Kiến nghị sớm tiêm vaccine mũi 3 cho công nhân
Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) kiến nghị tiêm mũi 3 cho 320.000 công nhân tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao.
Công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung I (TP. Thủ Đức) |
Chủ tịch HBA Nguyễn Văn Bé cho biết, nhóm cần được ưu tiên tiêm gồm các công nhân là F0 khỏi bệnh cách đây 6 tháng, lao động mắc bệnh nền, miễn dịch kém dễ nhiễm Covid-19. Ngoài ra, hơn 300.000 công nhân đã tiêm mũi 2 và phần lớn đến thời hạn tiêm mũi tiếp theo.
Theo lãnh đạo HBA, môi trường nhà máy khép kín, một số khu vực sản xuất không thể giãn chuyền, khó đảm bảo khoảng cách nên dễ lây nhiễm. Công nhân thường sống ở khu nhà trọ chật chội càng khiến dịch lan nhanh. Khi thành phố mở cửa từ đầu tháng 10 đến nay, ca nhiễm ở các nhà máy liên tục tăng, có thời điểm hơn 100 ca mỗi ngày. Công nhân nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc, điều trị, cách ly từ 12 đến 28 ngày ảnh hưởng lớn đến sản xuất.
Do đó, việc tiêm bổ sung mũi thứ 3 giúp doanh nghiệp bảo vệ lực lượng sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng khi các nhà máy phải đóng cửa do dịch bùng phát. Thành phố cần xem 320.000 lao động làm việc tại hơn 1.500 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là lực lượng sản xuất chủ chốt để có chính sách phù hợp. Bởi kim ngạch xuất khẩu của các khu công nghiệp hàng năm đạt hơn 27 tỷ USD, chiếm gần 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố.
TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên triển khai tiêm mũi 3. Thành phố dự kiến tiêm mũi 3 cho người dân trong hai đợt: Đợt một từ ngày 10/12 đến hết năm nay, tập trung tiêm cho người suy giảm miễn dịch đã tiêm mũi 2 ít nhất 28 ngày và người đã tiêm đủ hai liều ít nhất 6 tháng.
Bắt Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Hội An
Lực lượng chức năng ở Quảng Nam vừa bắt ông Phạm Văn Điểu, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Hội An về hành vi "Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Công an TP. Tam Kỳ phối hợp Phòng An ninh mạng và các đơn vị thực hiện bắt, khám xét đối với ông Phạm Văn Điểu |
Công an TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và các đơn vị liên quan thực hiện lệnh bắt, khám xét đối với ông Phạm Văn Điểu tại nhà riêng.
Ông Phạm Văn Điểu bị bắt tạm giam về hành vi "Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Trước đó, Công an TP. Tam Kỳ phối hợp với các đơn vị liên quan tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Điểu do liên quan đến gói thầu thuộc Dự án Xây dựng bờ kè sinh thái Cẩm Kim giai đoạn 2 và các dự án khác đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; sau đó được cho tại ngoại.
Được biết, những vi phạm trong công tác tổ chức đấu thầu các dự án tại TP. Hội An có liên quan đến vụ việc Giám đốc Ban Quản lý dự án đô thị huyện Thăng Bình và một phó giám đốc doanh nghiệp xây dựng bị bắt tạm giữ trước đó.
Công an TP. Tam Kỳ cũng đã tạm giữ ông Trần Thanh Dũng (Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đại Bình An, trụ sở tại TP. Tam Kỳ) và Lê Hữu Vũ (Giám đốc Ban Quản lý dự án đô thị huyện Thăng Bình).
Được biết, Công ty Tư vấn xây dựng Trường Phát, đơn vị tư vấn mời thầu và Công ty CP Tư vấn - Kỹ thuật Xây dựng Đại Bình An, Công ty Xây dựng Đại Lộc từng trúng nhiều gói thầu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
HUD bị phạt hàng trăm tỷ đồng vì "ôm" đất chậm trả tiền thuê
Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong hoạt động quản lý và sử dụng đất, do chậm nộp tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã bị phạt chậm nộp gần 316 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Dự án Khu đô thị Chánh Mỹ giai đoạn 2 về tay HUD hơn 10 năm vẫn chưa được triển khai |
Đây là một trong những nội dung Kiểm toán Nhà nước đưa ra trong báo cáo kiểm toán các hoạt động liên quan việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 tại HUD.
Cụ thể, thông qua kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại HUD, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một loạt hạn chế, tồn tại của doanh nghiệp này trong năm 2020.
Trong đó, HUD đã bị phạt gần 316 tỷ đồng trong năm vừa qua do chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại 4 dự án bất động sản bao gồm: Dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Hà Nội) 4,1 tỷ; Dự án Phú Mỹ (Quảng Ngãi) 1,5 tỷ; Dự án Chánh Mỹ giai đoạn 1 (Bình Dương) 304 tỷ; và Dự án HUD - Sơn Tây (Hà Nội) 6,3 tỷ đồng.
Liên quan hoạt động quản lý và sử dụng đất, Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại công ty mẹ - HUD, việc giao đất trên thực địa còn chậm tại Dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 và HUD - Sơn Tây, cũng như chưa giao một phần diện tích gần 10.000 m2 tại Dự án Chánh Mỹ giai đoạn 1 làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Bên cạnh đó, một số diện tích tại Dự án Khu đô thị Văn Quán và Khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội) đã được giao đất nhưng HUD chưa triển khai xây dựng công trình.
Ngoài những tồn tại ở công ty mẹ - HUD, các công ty thành viên của tổng công ty này cũng có nhiều hạn chế trong hoạt động quản lý và sử dụng đất những năm qua.
Tháo dỡ nhà hàng xây dựng trái phép lấn bờ biển Mũi Né
Nhà hàng xây dựng chiếm mặt biển ở phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) vừa bị tháo dỡ, trả lại cảnh quan cho khu du lịch quốc gia Mũi Né.
Nhà hàng lấn bờ biển Mũi Né bị tháo dỡ |
Công ty TNHH Hải Âu - chủ đầu tư công trình - phải bố trí nhân công và máy móc tiến hành tháo dỡ toà nhà trái phép. Việc tháo dỡ có sự chứng kiến chính quyền phường Hàm Tiến.
Đầu tuần qua, chính quyền phường Hàm Tiến phát hiện Công ty TNHH Hải Âu xây công trình hai tầng, sơn màu trắng, lấn ra bờ biển Rạng. Bước đầu địa phương xác định toà nhà được thi công lén lút từ giữa tháng 8, trong lúc chính quyền địa phương tập trung nhân lực phòng chống Covid-19.
Chủ tịch UBND phường Hàm Tiến Ngô Ngọc Dũng cho biết, chính quyền phường và TP. Phan Thiết cùng Sở Xây dựng kiểm tra hiện trường, xác định nhà hàng xây trái phép, chiếm gần 1.000 m2 mặt biển do Nhà nước quản lý. Chủ đầu tư cam kết tháo dỡ sau buổi làm việc.
Cơ quan chức năng đang rà soát hồ sơ, đo đạc vị trí, ranh giới khu đất để tham mưu UBND TP. Phan Thiết xử lý các bước tiếp theo.
Mũi Né là điểm du lịch nổi tiếng với bãi biển hoang sơ, rặng dừa thơ mộng, được nhiều khách trong và ngoài nước biết đến. Năm 2020, nơi đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận khu du lịch quốc gia.
Long An xây cầu 576 tỷ đồng bắc qua sông Vàm Cỏ Tây
Dự án Xây dựng cầu và đường bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An) dài 5 km, rộng 18 m, gồm 4 làn xe, tổng kinh phí hơn 564 tỷ đồng, sẽ hoàn thành giữa năm 2023.
Phối cảnh cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây |
UBND tỉnh Long An vừa khởi công Dự án Xây dựng cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, trên tuyến vành đai thành phố Tân An.
Dự án có tổng mức đầu tư 576 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp hơn 564 tỷ. Điểm đầu cây cầu giao với đường Nguyễn Thông (thành phố Tân An) và điểm cuối tại nút giao ngã 5 Tân Trụ.
Cây cầu dài 436 m với 4 làn xe. Đường dẫn lên cầu hai đầu dài gần 1,6 km, vận tốc thiết kế 60 km/h.
Dự án do Công ty CP Xây lắp Thương mại Delta, Công ty CP Xây dựng - Lắp máy Trung Nam và Công ty CP Kiểm định xây dựng An Hoà thi công, dự kiến hoàn thành trước tháng 6/2023.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An cho biết, mặt bằng thi công đã được bàn giao cho chủ đầu tư và đủ điều kiện khởi công xây dựng. Toàn Dự án chỉ còn 40/821 hộ dân có vướng mắc, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương sớm giải quyết để đẩy nhanh xây dựng.
Hải Phòng yêu cầu dừng tuyển lao động chưa tiêm đủ liều vaccine
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP. Hải Phòng yêu cầu tạm dừng tuyển dụng lao động chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
TP. Hải Phòng vận động người lao động tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh minh họa |
Yêu cầu trên được UBND Thành phố đưa ra với Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, Sở Công Thương. Các đơn vị này khẩn trương rà soát, lập danh sách công nhân, người lao động tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine gửi Sở Y tế.
Các quận, huyện cũng được giao nhiệm vụ trên, đồng thời tăng cường thông tin về lợi ích của việc tiêm vaccine; vận động phụ nữ có thai, người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng đến các cơ sở y tế để được tiêm chủng an toàn.
Chỉ đạo của UBND TP. Hải Phòng được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang diễn biến rất phức tạp, tỷ lệ ca mắc mới ở nhóm chưa tiêm vaccine tại các khu công nghiệp ngày càng tăng...
Tổng số mũi tiêm vaccine Covid-19 ở Hải Phòng đến nay là hơn 2,7 triệu, trong đó có trên 1,5 triệu là mũi một; mũi hai 1,2 triệu.