Bản tin thời sự sáng 14/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nâng mức kiểm soát an ninh tại các sân bay khu vực Tây Nguyên; cấm xe container ở 8 đường để làm hầm chui cửa ngõ Tân Sơn Nhất; đề xuất xây sân bay Thành Sơn theo hình thức PPP; thiếu hơn một triệu tấn than cho cấp điện…

Nâng mức kiểm soát an ninh tại các sân bay khu vực Tây Nguyên

Áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 2 tại các sân bay Buôn Ma Thuột, Pleiku, Tuy Hòa, Phù Cát, Liên Khương.

Sân bay Buôn Ma Thuột nâng mức kiểm soát an ninh lên cấp độ 2. Ảnh minh hoạ

Sân bay Buôn Ma Thuột nâng mức kiểm soát an ninh lên cấp độ 2. Ảnh minh hoạ

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) vừa có quyết định về việc áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường lên cấp độ 2 đối với các đơn vị trực thuộc.

Đây là hoạt động nhằm thực hiện quyết định của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam về việc áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường và để chủ động bảo đảm an ninh, an toàn cho người, tài sản, hoạt động khai thác của Tổng công ty (TCT).

Cụ thể, áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường lên cấp độ 2 tại những đơn vị và hoạt động khai thác của TCT tại các cảng hàng không, sân bay Buôn Ma Thuột, Pleiku, Tuy Hòa, Phù Cát, Liên Khương.

Các cơ quan, đơn vị khác yêu cầu tăng cường tuần tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động, rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó khẩn nguy, giữ vững thông tin liên lạc, báo cáo kịp thời tình huống phát sinh.

Thời gian áp dụng biện pháp an ninh hàng không cấp độ 2 bắt đầu từ ngày 11/6 đến khi có thông báo mới.

Ngoài ra, VNA còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện đảm bảo đủ nguồn lực, phân công lao động hợp lý trong dịp cao điểm hè.

Bố trí nhân lực có đủ thẩm quyền kịp thời giải quyết nhu cầu, quyền lợi chính đáng, những vướng mắc, bức xúc phát sinh của hành khách, không để xảy ra tranh cãi, gây mất trật tự, an ninh tại các cảng hàng không, sân bay và khu vực văn phòng làm việc…

VNA cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường tuần tra, giám sát, bảo đảm an ninh, trật tự, kiểm tra chặt chẽ người, phương tiện ra, vào trụ sở đơn vị để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động đột nhập, gây rối, phá hoại.

Cấm xe container ở 8 đường để làm hầm chui cửa ngõ Tân Sơn Nhất

Xe container bị cấm vào nhiều tuyến đường nội thành trong gần một năm để phục vụ thi công dự án đường nối cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Hầm chui nằm ở công viên Hoàng Văn Thụ - cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

Hầm chui nằm ở công viên Hoàng Văn Thụ - cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

Phương án trên được Sở Giao thông vận tải TP.HCM đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho thi công hạng mục hầm chui nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, thuộc Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, quận Tân Bình. Ôtô container bị cấm vào 8 tuyến đường cả ngày và đêm, từ 18/6/2023 đến 13/4/2024, thay vì chỉ 6 - 22 h mỗi ngày như quy định.

Cụ thể, xe bị cấm chạy trên cả hai chiều trục đường Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ, kéo dài giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) đến ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình). Kết nối với trục này, đường Phan Thúc Duyện (Tân Bình) cũng cấm container theo hướng từ đường Phan Đình Giót đến Trần Quốc Hoàn.

Trên trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi (đoạn từ nút giao Võ Thị Sáu đến đường Hoàng Văn Thụ), toàn bộ xe container cũng bị cấm chạy trên cả hai hướng.

Ngoài các tuyến trên, Sở Giao thông vận tải cấm xe container trên đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh), theo hướng từ ngã tư Hàng Xanh đến Đinh Tiên Hoàng. Với tuyến Võ Thị Sáu, việc cấm xe áp dụng trên đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, dài hơn 4 km, mở rộng 25 - 48 m, 6 làn xe, khởi công tháng 12 năm ngoái với tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng. Công trình dự tính hoàn thành vào tháng 8/2024, giúp kết nối đồng bộ nhà ga T3 và giảm ùn tắc cho cửa ngõ Tân Sơn Nhất.

Đề xuất xây sân bay Thành Sơn theo hình thức PPP

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai đầu tư Cảng hàng không Thành Sơn theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đề xuất xây sân bay Thành Sơn theo hình thức PPP

Đề xuất xây sân bay Thành Sơn theo hình thức PPP

Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng Thành Sơn và quy hoạch chi tiết. Mục tiêu là có thể xây dựng cảng hàng không từ năm 2023 - 2025 theo hình thức PPP.

Nhằm tạo điều kiện kêu gọi nhà đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Thủ tướng giao Tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án.

Hiện Thành Sơn là sân bay quân sự cấp 1, nằm ở TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Về diện tích, khu bay có thể đáp ứng khai thác các loại tàu bay lớn như A350, B777, B787, nhưng kết cấu hạ tầng như đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ được xây từ những năm 1960, hiện đã xuống cấp.

Về quỹ đất, khu vực phía Đông, Đông Nam đường cất hạ cánh sân bay Thành Sơn có thể nghiên cứu bố trí quy hoạch khu hàng không dân dụng với các công trình đáp ứng công suất khoảng 5 triệu hành khách mỗi năm.

Sân bay Thành Sơn khi được khai thác dân dụng sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, mở ra động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh cho địa phương.

Thiếu hơn một triệu tấn than cho cấp điện

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chủ động được 600.000 tấn than, nhưng các nhà máy khác của EVN thiếu khoảng 1 triệu tấn cho sản xuất điện tháng 6 và 7.

Than cấp cho điện tại một nhà máy ở Quảng Ninh

Than cấp cho điện tại một nhà máy ở Quảng Ninh

Thông tin trên được nêu tại buổi làm việc giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Đông Bắc về tình hình cấp than tháng 6 và 7.

EVN cho biết, theo kế hoạch huy động các tháng 6 và 7, sản lượng dự kiến của các nhà máy nhiệt điện sử dụng than antracite khoảng 12,33 tỷ kWh, tương ứng với nhu cầu than cần sử dụng là 6,03 triệu tấn.

Tuy nhiên, khối lượng theo hợp đồng đã ký với Tập đoàn than - khoán sản Việt Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc là 4,38 triệu tấn, còn thiếu hơn 1,64 triệu tấn so với kế hoạch. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Tổng công ty Phát điện 3, Genco 3) chủ động bổ sung được 600.000 tấn. Như vậy, lượng than còn thiếu cho điện trong hai tháng khoảng 1 triệu tấn cho các nhà máy còn lại của EVN, phân bổ 600.000 tấn trong tháng 6 và 400.000 tấn tháng 7.

Để đảm bảo than cho phát điện trong cao điểm còn lại mùa khô năm nay, EVN đề nghị Tổng công ty Đông Bắc thực hiện cung cấp than theo đúng hợp đồng đã ký (4,38 triệu tấn), và cấp bù khối lượng than còn thiếu theo hợp đồng ngay trong tháng 6.

Tháng 5, Tổng công ty Đông Bắc đã cấp 687.560 tấn than cho các nhà máy của EVN, chưa bao gồm 5% khối lượng tăng thêm theo biên bản làm việc giữa các tập đoàn ngày 9/5. Từ đầu tháng 6 đến nay, Tổng công ty Đông Bắc đã cấp 147.000 tấn, bằng 21,4% khối lượng hợp đồng.

Thủy điện - một trong hai nguồn điện chính cung ứng cho miền Bắc - đang sụt giảm huy động do hạn hán, các hồ thủy điện cạn nước. Theo Bộ Công Thương, hiện có nhiều nhà máy thuỷ điện phải dừng phát điện, trong đó 5 nhà máy ở miền Bắc phải dừng là Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang. Đây là lý do gây thiếu hụt công suất điện cho miền Bắc khoảng 5.000 MW.

22 phòng khám có dấu hiệu bán chứng nhận nghỉ bệnh ở Bình Dương

Trước tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội (BHXH) từ việc mua, bán giấy chứng nhận nghỉ bệnh, BHXH Bình Dương đang rà soát 22 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn có dấu hiệu cấp giấy không đúng quy định.

Lực lượng chức năng niêm phong các CPU của một phòng khám tại Đồng Nai liên quan đến trục lợi BHXH

Lực lượng chức năng niêm phong các CPU của một phòng khám tại Đồng Nai liên quan đến trục lợi BHXH

Liên quan đến việc Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố 5 bác sĩ, 12 dược sĩ cùng 2 đối tượng làm giả giấy tờ, tài liệu để trục lợi BHXH, BHXH Bình Dương đã vào cuộc để rà soát, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh có dấu hiệu sai phạm trong việc cấp giấy nghỉ bệnh để hưởng trợ cấp BHXH.

Theo đó, năm 2022, thông tin của BHXH tỉnh Đồng Nai, đơn vị đã rà soát, phát hiện 9 phòng khám tư nhân cấp giấy xác nhận bệnh không đúng quy định cho 720 trường hợp làm việc tại Đồng Nai.

BHXH Bình Dương đã chuyển thông tin 720 trường hợp trên để BHXH tỉnh Đồng Nai để thu hồi hơn 300 triệu đồng đã chi trả lương nghỉ bệnh cho công nhân. BHXH Bình Dương đang phối hợp rà soát việc cấp giấy nghỉ bệnh tại 22 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo BHXH Bình Dương cho biết thêm, lý do khiến 22 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Tỉnh đang bị rà soát, kiểm tra là do trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến BHXH, đơn vị nghi ngờ các cơ sở phòng khám này cấp giấy nghỉ bệnh không đúng, không khớp. 22 cơ sở này có dấu hiệu cấp giấy nghỉ bệnh không đúng quy định theo Thông tư 56. Đang trong quá trình rà soát, nếu xác định có sai phạm, phía BHXH sẽ tổng hợp gửi Sở Y tế Bình Dương và công an để điều tra, giải quyết.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm tại loạt dự án của Tập đoàn Bitexco

Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra số 2123/TB-TTCP về công tác quản lý nhà nước về du lịch. Trong đó, chỉ ra nhiều sai phạm tại Khách sạn JW Marriott Hà Nội và Dự án Nama Resort có liên quan đến Tập đoàn Bitexco.

Toàn cảnh khách sạn Khách sạn JW Marriott Hà Nội

Toàn cảnh khách sạn Khách sạn JW Marriott Hà Nội

Cụ thể, đối với Dự án Khách sạn JW Marriott Hà Nội do Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, thời điểm cấp Giấy chứng nhận nhà đầu tư lần đầu Dự án chưa được HĐND Thành phố thông qua.

UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định thu hồi đất cho Bitexco thuê để xây dựng Khách sạn JW Marriott Hà Nội, trong đó, diện tích khu khách sạn kết hợp khu sân vườn giảm 5.497 m2, diện tích mặt nước tăng 5.224 m2 là chưa đúng diện tích theo Quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia đã được Bộ Xây dựng phê duyệt.

Việc Dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư theo danh mục kèm theo là không đúng quy định. Số tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp bổ sung là hơn 26 tỷ đồng.

Tương tự, Dự án Đầu tư khu nghỉ dưỡng Nama (Nama Resort) do nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Kinh Thành (thành lập tháng 12/2014 với 2 cổ đông là Tập đoàn Bitexco và Công ty CP Du lịch Hương Giang) cũng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, về thực hiện các quy định về xây dựng, Dự án nằm trong khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Đến thời điểm thanh tra, Dự án vẫn chưa được khởi công thực hiện; Dự án đã bị chậm tiến độ tại Quyết định chủ trương đầu tư.

TP.HCM chuyển hơn 240 bãi rác thành vườn rau, công viên

243 điểm ô nhiễm rác thải ở TP.HCM sau khi giải tỏa được chuyển thành nơi sinh hoạt cộng đồng như công viên, vườn rau, theo Sở Tài nguyên và Môi trường.

Bãi rác lớn nằm giữa khu dân cư tại đường số 13, P.Cát Lái (TP.Thủ Đức, TP.HCM) được cải tạo thành vườn rau, sân chơi cho trẻ em

Bãi rác lớn nằm giữa khu dân cư tại đường số 13, P.Cát Lái (TP.Thủ Đức, TP.HCM) được cải tạo thành vườn rau, sân chơi cho trẻ em

Trong báo cáo vừa gửi HĐND TP.HCM về tình trạng rác thải ở một số tuyến đường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết năm 2022, trên địa bàn Thành phố phát sinh 113 điểm ô nhiễm do rác thải tồn đọng, nâng tổng số lên 1.002.

Đến nay, Thành phố đã giải tỏa được 989 điểm (đạt gần 99%) và chuyển hóa 243 điểm thành các khu vực phục vụ cộng đồng. Ngoài giảm ô nhiễm, việc chuyển hóa các điểm rác thải tồn đọng góp phần tạo thêm không gian cho mảng xanh, nơi vui chơi của người dân.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác tổng vệ sinh các khu vực phát sinh rác trên địa bàn đang được các địa phương quan tâm, thực hiện thường xuyên hạn chế ô nhiễm. Đồng thời, năm 2022, các quận, huyện đã trang bị thêm gần 2.200 thùng rác công cộng trên các tuyến đường, hẻm, nâng tổng số thùng rác ở Thành phố lên 42.250. Tuy nhiên, hiện có một số thùng rác bị mất cắp hoặc hư hỏng, ảnh hưởng nhu cầu người dân.

Giảm ô nhiễm môi trường là một trong 13 đề án, chương trình đột phá TP.HCM. Việc này đang được thành phố tập trung triển khai, mục tiêu đảm bảo vệ sinh, tăng cây xanh, phát giao thông xanh tiến tới xây dựng thành phố thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.