Bản tin thời sự sáng 18/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM sáp nhập 80 phường, dôi dư 1.022 công chức, viên chức; nhiều khoản đầu tư của Vicem nguy cơ mất vốn; đấu giá khu đất làm dự án nhà ở thương mại Sa Pa từ 920 tỷ đồng; đầu tư hơn 720 tỷ đồng xây dựng nhà ga hàng hóa sân bay Cát Bi; xuất khẩu rau quả dự báo vượt 7 tỷ USD…

TP.HCM sáp nhập 80 phường, dôi dư 1.022 công chức, viên chức

TP.HCM sẽ sáp nhập 80 phường thành 41 phường, dẫn đến dôi dư 1.022 cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách.

TP.HCM sáp nhập 80 phường thành 41 phường dẫn đến dôi dư 1.022 nhân sự

TP.HCM sáp nhập 80 phường thành 41 phường dẫn đến dôi dư 1.022 nhân sự

Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP.HCM vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

TP.HCM sẽ sáp nhập 80 phường (tại các Quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận) xuống còn 41 phường (trong đó có 38 phường mới).

Sau sáp nhập, TP.HCM sẽ đối mặt với tình trạng dôi dư nhân sự, gồm 1.022 cán bộ, công chức cấp xã, viên chức y tế và người hoạt động không chuyên trách.

UBND TP.HCM đã đưa ra lộ trình bố trí và giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã từ nay đến năm 2029.

Về cán bộ, công chức cấp xã, trước khi sáp nhập, 80 phường có tổng cộng 1.605 cán bộ, công chức (462 cán bộ, 1.143 công chức). Sau sáp nhập, chỉ cần 868 nhân sự (228 cán bộ và 640 công chức), dôi dư 737 người (234 cán bộ, 503 công chức).

TP.HCM sẽ giải quyết dứt điểm số cán bộ, công chức dôi dư trước năm 2029 với lộ trình: năm 2025 là 448 người, năm 2026 là 91 người, năm 2027 là 89 người, năm 2028 là 67 người và đến năm 2029 là 42 người.

Về phương án bố trí, sử dụng trụ sở làm việc, hiện có 327 trụ sở tại 80 phường trước sáp nhập.

Sau khi sắp xếp, chỉ 249 trụ sở tiếp tục được sử dụng, còn 78 trụ sở dư thừa sẽ được xử lí bằng cách điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức khác (75 trụ sở) và bán đấu giá (3 trụ sở)…

Nhiều khoản đầu tư của Vicem nguy cơ mất vốn

Theo Thanh tra Bộ Tài chính, khoản đầu tư của Vicem vào một số công ty tiềm ẩn rủi ro mất vốn khi phải trích lập dự phòng hơn 3.000 tỷ đồng.

Công nhân đang vận chuyển xi măng đóng bao tại một nhà máy

Công nhân đang vận chuyển xi măng đóng bao tại một nhà máy

Thông tin này được nêu trong kết luận thanh tra tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) của Thanh tra Bộ Tài chính vừa ban hành. Cơ quan này đã thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán, thuế của Vicem và 3 công ty con trực thuộc (gồm Vicem Tam Điệp, Vicem Hải Phòng, Vicem Hà Tiên).

Theo Thanh tra Bộ Tài chính, một số khoản đầu tư tại công ty mẹ Vicem tiềm ẩn rủi ro mất vốn đầu tư. Đến hết ngày 31/12, Tổng công ty trích lập dự phòng tổn thất cho 7 khoản đầu tư với số tiền khoảng 3.017 tỷ đồng.

Cụ thể, Vicem đã rót hơn 1.132 tỷ đồng vào Vicem Tam Điệp (chiếm 100% vốn điều lệ). Tuy nhiên, công ty con này đã lỗ lũy kế khoảng 1.126 tỷ, tương đương 99,5% vốn góp của chủ sở hữu.

"Công ty đang mất cân đối vốn, khả năng thanh toán nợ thấp. Vicem đang hỗ trợ cho công ty này vay vốn để thanh toán các khoản nợ dài hạn với tổng số tiền 396 tỷ đồng", thanh tra Bộ Tài chính thông tin nêu.

Tại công ty cổ phần Xi măng Hạ Long, Vicem đầu tư khoảng 1.605 tỷ đồng (chiếm 82,69% vốn điều lệ). Đến hết năm ngoái, Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế hơn 4.900 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu âm 2.960 tỷ đồng. Vicem trích lập dự phòng rủi ro tại công ty này 1.605 tỷ đồng.

Trước đó, Xi măng Hạ Long thuộc Tổng công ty Sông Đà, được chuyển giao về Vicem năm 2016. Tại thời điểm chuyển giao, doanh nghiệp này âm vốn 2.658 tỷ và lỗ lũy kế 3.640 tỷ đồng.

Tại công ty cổ phần Xi măng Vicem Sông Thao, Vicem đầu tư 516 tỷ đồng (tỷ lệ 80,79% vốn điều lệ). Đến hết 31/12, Công ty lỗ lũy kế trên 312 tỷ đồng, tương ứng hơn 49% vốn góp của Vicem. Tổng công ty này trích lập 252 tỷ cho khoản đầu tư vào Vicem Sông Thảo. Trước đó, công ty này thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị (HUD). Tại thời điểm chuyển giao về Vicem, doanh nghiệp lỗ lũy kế 430 tỷ đồng.

Tương tự, Vicem Hải Vân cũng lỗ lũy kế hơn 60 tỷ đồng, khiến Vicem phải trích lập dự phòng gần 34 tỷ đồng. Công ty CP Sông Đà 12 lỗ lũy kế gần 233 tỷ đồng, Vicem với tỷ lệ sở hữu 24% phải trích lập dự phòng hơn 10,2 tỷ đồng.

Đấu giá khu đất làm dự án nhà ở thương mại Sa Pa từ 920 tỷ đồng

Khu đất rộng 8 ha để làm dự án nhà ở thương mại tại phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) sắp đấu giá, khởi điểm từ hơn 920 tỷ đồng.

Đấu giá khu đất làm dự án nhà ở thương mại Sa Pa tại thị xã Sa Pa

Đấu giá khu đất làm dự án nhà ở thương mại Sa Pa tại thị xã Sa Pa

Khu đất này rộng khoảng 80.085 m2, nằm tại Tổ 7, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Trong đó, diện tích đất ở đô thị hơn 33.018 m2 (gồm 3.778 m2 liền kề, 29.240 m2 biệt thự), đất thương mại dịch vụ 5.530 m2. Thời hạn sử dụng đất ở là ổn định lâu dài, còn thương mại dịch vụ có thời hạn 50 năm.

UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để chọn nhà đầu tư thực hiện khu nhà ở thương mại tại khu đất này ngày 11/11. Đơn vị tổ chức đấu giá là Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú.

Theo thông báo của Nhất An Phú, giá khởi điểm lô đất này là hơn 920 tỷ đồng, tương đương gần 11,5 triệu đồng một m2. Nhà đầu tư tham gia đấu giá cần nộp cọc trước 184 tỷ đồng và 5 triệu đồng cho một hồ sơ. Cuộc đấu giá sẽ được diễn ra vào ngày 9/12.

Sa Pa hiện là một trong những thủ phủ du lịch của miền Bắc. Thị xã này rộng 677 km2, cách trung tâm tỉnh Lào Cai gần 40 km. Sau khi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai hoàn thành năm 2014 đến nay, Sa Pa liên tục thu hút các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng quy mô từ trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng.

Đầu tư hơn 720 tỷ đồng xây dựng nhà ga hàng hóa sân bay Cát Bi

Dự án Đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi chính thức được khởi công có tổng mức đầu tư 724 tỷ đồng, quy mô công suất 100.000 tấn hàng hóa/năm.

Phối cảnh Nhà ga hàng hóa tại Cảng HKQT Cát Bi Hải Phòng.

