Việt Nam mua 31 triệu liều vaccine Pfizer
Công ty Pfizer sẽ cung cấp 31 triệu liều vaccine cho Việt Nam trong quý 3 và 4 năm 2021, đảm bảo đúng lộ trình hai bên đã thống nhất.
Một lọ vaccine Pfizer ở Đức hồi tháng một. Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thông tin nêu trên chiều 18/5.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp ngày 17/5, Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, xin ý kiến các thành viên Chính phủ để thống nhất mua vaccine Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ) và chuẩn bị ký thỏa thuận mua 31 triệu liều.
Theo ông Long, quá trình đàm phán để đi đến thoả thuận này với Pfizer đã được Bộ Y tế liên tục thúc đẩy suốt thời gian qua. Đại diện Pfizer tại Việt Nam ghi nhận những nỗ lực và mong muốn của Bộ Y tế để có vaccine cho người dân.
Nội dung đàm phán tập trung vào những điều khoản trong thoả thuận giữa hai bên liên quan đến trách nhiệm pháp lý, vấn đề thanh toán, bồi hoàn, các rủi ro khi thực hiện thoả thuận trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với nhiều đơn vị để mua vaccine như Astra Zeneca, Moderna, Gamelaya (Nga)... Bộ cũng đang đẩy mạnh tiếp cận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Vaccine Pfizer do hãng dược Mỹ Pfizer và hãng công nghệ sinh học Đức BioNTech phát triển.
Đề xuất 30.000 tỷ đồng làm đường trên cao ở TP.HCM
Tuyến đường trên cao không nằm trong quy hoạch, vốn đầu tư ước tính 30.000 tỷ đồng vừa được doanh nghiệp đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.
Hướng tuyến đường trên cao mà doanh nghiệp đề xuất đầu tư |
Tuyến đường dài 14,1 km, 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao Cộng Hoà - Trường Chinh (quận Tân Bình), sau đó chạy dọc các tuyến Cộng Hoà - Bùi Thị Xuân - hẻm 656 (đường Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh (Quận 7).
Ý tưởng làm tuyến trên cao này do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đề xuất. Theo đơn vị, công trình khi xây dựng sẽ kết hợp 3 đường trên cao đã có trong quy hoạch gồm số 1, 2 và 3, tạo thành trục giao thông đô thị bắc nam kết nối với đường Vành đai 2, liên kết khu vực nội và ngoại thành. Ngoài ra, công trình khi hoàn thành giúp chỉnh trang đô thị khu vực nút giao Lăng Cha Cả (khoảng 4,9 ha, quận Tân Bình), cù lao Nguyễn Kiệu (2,7 ha, Quận 4).
Đề xuất nói trên được Sở Giao thông vận tải đánh giá phù hợp định hướng phát triển giao thông tại Thành phố. Để thực hiện, Sở kiến nghị Thành phố kêu gọi đầu tư dự án theo hai phương án: giao Sở Giao thông vận tải phối hợp các bên liên quan làm công tác chuẩn bị (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi), đấu thầu chọn nhà đầu tư; phương án khác là Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư làm đề xuất dự án PPP.
Hà Nội chuẩn bị hơn 400 giường điều trị bệnh nhân Covid-19
4 bệnh viện "chia lửa" với viện Nhiệt đới đã chuẩn bị 440 giường trong các khu cách ly, trong đó bệnh viện Đức Giang nhận 14 bệnh nhân Covid-19 vào điều trị.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiêm vaccine phòng Covid-19 |
Theo ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện đã vận hành khu cách ly riêng với công suất 150 giường bệnh và có thể xét nghiệm từ 1.500 đến 2.000 mẫu gộp mỗi ngày.
Sau 5 ngày, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiếp nhận 90 bệnh nhân và 60 người nhà từ viện Nhiệt đới Trung ương chuyển đến, trong đó có 14 bệnh nhân Covid-19. Tất cả đều đã có kết quả xét nghiệm hai lần âm tính, sẽ được xét nghiệm tiếp tại Bệnh viện và cách ly đủ 21 ngày.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là một trong những đơn vị y tế được ưu tiên tiêm chủng Covid-19 đợt một năm 2021 của Hà Nội. Ngày 7/5, hơn 550 cán bộ, nhân viên y tế đã được tiêm phòng.
Ba bệnh viện gồm Bắc Thăng Long, Hà Đông, Thanh Nhàn đã xây dựng khu cách ly, đảm bảo đủ nhân lực, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác để tiếp nhận và điều trị.
Ông Vũ Cao Cương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long, cho biết Bệnh viện đang điều trị 36 bệnh nhân Covid-19 được chuyển về từ cơ sở cách ly tập trung hoặc bệnh viện khác trên địa bàn. Tổng công suất là 50 giường.
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đang điều trị cho một F1 có triệu chứng, chưa tiếp nhận bệnh nhân nào từ Nhiệt đới chuyển về nhưng đã sẵn sàng khu cách ly gồm 140 giường để điều trị Covid-19, có thể đi vào hoạt động ngay khi có yêu cầu.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, Bệnh viện đã sẵn sàng khu cách ly 100 giường bệnh và nhân lực y tế để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.
Từ 6h ngày 18/5 đến 20/5, thực hiện giãn cách xã hội thành phố Bắc Ninh
Tỉnh Bắc Ninh quyết định giãn cách xã hội thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh thiết lập vùng cách y nơi có dịch COVID - 19 |
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có công văn hỏa tốc quyết định giãn cách xã hội thành phố Bắc Ninh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với thành phố Bắc Ninh.
Thời gian thực hiện từ 6h ngày 18/5 (trước mắt thực hiện từ ngày 18/5 đến ngày 20/5 để tập trung rà soát, xét nghiệm, khoanh vùng các đối tượng có nguy cao đến từ vùng có dịch; tùy theo diễn biến dịch sẽ quyết định thời gian kéo dài cụ thể).
Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh quyết định giãn cách xã hội huyện Quế Võ theo Chỉ thị 15 ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian thực hiện từ 6h ngày 18/5.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh, đến ngày 17/5, toàn tỉnh này nghi nhận 255 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 34 ca mắc mới (tất cả đều là những trường hợp đã được cách ly). Cơ quan chức năng rà soát được 3.020 trường hợp F1, 25.660 trường hợp F2.
Thực hiện cách ly y tế 26.459 trường hợp, trong đó tại cơ sở y tế 479 trường hợp, tại cơ sở tập trung 2.556 trường hợp, tại khách sạn 1.031 trường hợp, tại nơi lưu trú 22.393 trường hợp. Đáng chú ý, tỉnh Bắc Ninh có 20 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, trong đó có 2 bệnh nhân thở máy.
Đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng xây nhà ga mới tại sân bay Đồng Hới
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất xây dựng nhà ga hành khách T2 tại Đồng Hới với tổng vốn đầu tư lên tới 1.200 tỷ đồng.
ACV đề xuất đầu tư 1.200 tỉ đồng xây nhà ga mới sân bay Đồng Hới |
ACV vừa đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình), công suất khai thác 3 triệu hành khách/năm với diện tích đất sử dụng khoảng 20,92 ha.
Trong đó, nhà ga hành khách T2 có diện tích 1,136 ha. Sân đỗ ô tô trước nhà ga T2 và các công trình phụ trợ 19,784 ha.
Diện tích khu đất ACV đề xuất nằm trong quy hoạch được duyệt theo Quyết định số 1491 của Bộ GTVT quy hoạch Cảng Hàng không Đồng Hới giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.222 tỷ đồng, hoàn toàn bằng vốn của ACV.
Đánh giá về Dự án, Cục Hàng không cho rằng cần thiết đầu tư, với lý do nhà ga hành khách của Cảng hàng không Đồng Hới có công suất thiết kế 500.000 khách/năm và hiện tại đang khai thác vượt công suất thiết kế (năm 2018 là 534.856 khách/năm, năm 2019 là 539.908 khách/năm).
Ngoài ra, Đồng Hới là sân bay nội địa, do đó ACV đề xuất xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Quảng Bình.
Hải Phòng khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà sau 22h
Lãnh đạo TP. Hải Phòng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 22h đến 5h hàng ngày khi không có việc cần thiết.
Sở Y tế Hải Phòng điều xe cấp cứu 115 để vận chuyển các trường hợp F1 là người thân của cô giáo trường Ngô Quyền |
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đưa ra yêu cầu trên chiều 18/5, nhằm tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh Thành phố mới ghi nhận 1 ca dương tính trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây.
Công an Thành phố tập trung lực lượng tuần tra, kiểm tra sau 22h đến 5h hàng ngày, xử lý nghiêm trường hợp không thực hiện các quy định.
Thành phố cũng khuyến cáo người dân không tập trung quá 10 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc.
Từ 22h ngày 18/5, người dân Hải Phòng có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp không tự mua thuốc điều trị; liên hệ ngay với trạm y tế nơi đang lưu trú để được hướng dẫn khám, điều trị và làm xét nghiệm.
Các cơ sở kinh doanh dược khi phát hiện người dân đến mua thuốc ho, sốt, khó thở..., phải lập danh sách (họ và tên, địa chỉ, số điện thoại...) và thông báo ngay với trạm y tế trên địa bàn.
Thành phố yêu cầu các cửa hàng kinh doanh ăn uống giải khát dừng phục vụ khách tại chỗ, chỉ bán hàng mang về nhà; dừng hoạt động của các quầy hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu tại các chợ và các trung tâm mua sắm; dừng hoạt động các phòng khám tư nhân chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng trên địa bàn; dừng tổ chức các đám cưới, đám hỏi.
Hải Phòng cũng dừng hoạt động xe buýt, xe chở khách công cộng trên địa bàn; các hãng taxi chỉ hoạt động 30% số đầu xe, không chở quá 50% số ghế trên xe; đối với các xe vận tải hàng hóa, chỉ được bố trí tối đa một lái xe và một phụ xe; dừng hoạt động đào tạo tại các cơ sở sát hạch lái xe.
Cảnh sát phong tỏa cây xăng ở Đồng Nai liên quan đến đường dây xăng giả
Sáng 18/5, cửa hàng xăng dầu Trảng Dài, thuộc Công ty TNHH Việt Khánh Anh, bị buộc ngừng hoạt động. Cảnh sát lập hàng rào che chắn, không cho bất cứ ai lại gần. Bên trong, nhiều cán bộ làm việc với nhân viên cây xăng, lấy mẫu, đo đạc chỉ số và niêm phong các cột bơm...
Công an vũ trang phong tỏa, khám xét cây xăng Trảng Dài sáng 18/5 |
Cùng lúc, một tổ công tác khác khám xét căn biệt thự trên đường Đồng Khởi - nơi ở của chủ cây xăng.
Theo đại tá Nguyễn Ngọc Quang - Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cơ quan điều tra đã bắt bà Nguyễn Thị Như Mỹ (Giám đốc Công ty TNHH Việt Khánh Anh) về hành vi Buôn lậu.
Sau hơn 3 tiếng làm việc tại cây xăng và căn biệt thự, cảnh sát đưa bà Mỹ lên xe về cơ quan điều tra. Nhiều thùng tài liệu bị thu giữ tại căn biệt thự và cửa hàng xăng dầu.
Động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra đường dây buôn lậu và làm giả 200 triệu lít xăng dầu do Phan Thanh Hữu (TP.HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (Vĩnh Long) cầm đầu.