Bản tin thời sự sáng 19/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thanh tra Hà Nội chuyển công an điều tra vi phạm của công ty quản lý nhà; hơn một nửa doanh nghiệp FDI báo lỗ năm 2023; ông Phạm S thôi giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; TP.HCM vẫn tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe cho người dân…

Thanh tra Hà Nội chuyển công an điều tra vi phạm của công ty quản lý nhà

Thanh tra Hà Nội đã chuyển hồ sơ, tài liệu về các hành vi vi phạm của Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội trong việc cho thuê sai hàng ngàn m2 nhà ở xã hội, đến cơ quan điều tra.

Một văn phòng làm việc của Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội ở huyện Đông Anh

Một văn phòng làm việc của Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội ở huyện Đông Anh

Thanh tra TP. Hà Nội vừa công bố kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng diện tích tầng 1 khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (viết tắt là Công ty nhà Hà Nội) quản lý, vận hành.

Từ năm 2007, Công ty nhà Hà Nội được giao quản lý, khai thác, vận hành khu nhà này. Tổng diện tích tầng 1 được giao quản lý và cho thuê là hơn 16.000 m2.

Theo Thanh tra Hà Nội, từ năm 2010 đến hết năm 2019, Công ty đã tự chuyển đổi công năng theo thiết kế là nhà để xe, phòng kỹ thuật điện, nước, sảnh chính để cho các tổ chức, cá nhân thuê 56 điểm (khoảng 10.000 m2) kinh doanh dịch vụ.

Kết luận thanh tra nêu, hợp đồng cho thuê có thời hạn 3 năm, giá 33.000 đồng/m2/tháng (bao gồm VAT). Khi hết hợp đồng, công ty không báo cáo Thành phố cho tổ chức đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ mà tiếp tục ký cho thuê theo giá cũ đến năm 2019.

Cơ quan thanh tra cho biết, có 6 đơn vị sử dụng các phần diện tích theo thiết kế là sảnh chính, phòng để xe đạp, phòng bảo vệ, phòng chờ, hành lang, phòng bưu điện, thư báo không đúng công năng. Công ty nhà Hà Nội không cung cấp được hợp đồng thuê.

Giữa năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu Công ty thu hồi các điểm cho thuê không đúng quy định. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan không xử lý quyết liệt dẫn đến thời điểm tổ chức thanh tra (quý II/2024) vẫn còn khoảng 20 điểm chưa được thu hồi, phải ra quyết định cưỡng chế.

Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến tháng 4/2024, Công ty nhà Hà Nội không có biện pháp thu hồi số tiền nợ trong thời hạn hợp đồng; không có biện pháp thu hồi diện tích đã cho thuê; vẫn để bên thuê sử dụng dẫn đến nợ phát sinh ngoài hợp đồng thuê hơn 8 tỷ đồng (27 điểm cho thuê); làm thất thu ngân sách nhà nước, không có khả năng thu hồi.

Tháng 8/2024, Thanh tra Hà Nội đã chuyển thông tin về hành vi nêu trên đến Cơ quan An ninh điều tra, Công an Thành phố.

Hơn một nửa doanh nghiệp FDI báo lỗ năm 2023

Trong gần 29.000 doanh nghiệp FDI được thống kê tính tới cuối năm 2023, số đơn vị báo lỗ chiếm hơn 56%, theo báo cáo của Bộ Tài chính.

Hơn một nửa doanh nghiệp FDI báo lỗ năm 2023. Ảnh minh họa

Hơn một nửa doanh nghiệp FDI báo lỗ năm 2023. Ảnh minh họa

Tại báo cáo vừa gửi Chính phủ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ, lỗ lũy kế hoặc mất vốn chủ sở hữu tăng đáng kể về lượng và giá trị.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến cuối 2023 có khoảng 29.000 doanh nghiệp FDI, trong đó 16.292 công ty báo lỗ, chiếm hơn 56%. Số đơn vị kinh doanh sa sút tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm trước đó. Tức là, cứ hai doanh nghiệp FDI thì khoảng một công ty báo lỗ.

Cùng với đó, trên 18.140 doanh nghiệp lỗ lũy kế, trong khi số bị lỗ mất vốn chủ sở hữu là 5.091 đơn vị. Số này đều tăng khoảng 15% so với cùng kỳ.

Xét về giá trị, Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp FDI lỗ khoảng 217.464 tỷ đồng trong 2023, tăng 32%. Họ lỗ lũy kế 908.211 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 241.560 tỷ đồng.

Điều này được giải thích do khả năng sinh lời của khối ngoại giảm sút. Cụ thể, doanh thu của gần 29.000 doanh nghiệp FDI chỉ đạt 9,41 triệu tỷ đồng, thấp hơn 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hơn 337.000 tỷ đồng, giảm gần 16%.

Cùng với kết quả kinh doanh này, tiền nộp ngân sách của các doanh nghiệp cũng giảm 2%, về 193.240 tỷ đồng năm 2023. Tổng tài sản khối doanh nghiệp FDI chi phối là 9,95 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 4,19 triệu tỷ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá, vốn FDI vẫn tăng trưởng, khi số đăng ký đạt 39,4 tỷ USD vào 2023, tăng hơn 34,5% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư ngoại giải ngân hơn 23 tỷ USD, tăng 3,5%. Tuy nhiên, phần lớn nguồn lực này tập trung vào các dự án quy mô đầu tư nhỏ và vừa.

Các dự án sản xuất công nghiệp chủ yếu là nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp ráp. Các dự án này có giá trị gia tăng thấp, công nghệ ở mức độ trung bình để tận dụng ưu đãi về thuế, mặt bằng và lao động giá rẻ. Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ hay bất động sản - các lĩnh vực vốn đóng góp lớn vào số thu ngân sách - lại mất đi vai trò động lực tăng trưởng khi đồng loạt giảm sút.

Theo cơ quan này, không ít doanh nghiệp báo lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều bên có vốn lớn, doanh thu và lợi nhuận trước thuế cao nhưng mức nộp ngân sách lại khiêm tốn.

Ông Phạm S thôi giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Ngoài việc thông qua các nghị quyết thành lập 6 sở mới, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND Tỉnh đối với ông Phạm S.

HĐND tỉnh Lâm Đồng miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND Tỉnh đối với ông Phạm S

HĐND tỉnh Lâm Đồng miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND Tỉnh đối với ông Phạm S

Thông tin trên được đưa ra tại Kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra sáng 18/2.

Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh Lâm Đồng thông qua các nghị quyết thành lập 6 sở mới trên cơ sở hợp nhất các sở. Các sở mới thành lập là: Nội vụ, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Dân tộc và Tôn giáo, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường.

Ngoài ra, HĐND tỉnh Lâm Đồng miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đối với ông Phạm S.

Ngày 30/12/2011, ông Phạm S được Thủ tướng Chính phủ ký phê chuẩn giữa chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2011 - 2016. Trước khi làm Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, ông Phạm S. giữ chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh.

Trước đó, tại Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 11/10/2024, Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật kể từ ngày công bố Quyết định số 1667-QĐ/UBKTTW ngày 14/8/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

TP.HCM vẫn tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe cho người dân

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vẫn giải quyết hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe cho người dân trong thời gian chuyển giao chức năng nhiệm vụ sát hạch và cấp giấy phép lái xe sang ngành công an.

Người dân làm thủ tục cấp, đổi bằng lái xe

Người dân làm thủ tục cấp, đổi bằng lái xe

Chiều 18/2, Sở GTVT TP.HCM ra thông báo vẫn duy trì việc giải quyết hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe cho người dân có nhu cầu trong thời gian chuyển giao chức năng nhiệm vụ sát hạch và cấp giấy phép lái xe sang ngành công an.

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện Sở đang tập trung để giải quyết số giấy phép lái xe tồn đọng (do trước đây thiếu nguyên vật liệu) để đảm bảo quyền lợi cho người dân; đồng thời, vẫn duy trì việc giải quyết hồ sơ cấp đổi trong thời gian chuẩn bị, chuyển tiếp khi bàn giao chức năng nhiệm vụ sát hạch và cấp giấy phép lái xe sang ngành công an.

Từ ngày 18/2 đến khi có thông báo mới, để đảm bảo chất lượng phục vụ người dân, Sở GTVT sẽ tiếp nhận giải quyết hồ sơ cho các trường hợp theo nhóm xe ôtô và xe môtô.

Cụ thể, đối với giấy phép lái xe ôtô, Sở GTVT TP.HCM sẽ tiếp nhận trực tiếp đối với hồ sơ cấp đổi, cấp lại (bị mất) giấy phép lái xe ôtô còn thời hạn dưới 15 ngày hoặc trên cổng dịch vụ công quốc gia bằng hình thức trực tuyến toàn trình đối với hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe ô tô còn thời hạn dưới 15 ngày.

