Bản tin thời sự sáng 11/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng đốc thúc 37 dự án giao thông tổng vốn hơn 1 triệu tỷ đồng; Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo nghiên cứu san lấp biển mở rộng Côn Đảo; TP.HCM quy hoạch thêm 3.800 ha khu công nghiệp; thiết kế nhà ga Sân bay Phú Quốc hình cánh chim phượng hoàng…

Thủ tướng đốc thúc 37 dự án giao thông tổng vốn hơn 1 triệu tỷ đồng

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ 37 dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn hơn 1 triệu tỷ đồng.

Cả nước hiện có 37 dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông vận tải, trong đó có 35 dự án đường bộ

Cả nước hiện có 37 dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông vận tải, trong đó có 35 dự án đường bộ

"Các dự án làm càng sớm thì càng hiệu quả, không đội vốn, không kéo dài, nhân dân vui mừng, xã hội phấn khởi, địa phương và đất nước phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, sáng 10/5.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án.

Các dự án hợp tác công tư cần giải quyết nhanh thủ tục, nếu vướng mắc thì đề xuất Quốc hội dùng một luật sửa nhiều luật ngay tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước có 37 dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông vận tải, trong đó có 35 dự án đường bộ và 2 dự án hàng không, với tổng vốn 1 triệu tỷ đồng.

Về vướng mắc, Bộ Xây dựng cho biết, Dự án Vành đai 3 TP.HCM, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vẫn chưa được tháo gỡ triệt để về nguồn vật liệu, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ quyết liệt triển khai Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đảm bảo khởi công cuối năm nay. Đường sắt liên vận với Trung Quốc sẽ được nối lại trong tháng 5.

Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm nay. ACV và các địa phương được giao hoàn thành mở rộng Nhà ga T2 Sân bay Nội Bài; các sân bay Côn Đảo, Cà Mau, Chu Lai, Măng Đen...

TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An cùng Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu và báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Vành đai 4 TP.HCM để trình Quốc hội.

Tỉnh Lâm Đồng, TP.HCM và Tây Ninh được giao sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Tân Phú - Bảo Lộc và TP.HCM - Mộc Bài trong tháng này. Các dự án Dầu Giây - Tân Phú, Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua Sơn La, Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình, Dự án thành phần 3 Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội cần sớm hoàn thiện thủ tục để khởi công.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Cao Lãnh - An Hữu cần áp dụng giải pháp kỹ thuật rút ngắn thời gian thi công, bù lại tiến độ đã chậm.

Nhà đầu tư Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh cần tận dụng tối đa thời tiết mùa khô để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thông tuyến trong năm nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo nghiên cứu san lấp biển mở rộng Côn Đảo

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu phương án san lấp biển mở rộng Côn Đảo, tạo dư địa phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

Cảng tàu khách Côn Đảo

Cảng tàu khách Côn Đảo

Thông tin trên được nêu trong thông báo kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, do Văn phòng Chính phủ vừa công bố.

Thủ tướng yêu cầu địa phương sớm xây dựng đề án phát triển đặc khu Côn Đảo, trong đó nhấn mạnh vai trò của đảo tiền tiêu đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng. Côn Đảo cần khai thác các thế mạnh về kinh tế biển, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái biển đảo, hướng tới trở thành điểm đến tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Thủ tướng đề nghị quy hoạch phát triển Côn Đảo theo định hướng nhanh, bền vững, sáng - xanh - sạch - đẹp - hiện đại, đồng thời xây dựng mô hình chính quyền đặc khu và cơ chế đặc thù phù hợp. Việc này cần tham khảo, rà soát nội dung trong Nghị quyết năm 2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM, để từ đó xây dựng cơ chế phát triển Côn Đảo "thông thoáng nhưng có quản lý, kiểm soát".

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được giao kêu gọi nhà đầu tư nghiên cứu phương án kéo dài đường băng Sân bay Côn Đảo nhằm đáp ứng điều kiện tiếp nhận các chuyến bay quốc tế trong tương lai. Bên cạnh đó, các công viên nghĩa trang Hàng Keo và Hàng Dương cần được quy hoạch bài bản để trở thành điểm nhấn du lịch tâm linh, góp phần tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa cách mạng, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Cách đất liền Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 185 km, Côn Đảo gồm 16 hòn đảo, tổng diện tích tự nhiên khoảng 76 km2, dân số 12.000. Những năm qua, địa phương đã có bước phát triển đáng kể, hạ tầng được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh và hỗ trợ ngành du lịch - lĩnh vực mũi nhọn của Huyện cùng với việc bảo vệ di tích lịch sử.

TP.HCM quy hoạch thêm 3.800 ha khu công nghiệp

Theo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 vừa được công bố, TP.HCM bổ sung 14 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.833 ha.

Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP.HCM

Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP.HCM

Quy hoạch do Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) công bố hôm 9/5, có 3 giai đoạn mở rộng. Cụ thể, giai đoạn 3 năm tới phát triển 4 khu công nghiệp mới tổng diện tích hơn 1.000 ha, gồm: Phạm Văn Hai I và II, Vĩnh Lộc 3 và Nhị Xuân.

Giai đoạn 2027 - 2030 sẽ phát triển thêm 5 khu với tổng diện tích hơn 1.500 ha. Trong đó, lớn nhất là Khu công nghiệp Hiệp Phước 3 rộng 500 ha. Đến thời kỳ 2030 - 2033, TP.HCM mở tiếp 5 khu với tổng điện tích 1.200 ha.

Thành phố định hướng phát triển các khu công nghiệp mới theo mô hình thông minh, hiện đại, chuyên ngành, mục tiêu hình thành các cụm liên kết ngành bên trong khu và giữa các khu công nghiệp lân cận.

Hepza cũng sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện có tính đến mở rộng không gian công nghiệp sau khi sáp nhập các khu công nghiệp của Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM, nhằm phát huy lợi thế từng nơi và tăng hợp tác phát triển.

TP.HCM hiện có 3 khu chế xuất và 16 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 4.532 ha. Trong đó, 17 khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động và được định hướng giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp trong giai đoạn tới.

Các khu hiện hữu sẽ được chuyển đổi theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tái cơ cấu theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Hepza đã nghiên cứu lập đề án chuyển đổi thí điểm tại: Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Cát Lái, Khu công nghiệp Bình Chiểu. Theo đó, chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp công nghệ cao; khu công nghiệp sinh thái; khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; trung tâm logistics.

Thiết kế nhà ga Sân bay Phú Quốc hình cánh chim phượng hoàng

Nhà ga hành khách T2 của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được thiết kế với cảm hứng từ hình ảnh chim phượng hoàng đang sải cánh bay lên.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc

Bộ Xây dựng vừa phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức công bố Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch, các dự án mở rộng và nâng cấp cảng hàng không sẽ được đầu tư khẩn trương, sẵn sàng phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027.

Tổng diện tích quy hoạch của Cảng hàng không khoảng 1.050 ha. Tổng vốn đầu tư đến năm 2030 dự kiến là 26.570 tỷ đồng; tầm nhìn đến năm 2050 cần thêm khoảng 25.790 tỷ đồng để nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng.

Theo báo cáo từ Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), Sân bay Phú Quốc sẽ được mở rộng để đạt công suất 18 triệu hành khách/năm vào trước năm 2027, gấp 4,5 lần công suất hiện tại (4 triệu khách). Mục tiêu đến năm 2050 nâng công suất lên 50 triệu hành khách mỗi năm.

Nhà ga hành khách hiện hữu (T1) sẽ được giữ nguyên, trong khi Nhà ga T2 sẽ được xây mới theo thiết kế hiện đại, lấy cảm hứng từ hình tượng chim phượng hoàng - biểu trưng cho sự phát triển mạnh mẽ và tầm vóc quốc tế của ngành hàng không Việt Nam. Đây là phương án thiết kế do đơn vị tư vấn CPG Airport (Singapore) thực hiện.

Nhà ga hành khách mới của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm khu nhà ga quốc tế, nhà ga nội địa, trung tâm thương mại và khu triển lãm. Hệ thống sân đỗ được trang bị ống lồng hiện đại, mang đến trải nghiệm thuận tiện và đẳng cấp cho hành khách.

Nhà ga được tích hợp các công nghệ vận hành tiên tiến như làm thủ tục trực tuyến không cần đến sân bay, hệ thống phân loại hành lý tự động, công nghệ nhận dạng sinh trắc học, góp phần tối ưu hóa quá trình di chuyển và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Sân bay Phú Quốc sẽ bổ sung đường cất hạ cánh số 2 bên cạnh đường băng hiện hữu. Hai đường băng dài lần lượt 3.500 m và 3.300 m, đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả cho các loại máy bay thân rộng, phục vụ các đường bay dài tới châu Âu và Bắc Mỹ.

