Bản tin thời sự sáng 11/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 11/9, đã 9 ngày không có ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng; Đà Nẵng cho tắm biển, mở cửa hàng ăn uống; Đồng bằng sông Cửu Long đề xuất đầu tư 7 tuyến cao tốc; 8 tháng huy động gần 7,3 tỷ kWh điện gió, mặt trời…

Sáng 11/9, đã 9 ngày không có ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng

Sáng ngày 11/9, Bộ Y tế cho biết không có ca mắc mới Covid-19. Đến hôm nay cũng đã 9 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng. Hiện số ca mắc là 1.059.

Sáng 11/9, đã 9 ngày không có ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng

Sáng 11/9, đã 9 ngày không có ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng

Tính đến 6h ngày 11/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tính từ 18h ngày 10/9 đến 6h ngày 11/9 không có ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 35.799 người. Trong đó, 603 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 16.432 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 18.765 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 893 bệnh nhân Covid-19/1.059 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 16 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 13 ca, số ca âm tính lần 3 là 21 ca. Đến nay số ca tử vong ở nước ta là 35 ca.

Đà Nẵng cho tắm biển, mở cửa hàng ăn uống

Sau 13 ngày không phát hiện ca lây nhiễm nCoV trong cộng đồng, Đà Nẵng tiếp tục nới lỏng cách ly xã hội, cho người dân tắm biển, mở cửa hàng ăn uống.

Người dân Đà Nẵng phát khẩu trang miễn phí trên vỉa hè để cùng nhau chống Covid-19

Người dân Đà Nẵng phát khẩu trang miễn phí trên vỉa hè để cùng nhau chống Covid-19

Chiều 10/9, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, từ 0h ngày 11/9, Thành phố chuyển từ trạng thái "có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh" sang "có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thấp". Người dân vẫn được đề nghị hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết; tiếp tục đi chợ theo tần suất ba ngày một lần.

Thành phố tiếp tục yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng, công sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trên phương tiện công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu.

Người dân không được tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, giải đấu thể thao, ăn uống tập thể tại đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan...

Chính quyền Đà Nẵng cho phép các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, ăn uống được hoạt động trở lại nhưng phải có cam kết và thực hiện phòng, chống dịch theo quy định. Người chế biến đồ ăn, thức uống, phục vụ tại các cơ sở phải đeo khẩu trang, găng tay khi làm việc, giữ khoảng cách với khách.

Thành phố không cấm tắm biển như trong lần nới lỏng giãn cách 6 ngày trước. Trong khi đó, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, quán bar, vũ trường... tiếp tục dừng hoạt động.

Đà Nẵng dự kiến cho các trường THPT, THCS, trung tâm giáo dục thường xuyên bắt đầu đi học lại từ ngày 14/9…

Đồng bằng sông Cửu Long đề xuất đầu tư 7 tuyến cao tốc

Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng kế hoạch đầu tư 7 tuyến đường bộ cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long bằng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm 7 tuyến cao tốc

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm 7 tuyến cao tốc

Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía Nam (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) với tổng chiều dài khoảng 998km.

Về tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc như Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo quy hoạch được duyệt đến sau năm 2030.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đề xuất đầu tư giai đoạn phân kỳ của 7 tuyến đường bộ cao tốc với tổng vốn đầu tư khoảng 64.554 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 37.272 tỷ đồng, bao gồm các đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc 2 Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Để có cơ sở triển khai huy động vốn, từng bước đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc nêu trên, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Giá xăng hôm nay có thể giảm

Mỗi lít xăng được các doanh nghiệp dự báo giảm quanh mức 150 - 300 đồng trong bối cảnh giá thế giới đi xuống.

Người dân đổ xăng tại góc đường Hai Bà Trưng - Trần Cao Vân (Quận 1, TP.HCM)

Người dân đổ xăng tại góc đường Hai Bà Trưng - Trần Cao Vân (Quận 1, TP.HCM)

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8/9 của RON 92 là 45,86 USD một thùng, xăng RON 95 là 47,15 USD một thùng, cùng giảm gần 4% so với kỳ trước. Còn giá dầu giảm mạnh hơn ở mức 5% xuống mức 37,29 USD một thùng vào ngày 8/9.

Lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở TP.HCM cho rằng, kỳ điều chỉnh này nếu cơ quan quản lý không chi sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng sẽ giảm quanh mức 150 - 300 đồng một lít (tùy loại), còn giá dầu sẽ giảm 100 - 350 đồng một lít. Ngược lại, nếu chi sử dụng Quỹ, giá xăng dầu có thể được giữ nguyên.

Tại kỳ điều hành ngày 27/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tăng 192 đồng với RON 95, lên mức tối đa 15.114 đồng một lít. Trong khi đó xăng E5 RON 92 vẫn giữ nguyên mức giá tối đa 14.409 đồng mỗi lít.

Riêng các mặt hàng dầu đều giảm giá, trong đó dầu diesel giảm 240 đồng, dầu hoả hạ 82 đồng một lít. Dầu madut cũng giữ nguyên mức giá cao nhất 11.183 đồng một kg như cách đây 15 ngày.

8 tháng huy động gần 7,3 tỷ kWh điện gió, mặt trời

Năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) được ngành điện huy động trong 8 tháng lên tới gần 7,3 tỷ kWh, vượt so với kế hoạch dự kiến.

Một dự án điện mặt trời, điện gió tại Bình Thuận

Một dự án điện mặt trời, điện gió tại Bình Thuận

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu toàn tháng 8 đạt gần 21,6 tỷ kWh, bình quân 695,7 triệu kWh một ngày.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, điện sản xuất và nhập khẩu hơn 164 tỷ kWh, tăng 2% so với cùng kỳ 2019. Trong số này, điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện đạt gần 91,6 tỷ kWh, chiếm 56% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Tăng đáng kể nhất là nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời...) khi thêm 1 tỷ kWh so với tháng trước. Trong đó, điện mặt trời đạt 6,4 tỷ kWh, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2019. Cũng theo EVN, đến nay đã có 113 dự án điện mặt trời, gió đưa vào vận hành với tổng công suất 5.700 MW.

Riêng điện mặt trời mái nhà, 8 tháng đầu năm cả nước có 25.706 dự án được lắp đặt, tổng công suất 758,2 MW. Lũy kế đến nay có gần 50.000 dự án điện mặt trời mái nhà đưa vào vận hành, tổng công suất đạt 1.200 MW. 21 công trình lưới điện 110 - 500 kV phục vụ giải toả các dự án năng lượng tái tạo với tổng chiều dài đường dây 750 km được EVN đưa vào vận hành.

Tâm điểm 2 vụ VNG kiện TikTok và First News - Trí Việt kiện Lazada

Công ty sách First News - Trí Việt đã chính thức công bố khởi kiện Lazada về việc bán sách giả. Trước đó, VNG cũng đã kiện TikTok đòi bồi thường 221 tỷ đồng.

So sánh sách thật và sách giả tại sự kiện First News - Trí Việt công bố khởi kiện Lazada

So sánh sách thật và sách giả tại sự kiện First News - Trí Việt công bố khởi kiện Lazada

Có một điểm chung trong vụ TikTok và Lazada bị kiện, là hai thương hiệu này không phải hoặc không hẳn là đối tượng trực tiếp vi phạm. Có nghĩa là TikTok không trực tiếp xâm phạm bản quyền ghi âm các bài hát do VNG nắm quyền sở hữu, và Lazada không trực tiếp bán sách lậu xâm phạm bản quyền của First News - Trí Việt.

Nhưng cả hai, bị bên nguyên đơn cáo buộc vi phạm và phải chịu trách nhiệm. Đó là trách nhiệm của bên cung cấp nền tảng công nghệ cho người dùng đăng tải lên các video ngắn giải trí, hay cho các nhà bán hàng thuê gian hàng để bày bán các sản phẩm.

Trên nền tảng của mình, TikTok đã để cho người dùng tùy tiện sử dụng tổng cộng khoảng 150 bản ghi âm bài hát do Zing (một công ty con của VNG) sở hữu bản quyền lồng ghép vào hơn 11 triệu video ngắn tải lên ứng dụng TikTok mà không xin phép.

Còn trên nền tảng thương mại điện tử của mình, Lazada để cho các gian hàng bán sách giả “Muôn kiếp nhân sinh” do First News - Trí Việt nắm bản quyền xuất bản, với giá bán rẻ hơn sách xuất bản chính hãng có bản quyền từ 48 - 50%, gây ảnh hưởng lớn đến nhà phát hành sách thật.

Từ 1/11/2020, con công nhân được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/tháng

Trẻ mẫu giáo là con công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định sẽ được nhận khoản hỗ trợ tối thiểu là 160.000 đồng/tháng.

Con công nhân, người lao động sẽ được nhận hỗ trợ

Con công nhân, người lao động sẽ được nhận hỗ trợ

Đó là quy định đáng chú ý tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực từ 1/11/2020.

Theo đó, chính sách quy định mức trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Nghị định 15/2020 xác định đối tượng hưởng chính sách là: “Trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định”.

Trẻ em thuộc đối tượng quy định nêu trên được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Mức hỗ trợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.