Bản tin thời sự sáng 16/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khởi công Dự án Nhà khách Hồ Tây; hơn 174.000 trường hợp vi phạm giao thông trong hai tuần; cao tốc TP.HCM - Long Thành có thể mở rộng bằng vốn trái phiếu chính phủ; Mỹ chi gần 1,2 tỷ USD mua hạt điều Việt Nam…

Khởi công dự án Nhà khách Hồ Tây

Sáng 15/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đến dự và nhấn nút phát lệnh khởi công Dự án Cải tạo, nâng cấp và xây mới khu Nhà khách Hồ Tây (TP. Hà Nội).

Vị trí nhà khách Hồ Tây ở quận Tây Hồ, Hà Nội

Vị trí nhà khách Hồ Tây ở quận Tây Hồ, Hà Nội

Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Dự án là 1 trong 3 đề án, dự án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt giao Văn phòng Trung ương Đảng làm Chủ đầu tư. Các hạng mục công trình gồm khách sạn cao tầng; khu trung tâm văn hóa - nhà đa năng; khu trung tâm hội nghị; khu biệt thự thấp tầng; khu hạ tầng cảnh quan; khu hành chính phục vụ tổng thể.

Dự án được áp dụng hệ thống quản lý tòa nhà thông minh, các ứng dụng công nghệ hiện đại dựa trên nền tảng số nhằm tối ưu hóa công tác tổ chức quản lý, vận hành khai thác, phát huy tối đa hiệu năng, hiệu quả sử dụng.

Theo ông Ngọc, đây là công trình có ý nghĩa chính trị to lớn hướng tới chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, đóng góp vào sự phát triển về kinh tế, văn hóa xã hội của Thủ đô ngàn năm văn hiến, tô đậm thêm hình ảnh, điểm nhấn của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Đây sẽ là nơi tổ chức các chương trình, sự kiện chính trị đối nội, đối ngoại, các hoạt động quan trọng của Đảng, Nhà nước; tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; tổ chức đón các đoàn khách quốc tế lớn đến thăm làm việc và tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước.

Theo báo cáo của Chủ đầu tư, với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", Dự án được triển khai với các mốc tiến độ tháng 5/2025, hoàn thành giải phóng mặt bằng; tháng 10/2025 hoàn thành hạng mục thi công phần móng; tháng 6/2027 hoàn thành hạng mục phần thân, hoàn thiện và lắp đặt trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật cảnh quan. Tháng 7/2027, Dự án hoàn thành công tác nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng; tháng 6/2028, hoàn thành quyết toán Dự án.

Hơn 174.000 trường hợp vi phạm giao thông trong 2 tuần

Sau 2 tuần thực hiện Nghị định 168/2024, cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước phát hiện 174.650 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, giảm 11,54% so với 2 tuần trước liền kề.

Người dân chấp hành tín hiệu đèn giao thông ở Hà Nội

Người dân chấp hành tín hiệu đèn giao thông ở Hà Nội

Cục CSGT thuộc Bộ Công an cho biết, từ ngày 1 - 14/1, CSGT cả nước đã phát hiện hơn 174.650 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tước gần 17.600 giấy phép lái xe, tạm giữ 955 ôtô, gần 49.700 môtô, gần 12.700 trường hợp bị trừ điểm giấy phép lái xe.

Trong đó, vi phạm nồng độ cồn hơn 36.000 trường hợp, quá tải gần 2.900 trường hợp, chạy quá tốc độ hơn 37.300 người và gần 3.300 người không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông.

Cùng khoảng thời gian này, cả nước xảy ra 681 vụ tai nạn, làm 365 người chết, 453 người bị thương. Tai nạn chủ yếu trên đường bộ với 677 vụ, 363 người chết, 452 người bị thương. So với 2 tuần trước liền kề, số vụ tai nạn giao thông giảm 347, giảm 94 người chết, giảm 301 người bị thương.

Đại diện Cục CSGT đánh giá, Nghị định 168/2024 với việc tăng mức xử phạt đã tác động đến nhận thức, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn. Người dân đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu kể cả khi không có CSGT.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành có thể mở rộng bằng vốn trái phiếu chính phủ

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa xin ý kiến các bộ, ngành phương án vay 15.030 tỷ đồng trái phiếu chính phủ để đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành dài 21 km cần được mở rộng

Đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành dài 21 km cần được mở rộng

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cần vay khoảng 15.030 tỷ đồng, tương đương 100% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng với thời hạn 15 năm để thực hiện đầu tư Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành trong năm nay.

Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành từ Vành đai 2 TP.HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 21 km, trong đó, đoạn từ Vành đai 2 - Vành đai 3 được mở rộng lên 8 làn xe theo quy hoạch; đoạn từ Vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mở rộng lên 10 làn xe.

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.720 tỷ đồng, đã bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng, trong đó VEC huy động toàn bộ vốn để thực hiện và tổ chức khai thác, thu phí hoàn vốn theo Luật Đầu tư. Số tiền gốc vay lại trái phiếu chính phủ được thanh toán một lần vào ngày đáo hạn; tiền lãi được thanh toán hàng năm.

Theo tính toán của VEC, thời gian hoàn vốn dự án là 18 năm, phương án này khả thi về mặt tài chính.

Hồi tháng 12/2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu phương án vay lại từ nguồn trái phiếu chính phủ phát hành để có nguồn lực thực hiện đầu tư mở rộng Dự án, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phát hành trái phiếu chính phủ không bao gồm mục đích cho doanh nghiệp vay lại để đầu tư vào Dự án, việc quyết định cho doanh nghiệp vay lại từ nguồn trái phiếu chính phủ thuộc thẩm quyền Quốc hội. Do đó, Chính phủ sẽ xem xét, báo cáo Quốc hội đồng ý để Chính phủ cho VEC vay lại vốn trái phiếu chính phủ phát hành.

8 năm trước, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km do VEC đầu tư với quy mô 4 làn xe. Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Mỹ chi gần 1,2 tỷ USD mua hạt điều Việt Nam

Lần đầu tiên, Mỹ chi gần 1,2 tỷ USD mua hạt điều Việt Nam, chiếm đến 98% tổng giá trị nhập khẩu điều của nước này.

Mỹ chi gần 1,2 tỷ USD mua hạt điều Việt Nam

Mỹ chi gần 1,2 tỷ USD mua hạt điều Việt Nam

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 724.000 tấn hạt điều nhân, thu về 4,34 tỷ USD. So với năm 2023, lượng xuất khẩu tăng 12,4% nhưng giá trị tăng đến 19,2%. Năm nay cũng đánh dấu kỷ lục xuất khẩu của ngành điều Việt Nam, giữ vững vị trí số 1 thế giới suốt 18 năm liên tục khi chiếm hơn 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu toàn cầu. Ngành điều Việt Nam đã lấy lại vị thế xuất siêu trong năm 2024, với thặng dư thương mại đạt 1,12 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên nước này chi hơn 1,15 tỷ USD nhập khẩu gần 192.200 tấn hạt điều Việt Nam, tăng 21,3% về lượng và 30,3% về giá trị so với năm trước. Hạt điều Việt Nam chiếm 98% tổng giá trị nhập khẩu hạt điều của Mỹ, đồng thời chiếm gần 26,6% kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, nhu cầu hạt điều đang gia tăng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành chế biến thực phẩm, quá trình đô thị hóa và thay đổi trong thói quen tiêu dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong xuất khẩu, ngành điều Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức như sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chi phí sản xuất cao, áp lực cạnh tranh gay gắt và tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp. Dù nhu cầu thực phẩm tiện lợi mang lại cơ hội lớn, ngành cần tập trung cải tiến công nghệ và nâng cấp chuỗi giá trị để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việt Nam sắp có nhà máy vaccine 2.000 tỷ đồng

Nhà máy sản xuất vaccine của VNVC tại Long An do tập đoàn hàng đầu thế giới thiết kế theo công nghệ hiện đại hướng tới Net Zero, dự kiến khởi công đầu năm nay.

Thiết kế của Nhà máy sản xuất vaccine và sinh phẩm VNVC tại Long An

Thiết kế của Nhà máy sản xuất vaccine và sinh phẩm VNVC tại Long An

Ngày 15/1, Công ty CP Vacxin Việt Nam (VNVC) ký kết hợp đồng thiết kế xây dựng Nhà máy Sản xuất vaccine và sinh phẩm VNVC với Tập đoàn Rieckermann (Đức).

Nhà máy vaccine của VNVC đặt tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Bến Lức. Tổng diện tích hơn 26.000 m2 với 4 cụm tòa nhà, hướng đến đạt các tiêu chuẩn cao nhất về GMP của châu Âu, Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (EU, FDA, PIC/S, WHO). Tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trong đó, một tòa nhà nuôi động vật thí nghiệm để thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng cho vaccine, sinh phẩm. Tòa nhà này được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế GLP (thực hành tốt phòng kiểm nghiệm) và AAALAC (tiêu chuẩn đánh giá và công nhận chăm sóc động vật thí nghiệm quốc tế), bảo đảm các tiêu chuẩn pháp lý và nhân đạo.

Bên cạnh tiêu chuẩn về sản xuất và thử nghiệm vaccine, Nhà máy cũng sẽ đáp ứng theo tiêu chuẩn LEED (Leadership in Energy & Environmental Design). Đây là tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng xanh toàn diện, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và tiến đến phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).

