Bản tin thời sự sáng 11/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng - cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương và bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Khởi tố ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương

Ngày 10/7, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng - cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Ông Vũ Huy Hoàng

Ông Vũ Huy Hoàng

Tối cùng ngày, cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định trên sau khi Viện Kiểm sát nhân dân đồng cấp phê chuẩn. Ông Hoàng được cho tại ngoại để phục vụ công tác điều tra.

Ông Hoàng được cho là có liên quan đến những vi phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Trước đó, tháng 11/2016, Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng. Theo kết luận của Ban Bí thư, ông Hoàng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Vũ Huy Hoàng đã thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam;

Ông Hoàng quyết định điều động và đề cử ông Vũ Quang Hải (con trai ông Hoàng) tham gia HĐQT Sabeco để bầu làm thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Sabeco.

Ông Vũ Huy Hoàng cũng đã chỉ đạo và thực hiện không đúng quy chế làm việc của Ban Cán sự Đảng, quy định của pháp luật trong việc thẩm định, đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho ông Đặng Vũ Ngoạn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.

Ông Hoàng còn buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.

Ban Bí thư nhận định, “các vi phạm, khuyết điểm của ông Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban Cán sự Đảng, của Bộ Công Thương và cá nhân ông Hoàng”.

Tháng 1/2017, ông Vũ Huy Hoàng bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố

Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương vừa bị khởi tố để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" do liên quan đến vụ án tại Sabeco.

Bà Hồ Thị Kim Thoa

Bà Hồ Thị Kim Thoa

Tối 10/7, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn "cấm đi khỏi nơi cư trú" đối với bà Hồ Thị Kim Thoa - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Tối cùng ngày, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã tống đạt quyết định trên tới bà Thoa.

Những vi phạm của bà Thoa được cho là cũng liên quan đến vụ án tại Sabeco.

Trước đó, ngày 16/8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 1203 miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

Tại Kỳ họp thứ 16, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (từ 1/2004 - 5/2010) như đã kết luận trước đó. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng.

Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

Căn cứ Quy định số 260-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của bà Hồ Thị Kim Thoa.

Hà Nội: Công bố quy hoạch khu đô thị "khủng" phía Tây Hà Nội hơn 17.000 ha

Phối cảnh Khu đô thị Hòa Lạc 17.274 ha, thuộc địa giới hành chính 2 huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây

Phối cảnh Khu đô thị Hòa Lạc 17.274 ha, thuộc địa giới hành chính 2 huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây

Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cùng huyện Quốc Oai, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây và các đơn vị liên quan vừa công bố Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, TP. Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đô thị Hòa Lạc có quy mô khoảng 17.274 ha, thuộc địa giới hành chính hai huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

Đô thị Hòa Lạc được định hướng là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước; trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề; trung tâm y tế, khám chữa bệnh, điều dưỡng...

Hòa Lạc cũng sẽ là đô thị sinh thái - nghỉ dưỡng, đô thị khoa học - công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội.

Về định hướng tổ chức phát triển không gian, đô thị Hòa Lạc có mô hình phát triển gồm 2 vùng chính là vùng phát triển đô thị (lõi đô thị) và vùng vành đai xung quanh đô thị.

Trong đó, vùng lõi đô thị phát triển xây dựng theo mô hình đô thị, tập hợp các khu chức năng và khu đô thị mới, với các trung tâm cấp vùng và khu vực, bao gồm: Khu công nghệ cao, khu Đại học Quốc gia Hà Nội, các khu đô thị mới; hệ thống trung tâm công cộng, trung tâm y tế cấp vùng và các khu chức năng đô thị được đan xen, kết nối bởi hành lang xanh sinh thái tích hợp với khu nhà ở thấp tầng, nhà biệt thự sinh thái có mật độ xây dựng thấp, kết nối giữa không gian tự nhiên với không gian đô thị hiện đại...

TP.HCM ra mắt ứng dụng tích hợp xe buýt và các dịch vụ Grab

Go!Bus là phần mềm đầu tiên ở Việt Nam có sự tích hợp giữa giao thông công cộng bằng xe buýt (trong tương lai gần là tàu điện ngầm, xe buýt nhanh BRT, WaterBus) và các chuyến đi bằng dịch vụ Grab.

Ứng dụng Go!Bus sẽ đưa ra các hướng dẫn cụ thể hành trình đi lại của hành khách

Ứng dụng Go!Bus sẽ đưa ra các hướng dẫn cụ thể hành trình đi lại của hành khách

Ngày 10/7, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã công bố ứng dụng cung cấp thông tin vận tải hành khách công cộng trên thiết bị di động và kết nối xe buýt với ứng dụng Grab, sử dụng hệ điều hành Android và iOS (ứng dụng Go!Bus).

Ứng dụng này nhằm cung cấp dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tham gia sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP.HCM.

Việc tích hợp này sẽ tận dụng được dữ liệu về xe buýt của Sở Giao thông vận tải và tận dụng nền tảng công nghệ của doanh nghiệp để tạo thành hệ thống giao thông kết nối và liền mạch, xây dựng các giải pháp giao thông thông minh, qua đó góp phần thực thiện Đề án đô thị thông minh.

Với hình thức vận chuyển này, người dân có thể lựa chọn chuyến đi đa dạng, trong đó Go!Bus sẽ đưa ra các hướng dẫn cụ thể hành trình đi lại một cách thuận tiện nhất và tiên tiến nhất.

Người dân có thể biết được giờ xe buýt sắp đến trạm, gợi ý lộ trình các tuyến, thông tin tuyến; đặc biệt là cho phép người dùng có thể tìm kiếm đường đi kết hợp giữa xe buýt và các chuyến đi của Grab nếu như vị trí đứng xa hơn 200m với trạm xe buýt. Người dân có thể chọn đi bộ hoặc đi Grab đến trạm xe buýt.

TP.HCM: Từ tháng 7, phố đi bộ Nguyễn Huệ có biểu diễn nghệ thuật đường phố

Định kỳ vào thứ bảy hàng tuần, bắt đầu từ tháng 7/2020, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM) sẽ có hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố.

Hát ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Hát ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã thống nhất với đề xuất của Sở Văn hóa - Thể thao về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật đường phố tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Thời gian tổ chức định kỳ vào thứ bảy hàng tuần, bắt đầu từ tháng 7/2020.

Nguồn kinh phí cân đối từ kinh phí sự nghiệp văn hóa thông tin được giao năm 2020 của Sở Văn hóa - Thể thao.

UBND Thành phố giao các cơ quan chức năng liên quan tổ chức thực hiện chương trình hiệu quả, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường… xung quanh khu vực tổ chức.

Theo tính toán của Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, dự kiến kinh phí cần thiết cho 48 suất diễn là hơn 1,4 tỷ đồng.

Việc đề xuất tổ chức chương trình nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu phục hồi thị trường du lịch sau dịch bệnh Covid-19.

Ngày 11/7, nam phi công người Anh về nước, Việt Nam đã chữa khỏi 95% ca bệnh Covid-19

Dự kiến ngày hôm nay, bệnh nhân nam phi công người Anh được xuất viện về nước sau 115 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong ngày 10/7, có thêm 3 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, như vậy Việt Nam đã chữa khỏi 95% ca bệnh Covid-19.

Bệnh nhân nam phi công người Anh trò chuyện cùng lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy và các y, bác sĩ trong tổ điều trị

Bệnh nhân nam phi công người Anh trò chuyện cùng lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy và các y, bác sĩ trong tổ điều trị

Như vậy, đến thời điểm này đã có 350 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,9% tổng số ca bệnh Covid-19 của nước ta. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay 50/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đều đã được Việt Nam điều trị khỏi.

Tính đến chiều 10/7, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 - 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính với Covid-19.

Trong các bệnh nhân đang điều trị, đa số đều có sức khoẻ ổn định, hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang điều trị đông bệnh nhân nhất với số lượng 15 ca bệnh, Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu điều trị 2 ca bệnh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam điều trị 2 ca.

Liên quan đến bệnh nhân nam phi công người Anh, Tiểu ban Điều trị cho biết, căn cứ kết luận Hội chẩn Quốc gia ngày 3/7, bệnh nhân được chính thức công bố khỏi bệnh Covid-19, bệnh nhân có thể ra viện và không cần cách ly.

Đến nay, bệnh nhân đã trải qua 114 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM bắt đầu từ ngày 18/3 đến chiều 22/5 và tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều 22/5 đến nay.

Bộ Y tế thành lập Tổ công tác hỗ trợ điều trị bệnh bạch hầu

Tổ công tác gồm chuyên gia của các bệnh viện: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nhân viên y tế khám sàng lọc và tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em dưới 7 tuổi tại tỉnh Đắk Lắk

Nhân viên y tế khám sàng lọc và tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em dưới 7 tuổi tại tỉnh Đắk Lắk

Ngày 10/7, Bộ Y tế ban hành quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ kỹ thuật điều trị bệnh bạch hầu tại các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh, xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế thành lập 4 tổ công tác hỗ trợ kỹ thuật điều trị bệnh bạch hầu. Mỗi tổ công tác phụ trách hỗ trợ kỹ thuật điều trị tại 1 tỉnh.

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, phối hợp với sở y tế các tỉnh xây dựng quy trình khám, sàng lọc, phân loại, tiếp nhận, điều trị, cách ly ca bệnh nghi ngờ và ca bệnh bạch hầu dương tính tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh.

Bên cạnh đó, các tổ công tác hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các khoa điều trị ca bệnh bạch hầu, phối hợp với các đoàn công tác khác của các đơn vị khác triển khai tập huấn, tập huấn lại phác đồ điều trị bệnh cho các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc tỉnh…