Bản tin thời sự sáng 12/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội; Đồng Nai lại tìm nhà đầu tư khu đô thị hơn 72.000 tỷ đồng; bắt Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình; xử phạt 6 cơ sở kinh doanh vàng ở Nghệ An…

Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội

Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung, với quy mô 668 ha ở các huyện ngoại thành.

Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung

Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung

Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội nêu trong báo cáo về tình hình triển khai các khu nhà ở xã hội gửi UBND Thành phố mới đây.

Theo Sở này, Hà Nội có 5 dự án đã hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, quy mô hơn 200 ha, khoảng 12.300 căn hộ. Bốn trong số này đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, nằm tại các huyện Đông Anh, Mê Linh và Gia Lâm.

Ngoài ra, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang đề xuất cấp có thẩm quyền xây mới 9 khu nhà ở xã hội tại các huyện ngoại thành, với quy mô diện tích hơn 660 ha.

Trong đó, 2 dự án có quy mô lớn nhất được đề xuất làm tại thị trấn Chúc Sơn và xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ). Dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Chúc Sơn có quy mô là 169 ha, với các tòa nhà cao 7 - 9 tầng, phục vụ dân số khoảng 13.500 người. Còn dự án tại xã Tân Tiến khoảng 127 ha, quy mô dân 15.750 người.

Trước đó, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu, các sở, ngành đến trước ngày 1/10 phải khởi công được ít nhất 1 dự án nhà ở xã hội. Đề nghị này được ông Thanh đưa ra trong bối cảnh việc triển khai loại hình nhà ở này tại Thủ đô đang chậm tiến độ. Một trong số nguyên nhân dẫn tới việc chậm này là do sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ.

Hiện, Hà Nội là một trong các đô thị lớn có nhu cầu cao về nhà ở xã hội, nhưng đầu tư còn hạn chế, theo đánh giá của Bộ Xây dựng. Từ nay đến hết 2025, Thành phố dự kiến hoàn thành 3 dự án với 1.700 căn hộ, đáp ứng 9% nhu cầu về nhà ở của người lao động, thu nhập thấp.

Trong khi đó, theo chỉ tiêu được giao tại đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, đến năm 2025, Hà Nội phải hoàn thành 18.700 căn hộ. Từ năm 2021 đến nay, Thành phố mới hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với 5.200 căn hộ.

Đồng Nai lại tìm nhà đầu tư khu đô thị hơn 72.000 tỷ đồng

Đồng Nai vừa tiếp tục thông báo tìm nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa với vốn hơn 72.000 tỷ đồng.

Phường Hiệp Hòa có tổng diện tích gần 700 ha, nằm ngay cửa ngõ TP. Biên Hòa, được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Cái

Phường Hiệp Hòa có tổng diện tích gần 700 ha, nằm ngay cửa ngõ TP. Biên Hòa, được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Cái

Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa có quy mô 293 ha, tại phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là vị trí khá đắc địa ở khi nằm ở cửa ngõ trung tâm TP. Biên Hòa, cũng như tiếp giáp hai con sông Đồng Nai và sông Cái.

Mức đầu tư dự kiến cho khu đô thị này gần 72.290 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 16.700 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, Dự án gồm 2 loại hình nhà ở là thấp tầng (liền kề, biệt thự) và cao tầng (chung cư thương mại, nhà ở xã hội). Diện tích xây dựng nhà ở sẽ chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất của Dự án. Sau khi hoàn thành, quy mô dân số Khu đô thị Hiệp Hòa khoảng 31.600 người.

Đồng Nai cho phép nhà đầu tư thực hiện Dự án trong vòng 12 năm kể từ khi được chấp thuận chủ trương. Quá trình thực hiện cũng có thể được phân kỳ đầu tư theo 5 giai đoạn.

Trước đó, Đồng Nai cũng đã thông báo tìm nhà đầu tư dự án này lần đầu tiên vào cuối tháng 1/2024. Tuy nhiên, không doanh nghiệp nào nộp hồ sơ đăng ký tham gia.

Hồi tháng 4, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cũng báo cáo để UBND Tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét điều chỉnh giảm yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm với nhà đầu tư để thu hút doanh nghiệp tham gia Dự án.

Tuy nhiên, tiêu chí về năng lực tài chính của chủ đầu tư vẫn được giữ nguyên như ban đầu. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải hơn 10.800 tỷ đồng căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Bắt Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình

Ông Nguyễn Xuân Dương, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà - hiện là Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình bị cơ quan công an bắt tạm giam để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ông Nguyễn Xuân Dương

Ông Nguyễn Xuân Dương

Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Hưng Hà đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Xuân Dương (trú phường Trần Lãm, TP. Thái Bình) để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Việc bắt giữ trên được thực hiện vào sáng 11/6. Các quyết định, lệnh liên quan đều đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Ông Dương bị bắt khi đang giữ chức Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình.

Ông Nguyễn Xuân Dương bị khởi tố, sau khi cơ quan tố tụng căn cứ kết quả điều tra mở rộng vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Hồng An, huyện Hưng Hà. Những sai phạm khiến ông Dương bị bắt giữ liên quan đến thời kỳ ông này còn giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà.

Trước đó, ngày 5/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hưng Hà cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam với 4 cán bộ huyện Hưng Hà để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2019 - 2020, các bị can Nguyễn Xuân Dương cùng các bị can bị khởi tố trước đó đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện trái các quy định của pháp luật về quản lý đất đai trong việc thẩm định hồ sơ, tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm trên đất chuyên trồng lúa nước, chưa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với 6.494,9 m2 đất giao trái thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng…

Xử phạt 6 cơ sở kinh doanh vàng ở Nghệ An

Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý 6 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn với số tiền xử phạt hành chính hơn 400 triệu đồng.

Lực lượng quản lý thị trường Nghệ An phối hợp với công an tỉnh để kiểm tra xử lý vi phạm

Lực lượng quản lý thị trường Nghệ An phối hợp với công an tỉnh để kiểm tra xử lý vi phạm

Chiều 11/6, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An vừa có báo cáo về việc phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý 6 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn với số tiền xử phạt hành chính hơn 400 triệu đồng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An, 6 cơ sở kinh doanh vàng tại Nghệ An, bị kiểm tra trong khoảng thời gian từ 19/4 - 30/5, có các vi phạm như: không xuất trình được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, bán hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết, thời gian qua đã phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vàng tại nhiều địa phương trong bối cảnh tình hình thị trường vàng thế giới và trong nước tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, giá vàng có những thời điểm biến động ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Phát Đạt được chấp thuận nghiên cứu dự án KCN ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Dự án khu công nghiệp mà Phát Đạt được chấp thuận nghiên cứu có quy mô 1.247 ha nằm tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phát Đạt nghiên cứu dự án khu công nghiệp gần 1.250 ha ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Phát Đạt nghiên cứu dự án khu công nghiệp gần 1.250 ha ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) vừa cho biết đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận đề xuất nghiên cứu và lập phương án đầu tư Dự án khu công nghiệp tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức với quy mô 1.247 ha.

Dự án này do liên danh Phát Đạt và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI) đề xuất.

Tỉnh cũng yêu cầu liên danh Phát Đạt phải có trách nhiệm cam kết chịu toàn bộ chi phí, rủi ro nếu Dự án không được chấp thuận theo quy định của pháp luật hiện hành. Liên danh có thể liên hệ với Ban Quản lý các khu công nghiệp của Tỉnh để được hỗ trợ.

Trước đó, vào tháng 5/2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có ý kiến ủng hộ và đồng ý về nguyên tắc cho PDR được nghiên cứu, khảo sát các dự án khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Đến tháng 6/2021, Ban Quản lý các khu công nghiệp cho rằng, sự việc này là phù hợp với chủ trương của Tỉnh. Khi đó, PDR và PDI đã khảo sát đầu tư các dự án khu công nghiệp nằm trên địa bàn huyện Châu Đức thuộc xã Cù Bị, Bình Ba và Xà Bang, với tổng quỹ đất khoảng 4.500 ha.

Đồng thời, Phát Đạt đã ký kết các biên bản ghi nhớ với Công ty CP Cao su Bà Rịa về việc hợp tác đề xuất thành lập dự án khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị.

TP.HCM tính kết nối sân bay Long Thành bằng tàu thủy cao tốc

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đưa ra 3 phương án đường thủy tăng cường kết nối giao thông, du lịch từ Thành phố đến sân bay Long Thành, trong đó có tàu thủy cao tốc.

Tàu thủy cao tốc chở khách từ TP.HCM đi Côn Đảo

Tàu thủy cao tốc chở khách từ TP.HCM đi Côn Đảo

Nội dung nêu trong dự thảo góp ý phương án chở khách bằng đường thủy đến sân bay, được Sở GTVT Thành phố lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Việc này nhằm tăng kết nối đến Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai với TP.HCM khi sân bay dự kiến hoàn thành năm 2026.

Phương án đầu được ngành giao thông Thành phố đưa ra là hình thành tuyến vận tải chở khách trực tiếp bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng, Quận 1, đến bến du thuyền SwanBay ở Nhơn Trạch. Tuyến này dài hơn 22 km, chạy mất 35-45 phút. Đây là phương án có là thời gian di chuyển trên sông ít hơn so với hành trình đến một số bến tàu khác ở phía Đồng Nai. Từ khu vực SwanBay, khách có thể tới sân bay Long Thành theo các trục đường bộ có sẵn, vài năm tới thêm tuyến Vành đai 3, cao tốc, giúp đi lại thuận tiện hơn.

Hiện TP.HCM có hai tuyến tàu thủy cao tốc đi Vũng Tàu và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Phương án thứ hai để tăng kết nối đến sân bay Long Thành qua việc đầu tư bến khách ngang sông. TP.HCM và Đồng Nai sẽ nâng cấp hai đầu bến Phú Xuân - Phước Khánh trên sông Soài Rạp, để tăng kết nối từ khu vực Nhà Bè sang huyện Nhơn Trạch. Sau khi qua sông, khách có thể theo tuyến Phạm Thái Bường, ĐT.769D (25C) đến sân bay Long Thành với cự ly gần 25 km, thời gian di chuyển 40 - 45 phút.

Phương án cuối cùng là tăng công suất khai thác ở bến phà Cát Lái, nối TP. Thủ Đức qua huyện Nhơn Trạch. Cách này sẽ giúp người dân ở phía đông TP HCM dễ đến sân bay Long Thành trong lúc chờ cầu Cát Lái được xây dựng. Để triển khai theo phương án này, phà Cát Lái sẽ được nâng cấp, tăng phà cùng công suất khai thác để đáp ứng nhu cầu đi lại.

Ngoài phương án tăng kết nối đường thuỷ, Bộ GTVT đang tính toán mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác hai năm tới.

Xây dựng không phép, Công ty Lens Việt Nam ở Bắc Giang bị xử phạt 140 triệu đồng

UBND tỉnh Bắc Giang vừa xử phạt 140 triệu đồng đối với Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam do thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng.

Công ty Lens Việt Nam ở Bắc Giang bị xử phạt 140 triệu đồng vì xây dựng không phép

Công ty Lens Việt Nam ở Bắc Giang bị xử phạt 140 triệu đồng vì xây dựng không phép

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích đã ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng đối với Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam do tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng đối với Dự án nhà máy thứ hai Lens Việt Nam (giai đoạn 1 và giai đoạn mở rộng).

Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam có trụ sở chính tại Lô R (R2), Khu công nghiệp Quang Châu, phường Quang Châu, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, do ông Lee Kwan Yeon (Tổng Giám đốc) làm Người đại diện theo pháp luật.

UBND tỉnh Bắc Giang đã xử phạt 140 triệu đồng đối với Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam do thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng.

Theo Quyết định xử phạt, Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng đối với Dự án nhà máy thứ hai Lens Việt Nam (giai đoạn 1 và giai đoạn mở rộng), địa điểm thực hiện tại một phần lô CN2, KCN Quang Châu, tỉnh Bắc Giang.

Cũng theo Quyết định xử phạt, hành vi vi phạm của Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam có tình tiết tăng nặng do vi phạm hành chính nhiều lần, có quy mô lớn.

Với hành vi vi phạm nêu trên, Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam bị UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt số tiền 140 triệu đồng, áp dụng mức cao nhất của khung tiền phạt.

Về biện pháp khắc phục, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam dừng thi công xây dựng công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Khởi tố các đối tượng vi phạm quy định về khai thác tài nguyên tại Hưng Yên

Ngày 11/6, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng về tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên.

Phương tiện khai thác cát trái phép bị các cơ quan chức năng tạm giữ.

Phương tiện khai thác cát trái phép bị các cơ quan chức năng tạm giữ.

Trước đó, tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Hưng Yên đã phát hiện 4 tàu, gồm: 2 tàu hút cát và 2 tàu mua cát có hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên.

Trên 2 tàu hút cát lắp đặt nhiều máy móc, phương tiện sử dụng để bơm, hút cát với công suất lớn. Tại thời điểm kiểm tra có: một tàu hút cát vỏ bằng xi-măng đang hút, bơm cát trực tiếp từ sông Hồng để sang mạn cho phương tiện thủy mua cát số hiệu NĐ-3861 với khối lượng khoảng 318 m3; một tàu hút cát vỏ thép không có số hiệu đang bơm cát trực tiếp từ sông Hồng để bơm vào khoang chứa hàng và bơm sang mạn cho phương tiện thủy số hiệu NĐ-3593 với khối lượng khoảng 896 m3.

Qua kiểm tra xác định khối lượng cát còn lại trên khoang chứa hàng của tàu hút vỏ thép có khối lượng khoảng 259 m3.

Cơ quan điều tra đã tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm gồm: 2 tàu hút cát, 2 phương tiện chở hàng, khoảng 1.474 m3 cát và 14 điện thoại di động của các đối tượng liên quan để phục vụ việc điều tra, xác minh.

Quá trình xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 33/QĐ-CSKT về tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên theo điều 227 Bộ luật Hình sự.

Căn cứ tính chất phức tạp, mức độ nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 7 đối tượng cùng về tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên.