Bản tin thời sự sáng 19/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quảng Nam đề xuất đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”; đề xuất quy hoạch 42 tuyến cao tốc để đầu tư với tổng vốn khoảng 825.000 tỷ đồng; các hãng hàng không mở nhiều đường bay mới dịp 30/4; Grab thu thêm phí lễ giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5…

Quảng Nam đề xuất đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”

Tỉnh Quảng Nam đăng ký đón khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine", kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 và chỉ đến hai khu nghỉ dưỡng khép kín trên địa bàn.

Khách nước ngoài tham quan phố cổ Hội An

Khách nước ngoài tham quan phố cổ Hội An

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, Tỉnh đã gửi công văn đăng ký đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kèm theo dự thảo phương án đón khách; nếu được Chính phủ phê duyệt, Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng thí điểm cơ chế "hộ chiếu vaccine". Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam đăng ký thí điểm đợt 1, đón khách Hàn Quốc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để chuyển sang đợt 2, mở rộng một số thị trường quốc tế khác.

Khách vào Việt Nam sẽ do các hãng lữ hành quốc tế tổ chức theo chuyến, mỗi người đều phải có "hộ chiếu vaccine" và giấy xác nhận của cơ quan y tế với kết quả xét nghiệm âm tính. Đoàn khách thuê riêng một chuyến bay (charter) đến sân bay Chu Lai, không phải cách ly mà đi thẳng về khu nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Duy Xuyên hoặc huyện Núi Thành; thời gian lưu trú từ 5 - 10 ngày.

Theo Chủ tịch Quảng Nam, sân bay Chu Lai được quy hoạch là sân bay quốc tế và đủ điều kiện để bổ sung các trang thiết bị cần thiết, phục vụ cho việc tiếp nhận chuyến bay charter.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, thông tin thêm, 2 nơi nghỉ dưỡng nêu trên đều nằm biệt lập, cách xa các khu dân cư; những người phục vụ trong hai cơ sở nghỉ dưỡng này sẽ được tiêm vaccine Covid-19 kết hợp các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đề xuất quy hoạch 42 tuyến cao tốc để đầu tư với tổng vốn khoảng 825.000 tỷ đồng

42 tuyến cao tốc trên toàn quốc được đề xuất quy hoạch để dự kiến đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2030 với tổng vốn khoảng 825.000 tỷ đồng.

Vòng xuyến phân làn các tuyến đường nối vào đường cao tốc La Sơn - Tuý Loan tại xã Hương Phú, huyện Nam Đông

Vòng xuyến phân làn các tuyến đường nối vào đường cao tốc La Sơn - Tuý Loan tại xã Hương Phú, huyện Nam Đông

Trong giai đoạn 2021 - 2025, đơn vị tư vấn đề xuất đưa vào quy hoạch 31 tuyến cao tốc với tổng mức đầu tư dự kiến là 483.848 tỷ đồng, gồm 14 dự án thành phần còn lại trên tuyến Bắc - Nam phía Đông là: Cửa khẩu Hữu Nghị - TP. Lạng Sơn; Bãi Vọt - Hàm Nghi (Hà Tĩnh); Hàm Nghi - Vũng Áng (Hà Tĩnh); Vũng Áng - Bùng (Quảng Bình); Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình); Vạn Ninh - Cam Lộ (Quảng Trị); Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định); Quy Nhơn - Tuy Hòa (Phú Yên); Tuy Hòa - Vân Phong (Khánh Hòa); Vân Phong - Nha Trang (Khánh Hòa); Cần Thơ - Bạc Liêu; Bạc Liêu - Cà Mau; TP.HCM - Long Thành; Hòa Liên - Túy Loan (Đà Nẵng).

