Bản tin thời sự sáng 14/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bình Dương dự kiến đầu tư 130.000 tỷ đồng xây 10 khu đô thị mới ở Bến Cát; sắp có đường bay thẳng Hà Nội - Phnom Penh; Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng; tín dụng TP.HCM tăng 4% sau 6 tháng…

Bình Dương dự kiến đầu tư 130.000 tỷ đồng xây 10 khu đô thị mới ở Bến Cát

Bến Cát là thành phố thứ 5 của tỉnh Bình Dương, địa phương này đang quy hoạch để phát triển đô thị dọc sông Sài Gòn, sông Thị Tính bám theo tuyến Đường tỉnh 744 và Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM chuẩn bị xây dựng.

10 khu đô thị mới sẽ được đầu tư xây dựng ở Bến Cát (Bình Dương) từ năm 2015 - 2040

10 khu đô thị mới sẽ được đầu tư xây dựng ở Bến Cát (Bình Dương) từ năm 2015 - 2040

UBND tỉnh Bình Dương vừa ra quyết định phê duyệt khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4 - Khu số 1 thành phố Bến Cát.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, đây sẽ là khu đô thị cảng - logistics - dịch vụ giáp sông Sài Gòn và giáp sông Thị Tính. Diện tích thực hiện khu đô thị khoảng 2.702 ha.

Đáng chú ý, các dự án phát triển đô thị dự kiến sẽ được đầu tư khoảng 130.327,7 tỷ đồng. Nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, xã hội hóa, trái phiếu, nguồn vốn của các nhà đầu tư huy động từ các dự án phát triển đô thị và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Sẽ có 10 dự án phát triển đô thị ở phường An Tây, phường An Điền và xã Phú An thuộc thành phố Bến Cát.

Trong đó, các dự án có diện tích lớn nhất gồm: Khu đô thị Đông An Điền diện tích 298 ha với số vốn đầu tư khoảng 17.880 tỷ đồng; Khu đô thị Tây Phú An diện tích 289,4 ha với số vốn đầu tư khoảng 13.167,7 tỷ đồng; Khu đô thị Đông An Tây, Khu đô thị ven sông An Tây có cùng diện tích 289 ha và số vốn đầu tư mỗi dự án khoảng 13.150 tỷ đồng.

Kế đến là Dự án Khu đô thị Bắc đường Vành đai 4 có diện tích khoảng 284 ha, dự kiến vốn đầu tư khoảng 17.040 tỷ đồng; Khu đô thị sinh thái An Tây 278 ha với vốn đầu tư khoảng 12.650 tỷ đồng; Khu đô thị Tây An Tây 268 ha với vốn đầu tư dự kiến 12.194 tỷ đồng; Khu đô thị Tây Bắc đường Vành đai 4 rộng 254 ha với vốn đầu tư khoảng 11.557 tỷ đồng.

Hai dự án nhỏ nhất là Khu đô thị Tây An Điền rộng 188,4 ha với vốn đầu tư khoảng 11.304 tỷ đồng và Khu đô thị Bắc An Tây 70 ha, vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.237 tỷ đồng.

10 dự án khu đô thị trên sẽ được đầu tư trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2040. Bình Dương sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Sắp có đường bay thẳng Hà Nội - Phnom Penh

Hiện tại, hành khách muốn bay từ Hà Nội đến Phnom Penh cần quá cảnh tại Viêng Chăn, Lào. Nhưng từ 27/10, Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay thẳng này.

Từ cuối tháng 10, Vietnam Airlines sẽ có tổng cộng 5 đường bay đến Campuchia

Từ cuối tháng 10, Vietnam Airlines sẽ có tổng cộng 5 đường bay đến Campuchia

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm đến Vương quốc Campuchia, Vietnam Airlines đã công bố đường bay thẳng Hà Nội - Phnom Penh.

Theo đó, Hãng hàng không quốc gia sẽ khai thác đường bay thẳng giữa Hà Nội và Phnom Penh với tần suất 4 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần vào thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và Chủ nhật. Các chuyến bay được khai thác bằng máy bay phản lực hiện đại Airbus A321.

Đường bay sẽ được khai thác từ ngày 27/10. Hiện tại, hành khách muốn bay từ Hà Nội đến Phnom Penh cần quá cảnh tại Viêng Chăn, Lào trên chuyến bay xuyên Đông Dương của hãng.

Đường bay mới này sẽ nâng tổng số đường bay giữa Việt Nam và Campuchia của Vietnam Airlines lên 5 đường bay từ cuối tháng 10, gồm 4 đường bay thẳng: Hà Nội, TP.HCM - Phnom Penh; Hà Nội, TP.HCM - Siem Reap và 1 đường bay xuyên Đông Dương. Tổng số chuyến bay giữa hai quốc gia sẽ lên tới 86 chuyến bay mỗi tuần.

Đường bay Việt Nam - Campuchia là một trong những đường bay đầu tiên được Vietnam Airlines khai thác từ những ngày đầu thành lập cách đây 31 năm.

Vietnam Airlines đã vận chuyển gần 8,2 triệu lượt hành khách, 28.400 tấn hàng hóa trên hơn 81.000 chuyến bay giữa Việt Nam và Campuchia trong hơn 3 thập kỷ qua.

Việt Nam đứng thứ hai về lượng du khách tới Campuchia với hơn 1 triệu lượt vào năm 2023. Ở chiều ngược lại, du khách Campuchia tới Việt Nam đạt hơn 400.000 lượt, đứng thứ 8 trong các thị trường gửi khách quốc tế đến Việt Nam.

Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng

Giá chào bán trái phiếu Agribank là 100.000 đồng/trái phiếu và trả lãi định kỳ 1 năm 1 lần. Lãi suất năm đầu tiên là 6,68%/năm.

Kỳ hạn của trái phiếu Agribank là 10 năm

Kỳ hạn của trái phiếu Agribank là 10 năm

Nhằm tăng cường vốn tự có cũng như tăng trưởng nguồn vốn dài hạn, đáp ứng yêu cầu cho vay thúc đẩy phát triển nền kinh tế, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa chào bán 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2024.

Giá chào bán trái phiếu Agribank là 100.000 đồng/trái phiếu và trả lãi định kỳ 1 năm 1 lần.

Lãi suất năm đầu tiên là 6,68%/năm. Lãi suất năm tiếp theo được xác định bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ của 4 ngân hàng BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất) cộng biên độ 2,0%/năm. Kỳ hạn của trái phiếu là 10 năm, trong 5 năm cuối trước khi đến hạn, nếu Agribank không mua lại theo quyền, biên độ của trái phiếu lên tới 3,0%/năm.

Nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có thể đăng ký mua trái phiếu Agribank từ nay đến ngày 14/8/2024 tại trụ sở chính và tất cả các điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc, hoặc thông qua đại lý phát hành là Công ty CP Chứng khoán Agribank - Agriseco.

Đặc biệt, trái phiếu Agribank có thể lưu ký để thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cầm cố trên tài khoản chứng khoán của khách hàng; có thể sử dụng làm tài sản đảm bảo để vay Agribank với lãi suất hấp dẫn.

Tín dụng TP.HCM tăng 4% sau 6 tháng

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM tính đến cuối tháng 6 đạt gần 3,7 triệu tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ và tăng 4% so với cuối năm ngoái.

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM tính đến cuối tháng 6 đạt gần 3,7 triệu tỷ đồng

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM tính đến cuối tháng 6 đạt gần 3,7 triệu tỷ đồng

Thông tin này vừa được ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM.

Đại diện NHNN nhận định, đây là mức tăng trưởng phù hợp với tình hình kinh tế trong 6 tháng qua. Riêng tháng 6, tín dụng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các tháng từ đầu năm khi tăng 2,03%.

Trong khi đó, tháng 5, tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng 0,61%, tháng 4 tăng 0,35%, tháng 3 tăng 1,9%, tháng 2 tăng 0,01% và tháng 1 giảm 0,93%.

Tuy vậy, nếu so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế sau nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP.HCM vẫn ở mức thấp.

Cụ thể, theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến hết tháng 6 đạt khoảng 6% so với đầu năm, đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng. Riêng tháng 6, tăng trưởng tín dụng đạt 3,6%, các ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế 480.000 tỷ đồng qua kênh cho vay, cao hơn so với tổng lượng tiền được cung ứng qua kênh này trong 5 tháng trước đó.

Kết quả trên cũng nằm trong mục tiêu Thủ tướng giao ngành ngân hàng: đến hết quý II tín dụng phải tăng trưởng 5 - 6%.

Tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh nhận định, kết quả hoạt động tín dụng trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm đã góp phần tích cực vào môi trường kinh tế - xã hội và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sân golf đồi Cù Đà Lạt không còn đất rừng phòng hộ

Chính quyền tỉnh Lâm Đồng thu hồi quyết định công nhận 29,5 ha đất trồng thông trong sân golf đồi Cù là rừng phòng hộ ban hành cách đây gần 8 năm.

Hai công trình xây ở đồi Cù, trong đó toà nhà 4 tầng bị xác định xây không phép, toà mái vòm nằm phía sau xây vượt phép

Hai công trình xây ở đồi Cù, trong đó toà nhà 4 tầng bị xác định xây không phép, toà mái vòm nằm phía sau xây vượt phép

Quyết định trên vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành với lý do là thời điểm ban hành việc khoanh định diện tích này thành rừng phòng hộ nội ô Đà Lạt chưa đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định.

Trước đây, toàn bộ diện tích 62,4 ha đồi Cù (trong đó có 29,5 ha đất rừng) là đất thương mại, dịch vụ, thể thao. Tỉnh Lâm Đồng cho Công ty CP Hoàng Gia ĐL thuê làm sân golf từ năm 1991, thời hạn tới năm 2041. Từ năm 1993, doanh nghiệp trồng rất nhiều thông trên diện tích 29,5 ha.

Năm 2016, UBND Lâm Đồng điều chỉnh cho thuê đất ở đồi Cù, trong đó có nội dung Công ty CP Hoàng Gia ĐL được thuê hơn 62,4 ha đất tại đây, gồm: 3.212 m2 thương mại dịch vụ; hơn 32,4 ha làm sân golf và 29,5 ha là rừng phòng hộ.

Trước đó, trên cơ sở tham mưu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định công nhận 29,5 ha rừng do doanh nghiệp trồng thành rừng phòng hộ nội ô TP. Đà Lạt.

Hơn một năm trước, chính quyền TP. Đà Lạt kiểm tra, phát hiện dự án toà nhà sân golf ở đồi Cù do Công ty CP Hoàng Gia ĐL làm chủ đầu tư xây không phép, sai phép trên diện tích hơn 20.000 m2. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định công trình xây trên 5.600 m2 đất rừng phòng hộ. Điều 6 và 7 Nghị định 52/2020/NĐ-CP quy định, đất rừng phòng hộ không được thực hiện dự án sân golf. Do đó, diện tích đất này không đủ điều kiện chuyển mục đích làm dự án sân golf.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng nhận "sơ suất" khi đã đề xuất cho chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 5.600 m2 đất rừng phòng hộ tại đồi Cù. Từ đây, UBND tỉnh Lâm Đồng trình và HĐND đã ban hành nghị quyết cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu vực nói trên vào năm 2022.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, người ký quyết định thu hồi văn bản năm 2016, khẳng định, việc hủy bỏ quyết định công nhận rừng phòng hộ không liên quan vi phạm xây dựng tại sân golf đồi Cù.

Đề xuất làm 2 km đường ven sông Sài Gòn qua khu trung tâm

Tuyến đường uốn theo sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm Thành phố được đề xuất đầu tư với kinh phí 1.800 tỷ đồng, giúp kết nối giao thông và không gian ven bờ.

Sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm TP.HCM

Sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm TP.HCM

Dự án đường ven sông Sài Gòn nằm trong nhóm công trình trọng điểm vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất chính quyền Thành phố đưa vào kế hoạch ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2030.

Đoạn đường dài gần 2 km, rộng 31 - 33 m, kết nối từ đường Tôn Đức Thắng, Quận 1 tới khu Tân Cảng, quận Bình Thạnh (vượt qua 2 khu dân cư cao cấp là Saigon Pearl và Vinhomes). Khi hình thành, tuyến đường mở ra hướng đi mới từ cầu Sài Gòn vào khu trung tâm, tạo thêm không gian cho người dân tiếp cận dòng sông thay vì nhiều đoạn ven bờ tại đây đang là đường "nội bộ".

Đoạn đường ven sông này trước đó đã được quy hoạch trong đồ án phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm TP.HCM hiện hữu (930 ha) nhưng chưa hình thành. Dọc tuyến có một số đoạn đã được chủ đầu tư các dự án xây dựng với chiều rộng 15 - 35 m. Tuy nhiên, giao thông chưa kết nối thông suốt như giữa khu Saigon Pearl và Vinhomes đang bị ngăn cách bởi một bức tường. Đoạn gần cầu Thủ Thiêm cũng có các công trình, văn phòng, khu tập golf... do Tổng công ty Ba Son quản lý, sử dụng.

Ngoài đoạn đường ven sông được kiến nghị ưu tiên đầu tư, Sở Giao thông vận tải cũng đề xuất ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng ven sông Sài Gòn. Công trình dài gần 1 km từ cầu Ba Son đến cầu Khánh Hội dự kiến có tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng, thực hiện trước năm 2030.

Việt Nam nhập khẩu gần 6 triệu tấn thép cuộn cán nóng trong 6 tháng

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu gần 6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 74% với kim ngạch 2,5 tỷ USD.

Nhu cầu thép cuộn cán nóng tại Việt Nam vào khoảng 12 - 13 triệu tấn/năm

Nhu cầu thép cuộn cán nóng tại Việt Nam vào khoảng 12 - 13 triệu tấn/năm

Theo số liệu từ cơ quan hải quan, trong tháng 6, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%. Giá nhập khẩu từ Trung Quốc bình quân là 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác 45 - 108 USD/tấn.

Lũy kế 6 tháng, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước.

Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác. Giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép HRC tại Việt Nam vào khoảng 12 - 13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn.

"Việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, sản lượng nhập có thời điểm gấp gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng thép cán nóng của doanh nghiệp mất vào tay hàng nhập khẩu. Thị phần bán hàng HRC của doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát và Formosa đã giảm từ mức 42% năm 2021 xuống 30% vào 2023", VSA đánh giá.

Trong khi đó, đơn vị này cho biết, doanh nghiệp trong nước lại không khai thác được hết công suất thiết kế do phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá.

Trong năm 2023, sản xuất thép cán nóng của doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt 6,7 triệu tấn, tương đương 79% công suất thiết kế, giảm mạnh so với mức 86% của năm 2021. Trong khi đó năm 2023, lượng thép HRC nhập khẩu lên đến 9,6 triệu tấn, gấp 1,5 lần sản xuất trong nước.

Lượng thép HRC nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục tăng mạnh, gấp 1,7 lần sản xuất trong nước là thực trạng đáng báo động.

Cà Mau đã giải ngân khoảng 1.584 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Đến ngày 30/6, tỉnh Cà Mau đã giải ngân khoảng 1.584 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 30,3% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước; ước tính đến hết quý III, Tỉnh giải ngân đạt khoảng 75% kế hoạch.

Thi công Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Thi công Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm nay của Cà Mau (bao gồm năm 2023 chuyển sang năm 2024) là hơn 5.228,3 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu đến 31/1/2025 sẽ giải ngân đạt từ 95% kế hoạch vốn trở lên theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, UBND tỉnh Cà Mau đã tăng cường chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, không để chuyển nguồn sang năm sau. Tuy vậy, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, một số dự án lớn, quan trọng của Tỉnh còn vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân, như Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội; Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm; Dự án Đầu tư hạ tầng chung các công trình lĩnh vực y tế; Dự án Đầu tư xây dựng cụm tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 và hệ thống đường giao thông…

Trong khi đó, tiến độ thực hiện các dự án bị ảnh hưởng do khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng. Tình hình sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông và khô cạn nước trên các tuyến kênh rạch ở vùng ngọt gây khó khăn cho quá trình vận chuyển vật tư vào công trình, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Hai lãnh đạo Công ty Fideco bị đình chỉ giao dịch vì mua "chui" cổ phiếu

3 cá nhân là người có liên quan đến Công ty CP Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP.HCM (Fideco, mã chứng khoán: FDC) đã bị đình chỉ giao dịch chứng khoán 4 tháng và bị xử phạt tổng cộng 740 triệu đồng.

3 cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán bị xử phạt nặng

3 cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán bị xử phạt nặng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Hồ Anh Tuấn (thành viên HĐQT Fideco); ông Lê Thái Thành (thành viên HĐQT Fideco) và bà Lê Ngân Nhi - người có liên quan đến ông Lê Thái Thành.

Theo đó, ông Hồ Anh Tuấn bị xử phạt 370 triệu đồng do đã mua 1,85 triệu cổ phiếu FDC (tương ứng 18,5 tỷ đồng theo mệnh giá) vào ngày 7/6/2024 nhưng không đăng ký và báo cáo kết quả giao dịch.

UBCKNN còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 4 tháng với ông Tuấn.

Cũng với vi phạm như trên, UBCKNN đã xử phạt 100 triệu đồng đối với ông Lê Thái Thành vì đã mua 686.271 cổ phiếu FDC vào ngày 11/6/2024 và 220.000 cổ phiếu FDC vào ngày 7/6/2024 nhưng không báo cáo cơ quan quản lý.

Ngoài ra, người có liên quan ông Lê Thái Thành là bà Lê Ngân Nhi bị xử phạt 270 triệu đồng vì đã mua 1,35 triệu cổ phiếu FDC vào ngày 11/6/2024 nhưng không đăng ký và báo cáo với cơ quan quản lý.

Cơ quan chức năng cũng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 4 tháng đối với bà Nhi.

Như vậy UBCKNN đã xử phạt hành chính tổng cộng 740 triệu đồng đối với 3 người có liên quan đến Công ty FDC.