Khu vực sân đỗ máy bay sẽ được mở rộng lên 70 - 80 vị trí đỗ, đủ sức đáp ứng nhu cầu đón tiếp các nguyên thủ và phục vụ sự kiện mang tầm quốc tế. Ngoài ra, Quy hoạch cũng bao gồm việc phát triển hệ thống công trình phụ trợ như nhà ga hàng hóa, hệ thống radar nhằm hoàn thiện và đồng bộ hóa toàn bộ hạ tầng sân bay.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh bị xem xét kỷ luật

Ông Vương Bình Thạnh, 66 tuổi, cựu Chủ tịch UBND An Giang, bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét kỷ luật do liên quan vụ việc bán hàng trăm nền đất giá "ưu ái" cho cán bộ.

Ông Vương Bình Thạnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Ông Vương Bình Thạnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Thông tin này được Tỉnh ủy An Giang nêu trong thông cáo gửi báo chí mới đây. Số nền đất nói trên thuộc Khu dân cư trung tâm thương mại Vịnh Tre, do UBND huyện Châu Phú chủ trương xây dựng năm 2003. Đây là thời điểm ông Thạnh làm Bí thư Huyện (2002 - 2005).

Theo Thanh tra tỉnh An Giang, khu dân cư có diện tích 61.000 m2, tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, lấy lý do giải quyết khó khăn nhà ở cho cán bộ, công chức và trả nợ cho Dự án, UBND huyện Châu Phú đề xuất bán chỉ định 270 nền đất khu dân cư sai quy định trong tổng số 461 nền.

Thanh tra Tỉnh xác định, chủ trương "ưu ái cho cán bộ" là không đúng. Quá trình tổ chức bán đấu giá xảy ra vi phạm quy định pháp luật về quản lý đất đai, nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước.

Một trong những sai phạm là Huyện tổ chức cho cán bộ, công chức bốc thăm, lựa chọn vị trí nền trước khi có thông báo bán đấu giá; 212 nền trong tổng số 270 nền được cán bộ, công chức bán sang tay ngay sau đó. Một vài trường hợp đã bán trước khi nhận nền thực địa.

Ngoài ra, quá trình thực hiện Dự án còn xảy ra sai phạm như: thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng không thành lập hội đồng bồi thường, không ban hành quyết định thu hồi diện tích đất cụ thể; thỏa thuận đổi đất sai quy định.

Theo Tỉnh ủy An Giang, ông Thạnh chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Huyện ủy Châu Phú thời gian này. Những vi phạm, khuyết điểm của ông ảnh hưởng xấu đến uy tín bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Sau khi làm Bí thư Huyện ủy Châu Phú, ông Thạnh giữ chức Bí thư Thị ủy Châu Đốc (nay là thành phố), Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đến năm 2019 thì nghỉ hưu. Năm 2024, ông Thạnh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo do vi phạm quy định của Đảng và vi phạm pháp luật trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Liên quan vụ việc nói trên, ngoài ông Thạnh, 8 cựu bí thư, phó bí thư, phó chủ tịch huyện cùng 4 cựu cán bộ huyện Châu Phú các thời kỳ cũng bị xem xét kỷ luật.

Hỏa pháo súng thần công bắn trên Kỳ Đài (Thừa Thiên Huế) hết hạn sử dụng

Hỏa pháo súng thần công bắn trên Kỳ Đài (Thừa Thiên Huế) gặp sự cố, tàn lửa rơi trên đầu khán giả do hết hạn sử dụng, tồn từ dịp Festival nghề 2023.

Tàn lửa của hỏa pháo súng thần công rơi trên đầu khán giả đêm 3/5

Tàn lửa của hỏa pháo súng thần công rơi trên đầu khán giả đêm 3/5

Ngày 10/5, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã gửi văn bản cho Sở Văn hóa Thể thao và Công an TP. Huế giải trình việc hỏa pháo súng thần công trên Kỳ Đài Huế gặp sự cố vào tối 26/4 và 3/5.

Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, sự cố do hiệu ứng hỏa thuật thần công không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Do chưa kịp đặt hàng vật tư hỏa thuật của Công ty Z21, nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH Việt Giang, đơn vị chịu trách nhiệm kỹ thuật, tự ý sử dụng 58 ống hỏa thuật rồng lửa cũ sót lại sau Festival nghề truyền thống Huế 2023.

"Các ống hỏa thuật này đã bị thấm nước do thời gian lắp đặt gặp mưa gió và hết hạn sử dụng, dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Ngoài ra, do sơ suất trong khâu lắp đặt, hướng hỏa thuật bị lắp ngang mặt đất khiến hiệu ứng bắn lệch về phía khán giả", ông Sơn nói.

Sau sự cố, Công ty TNHH Việt Giang đã nhận trách nhiệm, cam kết chỉ sử dụng vật tư hỏa thuật của Công ty Z21 (không sử dụng pháo nổ) còn hạn sử dụng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và lắp đặt đúng quy trình để không tái diễn sự cố tương tự trong các lần trình diễn tiếp theo.

Theo kế hoạch, 19h15 thứ Bảy hàng tuần, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế bắn hỏa pháo súng thần công trên Kỳ Đài để tạo điểm nhấn, không khí vui tươi cho người dân và du khách. Kỳ Đài bố trí 8 khẩu súng thần công, mỗi khẩu bắn tối đa 9 phát, mỗi đêm bắn 72 phát, trong 40 giây. Loại hỏa pháo mới thay thế cho hệ thống súng thần công phun dầu cũ.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức bắn hỏa pháo đêm 26/4 và 3/5 song đều gặp sự cố. Tối 3/5, hàng nghìn người dân và du khách đang xem dưới khu vực Phu Văn Lâu, cách nơi đặt hỏa pháo khoảng 50 m, phải bỏ chạy khi tàn lửa đỏ rực rơi trên đầu.

Sau sự cố, Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã yêu cầu TP. Huế kiểm tra việc tổ chức bắn hỏa pháo súng thần công tại khu vực Kỳ Đài - quảng trường Ngọ Môn.

Khu tập thể Vĩnh Hồ (Hà Nội) có thể được xây các tòa nhà cao 40 tầng

Theo quy hoạch, 36 tòa nhà tại khu tập thể Vĩnh Hồ (Đống Đa, TP. Hà Nội) được xây dựng thành các tòa nhà cao 40 tầng để tái định cư tại chỗ cho người dân và mục đích thương mại của nhà đầu tư.

Các tòa nhà trong khu tập thể Vĩnh Hồ được xây dựng từ 40 - 50 năm trước

Các tòa nhà trong khu tập thể Vĩnh Hồ được xây dựng từ 40 - 50 năm trước

Quận Đống Đa (TP. Hà Nội) vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Đồ án Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Vĩnh Hồ và phụ cận tỷ lệ 1/500 trên địa bàn phường Thịnh Quang, Trung Liệt.

Tập thể Vĩnh Hồ gồm 36 tòa nhà nằm trên 2 phường Thịnh Quang (27 tòa) và Trung Liệt (9 tòa) với tổng số 1.938 căn hộ, dân số hơn 14.000. Phạm vi nghiên cứu đồ án trên 22 ha, bao gồm cả 1.300 căn hộ liền kề. Các tòa nhà chủ yếu được xây dựng từ 40 - 50 năm trước.

Quận Đống Đa đã phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, lập quy hoạch với định hướng xây dựng lại 36 tòa nhà thành các tòa nhà cao 40 tầng để tái định cư tại chỗ cho người dân và dành một phần diện tích để nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ thương mại, không có chức năng ở.

Việc đền bù, hỗ trợ cho cư dân được thực hiện theo quy định hiện hành, tầng 1 hệ số đền bù K là 2, từ tầng 2 trở lên hệ số K là 1,5. Diện tích trung bình các căn hộ sau khi cải tạo là 70 m2.

Cùng với xây dựng lại các tòa nhà, đồ án cũng đặt ra nhiệm vụ cải tạo mở rộng các tuyến đường, tăng khả năng kết nối giao thông nội khu và các khu vực. Khu vực cải tạo có tuyến đường sắt đô thị số 2A đang vận hành, 2 nhà ga (ga Láng và ga Yên Lãng). Các tòa nhà cao tầng có tầng hầm đỗ xe cho cư dân tòa nhà cũng như các công trình lân cận.

Quận Đống Đa có số lượng chung cư cũ lớn nhất Thành phố với 12 khu, 517 nhà, chiếm 18,6% diện tích đất tự nhiên, là nơi sinh sống của 57.700 dân (chiếm 15,6% dân số toàn quận). Dự kiến năm 2025, Quận lấy ý kiến đồ án quy hoạch 7 khu gồm Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Hào Nam, 30 - 32 Hào Nam, Vĩnh Hồ và Nam Đồng.

Tin cùng chuyên mục