Nhà máy Sản xuất vaccine và sinh phẩm VNVC dự kiến vận hành sau 8 tháng thi công. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ hợp tác với các hãng dược trên thế giới, tham gia từng bước công đoạn trong quá trình sản xuất vaccine và sinh phẩm, tiến tới nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất độc lập.

Trước đó, tháng 10/2024, VNVC bước đầu thỏa thuận hợp tác, hướng đến chuyển giao công nghệ, sản xuất một số vaccine của hãng Sanofi (Pháp) tại nhà máy của VNVC như vaccine cúm và 6 trong 1. Theo đó, Sanofi cam kết sẽ chuyển giao kỹ thuật sản xuất các vaccine tại nhà máy VNVC.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam là 1 trong số hơn 40 quốc gia trên thế giới tự sản xuất được vaccine cho người. Hiện Việt Nam tự sản xuất được 8/12 loại vaccine sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Nhà máy của VNVC dự kiến giúp Việt Nam làm chủ nguồn vaccine chất lượng cao, thường xuyên có nhu cầu cao, không phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Tiến độ xây hồ chứa nước Ka Pét ở Bình Thuận đang chậm

Tiến độ chuẩn bị Dự án xây hồ chứa nước Ka Pét đang rất chậm, dự kiến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

Phối cảnh hồ chứa nước Ka Pét

Phối cảnh hồ chứa nước Ka Pét

Ngày 15/1, tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội của UBND tỉnh Bình Thuận, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin về tiến độ Dự án xây hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường Dự án hồ chứa nước Ka Pét, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thẩm định hồ sơ Dự án. Đầu tháng 12/2024, UBND tỉnh Bình Thuận đã có cuộc họp lấy ý kiến các sở, ban, ngành liên quan về Dự án. Đầu năm 2025, đơn vị vừa trình hồ sơ Dự án lên UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau khi UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Dự án, các cơ quan, địa phương sẽ bắt đầu thực hiện công tác bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị khởi công xây dựng.

"Tiến độ chuẩn bị hồ sơ Dự án xây hồ chứa nước Ka Pét đang chậm. Dự kiến thời gian tới công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nghị quyết Quốc hội yêu cầu phải hoàn thành năm 2025 nên UBND Tỉnh tập trung, khẩn trương thực hiện các thủ tục tiếp theo", đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.

Theo hồ sơ phê duyệt, hồ chứa nước Ka Pét có quy mô gồm: hồ điều tiết với dung tích 51,21 triệu m3, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Trong đó, công trình đầu mối hồ chứa nước Ka Pét được xây dựng trên suối Bà Bích, xã Mỹ Thạnh. Còn công trình điều tiết và kênh chuyển nước được xây dựng trên sông Cà Ty (tên địa phương là suối Ba Ha) cũng tại xã Mỹ Thạnh. Riêng khu tưới thuộc địa phận 2 xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2020 và vừa điều chỉnh, bổ sung vào tháng 6/2023. Tổng mức đầu tư Dự án sau điều chỉnh là 874,089 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương là 519,927 tỷ đồng, còn lại là từ địa phương.

Theo thiết kế Dự án, hồ chứa nước Ka Pét cung cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp 2,63 triệu m3/năm nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết.

Miễn thị thực cho công dân ba nước châu Âu vào Việt Nam du lịch

Ngày 15/1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về việc miễn thị thực theo chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân 3 nước Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc và Liên bang Thụy Sĩ.

Du khách quốc tế tại Hội An, Quảng Nam

Du khách quốc tế tại Hội An, Quảng Nam

Theo đó, công dân các nước Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc, Liên bang Thụy Sĩ sẽ được miễn thị thực với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh với mục đích du lịch.

Chính sách này áp dụng cho những trường hợp tham gia chương trình du lịch do các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức, không phân biệt loại hộ chiếu, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân 3 nước nêu trên được thực hiện từ ngày 1/3/2025 đến hết ngày 31/12/2025 theo khuôn khổ chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025.

Trước đó, theo Nghị quyết 128/NQ-CP, Việt Nam miễn thị thực 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh cho công dân 13 nước, gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và Belarus.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 đạt trên 17,5 triệu lượt, tăng khoảng 40% so với năm 2023 và bằng 98% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2019).

Hàn Quốc là thị trường khách lớn nhất trong năm 2024 với hơn 4,5 triệu lượt, chiếm 25,98%. Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 3,7 triệu lượt, chiếm 21,26%. Các vị trí tiếp theo trong 10 thị trường còn có Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Úc, Campuchia và Thái Lan.

Về động lực tăng trưởng, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng tốt nhất trong năm 2024, với lượng khách ghé thăm bằng 214% so với năm 2023. Các thị trường có mức tăng trưởng tốt còn lại gồm Nga, Ý, Thụy Điển, Pháp - đều là các quốc gia nằm trong danh sách các nước được miễn thị thực đơn phương.

Tin cùng chuyên mục