Bản tin thời sự sáng 15/10

(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tăng chuyến bay dịp Tết tại Tân Sơn Nhất; Chính phủ trình Quốc hội thí điểm tháo gỡ dự án nhà ở thương mại; bảo hiểm xã hội thu hơn 320.000 tỷ đồng/năm; hơn 62.000 vé tàu Tết Nguyên đán Ất Tỵ đã được bán sau 2 tuần; đề nghị thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai hai nhiệm kỳ…

Tăng chuyến bay dịp Tết tại Tân Sơn Nhất

Từ 14/1 - 12/2/2025, máy bay đến và đi từ Tân Sơn Nhất được tăng tần suất khai thác lên 46 chuyến mỗi giờ để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách dịp Tết.

Máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất

Máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất

Cục Hàng không Việt Nam vừa quyết định điều chỉnh giờ hạ, cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Sân bay được khai thác từ 42 chuyến hiện nay lên 46 chuyến mỗi giờ vào ban ngày và buổi tối. Ban đêm (từ 0h đến 5h) được tăng từ 32 chuyến lên 42 chuyến mỗi giờ.

Tại nhà ga nội địa, Cục Hàng không Việt Nam cho phép máy bay cất cánh sảnh A từ 13 lên 15 chuyến bay, tại sảnh B từ 11 lên 13 chuyến mỗi giờ. Máy bay nội địa hạ cánh được tăng từ 21 lên 22 chuyến mỗi giờ.

Tân Sơn Nhất hiện phải giới hạn khai thác tối đa 42 chuyến bay mỗi giờ do hạ tầng chỉ đáp ứng tối đa 3.600 hành khách dù đường cất hạ cánh có thể tăng năng lực khai thác. Việc điều chỉnh linh hoạt giờ bay và tối ưu hóa các hoạt động tại nhà ga là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, điều chỉnh kế hoạch bay sớm tại Tân Sơn Nhất sẽ giúp các hãng hàng không xây dựng kế hoạch khai thác, phục vụ hành khách dịp Tết; đồng thời các hãng có kế hoạch bổ sung, tăng máy bay để cung cấp cho thị trường nhiều loại vé với mức giá rẻ, hợp lý.

Vietnam Airlines Group đã công bố bán sớm gần 1,5 triệu chỗ cho giai đoạn từ 13/1 - 12/2/2025. Các đường bay cao điểm tập trung giữa 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM với nhiều tỉnh thành như Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang. Đây là đợt mở bán vé đầu tiên, hãng sẽ theo dõi nhu cầu thị trường, nguồn lực đội tàu bay, phân bổ slot từ Cục Hàng không Việt Nam để mở bán các đợt tiếp theo.

Chính phủ trình Quốc hội thí điểm tháo gỡ dự án nhà ở thương mại

Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thí điểm mở rộng loại đất xây nhà ở thương mại để tháo gỡ nguồn cung ra thị trường.

Bất động sản khu Đông TP.HCM

Bất động sản khu Đông TP.HCM

Theo dự thảo nghị quyết, doanh nghiệp có thể thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất với các loại đất như nông nghiệp, phi nông nghiệp (không phải đất ở), đất ở và đất khác trong cùng một thửa.

Các dự án được thí điểm mở rộng loại đất xây nhà thương mại phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, đô thị. Các dự án này cũng phải phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt, đồng thời được UBND cấp tỉnh chấp thuận về việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất.

Chính phủ đề xuất thực hiện thí điểm không vượt quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất) theo phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Khu đất thí điểm thực hiện dự án phải nằm ngoài danh mục dự án thu hồi đất được Hội đồng nhân dân thông qua. Việc thí điểm dự kiến thực hiện trong 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2025.

Phân tích nguyên nhân đưa ra dự thảo, ban soạn thảo cho biết, việc triển khai dự án đầu tư, kinh doanh nhà ở thương mại đang gặp nhiều khó khăn. Trước ngày 1/7/2015, thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, các luật cũ cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án nhà thương mại thông qua thoả thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc có sẵn quỹ đất (như các dư án phát triển kinh tế - xã hội) mà không quy định điều kiện riêng về loại đất.

Kể từ ngày 1/7/2015, nhà đầu tư muốn thực hiện dự án nhà thương mại phải có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác; nhận quyền sử dụng đất ở. Quy định này được giữ nguyên tại Luật Đất đai 2024.

Bảo hiểm xã hội thu hơn 320.000 tỷ đồng/năm

Năm ngoái, số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt hơn 320.000 tỷ đồng, thu bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 8.200 tỷ đồng. Ngược lại, số chi vào khoảng 232.500 tỷ đồng.

Kết quả đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội đến cuối năm ngoái ghi nhận khoảng 1,25 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022

Kết quả đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội đến cuối năm ngoái ghi nhận khoảng 1,25 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2023 vừa được Chính phủ gửi Quốc hội cho thấy, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên cả nước tính đến hết năm ngoái đạt 16,5 triệu người, tăng 460.000 người so với năm liền trước.

Trong giai đoạn này, số tổ chức sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 625.000 đơn vị, tăng hơn 5.000 đơn vị so với năm 2022.

Chính phủ thống kê số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trong năm ngoái đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tức tăng khoảng 21.800 tỷ đồng so với năm liền trước.

Trong số này, thu quỹ ốm đau và thai sản khoảng 37.700 tỷ đồng, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hơn 5.800 tỷ đồng, quỹ hưu trí và tử tuất hơn 277.100 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, theo báo cáo của Chính phủ, bảo hiểm xã hội đã chi từ nguồn ngân sách nhà nước cho khoảng 1,09 triệu người, tổng số chi khoảng 47.500 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2022.

Trong đó, quỹ hưu trí và tử tuất chi lương hưu cho 2,3 triệu người, số tiền chi khoảng 155.300 tỷ đồng, chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng lương hưu, nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng hơn 6.800 tỷ đồng, và số tiền chi trả trợ cấp 1 lần gần 58.400 tỷ đồng…

Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong năm 2023 đã có 1,92 triệu người tham gia, tổng số thu bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 8.200 tỷ đồng.

Năm ngoái, số thu bảo hiểm thất nghiệp cũng đạt hơn 20.000 tỷ đồng, trong khi có khoảng 1,1 triệu người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 1,07 triệu người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chính phủ cho biết, số dư quỹ bảo hiểm xã hội đến cuối năm 2023 khoảng 1,19 triệu tỷ đồng, quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 62.300 tỷ đồng.

Trong năm 2024, tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khoảng 365.000 tỷ đồng và số chi khoảng 310.400 tỷ đồng, trong đó chi cho bộ máy bảo hiểm khoảng 13.600 tỷ đồng.

Hơn 62.000 vé tàu Tết Nguyên đán Ất Tỵ đã được bán sau 2 tuần

Ngày 14/10, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, sau 2 tuần mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đã có hơn 62.000 vé được bán thành công (đã thanh toán) cho hành khách đi lại dịp Tết. Hiện vé tàu Tết vẫn còn khá nhiều.

Hành khách mua vé tàu Tết tại quầy bán vé Ga Sài Gòn

Hành khách mua vé tàu Tết tại quầy bán vé Ga Sài Gòn

Theo kế hoạch, Tết Nguyên đán 2025 sẽ có 388 chuyến tàu với 167.000 chỗ phục vụ hành khách, giảm 38.000 chỗ so với năm 2024. Nếu nhu cầu tăng cao, ngành đường sắt sẽ tổ chức chạy thêm tàu trong các ngày cao điểm trước và sau Tết.

Năm nay, ngành đường sắt không bán ghế phụ, đồng thời cải tạo 11 toa ghế ngồi thành toa giường nằm, giảm số chuyến và số lượng chỗ so với năm trước.

Theo ông Thái Văn Truyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, vé Tết Nguyên đán 2025 vẫn còn nhiều.

Giai đoạn trước Tết còn ở tất cả các tuyến, trong đó từ ngày 22/1 trở về trước và từ 26 - 28/1/2025 (ngày 23 trở về trước và ngày 27 - 29 tháng Chạp) còn vé đi tất cả các ga; các ngày từ 23 - 25/1/2025 (ngày 24 - 26 tháng Chạp) còn nhiều vé đi Phan Thiết, Nha Trang, các ga khác chủ yếu còn ghế ngồi mềm. Sau Tết còn nhiều vé đi tất cả các ngày, các ga.

Về Tết Dương lịch, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã mở bán các đoàn tàu chạy thường xuyên trong và sau dịp Tết Dương lịch 2025: Tàu SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8 (Sài Gòn - Hà Nội), tàu SE21/SE22 (Sài Gòn - Đà Nẵng), tàu SNT1/SNT2 (Sài Gòn - Nha Trang), tàu SPT1/SPT2 (Sài Gòn - Phan Thiết).

Đề nghị thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai hai nhiệm kỳ

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị thi hành kỷ luật 4 tổ chức Đảng và 23 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm, trong đó có Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021.

Đề nghị thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai hai nhiệm kỳ

Đề nghị thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai hai nhiệm kỳ

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai vừa tổ chức Kỳ họp thứ 42 để kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng và đảng viên có khuyết điểm, vi phạm.

Tại Kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xem xét trách nhiệm, thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng và đảng viên có khuyết điểm, vi phạm theo Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai, nhiệm kỳ 2011 - 2016 và nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, biểu quyết thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật đối với 4 tổ chức Đảng, gồm: Ban Cán sự Đảng UBND Tỉnh, nhiệm kỳ 2011 - 2016, và nhiệm kỳ 2016 - 2021; Ban Thường vụ Huyện ủy Nhơn Trạch, nhiệm kỳ 2015 - 2020, và nhiệm kỳ 2020 - 2025, cùng 23 đảng viên theo thẩm quyền, quy định.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai xem xét thi hành kỷ luật đối với 4 tổ chức Đảng và 12 đảng viên theo thẩm quyền.

Đồng thời, theo thẩm quyền, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 1 đảng viên; ban hành thông báo kết luận về các khuyết điểm, vi phạm và nghiêm khắc phê bình đối với 10 đảng viên khác.

Hai cựu Phó Chủ tịch TP. Long Xuyên (An Giang) bị khai trừ Đảng

Hai cựu Phó Chủ tịch TP. Long Xuyên bị khai trừ Đảng do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để nhân viên thuộc quyền cấp khống nhiều thửa đất giá trị hàng tỷ đồng.

Ông Đào Văn Ngọc bị cơ quan điều tra khởi tố, tạm giam hồi tháng 7

Ông Đào Văn Ngọc bị cơ quan điều tra khởi tố, tạm giam hồi tháng 7

Ngày 14/10, hai cựu Phó Chủ tịch TP. Long Xuyên là Nguyễn Bảo Sinh (48 tuổi) và Đào Văn Ngọc (61 tuổi) bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang khai trừ Đảng. Trước đó cả hai bị khởi tố, bắt về tội Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu, hai cựu Phó Chủ tịch phụ trách quản lý đất đai, giữ chức vụ chủ chốt trong hội đồng bồi thường thành phố, song thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, gây thất thoát tài sản nhà nước, bị bắt giam cùng nhiều thuộc cấp. Sai phạm đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng sự quản lý của Nhà nước về đất đai, tạo dư luận xấu.

Theo cơ quan điều tra, cả hai có liên quan đến 5 thửa đất cấp khống cho Võ Văn Trung (Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố, đã chết). Khi có sổ đỏ, ông Trung lấy hai thửa bán cho người khác với giá 7,2 tỷ đồng. Người mua tiếp tục bán cho bên thứ ba, giá 11 tỷ đồng.

Ngoài ra ông Sinh còn ký cấp đất không đúng người được tái định cư, ký sai quy định cho 13 hộ dân khác. Trong 18 nền cấp sai, có 2 nền do ông Ngọc ký.

Tháng 7/2022, sự việc bị thanh tra thành phố phát hiện, kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu phạm tội. Trước ngày vụ án được khởi tố, ông Trung được phát hiện đã tự tử.

TP.HCM muốn giữ phần thu ngân sách vượt kế hoạch để làm metro

TP.HCM đề xuất giữ lại toàn bộ số thu ngân sách vượt dự toán đối với phần thu chia sẻ giữa Trung ương và địa phương giai đoạn 2026 - 2030 để làm đường sắt đô thị.

Các đoàn tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đậu tại depot Long Bình, TP Thủ Đức

Các đoàn tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đậu tại depot Long Bình, TP Thủ Đức

Kiến nghị nêu trong báo cáo đánh giá tác động nợ công của các dự án đường sắt vừa được UBND TP.HCM gửi Bộ Tài chính. Việc giữ lại số thu ngân sách vượt dự toán là 1 trong 5 nguồn huy động vốn để TP.HCM xây dựng hệ thống metro theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Theo tính toán, đến năm 2035, Thành phố cần 37,45 tỷ USD thực hiện 6 tuyến đường sắt đô thị tổng chiều dài 183 km, riêng giai đoạn 2026 - 2030 cần 22,3 tỷ USD. Kinh phí này chiếm 35% vốn đầu tư công trung hạn (dự kiến 62,59 tỷ USD) của TP.HCM giai đoạn này.

TP.HCM đánh giá, vốn cho đề án đường sắt đô thị là rất lớn, nguồn ngân sách địa phương này được hưởng theo phân cấp không đủ đáp ứng nên cần huy động bằng nhiều hình thức khác. Cụ thể, đối với nguồn tăng thu ngân sách trung ương, TP.HCM đề xuất giữ lại toàn bộ số thu vượt dự toán hàng năm để làm đề án. Điều này vẫn đảm bảo phần thu 79% của ngân sách trung ương.