Phối cảnh Nhà ga hàng hóa tại Cảng HKQT Cát Bi Hải Phòng.

Nhằm nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa qua Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đã khởi công Dự án xây dựng nhà ga hàng hóa tại cảng hàng không này và dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác vào tháng 1/2026.

Theo lãnh đạo ACV, sau quá trình nỗ lực triển khai các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, Dự án Đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi chính thức được khởi công có tổng mức đầu tư 724 tỷ đồng. Quy mô công suất 100.000 tấn hàng hóa/năm và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có khả năng mở rộng lên 250.000 tấn hàng hóa/năm.

Đại diện ACV cho hay, Cát Bi là một trong những cảng hàng không quốc tế quan trọng tại Việt Nam, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng, miền duyên hải Bắc Bộ và các khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Những năm gần đây, Hải Phòng đang có tốc độ phát triển rất nhanh, số lượng nhà đầu tư lớn, xu hướng vận chuyển các loại hàng hóa công nghệ cao bằng đường hàng không ngày càng tăng, nhu cầu về vận chuyển hàng hóa gắn với dịch vụ logistics hàng không rất cấp thiết.

Xuất khẩu rau quả dự báo vượt 7 tỷ USD

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2024 của Việt Nam sẽ tăng 25% so với năm ngoái, đạt hơn 7 tỷ USD.

Sản lượng hầu hết loại trái cây chủ lực của Việt Nam trong 10 tháng qua đều tăng so với cùng kỳ nhờ diện tích cho thu hoạch tăng

Sản lượng hầu hết loại trái cây chủ lực của Việt Nam trong 10 tháng qua đều tăng so với cùng kỳ nhờ diện tích cho thu hoạch tăng

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 10, thời tiết thuận lợi hơn, nguồn cung rau quả nhìn chung khá dồi dào. Điều này khiến giá nhiều loại rau quả giảm so với tháng trước đó.

Tính chung 10 tháng qua, sản lượng hầu hết loại trái cây chủ lực của cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhờ diện tích cho thu hoạch tăng.

Trong đó, sầu riêng tăng hơn 20% lên hơn 1,1 triệu tấn; xoài tăng 4% đạt 858.000 tấn; cam tăng 2% lên 1,15 triệu tấn; riêng thanh long giảm 5% còn 842.000 tấn.

Đáng chú ý, do vị trí địa lý, giao thông thuận lợi và có các Nghị định thư giữa 2 nước nên Trung Quốc hiện vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch đạt khoảng 4 tỷ USD trong 10 tháng.

Tiếp theo thị trường Thái Lan, Mỹ và EU… với kim ngạch đạt hàng trăm triệu USD mỗi thị trường.

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại còn đánh giá nhu cầu của thị trường thế giới tăng trong dịp lễ, Tết cuối năm, cộng với hiệu quả từ các hiệp định thương mại và các nghị định thư sẽ là những yếu tố chính giúp thúc đẩy xuất khẩu rau quả trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một số loại trái cây xuất khẩu chủ lực không phải vào đúng vụ sẽ khiến nguồn cung thu hẹp, ước tính xuất khẩu tháng cuối năm có thể giảm đáng kể, nhất là sầu riêng.

“Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2024 sẽ tăng 25% so với năm 2023, đạt hơn 7 tỷ USD”, cơ quan này dự báo.

Kiên Giang điều chỉnh giảm trên 2.440 tỷ đồng vốn đầu tư công

Tỉnh Kiên Giang đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 xuống còn hơn 7.959 tỷ đồng, giảm trên 2.446 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND Tỉnh giao.

Thi công công trình đường 3/2 nối dài

Thi công công trình đường 3/2 nối dài

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, kế hoạch đầu tư công năm 2024, Tỉnh được giao hơn 10.405 tỷ đồng và đã phân khai danh mục hơn 8.531 tỷ đồng, số còn lại gần 1.875 tỷ đồng chưa phân khai chi tiết.