Các tuyến cao tốc khác ở khu vực phía Bắc gồm Chợ Mới - Bắc Kạn; Hòa Bình - Mộc Châu; Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Tuyên Quang - Phú Thọ; Nội Bài - Lào Cai kết nối đến TP. Hà Giang.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên quy hoạch các dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Khu vực phía Nam gồm Biên Hòa - Vũng Tàu; TP.HCM - Chơn Thành; TP.HCM - Mộc Bài; Tân Vạn - Nhân Trạch; Bình Chuẩn - Bến Lức; Mỹ An - Cao Lãnh; Chơn Thành - Đức Hòa; An Hữu - Cao Lãnh; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Giai đoạn 2026 - 2030, đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư thêm 11 tuyến cao tốc khác. Trong đó, phía Bắc có 4 tuyến cao tốc là vành đai 4 - Hà Nội; vành đai 5 - Hà Nội; Mộc Châu - Sơn La; Phú Thọ - Chợ Bến.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 3 tuyến là Vinh - Thanh Thủy; Quy Nhơn - Pleiku; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Khu vực phía Nam có 4 tuyến Gò Dầu - Xa Mát; Hồng Ngự - Trà Vinh; Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; vành đai 4 TP.HCM. Tổng mức đầu tư của các dự án cao tốc được quy hoạch trong giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 340.620 tỷ đồng.

Các hãng hàng không mở nhiều đường bay mới dịp 30/4

Vietnam Airlines mở 6 đường bay mới kết nối các thành phố du lịch, Vietjet Air mở 5 đường bay mới đến Phú Quốc.

Máy bay đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất

Máy bay đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất

Từ 24/4 - 31/8, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 và dịp hè, Vietnam Airlines mở mới 6 đường bay giữa Đà Nẵng - Vinh; Phú Quốc và Cần Thơ, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Huế, Thanh Hóa; đồng thời khôi phục hai đường bay Đà Nẵng - Thanh Hóa, Cần Thơ - Buôn Mê Thuột. Các đường bay được mở mới có tần suất 3 - 4 chuyến khứ hồi mỗi tuần.

Hãng hàng không Vietjet Air trong tháng 4 cũng đã mở mới nhiều đường bay kết nối Phú Quốc với các tỉnh, thành như Thanh Hóa, Nha Trang, Đà Lạt, Huế và Cần Thơ. Các đường bay cũ từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM với Phú Quốc của hãng này đều được tăng chuyến.

Bamboo Airways tiếp tục mở các đường bay tới Cần Thơ từ Hải Phòng, Đà Nẵng và Quy Nhơn trước thềm nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển hè của hành khách, nâng quy mô mạng bay tới Cần Thơ lên 6 đường.

Ngoài mở mới, Bamboo Airways cũng tăng chuyến trên các đường bay Cần Thơ - Hà Nội lên 3 chuyến khứ hồi mỗi ngày; Cần Thơ - Côn Đảo có tần suất 2 chuyến khứ hồi mỗi ngày; Cần Thơ - Phú Quốc bay hằng ngày thay vì vài chuyến trong tuần như trước. Hiện nay các chặng bay đến Côn Đảo của Bamboo Airways khá đông khách, hãng đã lên kế hoạch tăng chuyến theo điều kiện hạ tầng của sân bay Côn Đảo.

Dịp cao điểm 30/4, Vietnam Airlines Group dự kiến tăng gần 500.000 chỗ, tương ứng gần 2.600 chuyến bay, chủ yếu tăng chỗ trên các đường bay giữa những điểm du lịch nổi tiếng như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Phú Quốc...

Bamboo Airways dự kiến tăng khoảng 110 - 150 chuyến bay mỗi tuần, tương ứng 22.000 - 30.000 chỗ (tăng 12 - 15% so ngày thường) trên các đường bay trục, du lịch trong giai đoạn nghỉ lễ.

TP.HCM xin gia hạn vay 7.200 tỷ đồng làm Metro số 2

Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị gia hạn giải ngân khoản vay 240 triệu Euro (hơn 7.200 tỷ đồng) vốn ODA cho Dự án Metro số 2 đến năm 2026, trả nợ từ 2027 nhằm đồng bộ tiến độ Dự án.

Sơ đồ tuyến Metro Số 2

Sơ đồ tuyến Metro Số 2

Kiến nghị vừa được UBND thành phố Hồ Chí Minh gửi Bộ Tài chính, trước việc khoản vay này sẽ đóng năm 2024, sớm hơn hai năm dự án hoàn thành theo kế hoạch. Đây là khoản vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) thông qua 2 hiệp định ký năm 2011, dùng cho phần việc tư vấn và các hạng mục cơ điện của tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Vấn đề gia hạn khoản vay này trước đó được KfW đồng ý xem xét, nhưng cần có kết luận cụ thể trong việc ký phụ lục hợp đồng huy động IC (tư vấn thực hiện dự án), hoặc kế hoạch thay thế đơn vị này nếu các bên không đạt thoả thuận. Tư vấn là điều kiện gia hạn hiệp định vay và đảm bảo các dịch vụ hỗ trợ Dự án.

Dự án Metro số 2 tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, sau đó điều chỉnh lên 2,1 tỷ USD (gần 47.900 tỷ đồng) vào cuối năm 2019. KfW cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) tài trợ cho Dự án gần 37.500 tỷ đồng, còn lại hơn 10.400 tỷ đồng là vốn đối ứng từ phía Việt Nam.

Metro số 2 dài hơn 11 km, đi qua 6 quận (1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú), có 9 ga ngầm, 1 ga trên cao. Hiện, Dự án được được giao mặt bằng 78% và dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2026.

Grab thu thêm phí lễ giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5

Khách hàng sẽ phải trả thêm phí khi sử dụng dịch vụ GrabBike và GrabCar trong 3 ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5.

Grab thu thêm phí lễ giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 – 1/5

Grab thu thêm phí lễ giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 – 1/5

Hãng gọi xe công nghệ Grab vừa đăng tải thông báo sẽ áp dụng phụ phí cho dịch vận chuyển GrabBike và GrabCar trong ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương (21/4) và hai ngày nghỉ 30/4 - 1/5. Mức phụ phí là 5.000 đồng trên mỗi chuyến xe GrabBike và 10.000 đồng trên mỗi chuyến GrabCar.

Grab cho biết việc áp dụng phụ phí nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong các dịp nghỉ lễ tháng 4, 5 cũng như khích lệ tinh thần hoạt động cho các tài xế.

Hai hãng xe Gojek và Be chưa công bố việc thu phụ phí vào các ngày nghỉ lễ trong tháng 4, 5.

Tuy nhiên, từ ngày 1/4, Gojek đã áp dụng giá cước mới cho dịch vụ chở khách bằng xe 2 bánh GoRide. Sự dao động sẽ tùy thuộc vào khung giờ khách hàng đặt xe. Mức giá mới tăng từ 1.000 - 2.000 đồng so với mức giá cũ của dịch vụ chở khách Gojek áp dụng từ tháng 12/2020.

Trong khi đó, từ ngày 15/3, ứng dụng gọi xe Be đã tiến hành giảm giá cước dịch vụ xe hai bánh (beBike, beDelivery và be Đi chợ) tại khu vực TP.HCM. Cụ thể, giá cước tối thiểu của beBike giảm từ 14.000 đồng xuống còn 11.000 đồng; giá mỗi km tiếp theo giảm từ 4.400 đồng xuống 4.000 đồng

Tương tự, giá cước tối thiểu của dịch vụ giao hàng beDelivery và be Đi chợ giảm từ 14.500 đồng xuống 13.000 đồng; giá giao hàng mỗi km tiếp theo giảm từ 5.500 đồng xuống còn 4.500 đồng.

Với mức giá này, Be hiện là ứng dụng gọi xe có cước phí cạnh tranh nhất trên thị trường gọi xe công nghệ.

Dùng hơn 200 m3 đá dăm lấp hố 'tử thần' tại huyện Chương Mỹ

Viện Thủy công (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) dùng hơn 200 m3 đá dăm để lấp đầy hố "tử thần" ở xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Công nhân san lấp hố "tử thần"

Công nhân san lấp hố "tử thần"

Hiện nay đường tỉnh 419 qua thôn Hai, xã Quảng Bị, nơi xuất hiện hố "tử thần" vẫn được phong tỏa với chiều dài hơn 200 m. Bên trong, các xe tải liên tục ra vào đổ đá dăm ở vị trí gần miệng hố, sau đó một máy múc chuyển đá xuống dưới.

Theo đại diện Viện Thủy công, quá trình san lấp hố "tử thần" ở xã Quảng Bị dự kiến kéo dài gần hai tuần, hoàn thành trước 30/4; kinh phí từ ngân sách của UBND huyện Chương Mỹ. Đơn vị thi công sẽ sử dụng thêm cát để trám vào hố sụt, rồi dùng khoan phụt vữa xi măng để làm đông kết các kết cấu dưới hố.

Sau khi lấp đầy hố "tử thần", Viện Thủy công sẽ hoàn trả rãnh thoát nước và các lớp mặt đường ở khu vực này như trước đây, sau đó thử tải và quan trắc hiện trường.

Ngày 6/4, một gia đình ở mặt tỉnh lộ 419 qua thôn Hai, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) khoan giếng. Đến 16h cùng ngày, sau nhiều tiếng động lớn, máy khoan, cây cảnh, cột điện sụt xuống lòng đất.

Ban đầu hố chỉ rộng hơn 3 m, đến tối lan rộng ra hơn 12 m, sâu trên 4 m. Nhà chức trách di dời 12 hộ dân xung quanh để đảm bảo an toàn. Cơ quan chuyên môn nhận định, khu vực trên khả năng còn một vài túi khí nữa. Tuy nhiên, nếu không có tác động như khoang giếng, đóng cọc sâu vào vị trí các túi này thì ít khả năng xảy ra sụt lún.

Hà Nội tu sửa hồ chứa xác pháo đài bay B52

Hà Nội đang tu bổ, tôn tạo di tích hồ Hữu Tiệp (quận Ba Đình, Hà Nội), nơi chứa mảnh xác chiếc máy bay B52 do bộ đội tên lửa Việt Nam bắn rơi trong đêm 27/12/1972.

Chiếc máy bay B52 cuối cùng bị bắn hạ ngày 27/12/1972 (quận Ba Đình, Hà Nội), trong chiến dịch 12 ngày đêm, cũng là chiếc duy nhất rơi ngay giữa lòng Hà Nội

Chiếc máy bay B52 cuối cùng bị bắn hạ ngày 27/12/1972 (quận Ba Đình, Hà Nội), trong chiến dịch 12 ngày đêm, cũng là chiếc duy nhất rơi ngay giữa lòng Hà Nội

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích hồ Hữu Tiệp và mảnh xác máy bay B52 rơi ngày 27/12/1972 (quận Ba Đình, Hà Nội).

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích hồ Hữu Tiệp và mảnh xác máy bay B52 bị bắn rơi ngày 27/12/1972 (quận Ba Đình, Hà Nội) bao gồm một số nội dung như xây bệ đỡ, bảo quản và trưng bày tại chỗ mảnh xác máy bay B52; tôn tạo tường rào, kè xung quanh hồ (phá dỡ và xây lại 34,6 m kè đá hộc; phá dỡ và xây lại 152,2 m tường rào, lan can đỉnh kè, cửa, thang xuống hồ); nạo vét bùn trong lòng hồ; cải tạo, chỉnh trang tổng thể khu nhà phụ trợ 2 tầng; hạ tầng kỹ thuật.

Hồ Hữu Tiệp nằm trên địa bàn phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội). Nơi đây lưu giữ xác máy bay B52 bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội vào ngày 27/12/1972. Địa điểm đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia.