Bản tin thời sự sáng 17/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tiến độ gói thầu 6.268 tỷ đồng ở Dự án sân bay Long Thành; giá vàng miếng lên 87 triệu đồng; giá xăng dầu tăng 3 phiên liên tiếp, có loại tăng 1.000 đồng; TP.HCM cấp sổ hồng cho 41 dự án nhà ở thương mại…

Tiến độ gói thầu 6.268 tỷ đồng ở Dự án sân bay Long Thành

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Gói thầu 4.7 trị giá 6.268 tỷ đồng tại Dự án sân bay Long Thành đã thi công nhiều công việc.

Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 ở tỉnh Đồng Nai

Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 ở tỉnh Đồng Nai

Ngày 16/1, theo thông tin từ ACV, Gói thầu số 4.7 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay và các công trình khác đã được ACV khởi công từ ngày 20/9/2024.

Đến nay, liên danh nhà thầu đã thi công công cày xới, đắp lòng kết cấu K95 đạt 8,92%; thi công đào đất vận chuyển ra bãi trữ đất đắp K90 đạt 26,54%; thi công bê tông lót C10, C30 rãnh có khe thu nước dọc loại 1 đạt 8,73%.

Gói thầu được thực hiện với thời gian 690 ngày (dự kiến ngày hoàn thành 11/8/2026), giá trị hợp đồng gần 6.268 tỷ đồng.

Gói thầu gồm các hạng mục chính như: sân đường khu bay (sân đỗ tàu bay trước khu vực nhà ga hành khách, đường lăn nối chờ, sân đỗ trang thiết bị phục vụ mặt đất); hệ thống đường công vụ khu bay; hệ thống thoát nước mưa khu bay và hồ điều hòa; hầm dành cho thiết bị phục vụ mặt đất; hạ tầng cho hệ thống cấp nguồn, viễn thông, ASE trong khu bay; hệ thống đèn chiếu sáng sân đỗ tàu bay...

Giá vàng miếng lên 87 triệu đồng

Mỗi lượng vàng miếng sáng 16/1 tăng 400.000 đồng lên 87 triệu, mức cao nhất hai tháng qua.

Mỗi lượng vàng miếng sáng 16/1 tăng 400.000 đồng lên 87 triệu

Mỗi lượng vàng miếng sáng 16/1 tăng 400.000 đồng lên 87 triệu

Sáng 16/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 85 - 87 triệu đồng, tăng 400.000 đồng một lượng so với ngày 15/1. Các ngân hàng quốc doanh cũng nâng giá bán vàng miếng lên 87 triệu đồng. Đây là mức giá cao nhất của vàng miếng trong 2 tháng qua.

Vàng nhẫn trơn sáng 16/1 giao dịch thấp hơn vài trăm nghìn một lượng so với vàng miếng. Nhẫn trơn tại SJC được mua bán 84,8 - 86,5 triệu đồng một lượng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết 85,4 - 86,6 triệu đồng. Còn Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố giá nhẫn trơn là 85,2 - 87 triệu đồng.

Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng hiện giao dịch quanh ngưỡng 2.700 USD và ở vùng giá cao nhất một tháng. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 83 triệu đồng một lượng, thấp hơn trong nước 3,5 - 4 triệu đồng.

Giá xăng dầu tăng 3 phiên liên tiếp, có loại tăng 1.000 đồng

Giá xăng E5 RON 92 tăng 320 đồng/lít còn xăng RON 95 tăng 210 đồng/lít. Hiện giá mặt hàng này dao động ở mức 20.750 - 21.220 đồng/lít.

Giá xăng được điều chỉnh tăng. Ảnh minh họa

Giá xăng được điều chỉnh tăng. Ảnh minh họa

Chiều 16/1, Liên bộ Công Thương - Tài Chính thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu. Thời gian áp dụng là từ 15h cùng ngày.

Cơ quan điều hành quyết định tăng 320 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và tăng 210 đồng/lít xăng RON 95. Sau điều chỉnh, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.750 đồng/lít và xăng RON 95 là 21.220 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng trong kỳ điều hành này. Cụ thể, dầu diesel tăng 540 đồng/lít lên 19.780 đồng/lít; dầu hỏa tăng 460 đồng/lít, lên mức 19.700 đồng/lít; dầu mazut cũng tăng 1.000 đồng/kg lên 17.180 đồng/kg. Liên bộ vẫn duy trì không trích hay chi Quỹ bình ổn giá.

Như vậy, giá xăng RON 95 trong nước đã tăng 3 phiên liên tiếp sau một phiên giảm. Hiện tại, giá nhiên liệu này vẫn ở mức thấp nhất hơn 3 năm qua, tương đương thời điểm tháng 7/2021. Từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng tăng 27 lần, giảm 27 lần. Dầu diesel có 25 lần tăng và 28 lần giảm.

Dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây quỹ này không được sử dụng. Số dư quỹ tính đến cuối quý II/2024 là 6.061 tỷ đồng, giảm 18 tỷ đồng so với quý liền trước và là quý giảm thứ 5 liên tục. So với cuối năm 2023, số dư quỹ này giảm gần 600 tỷ đồng.

TP.HCM cấp sổ hồng cho 41 dự án nhà ở thương mại

TP.HCM đã giải quyết, cấp 27.575 sổ hồng cho người dân tại 41 dự án nhà thương mại gặp vướng mắc, theo Sở Tài nguyên và Môi trường.

Bất động sản khu Nam TP.HCM

Bất động sản khu Nam TP.HCM

Tại báo cáo tháo gỡ khó khăn trong giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) tại các dự án nhà ở thương mại, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, Tổ công tác của Thành phố đã xem xét vướng mắc tại 66 dự án, với 37.217 căn hộ, officetel.

Sau rà soát, tổ này đã tháo gỡ khó khăn cho 41 dự án, với tổng số 27.575 căn được cấp sổ hồng cho cư dân. Với những dự án còn lại, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện nhiều giải pháp, phân nhóm, phân loại vướng mắc và giải quyết dứt điểm trong năm nay.

Theo báo cáo từ UBND TP.HCM, những năm qua, Thành phố tồn hơn 81.000 căn nhà thuộc 335 dự án đã đủ điều kiện nhưng chưa thể hoàn tất cấp sổ hồng, do phát sinh các vướng mắc. Để gỡ vướng số dự án trên, Thành phố đã lập Tổ công tác vào tháng 11/2024, với đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Ngoài đẩy nhanh việc cấp sổ hồng, Tổ công tác còn tham mưu cho Thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu, công khai thông tin về pháp lý, tài chính, tiến độ... của các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn. Việc này nhằm giúp người dân dễ tiếp cận và theo dõi dự án.

Tính đến tháng 12/2024, TP.HCM hoàn tất gỡ vướng pháp lý và giải quyết cấp sổ hồng cho khoảng 43.100 căn, đạt tỷ lệ 53%. Dự kiến năm 2025, Thành phố hoàn tất việc tháo gỡ khó khăn, cấp sổ hồng cho 38.000 căn còn lại.

Điện sinh khối có thể được mua bán trực tiếp

Bộ Công Thương muốn bổ sung điện sinh khối vào đối tượng được tham gia mua bán điện trực tiếp thông qua lưới quốc gia.

Điện sinh khối có thể được mua bán trực tiếp. Ảnh minh họa

Điện sinh khối có thể được mua bán trực tiếp. Ảnh minh họa

Nghị định 80 của Chính phủ ban hành giữa năm ngoái cho phép dự án điện gió, mặt trời công suất trên 10 MW được tham gia mua bán điện trực tiếp qua hệ thống điện quốc gia.

Tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Điện lực (sửa đổi) về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung dự án điện sinh khối cũng được tham gia cơ chế DPPA. Tương tự điện gió, mặt trời, các nhà máy điện sinh khối cũng cần có công suất từ 10 MW trở lên, đấu nối vào lưới quốc gia và trực tiếp tham gia thị trường bán buôn cạnh tranh.

Điện sinh khối là một dạng năng lượng tái tạo được sản xuất bằng cách sử dụng chất thải hữu cơ (cây trồng, rừng, rác thải hữu cơ, chất thải nông nghiệp...) để tạo ra điện năng. Hiện cả nước có 9 nhà máy điện sinh khối trên 10 MW hoạt động, tổng công suất khoảng 332 MW, theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương). Dự kiến đến năm 2030, 14 nhà máy điện sinh khối nữa được đưa vào vận hành, bổ sung khoảng 300 MW cho hệ thống điện.

Bộ Công Thương giải thích, việc cho phép điện sinh khối tham gia DPPA sẽ góp phần đa dạng nguồn năng lượng tái tạo, mở rộng đối tượng tham gia cơ chế mua bán này theo từng thời kỳ. Điều này cũng khuyến khích áp dụng công nghệ mới, hiệu quả hơn trong sản xuất điện từ sinh khối, cũng như thêm giải pháp năng lượng sạch và bền vững trong dài hạn.

Ngoài ra, theo cơ quan soạn thảo, nhà máy điện sinh khối có tính ổn định, khả năng tích hợp vào lưới điện tốt. Việc sử dụng loại năng lượng này còn tạo cơ hội phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc làm cho người dân địa phương trong thu gom, chế biến nguyên liệu và vận hành nhà máy.

Về phía người mua, tương tự các bản thảo lần trước, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất khách hàng sản xuất sử dụng lượng điện lớn được tham gia DPPA. Những doanh nghiệp này phải có mức tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh một tháng.

Hải Phòng thu hút gần 4 tỷ USD vốn đầu tư trong tháng đầu năm

11 dự án đầu tư trong nước và FDI, với tổng vốn gần 4 tỷ USD được UBND TP. Hải Phòng trao chứng nhận cho các nhà đầu tư.

Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng

Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng

6 dự án trong nước được TP. Hải Phòng cấp phép đầu tư ngày 16/1 chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, khu đô thị. Số này gồm Dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại các khu công nghiệp Vinh Quang, Nomura - Hải Phòng, Tràng Duệ 3 và Nam Tràng Cát. Trong đó, Dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát có tổng mức đầu tư lớn nhất, gần 70.000 tỷ đồng.

5 dự án còn lại của các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất gia dụng, công nghiệp hàn, bất động sản...

Hải Phòng hiện đứng trong top đầu địa phương thu hút vốn đầu tư lớn nhất cả nước, với 1.000 dự án FDI và 231 dự án trong nước. Thành phố có Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 14 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.000 ha đang đầu tư, xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp ở Hải Phòng hơn 64%.

4 năm qua, số vốn ngoại rót vào Thành phố đạt gần 16 tỷ USD, bằng 74% giai đoạn 1993 - 2000. Bình quân mỗi năm khoảng 3,6 tỷ USD vốn ngoại được các nhà đầu tư rót vào thành phố này. Nhiều tên tuổi tập đoàn lớn đến đầu tư tại đây, như LG, Pegatron, USI, Bridgestone, SK...

Đồng Tháp khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Thường Phước

Sau khi chính thức đi vào hoạt động, Cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông Thường Phước hứa hẹn mở ra triển vọng kinh tế biên giới cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Cửa khẩu quốc tế Thường Phước

Cửa khẩu quốc tế Thường Phước

Ngày 17/1, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ công bố khai trương cặp Cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông Thường Phước (Đồng Tháp, Việt Nam) - Kaoh Roka (Prey Veng, Campuchia) theo tinh thần Nghị quyết số 235/NQ-CP ngày 12/12/2024 của Chính phủ.

Đây là thủ tục pháp lý cuối cùng của quy trình mở cửa khẩu quốc tế, tạo cơ sở cho việc triển khai lực lượng chức năng tại cửa khẩu thực hiện nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu và giải quyết các vụ việc liên quan hai bên biên giới theo quy định.

Cặp Cửa khẩu quốc tế chính thức đi vào hoạt động không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân 2 nước qua lại, đặc biệt vào dịp đón năm mới Ất Tỵ 2025, mà còn mở ra triển vọng về phát triển kinh tế biên giới.

Theo ông Trần Trí Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đây là cửa khẩu có vị trí đặc biệt nhất trong 7 cửa khẩu trong tổng chiều dài hơn 50 km biên giới tỉnh Đồng Tháp tiếp giáp với tỉnh Prey Veng (Campuchia). Bởi đây là cửa khẩu duy nhất có 2 loại hình biên giới đường sông và đường bộ.

Thời gian qua, Cửa khẩu quốc tế Thường Phước chỉ thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh cho người, phương tiện, hàng hóa của nước thứ 3 qua lại cửa khẩu đường sông…

Khu vực mở Cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông Thường Phước thuộc xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), nằm trên đoạn biên giới từ mốc phụ 238/3 đến mốc 240 + 1116 m đã hoàn thành phân giới cắm mốc và cách trung tâm huyện Hồng Ngự khoảng 25 km, cách TP. Cao Lãnh khoảng 80 km và cách TP. Cần Thơ khoảng 160 km.

Song song đó, Cửa khẩu Kaoh Roka được chính phủ Campuchia quan tâm phát triển về loại hình và quyết định nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế, bố trí đầy đủ các lực lượng chức năng và đầu tư cơ bản về hạ tầng, trang thiết bị phục vụ kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa xuất nhập cảnh cả về đường bộ và đường sông.

Tin cùng chuyên mục