Trên cơ sở thực tế triển khai thực hiện, Tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 xuống còn hơn 7.959 tỷ đồng, giảm trên 2.446 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND Tỉnh giao.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, qua rà soát, dự kiến thu ngân sách nhà nước từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2024 không đạt theo kế hoạch do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cụ thể như thực hiện các quy định của Luật Đất đai năm 2024, điều chỉnh quy hoạch, xác định giá đất… dẫn đến phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 tương ứng với số hụt thu tiền sử dụng đất.

Để tiếp tục phân bổ nguồn vốn cho các dự án khởi công mới đã hoàn thành thủ tục đầu tư, các dự án chuyển tiếp có khối lượng nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng, các dự án bố trí vốn thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và điều chỉnh tăng, giảm kế hoạch vốn cho phù hợp với khả năng thực hiện dự án thì phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn một số danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách địa phương là cần thiết, phù hợp theo quy định.

Do đó, Tỉnh điều chỉnh tăng kế hoạch vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương giữa các sở, ban, ngành, địa phương với tổng kế hoạch vốn điều chỉnh hơn 612 tỷ đồng/62 danh mục; điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương với tổng kế hoạch vốn điều chỉnh khoảng 3.058 tỷ đồng/58 danh mục, trong đó, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương giữa các sở, ban, ngành, địa phương hơn 612 tỷ đồng, điều chỉnh giảm tổng kế hoạch vốn nguồn thu sử dụng đất hơn 2.446 tỷ đồng.

Thời gian còn lại của năm 2024, Tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư công và phấn đấu giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn đã điều chỉnh.

Đưa vào quản lý hơn 11.600 người kinh doanh thương mại điện tử

Cục Thuế TP.HCM đã rà soát, đưa vào quản lý 11.606 người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử với tổng số thuế phải nộp qua kê khai là 7.373 tỷ đồng.

Nhân viên đóng gói, xuất đơn hàng trong một công ty thương mại điện tử tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM

Nhân viên đóng gói, xuất đơn hàng trong một công ty thương mại điện tử tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM

UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo triển khai giải pháp thu thuế liên quan lĩnh vực thương mại điện tử, nhằm tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử và đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời đối với hoạt động kinh doanh này.

Theo văn bản chỉ đạo, UBND TP.HCM giao Cục Thuế Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường cùng một số đơn vị liên quan để tham mưu UNBD Thành phố văn bản chỉ đạo về các giải pháp hành thu thuế liên quan lĩnh vực thương mại điện tử chậm nhất ngày 20/11/2024, nhằm phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Trường hợp phát sinh nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương thì sớm tham mưu UBND Thành phố có văn bản kiến nghị cấp thẩm quyền để được hướng dẫn hoặc chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, sớm xây dựng và ký kết quy chế phối hợp liên ngành giữa Cục Thuế Thành phố và các sở, ngành trên địa bàn trong quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử, làm cơ sở triển khai trong tháng 12/2024.

Cục Thuế TP.HCM phối hợp Sở Nội vụ rà soát, kiện toàn nhân sự và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu, đôn đốc thu nộp ngân sách Nhà nước trên địa bàn, trình UBND Thành phố trong tháng 11/2024.

Về phía Sở Công Thương, UBND TP.HCM giao cơ quan này chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan kiện toàn nhân sự của Hội đồng ngành thương mại điện tử thành phố và trình UBND thành phố trước ngày 30/11/2024.

Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng doanh thu thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM đạt 91.962 tỷ đồng, tăng 43,7% so cùng kỳ, chiếm 33,5% doanh thu thương mại điện tử cả nước.

Cũng trong thời gian này, Cục Thuế TP.HCM đã rà soát, đưa vào quản lý 11.606 người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử. Doanh thu quản lý thuế đối với nhóm hoạt động này là 562.047 tỷ đồng, với tổng số thuế phải nộp qua kê khai là 7.373 tỷ đồng.