TP.HCM dừng hoạt động karaoke, bar và vũ trường từ 18h ngày 30/4
Toàn bộ 500 quán karaoke, 180 bar và vũ trường ở TP.HCM phải dừng hoạt động từ 18h ngày 30/4 để phòng Covid-19 theo yêu cầu của chính quyền Thành phố.
TP.HCM dừng hoạt động karaoke, bar và vũ trường từ 18h ngày 30/4 |
Quyết định đóng cửa ba dịch vụ không thiết yếu trên được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra vào trưa ngày 30/4. Các hoạt động trên có mức độ tiếp xúc cao, khó kiểm soát dịch bệnh, thời điểm này buộc phải tạm ngưng.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh TP.HCM ghi nhận "bệnh nhân 2910" ở quận Bình Tân (F1 của ca bệnh ở Hà Nam) sau 75 ngày không xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng.
Như vậy, đây là lần thứ tư trong hơn một năm qua, các dịch vụ này phải dừng hoạt động để phòng chống dịch. Quán bar, vũ trường và karaoke chỉ mới được mở cửa trở lại hôm 19/3 sau hơn một tháng dừng vì đợt bùng phát dịch lần thứ ba vào Tết Nguyên vừa rồi.
Trước đó, Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng các dịch vụ bar, karaoke và vũ trường diễn ra trong không gian kín, mật độ tiếp xúc rất gần nên khả năng lây lan dịch rất cao. Vì vậy, ngành y tế kiến nghị lãnh đạo Thành phố xem xét việc cho ngừng hoạt động các dịch vụ này.
Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo tình hình này không cho phép chúng ta lơi lỏng, chủ quan và yêu cầu xử phạt nghiêm việc không đeo khẩu trang nơi công cộng vì vẫn còn nhiều người vi phạm. Thành phố phải đặt trong tình trạng nguy cơ rất cao, mặc dù không phải là địa phương tiếp giáp Campuchia.
Hải Phòng dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu từ 0h ngày 1/5
UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Hải Phòng dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu từ 0h ngày 1/5 |
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành văn bản về một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong đó yêu cầu dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu từ 0h ngày 1/5/2021.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn như: Vũ trường, karaoke, xông hơi, mát xa, quán Bar, Pub, game, internet sẽ tạm dừng hoạt động từ 00h00 ngày 1/5/2021 để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Người dân thành phố Hải Phòng bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu Công an thành phố, UBND các quận, huyện tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Sở Y tế, UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở cách ly tập trung của Thành phố và các cơ sở cách ly tập trung cho chuyên gia nước ngoài đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly tập trung và lây nhiễm ra cộng đồng. Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp hết thời hạn cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung của Thành phố và tại các thành phố khác trở về địa phương…
Sở Giao thông vận tải Hải Phòng chủ trì, phối hợp với ngành Y tế chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi, các bến xe, nhà bến tàu thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.
Lập bệnh viện dã chiến 500 giường ở tỉnh Hà Nam
Bệnh viện dã chiến với công suất tới 500 giường được lập tại bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 để hỗ trợ xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại tỉnh Hà Nam.
Phòng khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở Hà Nam |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tổng số giường lắp đặt khoảng 300 đến 500 giường, trong đó có 30 giường cấp cứu hồi sức, áp dụng đầy đủ kỹ thuật cao từ EMCO, máy thở để phục vụ người bệnh.
Trong ngày 30/4, bệnh viện Bạch Mai cử hơn 30 cán bộ trong chuyên ngành truyền nhiễm, xét nghiệm, hồi sức cấp cứu, kỹ sư... đến để hỗ trợ. Số lượng này sẽ được điều chỉnh, tăng cường tuỳ thuộc vào tình hình dịch.
Theo ông Cơ, hệ thống xét nghiệm khẳng định nCoV đã được khởi động, có thể hỗ trợ Hà Nam xét nghiệm ngay với công suất 5.000 mẫu một ngày. Bệnh viện dã chiến có thể hoạt động trong một hai ngày tới.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành sửa chữa sau 18 tháng thi công
Dự án Sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh (Quận 1, Bình Thạnh, TP.HCM) vốn đầu tư 473 tỷ đồng xong sau 18 tháng thi công, góp phần giảm ngập, kẹt xe cho khu vực.
Xe chạy trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn gần cầu Sài Gòn, sau khi thông xe sáng 30/4 |
Sáng 30/4, tuyến đường dài hơn 3 km từ giao lộ Tôn Đức Thắng đến cầu Sài Gòn được thông xe. Mặt đường được trải nhựa, làm dải phân cách ngăn làn, cho xe chạy tốc độ cao nhất 60 km/h. Vỉa hè hai bên hoàn thiện cùng đồng bộ lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh... Xe cũng được chạy qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, sau 6 tháng bị cấm để phục vụ thi công.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), thời gian tới sẽ theo dõi tình hình ngập úng và giao thông trên tuyến để đảm bảo vận hành, khai thác tuyến đường hiệu quả, thuận lợi cho người dân.
Dự án Sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh thực hiện hồi tháng 10/2019. Công trình nâng mặt đường ở những vị trí bị lún nặng. Trong đó đoạn từ trước tòa nhà The Manor đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, dài hơn 1 km, nâng cao từ 50 cm đến 1,2 m; xây mới hệ thống thoát nước. Gần 2 km còn lại từ cầu Thủ Thiêm đến giao lộ Tôn Đức Thắng, cao độ được giữ nguyên, chỉ cải tạo mặt đường.
Công trình khi hoàn thành, thoát nước của các hộ dân xung quanh tuyến đường sẽ chảy qua hệ thống cống mới, thêm rãnh thu nước ở các giao lộ giúp tăng khả năng tiêu thoát so với trước. Những nhà thấp hơn mặt đường được bố trí vỉa hè rộng phía trước để xây bậc tam cấp, làm đường dốc giúp thuận tiện đi lại.
Bộ Văn hóa "lệnh" tạm dừng các hoạt động lễ hội
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) yêu cầu hạn chế tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội để tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Biển người đổ về lễ hội Đền Hùng trong ngày Quốc giỗ |
Bộ VH, TT & DL vừa có công điện yêu cầu hạn chế tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội để tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Ban Quản lý di tích, Bảo tàng, Ban Tổ chức lễ hội, người đứng đầu các thiết chế văn hóa, thể thao, đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo "Thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế" của Bộ Y tế.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế; không lơ là chủ quan, luôn cảnh giác phòng chống dịch bệnh.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương.
Hà Nội đề xuất cách ly xã hơn 17.000 dân
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đề xuất áp dụng Chỉ thị 16 với xã Việt Hùng (Đông Anh), nơi cư trú của "bệnh nhân 2911".
Ngõ Trung, nơi cư trú của "bệnh nhân 2911" hiện đã bị phong toả |
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, đến chiều ngày 30/4, Hà Nội ghi nhận 3 trường hợp dương tính với nCoV, trong đó 2 ca F1 của "bệnh nhân 2911" đã thành F0.
Điều đáng lo ngại, theo lãnh đạo Sở Y tế, cả 2 trường hợp từ F1 thành F0 đều làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long, nơi có nhiều người lao đông nên tình hình phức tạp, dự báo có thể tiếp tục ghi nhận thêm ca mắc mới trong thời gian tới.
Các quận, huyện, thị xã đặc biệt là huyện Đông Anh cần hết sức khẩn trương chỉ đạo thần tốc truy vết người liên quan và người có triệu chứng để cách ly, làm xét nghiệm; lấy mẫu toàn bộ người dân ở thôn Trung (xã Việt Hùng), nơi cư trú của ca bệnh 2911.
Xã Việt Hùng gồm 6 thôn (Đoài; Trung; Đông; Lỗ Giao; Gia Lộc; Lương Quán) với hơn 4.800 hộ dân, trên 17.000 người. "Bệnh nhân 2911", nam, 28 tuổi, cư trú tại thôn Trung, là F1 của "bệnh nhân 2899", người ở Nhật về. Ngày 22/4, anh đi ăn liên hoan cùng ca bệnh ở Nhật về tại thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân, Hà Nam; đến ngày 29/4 kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.
Huyện Đông Anh đã lập 14 chốt cách ly y tế trên địa bàn, trong đó có một chốt trực tiếp làm nhiệm vụ cách ly khu vực nhà tập thể nơi "bệnh nhân 2911" sinh sống ở thôn Trung, xã Việt Hùng, gồm 17 hộ gia đình với 73 người (52 người lớn và 21 trẻ em).
Liên quan đến hai ca bệnh làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, hiện trong hai công ty nơi họ làm việc, một cơ sở đã tạm dừng toàn bộ hoạt động, cơ sở còn lại dừng sản xuất với phân xưởng có ca bệnh.
Kẹt xe kinh hoàng, trạm thu phí quyết không xả trạm, "cãi" yêu cầu của CSGT
Cục Cảnh sát giao thông đã lập biên bản đối với Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam khi để ùn tắc trước Trạm thu phí Long Phước (TPHCM) kéo dài hơn 2 km mà không xả trạm.
Dù kẹt xe kéo dài hơn 2 km và CSGT nhiều lần yêu cầu xả trạm nhưng cán bộ Trạm thu phí Long Phước vẫn không chấp hành. |
Ngày 30/4, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã lập biên bản đối với Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE).
Theo Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6, Phòng Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc, Cục Cảnh sát giao thông (Đội 6), từ 6h - 8h sáng 30/4, lưu lượng phương tiện trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng đột biến dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài xảy ra tại khu vực Trạm thu phí Long Phước từ Km3 đến Km11+115 thuộc khu vực Trạm thu phí Long Phước.
Nhận thấy nếu để tình trạng ùn tắc kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường cao tốc, rất nhiều lần lực lượng CSGT Đội 6 đã yêu cầu cán bộ quản lý Trạm thu phí Long Phước và lãnh đạo Công ty VECE cho xả trạm để giảm thiểu ùn tắc nhưng không nhận được phản hồi.
Tổ công tác thuộc Đội 6 đã phải tiến hành lập biên bản tại Trạm thu phí Long Phước, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đối với hành vi vi phạm không thực hiện đúng quy trình quản lý vận hành theo quy định để số lượng xe ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí lớn hơn 2 km. Tuy nhiên cán bộ có trách nhiệm tại trạm thu phí này không hợp tác, không ký biên bản và kiên quyết không xả trạm.
Xe khách 38 chỗ chở gần 100 người trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình
Xe giường nằm ở Nghệ An thiết kế 38 chỗ song chở 95 hành khách đi từ Hà Nội qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Chiếc xe khách giường nằm thời điểm bị phát hiện trên cao tốc |
1h20 ngày 30/4, sau khi nhận được phản ánh của người dân, tổ công tác thuộc Đội số 3, Cục CSGT, đã chặn chiếc xe khách tại nút giao, trạm thu phí Liêm Tuyền, thuộc địa phận tỉnh Hà Nam.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện chiếc xe "nhồi nhét" 95 hành khách, quá 57 người. Khi phát hiện, nhiều hành khách không đeo khẩu trang nằm kín trên các giường nằm hai tầng, ngồi trên thành tầng hai và kín hành lang giữa của xe.
Nam tài xế ở Bồng Khê, Con Cuông, Nghệ An không có giấy phép lái xe; xe khách không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (do đã bị Thanh tra giao thông tỉnh Nghệ An tạm giữ từ ngày 5/3/2021).
Tài xế thừa nhận do dịp nghỉ lễ, nhu cầu hành khách tăng cao nên đã bắt thêm khách. Chiếc xe có lộ trình đi từ Lạng Sơn đến Con Cuông, Nghệ An.
Đội CSGT số 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế xe khách các lỗi vi phạm không có giấy phép lái xe, phương tiện không có chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, lái ôtô chở khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km và chở quá từ 5 người trở lên đối với xe trên 30 chỗ.
Ngoài ra, lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm đối với chủ xe là Công ty TNHH TT (trụ sở tại Tương Dương, Nghệ An).
Chiếc xe khách bị tạm giữ, Cảnh sát đã bố trí phương tiện tiếp tục chở hành khách tới bến xe Con Cuông, Nghệ An.