Bên cạnh đó, người dân cũng có thể thực hiện thủ tục đổi trên cổng dịch vụ công quốc gia theo hình thức toàn trình tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.

Với giấy phép lái xe môtô, Sở GTVT sẽ ưu tiên giải quyết cấp đổi các trường hợp cấp lại giấy phép lái xe do bị mất hoặc các trường hợp bị hư, hỏng đến mức không thể sử dụng.

Trong những ngày qua, tại các điểm cấp, đổi giấy phép lái xe này có rất đông người dân đến làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe. Điều này xuất phát từ một số thông tin trên mạng xã hội liên quan Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng như việc thay đổi cơ quan sát hạch, cấp giấy phép lái xe, khiến người dân lo lắng, vội đến làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe.

Hiện, TP.HCM còn khoảng 150.000 giấy phép lái xe tồn đọng cần được cấp phát. Với nhân sự hiện tại, Sở GTVT dự kiến nếu làm tăng ca và công suất in 4.000 giấy phép/ngày, dự kiến toàn bộ 150.000 giấy phép lái xe tồn đọng sẽ được giải quyết trước cuối tháng 2 tới.

Bà Rịa - Vũng Tàu sắp có 4 khu công nghiệp mới hơn 3.800 ha

Bốn dự án khu công nghiệp mới bao gồm: Khu công nghiệp Bắc Châu Đức 1 (1.200 ha), Khu công nghiệp Bắc Châu Đức 2 (1.000 ha), Khu công nghiệp Bắc Châu Đức 3 (1.000 ha) và Khu công nghiệp Phú Mỹ (650 ha).

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sắp có 4 khu công nghiệp mới

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sắp có 4 khu công nghiệp mới

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại cuộc họp nghe Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh báo cáo về việc lập quy hoạch các khu công nghiệp để thực hiện Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại diện Ban cho biết, UBND Tỉnh đã giao Ban triển khai lập quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch phân khu xây dựng 4 khu công nghiệp.

Cụ thể, bao gồm: Khu công nghiệp Phú Mỹ có diện tích 650 ha; Khu công nghiệp Bắc Châu Đức 1 có diện tích 1.200 ha; Khu công nghiệp Bắc Châu Đức 2 có diện tích 1.000 ha và Khu công nghiệp Bắc Châu Đức 3 có diện tích 1.000ha.

Trong đó, Khu công nghiệp Phú Mỹ đã hoàn tất các bước chuẩn bị như trình UBND Tỉnh phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán. Sau khi được phê duyệt, Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu và tiến hành lập quy hoạch, dự kiến trình phê duyệt vào cuối năm 2025.

Đối với Khu công nghiệp Bắc Châu Đức 1, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang trình UBND Tỉnh chấp thuận chủ trương để thực hiện các bước chuẩn bị như đăng ký bổ sung kinh phí lập quy hoạch, lựa chọn nhà thầu, khảo sát và lập quy hoạch phân khu. Khi Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn có hiệu lực vào ngày 1/7/2025, Ban sẽ triển khai lập quy hoạch và trình phê duyệt vào cuối năm 2025.

Hai khu công nghiệp Bắc Châu Đức 2 và 3 sẽ được lập quy hoạch trong giai đoạn 2026 - 2030 khi đủ điều kiện. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các sở, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tiến độ và tuân thủ đúng quy định pháp luật, đồng thời rà soát các quy định hiện hành để đảm bảo việc quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển chung của Tỉnh.

Khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2 (tỉnh Hải Dương) rộng 227 ha

Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2 sử dụng 227 ha đất tại các xã Cẩm Đoài, Cẩm Đông (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2 dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm nay

Khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2 dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm nay

UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Đại An (địa chỉ trụ sở chính ở khu công nghiệp Đại An, Km 51, Quốc lộ 5, phường Tứ Minh, TP Hải Dương) tại các xã Cẩm Đoài, Cẩm Đông (huyện Cẩm Giàng).

Giấy chứng nhận này thay thế cho giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cấp ngày 14/11/2024, do Công ty đề nghị hợp diện tích đất thuê của 5 đợt.

UBND Tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Đại An nộp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cấp ngày 14/11/2024 cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Đại An đang làm chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng. Dự án sử dụng tổng diện tích 227 ha, trong đó 187 ha thuộc xã Cẩm Đoài, 40 ha ở xã Cẩm Đông. Dự kiến khu công nghiệp này đi vào hoạt động trong năm nay.

Sẽ kết thúc hoạt động của 694 đơn vị công an cấp huyện

694 đơn vị công an cấp huyện với gần 6.000 đội trực thuộc sẽ kết thúc hoạt động khi ngành công an sắp xếp thành mô hình thành 3 cấp: bộ - tỉnh - xã.

Sẽ kết thúc hoạt động của 694 đơn vị công an cấp huyện

Sẽ kết thúc hoạt động của 694 đơn vị công an cấp huyện

Chiều 18/2, trả lời báo chí, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an cho biết, khi không tổ chức công an cấp huyện sẽ phải sắp xếp lại hàng chục nghìn cán bộ, chiến sỹ theo hướng điều động về công an cấp tỉnh và xã. Trong đó ưu tiên tăng cường cán bộ cho công an cấp xã, nhất là các địa bàn diện tích lớn, dân số đông, phức tạp về an ninh trật tự.

Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, chủ trương của Bộ Chính trị là duy trì, "bảo đảm biên chế lực lượng vũ trang" trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Cơ sở vật chất, trụ sở, phương tiện của công an cấp huyện trước đây sẽ tiếp tục được quản lý chặt chẽ, đúng quy định và có phương án điều tiết để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới.

Bộ Công an cũng phối hợp với VKSND Tối cao, TAND Tối cao nghiên cứu, xây dựng Thông tư liên tịch quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động tố tụng hình sự, điều tra, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.

Bộ Công an rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để có phương án đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Việc này bảo đảm đồng bộ về pháp luật, không tạo khoảng trống pháp lý làm gián đoạn hoạt động bình thường khi bộ máy mới vận hành.

Bộ trưởng Lương Tam Quang cho hay, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy công an địa phương nhằm thay đổi cơ chế vận hành, giảm tầng nấc, giảm cấp trung gian để tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác.

Không chỉ bỏ công an cấp huyện, sắp tới, ngành công an sẽ tiếp nhận 5 nhóm nhiệm vụ quản lý Nhà nước từ các bộ, ngành, gồm: bảo đảm an ninh hàng không; an toàn thông tin mạng; sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp Phiếu lý lịch tư pháp; cai nghiện ma túy và sau cai nghiện.

Tại Kết luận số 121 ngày 24/1, Ban chấp hành Trung ương Đảng đồng ý chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương theo hướng "tỉnh toàn diện, xã vững mạnh, bám cơ sở", không tổ chức công an cấp huyện. Riêng những huyện đảo sẽ bố trí đồn công an do không có đơn vị hành chính cấp xã.

Quảng Bình thu hồi “đất vàng” vì doanh nghiệp nợ thuế

Tỉnh Quảng Bình vừa có quyết định về việc thu hồi đất tại khu đất ven sông Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình vì chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Tỉnh Quảng Bình thu hồi khu đất thực hiện Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà ở kết hợp kinh doanh - shophouse

Tỉnh Quảng Bình thu hồi khu đất thực hiện Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà ở kết hợp kinh doanh - shophouse

Tỉnh quyết định thu hồi hơn 2.900 m2 đất của Công ty CP Việt Group Central tại phường Đồng Hải, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Dự án này đã được UBND tỉnh Quảng Bình giao và cho thuê đất vào năm 2021 để thực hiện Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà ở kết hợp kinh doanh - shophouse tên gọi Dự án Movenpick Central, đầu tư 515 tỷ đồng.

Diện tích đất thu hồi có mặt tiền đường ven sông Nhật Lệ trên đường Võ Nguyên Giáp và đây được đánh giá là “đất vàng” tại trung tâm thành phố Đồng Hới. Đến ngày 5/12/2024, Công ty CP Việt Group Central còn nợ thuế đất gần 100 tỷ đồng. Do Công ty CP Việt Group Central không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước khi sử dụng đất để thực hiện Dự án nên tỉnh Quảng Bình đã kiên quyết thu hồi. Diện tích đất thu hồi được giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, thực hiện Thông báo kết luận Phiên họp thứ 27 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn. Tỉnh sẽ có phương án, cơ chế, chính sách để giải quyết dứt điểm, kiên quyết thu hồi, loại bỏ các dự án, công trình không cần thiết nhằm tập trung cho những dự án cấp bách; nhất là lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên, khoáng sản, việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công.

Tin cùng chuyên mục