Hợp long cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương
Được đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương (Thừa Thiên Huế) đã hợp long dựng vòm thép, dự kiến hoàn thành trước 26/3/2025.
Cầu Nguyễn Hoàng nhìn từ trên cao |
Sau 20 tháng khởi công, cầu vượt Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương, TP. Huế đã thành hình. Cầu vượt Nguyễn Hoàng và đường Nguyễn Hoàng mở rộng khởi công xây dựng tháng 12/2022 với tổng vốn đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng, trong đó, kinh phí xây cầu hơn 1.500 tỷ đồng. Theo thiết kế, cầu vòm thép gồm 5 nhịp, rộng 43 m, 6 làn xe, làn đi bộ rộng 3 m, đường dẫn hai đầu dài 210 m. Kết cấu cầu bằng bêtông cốt thép, khả năng thông thuyền tối thiểu rộng 30 m, cao 6 m.
Điểm đầu của cầu là đường Nguyễn Hoàng, phường Kim Long; điểm cuối đường Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc. Hơn 200 công nhân và kỹ sư tham gia xây dựng cầu. Công trình hiện đạt tiến độ 82%.
Để thi công cầu vượt, các cơ quan phải thu hồi hơn 35.000 m2 đất của 130 hộ dân ở hai phường Kim Long và Phường Đúc. Các hộ dân sẽ được tái định cư ở khu quy hoạch Bàu Vá 3 và Lịch Đợi.
Cây cầu hoàn thành góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc, giảm tải lưu lượng xe cho tuyến Quốc lộ 1 và nhiều tuyến qua trung tâm TP. Huế. Ngoài ra, cầu giúp hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía Tây TP. Huế, phát triển kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ, cải thiện đời sống dân sinh.
Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế có 7 cây cầu bắc qua sông Hương gồm Trường Tiền, Phú Xuân, Dã Viên, Bạch Hổ, Tuần, Chợ Dinh và Thảo Long. Trong đó, Bạch Hổ là cầu cho tàu hỏa và Thảo Long kiến trúc trên là cầu, dưới là đập ngăn mặn.
Tây Nguyên được đầu tư gần 1.900 km cao tốc
Mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên sẽ hoàn thành 9 tuyến cao tốc dài gần 1.900 km, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Vùng.
Công trường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột |
Thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại lễ phát động đợt cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km cao tốc", trên công trường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (huyện Krông Păk), ngày 18/8.
Tại lễ phát động kết nối trực tuyến với 10 tỉnh có cao tốc phải hoàn thành trong năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là sự kiện ý nghĩa khi Đăk Lăk là vùng trọng điểm của Tây Nguyên, song chưa được phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược. Thời gian tới, Tây Nguyên cần được đầu tư để hoàn thành mục tiêu xây dựng gần 1.900 km cao tốc.
Ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Đường cao tốc (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, theo quy hoạch khu vực Tây Nguyên có 9 tuyến cao tốc. Trong đó, một tuyến trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Tây với tổng chiều dài 495 km từ Ngọc Hồi - Chơn Thành (đoạn cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành 140 km dự kiến khởi công cuối năm nay; đoạn Ngọc Hồi - Gia Nghĩa 355 km đang nghiên cứu đầu tư).
Ngoài ra, còn có 8 tuyến trục ngang dài khoảng 1.400 km, bao gồm 19 km cao tốc Liên Khương - Prenn hoàn thành đầu tư; đang đầu tư 117 km đoạn Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; chuẩn bị đầu tư 381 km đoạn Quy Nhơn - Pleiku (180 km), Dầu Giây - Liên Khương (201 km, đã phê duyệt chủ trương đầu tư); đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư 136 km đoạn Kon Tum - Quảng Ngãi.
Giai đoạn sau năm 2030, Tây Nguyên tiếp tục được đầu tư khoảng 751 km các tuyến còn lại theo quy hoạch: Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y, Pleiku - Lệ Thanh, Phú Yên - Đăk Lăk, Nha Trang - Liên Khương, Liên Khương - Buôn Ma Thuột.
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, rộng gần 55 nghìn km2, dân số khoảng 6 triệu người, với 54 dân tộc. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước...
Hải Phòng sẽ đập bỏ 16 chung cư cũ làm khu tái định cư
16 chung cư cũ ở quận Ngô Quyền sẽ được đập bỏ để tạo quỹ đất rộng khoảng 10 ha phục vụ tái định cư, đấu giá và quỹ đất dự phòng.
Chung cư Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền sẽ bị đập bỏ sau khoảng 50 năm tồn tại |
Chủ trương này vừa được HĐND TP. Hải Phòng thông qua với tổng mức đầu tư hơn 580 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2023 - 2027. Trong 10 ha đất, thành phố sẽ xây dựng khu tái định cư rộng 4,5 ha với 267 lô đất có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, 1,2 ha làm vườn hoa, cây xanh. Diện tích còn lại dành đấu giá tạo ngân sách và một phần làm đất dự phòng.
Để triển khai dự án, TP. Hải Phòng sẽ giải phóng mặt bằng, phá dỡ 5 tòa chung cư cũ khu vực 311 Đà Nẵng và 11 tòa chung cư cũ khu vực Vạn Mỹ. Các tòa nhà này là nơi sinh sống của hơn 2.000 hộ dân, được xây dựng cách đây 50 năm, bị xếp hạng nguy hiểm, cần di chuyển cư dân.
Toàn TP. Hải Phòng có 205 chung cư cũ với hơn 8.000 căn hộ, trong đó, 27 chung cư cần cải tạo; 178 chung cư xuống cấp nghiêm trọng phải phá dỡ, di chuyển 7.000 hộ dân để xây mới. Quận Ngô Quyền có số chung cư cũ xuống cấp nhiều nhất với 133 tòa (5.800 căn hộ).
Hải Phòng từng dự định đầu tư 6.000 tỷ đồng xây mới, hoặc cải tạo 187 chung cư cũ, xuống cấp vào năm 2021. Tuy nhiên, đến năm 2022, Thành phố quyết định triển khai đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên.
Dự kiến đến năm 2025, các hộ dân sống trong chung cư cũ không thể cải tạo sẽ được bố trí chỗ ở mới.
Giá USD tự do trượt dài
Đồng USD trên thị trường tự do vừa thiết lập phiên thứ 2 giảm liên tiếp hơn 100 đồng, hiện xuống dưới mức 25.400 đồng/USD.
Giá bán USD trượt mạnh trên thị trường tự do kéo chênh lệch với kênh ngân hàng chỉ còn khoảng 160 đồng/USD |
Chiều 18/8, trên thị trường tự do, giá USD tiếp tục quay đầu giảm mạnh, giao dịch quanh vùng 25.310 đồng/USD (mua) và 25.390 đồng/USD (bán). Biên độ mua - bán đang ở mức 80 đồng.
So với phiên giao dịch liền trước (17/8), giá USD tự do đã giảm tới 140 đồng ở cả hai chiều mua và bán. Trong 2 phiên gần nhất, mỗi USD giao dịch trên thị trường tự do đã bay mất gần 300 đồng.
Tỷ giá tự do bắt đầu rơi mạnh trong hơn 1 tháng gần đây. So với mức đỉnh gần 26.000 đồng/USD xác lập được hồi cuối tháng 6, giá USD tự do hiện thấp hơn 600 đồng, tương đương mức giảm hơn 2%. Giá giao dịch hiện tại cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 16/8), tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra ở mức 24.254 đồng. Tỷ giá giao dịch đồng USD tham khảo được Sở Giao dịch NHNN giữ mua vào ở 23.400 đồng và bán ra ở 25.450 đồng/USD.
Đà giảm mạnh của đồng USD trên thị trường tự do cũng đã giúp thu hẹp mức chênh với kênh ngân hàng.
Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, tỷ giá USD bán ra quanh mức 25.200-25.232 đồng/USD. Còn ở các ngân hàng tư nhân, tỷ giá USD được neo trong khoảng 25.230 đồng/USD.
Với mức giá giao dịch này, chênh lệch đồng USD giữa thị trường tự do và ngân hàng chỉ khoảng 160 đồng. Mức này thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn tháng 6 khi đồng USD lập đỉnh, chênh lệch khi đó lên tới hơn 700 đồng mỗi USD.
Quảng Trị đấu giá hơn 5.300 chai bia, rượu ngoại nhập lậu
Đây đều là tang vật hành chính bị cơ quan công an TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) tịch thu trong năm nay. Giá khởi điểm của lô tài sản này là hơn 364 triệu đồng.
Lô tài sản được đấu giá với mức khởi điểm gần 400 triệu đồng |
Công ty Đấu giá hợp danh Bảo Minh vừa phát thông báo đấu giá lô tài sản của cơ quan công an TP. Đông Hà, Quảng Trị.
Theo đó, tài sản được đấu giá là hơn 1.000 chai rượu ngoại và hơn 4.300 chai bia Heineken xuất xứ nước ngoài. Đây đều là tang vật hành chính bị lực lượng chức năng tịch thu trong năm.
Một số loại rượu ngoại được mang ra đấu giá với mức 170.000 - 180.000 đồng/chai. Có loại mang thương hiệu cao cấp hơn được đấu giá ở mức 900.000 đồng/chai.
Trong khi đó, hơn 4.300 chai bia nhãn hiệu Heineken loại 250 ml có giá 18.000 đồng/chai.
Tổng giá khởi điểm của lô tài sản trên là hơn 364 triệu đồng. Đơn vị tham gia đấu giá cần đặt trước 40 triệu đồng. Thời gian đấu giá dự kiến vào sáng ngày 1/9 theo phương thức bỏ phiếu gián tiếp.
Trước đó, công ty này cũng thông báo chuẩn bị đấu giá hơn 2.100 chai rượu ngoại là tài sản do cơ quan công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) thu giữ với giá khởi điểm hơn 460 triệu đồng. Đây là lô rượu ngoại mang thương hiệu Ballantine, Baileys, Bols Amsterdam và Josse Cuervo bị thu giữ vào đầu tháng 1 năm nay.
Các đợt đấu giá tài sản là bia, rượu diễn ra tương đối phổ biến gần đây. Nguồn gốc tài sản có thể đến từ các đợt truy quét hàng lậu hay thậm chí là tài sản được các ngân hàng phát mại.
Điển hình như vào đầu tháng 7, Agribank đã thông báo lựa chọn đơn vị bán đấu giá tài sản đảm bảo gồm 6.923 thùng rượu vang. Trong đó, có tổng cộng 4.534 thùng rượu vang Italy, Pháp, Chile và 2.389 thùng rượu các loại khác mang thương hiệu nổi tiếng như Dewars, Lodge, William Peel, Highland Queen, Yacht Club.
Tài sản đấu giá thứ 2 là 1.500 chai rượu vang Italy Montedeicocci (loại 3 chai hoặc 6 chai/thùng gỗ).
Giá bán khởi điểm của lô rượu vàng nói trên là hơn 17 tỷ đồng (đã bao gồm VAT). Đây là lô rượu do Công ty TNHH MTV Hai Thanh (huyện Tân Yên, