng hóa tăng.

76 quân nhân Việt Nam tham gia cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ

76 quân nhân Việt Nam đến từ lực lượng cứu sập, công binh, đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn, quân y sẽ sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ cứu nạn sau động đất.

Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với 9 huấn luyện viên và chỉ huy, 6 chó nghiệp vụ tham gia cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ

Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với 9 huấn luyện viên và chỉ huy, 6 chó nghiệp vụ tham gia cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ

Trong đó, Đội Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần cử 30 người; Đội cứu sập thuộc Binh chủng Công binh cử 30 người; Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cử 9 huấn luyện viên và chỉ huy, 6 chó nghiệp vụ; bộ phận chỉ huy và cơ quan có 7 người.

Nhiều trang thiết bị hiện đại cũng được huy động gồm bộ dò tìm nạn nhân; máy cắt, khoan bê tông; trang bị hồi sức cấp cứu, thuốc men; nhà bạt dã chiến; quân tư trang cho lực lượng trong thời tiết lạnh từ âm 5 đến âm 10 độ C. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng dự kiến hỗ trợ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ 10 tấn lương khô.

Trước đó, tối 9/2, đoàn biệt phái gồm 24 chiến sĩ cứu hộ và nhân viên y tế của Bộ Công an đã bay sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt sau trận động đất. Đoàn nhận lệnh chỉ vài giờ sau khi được Thủ tướng đồng ý, sang Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhiều thiết bị chuyên dụng, hiện đại.

Ngành thuế đã nắm thông tin 53.000 người bán trên sàn thương mại điện tử

Tổng cục Thuế cho biết đã nắm thông tin của hơn 53.000 cá nhân và 14.800 tổ chức bán hàng trên Shopee, Lazada, Sendo... để có cơ sở thu thuế.

Giao diện của một trong các sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam

Giao diện của một trong các sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam

Đến ngày 6/2, có 258 sàn thương mại điện tử, gồm Shopee, Lazada, Sendo (chưa gồm Tiki) đã cung cấp thông tin của người bán trên cổng thông tin thương mại điện tử của Tổng cục Thuế.

Dữ liệu khai thác từ cổng thông tin thương mại điện tử vào cuối năm 2022 cho thấy, có 14.875 tổ chức trong nước và 8 từ nước ngoài đăng ký bán hàng trên các sàn. Ngành thuế có thông tin của hơn 53.200 cá nhân trong nước và 4 người nước ngoài kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử. Hơn 14,5 triệu lượt giao dịch với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng đã diễn ra thông qua các sàn nhưng theo Tổng cục Thuế, giao dịch thực tế vẫn cao hơn nhiều so với thống kê. Ngành sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá rủi ro để có giải pháp quản lý thuế hiệu quả hơn.

Theo quy định hiện hành, sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp thông tin về người bán bao gồm họ tên, mã số thuế/định danh cá nhân/chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại. Riêng các sàn có chức năng đặt trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo còn phải cung cấp thêm doanh thu của từng người bán.

Dựa trên các thông tin này, cơ quan thuế sẽ rà soát để đưa nhiều cá nhân, tổ chức vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp để điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu. Ngành thuế cũng đang xây dựng mô hình quản lý rủi ro áp dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu lớn, đưa cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro thuế.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lỗ nghìn tỷ quý cuối năm 2022

Kinh doanh dưới giá vốn, bán lỗ khoản đầu tư, cùng với chi phí lãi vay và dự phòng tăng mạnh khiến Xây dựng Hòa Bình báo lỗ đột biến quý cuối năm 2022.

Ba tháng cuối năm 2022, Xây dựng Hoà Bình ghi nhận doanh thu hơn 3.200 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước

Ba tháng cuối năm 2022, Xây dựng Hoà Bình ghi nhận doanh thu hơn 3.200 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước

Ba tháng cuối năm 2022, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) ghi nhận doanh thu hơn 3.200 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021. Do kinh doanh dưới giá vốn, Công ty chịu lỗ gộp từ hoạt động chính hơn 400 tỷ đồng, giảm đột biến so với mức lợi nhuận gộp trung bình 130 - 300 tỷ đồng trong ba quý đầu năm.

Trong khi mảng chính lỗ, hoạt động tài chính của HBC cũng không khá hơn. Doanh thu tài chính âm hơn 100 tỷ đồng do bán lỗ khoản đầu tư, chi phí lãi vay ghi nhận hơn gấp đôi cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh lên gần 500 tỷ đồng, gấp hơn ba lần quý IV/2021 do trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Kết quả, HBC lỗ ròng hơn 1.200 tỷ đồng, so với mức lợi nhuận hơn 19 tỷ đồng trong quý IV/2021. Khoản lỗ đột biến trong quý IV cũng kéo kết quả kinh doanh cả năm của doanh nghiệp này đi xuống.

Doanh thu cả năm 2022 của HBC tăng hơn 20%, đạt hơn 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao khiến biên lãi gộp thu hẹp về dưới 2%, so với mức 7% của năm 2021. Lợi nhuận gộp vì thế giảm mạnh xuống 258 tỷ đồng.

Con số này cùng với doanh thu hoạt động tài chính không đủ để bù đắp chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp. Cả hai chỉ tiêu đều tăng tính bằng lần.

Theo đó, HBC ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 1.100 tỷ đồng, so với mức lãi ròng gần 100 tỷ của năm 2021. Khoản lỗ này cũng đánh dấu năm kinh doanh thua lỗ đầu tiên của HBC kể từ khi lên sàn chứng khoán.

Đầu năm 2023, Hòa Bình trải qua nhiều tuần "tranh chấp quyền lực" giữa ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú liên quan đến vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Vina2 bị phạt và truy thu gần 16 tỷ đồng do vi phạm về thuế

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (Mã HNX: VC2) vừa nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế từ Cục Thuế TP. Hà Nội.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2 vi phạm hành chính liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2 vi phạm hành chính liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng

Theo đó, Vina2 đã vi phạm hành chính liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.

Cụ thể, Công ty bị phạt hành chính số tiền 3,127 tỷ đồng, đồng thời bị buộc khắc phục hậu quả số tiền còn thiếu các năm 2019 - 2020 bao gồm: 845 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, hơn 978 triệu đồng thuế giá trị gia tăng, 7,6 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân và 3,215 tỷ đồng tiền chậm nộp. Tổng cộng, Vina2 bị xử lý thuế số tiền 15,765 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, quý IV/2022, Vina2 ghi nhận doanh thu đạt 405 tỷ đồng, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2021 và 3,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 89%. Như vậy, mức xử lý thuế nêu trên gấp hơn 4 lần mức lãi ròng của doanh nghiệp.

Chính thức phạt nguội người vi phạm giao thông tại Yên Bái từ 1/3

Từ ngày 1/3/2023, tỉnh Yên Bái sẽ chính thức khai thác, sử dụng hình ảnh từ hệ thống camera giám sát giao thông để phục vụ công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Hệ thống camera giám sát đô thị thông minh được lắp đặt tại khu vực đèn đỏ Km5, TP. Yên Bái

Hệ thống camera giám sát đô thị thông minh được lắp đặt tại khu vực đèn đỏ Km5, TP. Yên Bái

Sẽ có 9 điểm lắp đặt camera giám sát giao thông. Trong đó, 2 điểm giám sát về tốc độ phương tiện giao thông là trục đường Âu Cơ và Nguyễn Tất Thành, TP. Yên Bái, với tốc độ tối đa cho phép đối với xe cơ giới là 60 km/giờ (trừ xe máy chuyên dùng, xe gắn máy).

7 điểm giám sát các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông đường bộ, gồm các hành vi: không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường; đi không đúng làn đường quy định; vi phạm các quy định về dừng, đỗ…

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Yên Bái sẽ sử dụng dữ liệu, hình ảnh thu được từ hệ thống để xử lý theo 2 trường hợp. Cụ thể, trường hợp xử lý trực tiếp, sẽ sử dụng dữ liệu, hình ảnh phương tiện vi phạm đang tham gia giao thông gửi đến thiết bị hỗ trợ hệ thống giám sát của các tổ tuần tra, kiểm soát công khai của lực lượng cảnh sát giao thông để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý vi phạm trực tiếp trên tuyến.

Trường hợp chưa dừng được phương tiện trên tuyến để kiểm soát sẽ dùng dữ liệu, hình ảnh phương tiện vi phạm được trích xuất từ camera giám sát giao thông phục vụ việc xác minh thông tin về chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện. Căn cứ kết quả xác minh, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục