Bản tin thời sự sáng 14/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cho thôi chức giám đốc sở ở Bắc Ninh chơi golf trong giờ làm việc; Hà Nội được bình chọn là điểm đến ẩm thực tốt nhất thế giới 2024; nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội) vận hành thử vào tháng 3; Bình Thuận đề xuất làm đường kết nối cao tốc Dầu Giây - Tân Phú…

Cho thôi chức giám đốc sở ở Bắc Ninh chơi golf trong giờ làm việc

Ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh, vừa bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho thôi chức vụ do chơi golf trong giờ hành chính.

Hình ảnh trong vụ việc phản ánh lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh chơi golf trong giờ làm việc. Ảnh chụp màn hình

Hình ảnh trong vụ việc phản ánh lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh chơi golf trong giờ làm việc. Ảnh chụp màn hình

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã họp xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm. Ngoài bị khiển trách và cho thôi chức vụ Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Đặng Trần Trung còn bị cho thôi vị trí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa 20 nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ngoài ông Trung, các ông Đặng Công Hưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đặng Công Toàn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, bị khiển trách. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện Yên Phong, phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đánh giá, các cá nhân nêu trên đã chơi golf trong giờ hành chính, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật. Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các tổ chức đảng, cán bộ đảng viên nghiêm túc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở, trách nhiệm nêu gương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trước đó, ngày 22/11, báo chí phản ánh một số lãnh đạo sở, huyện ở Bắc Ninh đi chơi golf ba lần một tuần trong giờ hành chính. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, xác minh thông tin. Ngày 30/11, tỉnh Bắc Ninh lập đoàn kiểm tra thông tin báo chí phản ánh.

Theo quy định, viên chức quản lý vi phạm sẽ chịu các hình thức kỷ luật sau: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc. Đảng viên vi phạm sẽ bị xử lý bằng các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Hà Nội được bình chọn là điểm đến ẩm thực tốt nhất thế giới 2024

Website du lịch lớn của Mỹ là TripAdvisor vừa công bố, Hà Nội đang đứng đầu trong bảng xếp hạng điểm đến ẩm thực tốt nhất năm 2024.

Tổng thống Barack Obama cùng đầu bếp Anthony Bourdain ăn bún chả, uống bia hơi Hà Nội tối 23/5/2016 tại quán Hương Liên

Tổng thống Barack Obama cùng đầu bếp Anthony Bourdain ăn bún chả, uống bia hơi Hà Nội tối 23/5/2016 tại quán Hương Liên

Xếp sau Hà Nội là Thủ đô Rome (Italia), Crete (Hy Lạp), Cusco (Peru). Thành phố Phuket, Chiangmai của Thái Lan lần lượt xếp thứ 10, 17 và Kyoto của Nhật Bản xếp thứ 22.

Năm 2023 vừa qua, các món ăn ở Hà Nội luôn được truyền thông quốc tế và du khách trong và ngoài nước đánh giá cao.

Đáng chú ý, một số địa chỉ ăn uống hàng đầu ở Hà Nội được người dùng của TripAdvisor gợi ý gồm bún chả Hương Liên, cà phê Giảng, chả cá Thăng Long, kem Tràng Tiền, phở Lý Quốc Sư, bún bò Nam Bộ Bạch Phương, bánh mì 25...

Nhiều món ăn truyền thống của Thủ đô Hà Nội liên tục được các hãng truyền thông quốc tế bình chọn, đưa vào danh sách cần phải nếm thử như phở, bánh mì, nem cuốn…

Năm 2023, lần đầu tiên cẩm nang Michelin Guide đã đến Việt Nam và công bố danh sách gồm 103 nhà hàng được đề xuất Michelin Selected (70 nhà hàng), nhà hàng giá cả phải chăng Bib Gourmand (29 nhà hàng) và 4 nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam được gắn một sao Michelin.

Hà Nội có 3 nhà hàng nhận được vinh dự này, cho thấy sự phát triển của nền ẩm thực Thủ đô. Sau khi Michelin Guide đến Hà Nội, các món ăn Hà Nội được du khách trong và ngoài nước biết tới nhiều hơn.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, không chỉ có tên trong danh mục điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới, Hà Nội còn xếp thứ 4 trong top 25 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2024. Trong top 25, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) đứng thứ 10, Bali đứng thứ 2, Bangkok xếp thứ 15 và Phuket ở vị trí thứ 8.

Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội) vận hành thử vào tháng 3

Sau 8 năm xây dựng, nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Hà Nội có thể vận hành thử 40% công suất thiết kế vào tháng 3 và tăng dần khi hoàn thành các gói thầu.

Một số bể lắng thứ cấp (có tác dụng tách bùn và nước) đã được bơm kín nước để thử nghiệm

Một số bể lắng thứ cấp (có tác dụng tách bùn và nước) đã được bơm kín nước để thử nghiệm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 03 (Chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025), khi Nhà máy vận hành thử, các tuyến ống có thể thu gom khoảng 90.000 m3/ngày đêm.

Đến nay, Gói thầu số 1 Xây Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm đã hoàn thành 96% khối lượng công việc, nhưng vướng mắc trong vận hành vì việc dẫn nước thải về Nhà máy phụ thuộc vào các gói thầu số 2 và 4.

Trong khi đó, Gói thầu số 2 Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính mới thi công được 82% khối lượng thiết kế và dự kiến tháng 3/2025 mới hoàn thành toàn bộ. Gói thầu số 4 Xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới thì Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP. Hà Nội (Chủ đầu tư) đang thương thảo với nhà thầu chính.

Riêng Gói thầu số 3 Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ, Thành phố đã chấp thuận chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công và tổ chức đấu thầu lại, dự kiến tiếp tục thi công từ quý IV/2024.

Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, được khởi công năm 2016 với công suất 270.000 m3 nước thải sinh hoạt mỗi ngày. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản (JICA) với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2019, nhưng phải lùi hai lần và mốc mới nhất là năm 2025.

Nhà máy hoạt động sẽ góp phần xử lý một phần nước thải sinh hoạt cho các quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì, đồng thời làm "sống lại" các con sông Tô Lịch, Lừ, Sét và một phần sông Nhuệ.

Bình Thuận đề xuất làm đường kết nối cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Nút giao cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (Đồng Nai) cách ranh huyện Đức Linh (Bình Thuận) hơn một km, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bình Thuận đề xuất làm đường kết nối, giúp đi lại thuận lợi.

Hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú kết nối với hai đoạn khác là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương liên thông từ Đồng Nai lên Lâm Đồng

Hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú kết nối với hai đoạn khác là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương liên thông từ Đồng Nai lên Lâm Đồng

Sở GTVT tỉnh Bình Thuận vừa tham mưu UBND tỉnh này kiến nghị Bộ GTVT xem xét, chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long bổ sung đường kết nối huyện Đức Linh với cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (Đồng Nai).

Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 với tổng vốn 8.300 tỷ đồng được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 9/2022. Tuyến có tổng chiều dài hơn 60 km, đi qua nhiều địa phương ở Đồng Nai. Hiện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thăng Long đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lấy ý kiến thẩm định.

Qua kiểm tra thực tế, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận thấy vị trí nút giao cuối Tân Phú chỉ cách ranh giới huyện Đức Linh chừng một km, nhưng chưa có thiết kế đường kết nối. Từ đó, cơ quan này đề xuất bổ sung đường 4 làn xe, đấu vào tuyến đường hiện hữu Rô Mô - Đa Kai (Bình Thuận), tương tự đoạn nhánh nối vào Quốc lộ 20 ở phía tỉnh Đồng Nai.

Theo Sở GTVT Bình Thuận, đoạn này khi kết nối cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là khu vực miền núi Đức Linh giáp Đồng Nai và Lâm Đồng.

Viglacera bị xử phạt, truy thu thuế 11 tỷ đồng

Viglacera vừa bị yêu cầu nộp khoảng 11 tỷ đồng tiền phạt và truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn 2018 - 2022.

Viglacera bị phạt hơn 1,4 tỷ đồng do kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp từ năm 2018 đến 2022

Viglacera bị phạt hơn 1,4 tỷ đồng do kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp từ năm 2018 đến 2022

Tổng công ty Viglacera cho biết, đã nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế). Theo đó, Viglacera bị phạt hơn 1,4 tỷ đồng do kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp từ năm 2018 đến 2022.

Cơ quan thuế cũng yêu cầu Công ty nộp bổ sung hơn 7,1 tỷ đồng số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Viglacera phải nộp thêm tiền thuế chậm nộp gần 2,5 tỷ đồng. Tổng tiền xử phạt vi phạm hành chính và truy thu mà Viglacera phải nộp khoảng 11 tỷ đồng.

Theo kết quả kinh doanh sơ bộ vừa công bố, Viglacera ước đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.590 tỷ đồng năm 2023, vượt kế hoạch cả năm hơn 30%, nhưng vẫn giảm 31% so với năm 2022.

Trong năm nay, Công ty đặt mục tiêu doanh thu gần 13.500 tỷ đồng và lãi trước thuế hơn 1.200 tỷ đồng. Viglacera lên kế hoạch giảm lãi khi dự tính kinh tế thế giới sẽ phục hồi chậm và có thể vẫn khó khăn trong nửa đầu năm 2024. Doanh nghiệp này sẽ tập trung khắc phụ những vẫn đề còn tồn tại năm 2023, cũng như tập trung triển khai việc thoái vốn đầu tư nhà nước.

Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Viglacera là Công ty CP Tập đoàn Gelex nắm hơn 50% vốn. Bộ Xây dựng sở hữu khoảng 38% và đã lên kế hoạch thoái hết phần vốn này.

Giao dịch hàng hóa trên sàn Việt Nam đạt 4.000 tỷ đồng mỗi ngày

Năm qua, các nhà đầu tư đã giao dịch tập trung 45 sản phẩm nông sản, năng lượng, kim loại và nguyên liệu công nghiệp với giá trị giao dịch trung bình 4.000 tỷ đồng mỗi ngày.

Nhân viên làm việc tại MXV

Nhân viên làm việc tại MXV

Theo báo cáo của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), năm 2023, giá trị giao dịch trung bình của hàng hóa trên sàn đạt 4.000 tỷ đồng mỗi ngày, trong đó có những ngày đạt kỷ lục gần 10.000 tỷ đồng. Số lượng đơn vị tham gia hơn 30.000 tài khoản, tăng 20% so với năm 2022. Hiện, sàn niêm yết 45 sản phẩm giao dịch liên thông với thế giới, chia làm 4 nhóm: nông sản, năng lượng, kim loại và nguyên liệu công nghiệp.

Sở Giao dịch hàng hóa là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung quy mô cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. Trong 5 năm gần đây, khi được Bộ Công Thương cho phép liên thông giao dịch với thế giới, thị trường đã trải qua giai đoạn phát triển mạnh. Giao dịch diễn ra thông suốt 24 giờ mỗi ngày từ sáng thứ Hai đến sáng thứ Bảy hàng tuần. Kể từ tháng 6/2023, MXV chính thức được phép triển khai giao dịch các hợp đồng quyền chọn hàng hóa trên phạm vi toàn quốc. Sau hơn 6 tháng triển khai, hợp đồng quyền chọn đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, thể hiện qua khối lượng giao dịch tăng trưởng đều mỗi tháng.

Khởi tố Giám đốc và 2 đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Quảng Ngãi 76-01S

Ngày 13/1, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vừa khởi tố vụ án hình sự "Nhận hối lộ" xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Quảng Ngãi 76-01S, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Kiểm tra khí thải ô tô, một trong nhiều bước của quá trình đăng kiểm xe cơ giới

Kiểm tra khí thải ô tô, một trong nhiều bước của quá trình đăng kiểm xe cơ giới

Cùng với khởi tố vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi cũng khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông N.T.M (trú tại phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi), Giám đốc Trung tâm và 2 đăng kiểm viên là N.T.H (trú tại phường Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi), V.A.T (thường trú tại phường Trương Quang Trọng).

Trước đó, tháng 7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố Nguyễn Thanh Chung, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 76-02D thuộc Công ty CP Thuận Phát và Phạm Minh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 76-02D, địa chỉ thôn Năng Tây 3, xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.

Các đối tượng bị khởi tố về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại khoản 4 Điều 359 Bộ luật Hình sự.

Hơn 190 người bị bắt trong đường dây cho vay nặng lãi trên 500%

250 cảnh sát đột kích 9 địa điểm ở TP.HCM và Bình Dương, bắt 193 người trong đường dây cho vay qua app với lãi suất trên 500%/năm do người Trung Quốc cầm đầu.

Các nghi phạm bị bắt giữ

Các nghi phạm bị bắt giữ

Ngày 13/1/2024, Công an TP. Đà Nẵng cho biết, đã di lý 193 người (154 người bắt tại TP.HCM; 39 người tại Bình Dương) về Đà Nẵng để điều tra hành vi cho vay nặng lãi.

Trước đó, ngày 20/11/2023, Công an TP. Đà Nẵng lập chuyên án do phát hiện một số người dân vay tiền qua các app với lãi suất lên đến trên 500%/năm. Người vay không trả lãi đúng hạn sẽ bị ghép hình ảnh, nhắn tin, gọi điện để đe dọa, khủng bố tinh thần họ và gia đình.

Sau thời gian điều tra, nhà chức trách phát hiện đường dây quy mô lớn, hoạt động tại nhiều địa phương nên đã báo cáo Bộ Công an và được chỉ đạo phối hợp cùng Cục Cảnh sát Hình sự phá án.

9h30 ngày 11/1/2024, Bộ Công an đã huy động 250 người đồng loạt đột kích 9 địa điểm ở TP.HCM và Bình Dương. Ngoài bắt 193 người, lực lượng chức năng đã khám xét và thu 247 máy tính các loại, 177 điện thoại di động, phong tỏa hàng chục tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng...

Cơ quan công an xác định, Wang YunTao (quốc tịch Trung Quốc) là nghi phạm cầm đầu. Wang YunTao đã cùng một số nghi phạm người Trung Quốc thuê người lập hàng chục công ty làm bình phong cho hoạt động cho vay nặng lãi.

Tin cùng chuyên mục