Thủ tướng Phạm Minh Chính đến hiện trường sạt lở Làng Nủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính chống gậy, lội ra nơi lực lượng chức năng đang tìm kiếm 51 nạn nhân mất tích vì lũ quét, động viên các chiến sĩ và thăm hỏi người dân.
Thủ tướng ra hiện trường tìm kiếm nạn nhân, động viên bộ đội, chiều 12/9 |
Chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính xuống xe ở đầu cầu Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Đây là khu vực lực lượng quân đội đang tập trung tìm kiếm, khả năng có nhiều người gặp nạn bị trôi dạt về, do là vùng trũng, tập trung nhiều cây cối, củi, vật dụng.
Sau khi thăm hỏi, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ, Thủ tướng đến điểm tìm kiếm thứ hai - đoạn giữa lòng suối, tiếp tục kiểm tra và động viên mọi người.
Nói với Thủ tướng Chính phủ, một người dân cho biết, sau trận lũ quét đã được chính quyền địa phương lo hậu sự, thức ăn, quần áo đầy đủ. Nhưng hiện giờ nhiều gia đình không còn gì nữa, mong Nhà nước giúp đỡ về đất đai, nhà cửa ở nơi an toàn.
Thủ tướng giao tỉnh Lào Cai sử dụng các cơ chế ưu đãi nhất để xây nhà cho người dân bị lũ quét, cần xong trước ngày 31/12. "Bản này trước đây nghĩ là an toàn nhưng cuối cùng không an toàn. Do đó, việc xây dựng khu dân cư mới phải tính toán quy hoạch cho kỹ", Thủ tướng lưu ý.
Sau khi chăm chú lắng nghe, Thủ tướng gửi lời chia sẻ mất mát với chính quyền và nhân dân chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các lực lượng tập trung tìm kiếm người mất tích, vì gia đình, người thân đang rất trông mong. Với những người bị thương, cần tập trung cứu chữa. Ngoài ra, địa phương phải dọn vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh, khôi phục giao thông; nhanh chóng xây lại trường lớp để các trẻ được đi học sớm nhất; khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân.
Tối cùng ngày, Thủ tướng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai tại trụ sở UBND huyện Bảo Yên. Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong cho biết, thiệt hại của Tỉnh đến nay ước tính 2.000 - 3.000 tỷ đồng (thống kê chưa đầy đủ), nên kiến nghị Chính phủ hỗ trợ trước 200 - 300 tỷ đồng để giải quyết các vấn đề cấp bách. Về lâu dài, ông đề nghị Thủ tướng cho phép Tỉnh nghiên cứu những cơ chế đặc thù để kịp khảo sát, thiết kế, đầu tư xây dựng các khu tái định cư...
Mưa lũ kéo dài, sạt lở khiến Lào Cai thương vong tổng cộng 255 người. Trong đó, 98 người chết; 81 mất tích, 76 người bị thương. Toàn Tỉnh có gần 9.200 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn. Nhiều khu vực tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà bị ngập, đường giao thông sạt lở đang thống kê thiệt hại.
Giá xăng giảm mạnh gần 1.200 đồng/lít
Giá xăng E5 RON 92 giảm 1.080 đồng/lít, còn xăng RON 95 giảm 1.190 đồng/lít. Giá nhiên liệu này đang ở mức thấp nhất khoảng 2 năm qua.
Giá xăng giảm mạnh gần 1.200 đồng/lít |
Chiều 12/9, Liên bộ Công Thương - Tài Chính thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 15h cùng ngày.
Theo đó, cơ quan điều hành quyết định giảm 1.080 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và giảm 1.190 đồng trên mỗi lít xăng RON 95. Sau điều chỉnh, giá bán lẻ tối đa với mặt hàng xăng E5 RON 92 là 18.890 đồng/lít và xăng RON 95 là 19.630 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh giảm tiếp trong kỳ điều hành ngày 12/9. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 930 đồng/lít, còn 17.160 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 930 đồng/lít, về 17.790 đồng/lít. Dầu mazut cũng giảm còn 14.460 đồng/kg. Tại kỳ điều hành, Liên bộ vẫn duy trì không trích hay chi Quỹ bình ổn giá.
Như vậy, giá xăng trong nước đã có phiên giảm thứ 4 liên tiếp chỉ sau một phiên tăng, đưa giá nhiên liệu này về mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua. Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng 17 lần, giảm 20 lần; dầu diesel có 16 lần tăng và 19 lần giảm.
Dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây không sử dụng quỹ. Trong đó, tính đến ngày 12/9, Petrolimex ghi nhận mức dương quỹ 3.079 tỷ đồng; PV Oil âm quỹ hơn 138 tỷ đồng; Saigon Petro dương 328 tỷ đồng; Petimex dương 460 tỷ đồng...
Cầu lớn nhất Vành đai 3 TP.HCM hợp long hai nhịp chính
Cầu Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3, nối TP.HCM với Đồng Nai sau hai năm thi công bắt đầu được hợp long các nhịp chính đầu tiên, chiều 12/9.
Nhà thầu đổ bêtông hợp long nhịp chính cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai |
Chiều nay, nhà thầu Kumho E&C (Hàn Quốc) đổ bêtông nối liền hai nhịp chính cầu Nhơn Trạch, mỗi nhịp dài 130 m, nằm giữa 4 trụ P19-P20 và P20-P21 giữa sông Đồng Nai. Đây là 2 nhịp cầu đầu tiên được hợp long trước khi nối thông toàn bộ các nhịp còn lại vào tháng 1/2025. Những hạng mục khác như hệ thống an toàn giao thông, lan can, thảm nhựa... sẽ được nhà thầu hoàn thiện để đưa công trình vào khai thác dịp 30/4 năm sau.
Cầu Nhơn Trạch thuộc gói thầu CW1 - một trong hai gói xây lắp chính của Dự án thành phần 1A trên tuyến Vành đai 3 TP.HCM. Công trình bắc qua sông Đồng Nai, dài hơn 2 km, rộng 19,5 m, tĩnh không thông thuyền 30 m (khoảng cách từ mực nước cao nhất tới gầm cầu).
Có trị giá 1.618 tỷ đồng, gói thầu xây cầu Nhơn Trạch khởi công tháng 9/2022, hợp đồng thi công tới tháng 9/2025, nhưng nhà thầu đặt mục tiêu rút ngắn tiến độ 4 tháng. Đến nay, công trình đã hoàn thành hơn 83% khối lượng. Việc hợp long hai nhịp chính được xem là mốc quan trọng, giúp kết nối phần cầu chính giữa sông, thuận lợi thi công các hạng mục khác.
Cùng với cầu Nhơn Trạch, gói thầu chính còn lại của Dự án 1A là CW2 (đường dẫn hai đầu dài 5,6 km). Gói thầu này trị giá 1.071 tỷ đồng do Liên danh Dongbu - VNCN thi công cũng dự kiến cơ bản hoàn thành dịp lễ 30/4 năm sau để đồng bộ toàn tuyến.
Dự án thành phần 1A kết nối Tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM). Giai đoạn một, tuyến có chiều rộng 20 - 26 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, kinh phí đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng từ vốn vay ODA Hàn Quốc và nguồn đối ứng của Việt Nam.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông Vận tải - chủ đầu tư), tiến độ chung toàn dự án hiện đạt gần 70%. Trước đó, quá trình triển khai công trình gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, cát san lấp. Tuy nhiên, các đơn vị đang bám sát tiến độ, mục tiêu thông xe tuyến 1A dịp 30/4 năm sau.
12.000 khách vay vốn ở Hải Phòng, Quảng Ninh thiệt hại sau bão
Hơn 12.000 khách vay ở Hải Phòng, Quảng Ninh với tổng dư nợ 26.000 tỷ đồng chịu thiệt hại nặng sau bão Yagi, theo thống kê của ngành ngân hàng.
Khu phố Cổ, sát công viên Hạ Long, tan hoang sau bão |
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh cho biết, đến hết ngày 10/9, có hơn 11.000 khách hàng với dư nợ khoảng 10.650 tỷ đồng bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão Yagi. Số này chiếm 5,6% tổng dư nợ trên địa bàn.
Một số khách hàng nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng mạnh do trôi dạt bè nuôi thủy sản. Cơ sở vật chất của hầu hết cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân đều thiệt hại và hư hỏng.
Còn theo bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng, địa phương này có 890 khách hàng với tổng dư nợ hơn 15.680 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão. Các lĩnh vực chịu thiệt hại tập trung vào chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất kinh doanh và thương mại, lĩnh vực cầu cảng, tàu bè đánh bắt thủy hải sản...
Như vậy, tại Hải Phòng, Quảng Ninh hiện có khoảng 12.000 khách vay, với tổng dư nợ hơn 26.000 tỷ bị thiệt hại sau bão Yagi.
Riêng tại VietinBank, nhà băng này thống kê có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp với dư nợ 18.000 tỷ bị ảnh hưởng. Phó Tổng giám đốc Lê Duy Hải cho biết sẽ nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại trên toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Với các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, VietinBank sẽ đẩy nhanh đền bù, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.
Siêu bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm, đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ vào sáng 7/9, khiến gần 13.000 hộ dân tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình phải sơ tán khẩn cấp. Nhiều doanh nghiệp hoạt động tại những nơi bão quét qua ghi nhận thiệt hại về cơ sở vật chất.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngập sâu, dự kiến chiều 13/9 xe con có thể đi lại được
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn đang bị ngập sâu một số đoạn, các xe ô tô từ 4 - 7 chỗ, xe khách 16 chỗ vẫn được khuyến cáo di chuyển theo hướng Quốc lộ 1 để đảm bảo an toàn. Tình trạng ngập này dự kiến chiều 13/9 nước rút xuống còn 20 - 20 cm, xe ô tô 4 chỗ mới có thể lưu thông được.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xuất hiện tình trạng ngập Km 191+400, lúc cao điểm, mực nước đo được ở vị trí sâu nhất đạt khoảng 0,8m, vị trí thấp nhất khoảng 0,15 m |
Đại diện Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, tính đến thời điểm 15h30 chiều 12/9, mức nước ngập tại Km 191+400 tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã rút xuống 20 cm so với ngày 11/9. Mực nước ở vị trí sâu nhất hiện đạt 0,6 m.
Với mức ngập này, đơn vị quản lý khai thác đang tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng phân luồng, điều tiết xe khách, xe tải trọng tải lớn lưu thông trên cao tốc.
Các xe ô tô gầm thấp (từ 4 - 7 chỗ, xe khách 16 chỗ) vẫn được khuyến cáo chuyển hướng lưu thông sang Quốc lộ 1 để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra sự cố ùn tắc trên tuyến cao tốc.
Theo tính toán của đơn vị quản lý, vân hành, khi mực nước ở vị trí ngập sâu nhất rút xuống mức 0,4 m, các xe gầm thấp sẽ có thể lưu thông trở lại.
Lãnh đạo đơn vị quản lý khai thác nếu thời tiết tiếp tục diễn biến thuận lợi như hôm 12/9, dự kiến trong ngày nay, xe ô tô 4 - 7 chỗ, xe khách 16 chỗ có thể di chuyển trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Trước đó, từ đầu giờ sáng 10/9, nước ở khu vực hạ lưu dâng cao khiến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xuất hiện tình trạng ngập Km 191+400. Thời gian cao điểm, mực nước đo được ở vị trí sâu nhất đạt khoảng 0,8 m, vị trí thấp nhất khoảng 0,15 m.
Trước đó, Khu Quản lý đường bộ 1 (Cục Đường bộ Việt Nam) có văn bản gửi UBND huyện Thường Tín (thành phố Hà Nội) về việc xử lý tình trạng ngập tại Km191+200-Km191+600 đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài sau cơn bão số 3 (siêu bão Yagi)…
Sạt lở đèo D'ran qua Đà Lạt
Đèo D'ran trên Quốc lộ 20 qua TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bị sạt lở kéo cây cối, đất đá tràn xuống mặt đường, chiều 12/9.
Đường đèo D'ran bị đất đá chắn ngang, xe không thể chạy qua |
Khoảng 14h30 ngày 12/9, đất đá từ bờ taluy khu vực đèo D'ran đoạn gần cầu Xéo, xã Xuân Trường tràn xuống, kéo ngã cây thông cao gần 10 m chắn ngang mặt đường.
Khu Quản lý đường bộ IV (đơn vị quản lý) đã điều động phương tiện cùng chính quyền địa phương xử lý hiện trường.
Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt Đặng Quang Tú cho biết, lực lượng chức năng trước mắt sẽ căng dây cảnh báo, khi nào đoạn đường thật sự an toàn mới cho phương tiện lưu thông trở lại.
Sự cố khiến xe vào, ra TP. Đà Lạt phải đi đường vòng hơn 20 km, theo Quốc lộ 20 hướng cao tốc Liên Khương - Prenn đến ngã ba Phi Nôm rẽ vào Quốc lộ 27 đi D'ran.
Quốc lộ 20 dài 264 km, bắt đầu từ ngã ba Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai; băng qua các vườn cao su, đèo Bảo Lộc đến TP Đà Lạt, rồi xuống thị trấn Dran, huyện Đơn Dương.
Vào mùa mưa, tình trạng sạt lở bờ taluy trên quốc lộ này thường xuyên xảy ra. Hồi đầu tháng, đoạn quốc lộ gần đồi điện gió Cầu Đất, TP. Đà Lạt bị sạt lở dài 20 m, tạo hàm ếch. Trước đó vài ngày, đèo Bảo Lộc xuất hiện vết xói mòn, đất đá rơi xuống cạnh đường đèo.
Chấm dứt hoạt động một bến phà chở hàng nghìn lượt mỗi ngày
Bến phà An Bình qua sông Cổ Chiên, nối thành phố Vĩnh Long với 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ dời về vị trí tạm cách bến cũ 400 m phía thượng nguồn, do bến phà cũ nằm trong phạm vi sạt lở.
Vị trí bến phà mới tại phường 2, TP. Vĩnh Long |
UBND huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long vừa có thông báo về việc di dời bến khách ngang sông An Bình - TP. Vĩnh Long.
Cụ thể, qua thời gian xây dựng, đến nay cầu tạm phục vụ đò ngang An Bình - TP. Vĩnh Long (phía bờ Vĩnh Long) đã được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào sử dụng.
Kể từ sáng 15/9, bến phà khách ngang sông An Bình phía bờ Vĩnh Long được di dời đến vị trí bến tạm tại Phường 2 (xóm Chài), TP. Vĩnh Long, cách bến cũ khoảng 400 m về phía thượng nguồn.
Riêng bến phía bờ An Bình phía huyện Long Hồ vẫn hoạt động tại vị trí cũ. Cước phí và đối tượng miễn giảm phí vẫn không thay đổi cho đến khi có thông báo mới.
Bến phà An Bình qua sông Cổ Chiên, nối TP. Vĩnh Long với 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ đã hoạt động đã hàng chục năm nay, mỗi ngày chở hàng nghìn lượt người và phương tiện qua sông. Tuy nhiên, bến phà này phía bờ TP. Vĩnh Long nằm trong phạm vi công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở, nguy cơ sụt lún bờ sông, nên năm 2023, UBND TP. Vĩnh Long thông báo chấm dứt hoạt động bến phà này và di dời tạm về vị trí mới.
Bến phà An Bình qua sông Cổ Chiên, nối TP. Vĩnh Long với 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ, hoạt động đã hàng chục năm nay, mỗi ngày chở hàng nghìn lượt người và phương tiện qua sông.
Do hoạt động của bến phà An Bình thuộc phạm vi công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở, nguy cơ sụt lún bờ sông, nên năm 2023, UBND TP. Vĩnh Long thông báo chấm dứt hoạt động bến phà này và đầu tư bến tạm ở vị trí khác.
UBND huyện Long Hồ đề xuất giữ nguyên bến phía bờ huyện này, còn bến phía bờ thành phố Vĩnh Long thì dời lên phía thượng nguồn, thuộc phường 2. Phương án này cũng được Sở Giao thông vận tải Vĩnh Long thống nhất.