Bản tin thời sự sáng 13/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thủy điện ở Quảng Nam đồng loạt xả nước điều tiết, đón đợt mưa lũ mới; đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai ở Phú Yên; mua gấp hóa chất xét nghiệm ung thư trước khi hết; tài khoản chứng khoán mở mới giảm sâu; Huế đầu tư 97 chỉnh trang đường Hai Bà Trưng thành phố đi bộ…

Thủy điện ở Quảng Nam đồng loạt xả nước điều tiết, đón đợt mưa lũ mới

Ngày 12/10, Quảng Nam có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý hồ thủy điện trên địa bàn, điều tiết hạ mực nước hồ chứa để chuẩn bị đón lũ trong đợt mưa lớn dự báo sắp xảy ra từ 13 - 14/10.

Mưa giảm, nhưng mực nước trên các sông ở khu vực miền Trung vẫn còn rất cao, nguy cơ lũ lụt tái diễn vài ngày tới.

Mưa giảm, nhưng mực nước trên các sông ở khu vực miền Trung vẫn còn rất cao, nguy cơ lũ lụt tái diễn vài ngày tới.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủy điện Đắk My4, Sông Bung 2, Sông Bung 4 và A Vương tổ chức vận hành tăng lưu lượng nhằm hạ dần mực nước các hồ chứa trước 20h30 ngày 13/10. Cụ thể, thông số vận hành tại hồ thủy điện Đắc Mi 4 và Sông Bung 4 với mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm từ 200 - 300 m3/s.

Đối với thủy điện A Vương, tổ chức vận hành tăng lưu lượng nhằm hạ dần mực nước hồ chứa thủy điện A Vương theo cao trình phòng lũ trước lũ trước 10h ngày 13/10. Thời điểm bắt đầu vận hành từ 10h 12/10.

Đối với thủy điện Sông Bung 2, tổ chức vận hành đảm bảo mực nước hồ không vượt cao trình mực nước cao nhất trước lũ.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các công ty thủy điện vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa.

Quảng Nam cũng đã thông báo đến chính quyền và người dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ...

Đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai ở Phú Yên

Mưa lũ kéo dài, nhiều cầu và đường hư hỏng, ngành giao thông Phú Yên kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Phú Yên ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

Quốc lộ 1 được cho hư hỏng do mưa ngập kéo dài

Quốc lộ 1 được cho hư hỏng do mưa ngập kéo dài

Ngày 12/10, Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phú Yên cho biết, đơn vị này đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Phú Yên ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai vì xói lở mố cầu trên Quốc lộ 1 và hư hỏng trên nhiều tuyến đường.

Động thái này được đưa ra để kịp thời ứng phó, khắc phục hư hỏng ở các công trình ở địa bàn vì mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất thời gian qua. Theo Sở Giao thông vận tải Phú Yên, mưa lớn làm mố cầu Bà Nam, thuộc xã Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu) bị xói lở, tạo hàm ếch sâu vào mặt đường 3 - 4 m. Tối 11/10, đất đá trên núi sạt lở lấp mặt đường Quốc lộ 1 ở gần khu vực.

Trên Quốc lộ 1D, đoạn qua xã Xuân Hải (thị xã Sông Cầu), đất đá sạt lấp mặt đường. Nhiều đường thuộc hai huyện Đồng Xuân, Tuy An bị ngập trong nước lụt. Quốc lộ 25, Quốc lộ 19 qua tỉnh Phú Yên phát sinh nhiều hư hỏng, ổ gà.

Mua gấp hóa chất xét nghiệm ung thư trước khi hết

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM yêu cầu đơn vị cung cấp hóa chất xét nghiệm khẩn trương kê khai giá, sớm mua sắm phục vụ người bệnh do chỉ còn dùng đủ một tháng.

Điều trị bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2

Điều trị bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2

Ngày 12/10, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết yêu cầu trên xuất phát từ buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chia sẻ về khả năng thiếu hụt hóa chất xét nghiệm giải phẫu bệnh trong chẩn đoán các loại ung thư. Đây là các xét nghiệm sinh học phân tử giúp xác định chính xác loại lymphoma, xét nghiệm hóa mô tìm dấu ấn miễn dịch trong chẩn đoán ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa...

Những kỹ thuật mới về xét nghiệm giải phẫu bệnh đã được Bệnh viện Ung bướu TP.HCM triển khai thành công thời gian qua. Nhờ đó, bác sĩ chẩn đoán chính xác loại ung thư, chọn phác đồ điều trị đạt hiệu quả cao cho bệnh nhân.

Giai đoạn đầu là xét nghiệm mới nên hóa chất được các nhà tài trợ cung cấp. Hiện, lượng hóa chất xét nghiệm này sắp hết, Bệnh viện đã chuẩn bị mua sắm bổ sung để không bị gián đoạn trong chẩn đoán ung thư. Tuy nhiên, nơi này đang gặp khó khăn trong việc xây dựng giá dự toán để tổ chức đấu thầu, mua sắm. Cụ thể, các hóa chất này chưa có kết quả trúng thầu được đăng tải trên cổng thông tin theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, hóa chất mới, chỉ có một đơn vị cung cấp và chưa thực hiện kê khai giá.

Trước những khó khăn này, Sở đã hướng dẫn bệnh viện yêu cầu đơn vị cung cấp hóa chất khẩn trương kê khai giá hàng hóa trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Trên cơ sở kê khai giá của công ty, Bệnh viện sẽ xây dựng giá dự toán hàng hóa mua sắm.

Bệnh viện đang khẩn trương thực hiện theo hướng dẫn để sớm hoàn tất giai đoạn xây dựng kế hoạch đấu thầu. Quy trình mua sắm, đấu thầu thuốc gồm 4 bước là dự trù số lượng, thẩm định kế hoạch và tổ chức đấu thầu, thông thường mất khoảng ba tháng. Trường hợp khẩn cấp, thời gian này có thể rút ngắn lại.

Tài khoản chứng khoán mở mới giảm sâu

Thị trường chứng khoán đón hơn 102.000 tài khoản mới gia nhập trong tháng 9, chưa đến một phần tư so với những tháng giữa năm.

Thị trường chứng khoán đón hơn 102.000 tài khoản mới gia nhập trong tháng 9

Thị trường chứng khoán đón hơn 102.000 tài khoản mới gia nhập trong tháng 9

Số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, thị trường hiện có 6,57 triệu tài khoản. Tài khoản mới trong tháng 9 vẫn trên mức 100.000, nhưng đây là tháng thứ ba liên tiếp con số này đi xuống và là mức thấp nhất trong hơn một năm qua.

Tài khoản của nhà đầu tư trong nước đang chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối với 99,78%, tương ứng 6,55 triệu tài khoản. Tỷ trọng của nhà đầu tư nước ngoài bị thu hẹp khi một số đã đóng tài khoản, rút tiền khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

Số lượng tài khoản mới giảm sâu là tín hiệu cho thấy sức hút của thị trường chứng khoán hạ nhiệt sau giai đoạn tăng trưởng nóng.

Trong tháng 9, VN-Index nằm trong danh sách các chỉ số chứng khoán có hiệu suất kém nhất khi giảm 11,59%. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm, xoá sạch thành quả tích luỹ trong hai tháng trước đó. Chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM chưa dừng lại ở đó mà tiếp tục điều chỉnh mạnh trong nửa đầu tháng 10, có lúc thủng mốc 1.000 điểm. Diễn biến thị trường không thuận lợi và cơ hội sinh lời không dễ như những tháng đầu năm nhiều khả năng khiến tài khoản chứng khoán mới còn giảm thêm trong ba tháng tới.

Cách đây hai năm, mỗi tháng thị trường có thêm khoảng 15.000 - 50.000 tài khoản chứng khoán mới. Trong những tháng giãn cách xã hội, nhu cầu đầu tư cao, lượng tài khoản từ đầu năm 2021 nhảy vọt lên trên 100.000 mỗi tháng. Đỉnh điểm là tháng 5 năm nay có hơn 476.000 tài khoản mới.

Đề xuất mỗi ô tô có mã định danh, số dư tài khoản

Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất mỗi ô tô có mã định danh, số dư trong tài khoản để giúp việc quản lý tốt hơn, như chuyện thu phí dừng, đỗ.

Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất mỗi ô tô có mã định danh

Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất mỗi ô tô có mã định danh

Ngày 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 115 cơ chế, chính sách và ngân sách đặc thù với Hà Nội.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau 3 năm thí điểm cơ chế đặc thù, nhiều chính sách đã được thực hiện, nhưng vẫn còn tồn tại, như chuyện thu phí dừng, đỗ ô tô. Nếu Hà Nội quản lý tốt phí dừng, đỗ ô tô thì sẽ thu được nguồn lực không ít, thậm chí có thể hạ mức phí này để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, người dân và việc dừng đỗ, thoải mái hơn.

Giải thích sau đó, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội từng áp dụng thu phí dừng đỗ một thời gian nhưng sau đó vướng mắc về kỹ thuật và dịch Covid-19 nên bị lơ đãng. Từ thực tế các cơ quan đang đẩy nhanh cấp mã định danh cá nhân, ông Thanh cho rằng, có thể xem xét quy định trong luật hay nghị định việc mỗi ô tô có mã định danh riêng, mỗi xe phải có một thẻ và số dư trong tài khoản.

Chủ tịch Hà Nội giải thích, nếu có thẻ, tài khoản sẽ làm được rất nhiều việc, kể cả thu phí dừng, đỗ ô tô, hay thu phí vào nội đô các khung giờ cao điểm...

Hiện, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe trên các tuyến đường thuộc Thành phố quản lý. UBND quận, huyện, thị xã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để đỗ xe trên địa bàn quản lý.

Huế đầu tư 97 chỉnh trang đường Hai Bà Trưng thành phố đi bộ

Đường Hai Bà Trưng dài 850 m nằm giữa trung tâm TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang được chỉnh trang với kinh phí 97 tỷ đồng để trở thành tuyến đường đi bộ.

Phối cảnh đường Hai Bà Trưng khi hoàn thành

Phối cảnh đường Hai Bà Trưng khi hoàn thành

Ngày 12/10, công nhân cắt tỉa cây xanh dọc tuyến đường Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh, để chuyển sang trồng nơi khác. Vỉa hè hai bên được xới tung để lắp đặt lại hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng.

Theo kế hoạch của TP. Huế, đường Hai Bà Trưng dài 850 m sẽ được cải tạo để trở thành tuyến phố đi bộ, hai bên sẽ trồng cây bàng lá nhỏ. Tuyến đường được chia thành 3 khu vực để chỉnh trang.

Khu A từ đường Phan Đình Phùng đến đường Nguyễn Huệ sẽ lát đá vỉa hè, thảm bê tông mặt đường, hạ ngầm lưới điện hạ thế, làm mới hệ thống điện chiếu sáng và vỉa hè bằng đèn led, bố trí đèn chiếu sáng và quấn cây khi có lễ hội...

Khu B từ đường Nguyễn Huệ đến đường Ngô Quyền sẽ lát đá toàn bộ vỉa hè và mặt đường, cải tạo hạ tầng kỹ thuật, làm mới hệ thống điện chiếu sáng và vỉa hè bằng đèn led, bố trí đèn chiếu sáng và quấn cây khi có lễ hội. Thành phố sẽ đầu tư hệ thống camera an ninh, xây dựng các ô cây, bố trí điểm tiện ích công cộng, chỉnh trang công viên.

Khu C từ đường Ngô Quyền đến đường Hà Nội sẽ lát đá vỉa hè, thảm bê tông mặt đường, đầu tư hệ thống camera an ninh, bố trí ô cây theo thiết kế.

Hiện nay, TP. Huế đã có hai phố đi bộ là khu phố Tây ở đường Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu và phố đi bộ Hoàng thành Huế ở đường Lê Huân, 23 tháng 8.

Tháo dỡ hàng trăm kiốt ven biển Cửa Lò

142/209 kiốt dọc đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã được người dân thu dọn đồ đạc hoặc tháo dỡ để giao lại mặt bằng cho chính quyền.

142/209 kiốt dọc đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã được người dân thu dọn đồ đạc hoặc tháo dỡ

142/209 kiốt dọc đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã được người dân thu dọn đồ đạc hoặc tháo dỡ

Dãy kiốt hình lục lăng ở phường Nghi Thu được thị xã Cửa Lò xây dựng năm 2004 cho người dân tham gia đấu thầu, đã hết hạn kinh doanh từ 9/2020. Ngày 11/10, dãy nhà này đã được chính quyền dùng máy san ủi.

Ngoài kiốt hình lục lăng, năm 2010, hàng trăm kiốt cũng được người dân tự xây theo mẫu thiết kế, mỗi căn rộng 200 m2 nằm sát biển để kinh doanh. Tất cả dãy nhà này đều hết hạn từ 9/2020, sau đó thị xã cho gia hạn từng năm.

Kế hoạch giải tỏa 209 kiốt dọc đường Bình Minh được chính quyền thị xã Cửa Lò chia làm ba bước. Bước một, thông báo kế hoạch cho các hộ kinh doanh, hoàn thành vào tháng 9. Bước hai là thanh lý hợp đồng với các chủ kiốt, yêu cầu họ tự tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho thị xã, hoàn thành cuối tháng 10. Bước cuối cùng chính quyền sẽ cho san ủi, vận chuyển toàn bộ rác thải xây dựng ra khỏi khu vực, hoàn trả mặt bằng, dự kiến hoàn thành cuối năm.

Tới nay, 68 hộ đã tự tháo dỡ khuôn viên để bàn giao cho các phường; 74 kiốt khác đã chuyển hết vật dụng và đang tự tháo dỡ.

Với Nhà nghỉ 382 và ba tổ chức khác, thị xã Cửa Lò đang lập phương án bồi thường, thực hiện các thủ tục để di dời, dự kiến trước 31/12. Đối với công viên thiếu nhi sẽ giải tỏa trước 31/1/2023.

Ông Võ Văn Hùng, Phó Chủ tịch thị xã Cửa Lò cho biết, các kiốt, công trình xây dựng đã che chắn tầm nhìn từ đường Bình Minh ra biển. Do đó, xóa bỏ các kiốt nhằm quy hoạch lại, tạo điểm nhấn về đô thị, hạ tầng du lịch, thu hút du khách cho địa phương.

Đông Anh và Gia Lâm có thể lên quận vào năm 2023

Thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ và quyết tâm đưa hai huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận vào năm 2023.

Một góc khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh

Một góc khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 có 3 - 5 huyện lên quận, nhưng nếu dàn hàng ngang thì khó thành công. Vì thế, TP. Hà Nội chọn Đông Anh và Gia Lâm. Lãnh đạo Thành phố đang cùng các huyện đánh giá, từng bước báo cáo các cấp thẩm quyền, cố gắng năm 2023 hai huyện này sẽ lên được quận.

Theo chương trình Thành ủy Hà Nội ban hành trước đó, 5 huyện sẽ lên quận giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng và 3 huyện lên quận giai đoạn 2026 - 2030 gồm: Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.

Qua quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội từ chỗ chỉ có 4 quận lõi gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã tăng lên 12 quận như ngày nay (thêm 8 quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân).

Huyện Đông Anh diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000, có 23 xã, một thị trấn. Huyện Gia Lâm diện tích gần 115 km2, dân số 280.000, có 20 xã và 2 thị trấn.