Hiện, các nguồn thu cho ngân sách trên địa bàn TP.HCM được chia làm 3 loại: thu nhưng nộp toàn bộ về Trung ương, ví dụ thuế xuất nhập khẩu; thu và phân bổ về Trung ương và giữ lại một phần, ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp (nộp về Trung ương 79% và giữ lại 21%); được thu và giữ lại toàn bộ, ví dụ nguồn thu từ đất đai.

Như vậy, TP.HCM đang xin điều tiết nguồn thu ở nhóm thứ hai. Ở nhóm này, hàng năm, Trung ương sẽ giao dự toán thu cho Thành phố. Tuy nhiên, qua các năm, Thành phố thường sẽ thu vượt vài phần trăm so với nhiệm vụ được Trung ương giao. Theo quy định, số thu vượt này tiếp tục được chia theo tỷ lệ 79% cho Trung ương và 21% cho Thành phố.

Quảng Nam kiến nghị đưa 11 thủy điện nhỏ vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII

Tỉnh Quảng Nam kiến nghị phê duyệt cập nhật, bổ sung 11 dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn Tỉnh, tổng công suất 202,1 MW vào kế hoạch thực Quy hoạch điện VIII.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 28 dự án thủy điện nhỏ.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 28 dự án thủy điện nhỏ.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình vừa ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cung cấp thông tin, số liệu để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đối với dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn Tỉnh.

Theo báo cáo này, tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét phê duyệt cập nhật, bổ sung 11 dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn Tỉnh với tổng công suất 202,1 MW vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Các dự án cụ thể gồm: thủy điện Tăk Lê có công suất 29,5 MW; thủy điện Nước Lah 1 có công suất 4 MW; thủy điện Nước Lah 1 có công suất 7 MW.

Ngoài ra, còn có: thủy điện Trà Leng 1 có công suất 12MW; thủy điện Sông Bung 3A có công suất 20 MW; thủy điện Trà Leng 2 có công suất 18 MW; thủy điện Trà Linh 1 có công suất 29,6 MW; thuỷ điện A Vương 5 có công suất 8 MW; thủy điện Nước Chè có công suất 30 MW; thủy điện Tr’Hy có công suất 30 MW và thủy điện An Điềm II mở rộng có công suất 14 MW.

Tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị, xem xét không đưa vào Kế hoạch thực hiện các dự án thủy điện nhỏ đã vận hành phát điện là thủy điện Trà Linh 2, công suất 27 MW và thủy điện Nước Bươu, công suất 12,8 MW với tổng công suất 39,80 MW. Bổ sung vào Kế hoạch các dự án thủy điện nhỏ đang thực hiện thủ tục đầu tư là Tăk Lê, Nước Lah 1 và Nước Lah 2 với tổng công suất 40,50 MW.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trên địa tỉnh có 28 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất theo thiết kế là 440,26 MW.

Trong đó có 1 dự án là Sông Bung 6, công suất 29 MW, thuộc Quy hoạch thủy điện bậc thang do Bộ Công Thương lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Có 27 dự án thủy điện nhỏ còn lại thuộc quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ do UBND Tỉnh, Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tùy giai đoạn theo quy định của pháp luật.

Các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch trước khi thực hiện xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tất cả 28 dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều đã được cấp chủ trương đầu tư.

Thông tuyến tại điểm sạt lở trên Quốc lộ 4H, Điện Biên

Sau hơn 1 ngày nỗ lực khắc phục, điểm sạt lở lớn trên Quốc lộ 4H, thuộc khu vực bản Hồ Chim, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà (Điện Biên) đã được thông tuyến. Các phương tiện đã có thể qua lại an toàn.

Thông tuyến trên QL4H, đoạn qua xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà (Điện Biên)

Thông tuyến trên QL4H, đoạn qua xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà (Điện Biên)

Trước đó, trong ngày 13/10, trên tuyến Quốc lộ 4H, đoạn qua bản Hồ Chim, xã Ma Thì Hồ liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất đá vùi lấp toàn bộ nền mặt đường, khiến giao thông từ huyện Mường Chà đi các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé (Điện Biên) bị tê liệt hoàn toàn. May mắn các sự cố không gây thiệt hại về người.

Sau khi nhận được tin báo, các lực lượng chức năng thuộc 2 huyện Nậm Pồ và Mường Chà đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, bố trí lực lượng tiến hành căng dây cảnh báo, chỉ huy, phân luồng, hướng dẫn các phương tiện di chuyển theo hướng khác để tránh việc đất đá trên đồi tiếp tục sạt xuống, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Tin cùng chuyên mục