Bản tin thời sự sáng 15/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bắc Ninh là địa phương đầu tiên hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy; thời tiết xấu khiến tàu metro TP.HCM tạm dừng hoạt động; gần 1,1 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần; sẽ mở lại phiên tòa xét xử nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vào ngày 15/1…

Bắc Ninh là địa phương đầu tiên hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy

Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy. Tên gọi mới sau hợp nhất là Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh, sẽ chính thức hoạt động từ ngày 3/2.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn trao quyết định bổ nhiệm Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn trao quyết định bổ nhiệm Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy

Chiều ngày 14/1, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị công bố quyết định về việc sắp xếp bộ máy và công tác tổ chức cán bộ.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhấn mạnh, Tỉnh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy với tên gọi mới Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy kèm tổ chức bộ máy và quy chế hoạt động được thông qua.

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh quyết định kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh yêu cầu, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy sớm hoàn thiện bộ máy, chuẩn bị sẵn sàng để ngày 3/2 đi vào hoạt động.

Sau hợp nhất tổ chức bộ máy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy có 6 đơn vị cấp phòng: Văn phòng Ban; Phòng Tuyên truyền, Báo chí - Xuất bản; Phòng Khoa giáo, Văn hóa - Văn nghệ; Phòng Lý luận chính trị, Lịch sử Đảng; Phòng Dân vận các cơ quan Nhà nước, dân tộc và tôn giáo; Phòng Đoàn thể và các hội.

Ông Hà Sỹ Tiếp, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy sử dụng trụ sở tòa nhà các Ban Đảng của Tỉnh ủy theo hiện trạng đang sử dụng của 2 cơ quan cũ; tiếp nhận bàn giao tài liệu, nhân sự, tài chính, tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định; đồng thời ban hành quy chế làm việc của cơ quan để hoạt động từ ngày 3/2.

Thời tiết xấu khiến tàu metro TP.HCM tạm dừng hoạt động

Cơn mưa trái mùa vào chiều 14/1 khiến tàu metro số 1 TP.HCM tạm dừng hoạt động. Hành khách phải chờ gần một giờ để tiếp tục hành trình.

Sau hơn 20 ngày vận hành thương mại, metro số 1 TP.HCM thu hút rất đông người dân đến tham quan, trải nghiệm

Sau hơn 20 ngày vận hành thương mại, metro số 1 TP.HCM thu hút rất đông người dân đến tham quan, trải nghiệm

Chiều 14/11, TP.HCM có mưa trái mùa trên diện rộng. Cơn mưa lớn khiến nhiều tuyến đường trung tâm TP.HCM xảy ra tình trạng ùn ứ.

Cùng thời điểm này, hành khách tại các nhà ga tuyến metro số 1 TP.HCM cho biết họ nhận được thông báo tàu tạm ngừng phục vụ vì lý do thời tiết. Thời gian hành khách phải chờ để tàu hoạt động lại là gần một giờ.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (HURC1, đơn vị vận hành tuyến), thời tiết nhiễu động khiến hệ thống an toàn được kích hoạt. Việc hệ thống an toàn được kích hoạt sẽ phụ thuộc vào tùy cấp độ mưa và sức gió. “Sau khi các đơn vị rà soát, đảm bảo an toàn, tàu đã được vận hành trở lại bình thường”, đại diện đơn vị vận hành thông tin.

Đây là lần thứ hai hoạt động của tàu metro số 1 TP.HCM bị gián đoạn vì lý do thời tiết. Trước đó, vào chiều 27/12/2024, TP.HCM xuất hiện mưa trái mùa rất lớn trên diện rộng.

HURC1 cho biết, mưa to kèm dông và sấm sét vào chiều 27/2, dẫn đến hệ thống bảo vệ an toàn điện toàn tuyến metro 1 được kích hoạt. Do đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 đã quyết định tạm dừng lịch trình chạy tàu, đưa tàu về các nhà ga nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách đồng thời tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống của tuyến.

Cũng theo HURC1, do trong giai đoạn đầu vận hành, việc quyết định dừng và rà soát toàn bộ hệ thống theo quy trình là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Gần 1,1 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần

Năm 2024, gần 1,1 triệu lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, giảm 1,6% so với năm 2023, theo BHXH Việt Nam.

Lao động chờ rút BHXH một lần tại TP.HCM

Lao động chờ rút BHXH một lần tại TP.HCM

Trong họp báo chiều 14/1 tại Hà Nội, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH thuộc BHXH Việt Nam giải thích, việc rút BHXH giảm do Luật BHXH sửa đổi đã quy định rõ phương án hưởng BHXH một lần. Người tham gia trước ngày 1/7/2025 vẫn được giải quyết chế độ bình thường nên lao động yên tâm, không lo bị giảm quyền lợi.

Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7 năm nay, mở rộng quyền lợi cho người lao động, như giảm năm đóng BHXH từ 20 xuống 15, bổ sung tầng trợ cấp hàng tháng nếu lao động đủ tuổi hưu chưa đủ điều kiện hưởng mà không rút một lần... Ngoài ra, tình hình kinh tế xã hội nhiều chuyển biến tích cực, lao động có thu nhập tốt hơn nên không nghĩ đến rút khoản một lần.

Từ ngày 1/7/2025, chế độ BHXH một lần áp dụng với người gia nhập hệ thống trước thời điểm này; người đủ tuổi về hưu mà chưa đủ 15 năm đóng; một số trường hợp ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, khuyết tật đặc biệt nặng.

Hết năm 2024, số lao động tham gia BHXH đạt 20 triệu, bằng 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, khu vực bắt buộc 17,7 triệu người và 2,3 triệu người thuộc khu vực tự nguyện. Khoảng 16 triệu người tham gia bảo hiểm tự nguyện, chiếm 34% lực lượng lao động trong độ tuổi. Riêng bảo hiểm y tế bao phủ 95,4 triệu người, đạt 94% dân số.

Cùng năm, ngành BHXH chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng cho 3,4 triệu người; 900.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, khoảng 9,4 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe và BHXH một lần; thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hơn 186 triệu lượt người.

Sẽ mở lại phiên tòa xét xử nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vào ngày 15/1

Bà Nguyễn Thị Nga, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, sáng 15/1, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trịnh Văn Chiến (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa), Nguyễn Đình Xứng (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) cùng 9 bị cáo khác trong vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" tại Dự án Hạc Thành Tower.

Ông Trịnh Văn Chiến

Ông Trịnh Văn Chiến

Trước đó, vào ngày 26/12, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nói trên, tuy nhiên tại phiên tòa đã vắng mặt một số luật sư, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và người liên quan.

Liên quan đến những sai phạm tại Dự án Hạc Thành Tower, ngày 3/11, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành cáo trạng truy tố 11 bị can, gồm: Trịnh Văn Chiến, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; Nguyễn Đình Xứng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Cù Đình Hiền, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; Bùi Văn Nam, nguyên Phó trưởng Phòng Kinh tế tài chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; Đinh Cẩm Vân, nguyên Giám đốc Sở Tài chính; Nguyễn Bá Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính; Ngô Đình Chén, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính; Văn Xuân Hùng, nguyên Trưởng phòng Quản lý Công sản - Giá cả Sở Tài chính Thanh Hóa; Trần Công Tỏ, nguyên Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp Sở Tài chính; Đinh Xuân Hướng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Mã; Nguyễn Mạnh Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Sông Mã.

Theo cáo trạng, Công ty TNHH MTV Sông Mã tiền thân là Công ty Kinh doanh nhà Thanh Hóa (100% vốn nhà nước) được giao quản lý diện tích 1.733,8 m2 tại số 3 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa.

Trong quá trình cổ phần hóa, các bị cáo đã xin giao đất, thực hiện giao đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất Dự án Hạc Thành Tower, không xác định giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm giao đất vào giá trị doanh nghiệp, gây hậu quả thiệt hại cho nhà nước hơn 55,8 tỷ đồng.

Cáo trạng cũng xác định bị can Trịnh Văn Chiến và Nguyễn Đình Xứng cùng chịu trách nhiệm chính trong quyết định giá giao đất Dự án Hạc Thành Tower.

Đề xuất tăng 30 lần tiền phạt khi mang điện thoại vào khu vực cấm về phòng cháy

Bộ Công an đề xuất phạt 3 - 5 triệu đồng với hành vi mang bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào nơi có quy định cấm liên quan phòng cháy.

Một hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện nay

Một hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện nay

Thông tin được nêu trong dự thảo lần 2 Nghị dịnh quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Mức phạt tối đa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với cá nhân là 50 triệu đồng, tổ chức là 100 triệu đồng - cao gấp 16 - 30 lần so với hiện hành.

Tại Nghị định 144/2021 đang có hiệu lực, người có các hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng.

Dự thảo đề xuất phạt 5 - 7 triệu đồng với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy theo quy định. Mức phạt hiện hành là 300.000 - 500.000 đồng.

Bộ Công an cũng đề xuất phạt tiền 10 - 15 triệu đồng nếu sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở những nơi có quy định cấm; hàn, cắt mà không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Nếu để xảy ra cháy mức phạt sẽ tăng gấp đôi.

Bộ Công an đề xuất người không tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có khả năng, điều kiện cho phép sẽ bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng.

Mức phạt 3 - 5 triệu đồng còn được đề xuất cho hành vi, không chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, nguồn nước và các điều kiện khác phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; không chấp hành lệnh huy động tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; không tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.

Theo dự thảo, nhà chức trách sẽ phạt 500.000 - 1.000.000 đồng với hành vi tự ý vào khu vực chữa cháy khi không được phép của người có thẩm quyền (quy định hiện hành phạt từ 100.000 - 300.000 đồng); 10 - 15 triệu đồng với hành vi lấn chiếm, bố trí vật cản gây cản trở hoạt động của phương tiện chữa cháy…

La Vie bị truy thu thuế hơn 66 tỷ đồng

Công ty TNHH La Vie bị truy thuy 66,6 tỷ đồng sau thanh tra thuế, gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.

Nước khoáng La Vie bị truy thu thuế 66 tỷ đồng sau thanh tra

Nước khoáng La Vie bị truy thu thuế 66 tỷ đồng sau thanh tra

Cục Thuế tỉnh Long An mới ban hành Kết luận thanh tra thuế tại Công ty TNHH La Vie (sau đây gọi tắt là La Vie).

Theo Kết luận thanh tra, về chấp hành các luật thuế, La Vie có chấp hành việc lập và gửi tờ khai thuế hàng tháng, lập và gửi báo cáo quyết toán thuế, báo cáo tài chính hàng năm, nộp thuế phát sinh theo quy định.

Tuy nhiên, về thuế thu nhập doanh nghiệp, La Vie chưa điều chỉnh giảm các khoản chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho không thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu sau thanh tra là 3,3 tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 là 485 triệu đồng, năm 2018 là 1,13 tỷ đồng, năm 2019 là 991 triệu đồng, năm 2020 là 772 triệu đồng.

Về thuế tài nguyên, cơ quan thuế nêu La Vie được xác định ưu đãi thuế tài nguyên chưa đúng theo quy định. Cùng với đó, doanh nghiệp còn kê khai sản lượng tài nguyên tính thuế chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Sau thanh tra, đoàn thanh tra xác định số tiền thuế tài nguyên bị truy thu là 61,5 tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 là 14 tỷ đồng, năm 2017 là 18,9 tỷ đồng, năm 2018 là 8,9 tỷ đồng, năm 2019 là 9,7 tỷ đồng, năm 2020 là 9,8 tỷ đồng.

Về phí bảo vệ môi trường, La Vie xác định mức thu phí và sản lượng tài nguyên tính phí chưa đúng. Tổng số tiền phí bảo vệ môi trường bị truy thu sau thanh tra là 1,7 tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 là 183 triệu đồng, năm 2017 là 313 triệu đồng, năm 2018 là 401,7 triệu đồng, năm 2019 là 426 triệu đồng, năm 2020 là 404,5 triệu đồng.

Sau thanh tra, tổng số tiền thuế, phí truy thu qua thanh tra là 66,6 tỷ đồng. Cùng với đó, Cục Thuế yêu cầu La Vie điều chỉnh giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2017 số tiền 485 triệu đồng.

Cùng với đó, La Vie bị xử phạt do vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Cụ thể, La Vie bị xử phạt do hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp tại kỳ tính thuế năm 2016 và từ năm 2018 đến năm 2020 đối với thuế thu nhập doanh nghiệp; hành vi kê khai sai tại kỳ tính thuế từ năm 2018 đến năm 2020 đối với về thuế tài nguyên.

Lương hưu bình quân gần 7 triệu đồng mỗi tháng

Lương hưu bình quân năm 2024 của người hưởng lương từ Quỹ BHXH đạt 7 triệu đồng mỗi tháng, theo BHXH Việt Nam.

Người cao tuổi Hà Nội nhận lương hưu tại điểm chi trả

Người cao tuổi Hà Nội nhận lương hưu tại điểm chi trả

Tại họp báo chiều 14/1 ở Hà Nội, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, mức bình quân 7 triệu mỗi tháng bao gồm cả lực lượng vũ trang, nếu tách riêng lao động khu vực dân sự thì tiền hưởng thấp hơn. So với năm 2022, lương hưu bình quân tăng khoảng 1,5 triệu đồng, nguyên nhân chủ yếu là điều chỉnh lương hưu từ 1/7/2024 nâng 15%.

Lương hưu thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng trên nền tiền lương bình quân đóng BHXH và số năm tham gia nên có người hưởng hàng trăm triệu đồng, cũng có người nhận mức thấp, nhất là nhóm nghỉ hưu trước năm 1995. Hiện nhà nước điều chỉnh với nhóm này nếu hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng mỗi tháng thì tăng thêm 300.000 đồng cho đạt mức trên; người hưởng 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng thì điều chỉnh cho đạt 3,5 triệu đồng mỗi tháng.

Cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hàng tháng. Từ năm 1995 đến hết 2023, Quốc hội, Chính phủ đã 23 lần điều chỉnh lương hưu.

Tỷ lệ hưởng lương hưu của người Việt thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á, tối đa 75% với nam đóng đủ 35 năm BHXH và 30 năm với nữ, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Song mức hưởng lương hưu của người Việt thuộc nhóm trung bình do tiền đóng bảo hiểm chưa cao, chủ yếu tăng do điều chỉnh lương cơ sở và tối thiểu.

Hết năm 2023, bình quân tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội của lao động khu vực nhà nước đạt 6,9 triệu đồng; lao động khối doanh nghiệp, hợp tác xã gần 6,4 triệu đồng.

Xe chở học sinh được lưu thông trở lại trên cầu Chương Dương

Sở Giao thông vận tải (GTVT) vừa có thông báo cho phép một số phương tiện lưu thông trở lại trên cầu Chương Dương.

Cầu Chương Dương (Hà Nội).

Cầu Chương Dương (Hà Nội).

Theo Công văn số 81/TB-SGTVT về việc điều chỉnh tổ chức giao thông cho phép một số phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương, TP. Hà Nội từ ngày 20/1, xe ôtô chở học sinh được phép lưu thông qua Cầu Chương Dương theo cả hai chiều.

Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các nhà máy thủy điện đang xả lũ dẫn đến mực nước sông Hồng dâng cao, dòng chảy xiết, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng công trình cầu. Để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, Sở GTVT Hà Nội thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương.

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc trên địa bàn TP. Hà Nội, Sở GTVT đã có thông báo về phương án điều chỉnh tổ chức giao thông cho phép một số phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương.

Theo đó, các phương tiện ôtô chở học sinh (School bus) được phép lưu thông qua cầu Chương Dương theo cả hai chiều. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 6h00 ngày 20/1/2025 đến khi có thông báo thay thế.

Các phương tiện còn lại tiếp tục hoạt động theo Thông báo số 955/TB-SGTVT ngày 9/9/2024 của Sở GTVT Hà Nội và các quy định hiện hành khác có liên quan.

Tiếp tục cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn lưu thông qua cầu Chương Dương. Xe buýt được phép hoạt động.

Các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn sẽ lưu thông theo các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.

Sở GTVT Hà Nội đề nghị lực lượng công an quận Hoàn Kiếm, Long Biên, chính quyền địa phương bố trí lực lượng phối hợp với Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, CSGT TP. Hà Nội và các đơn vị có liên quan để điều tiết, hướng dẫn phân luồng giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông.

Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên các tuyến đường, nút giao.

Đồng thời theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên tuyến và khu vực để kịp thời phát hiện các bất cập, đề xuất phương án điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp.

Tin cùng chuyên mục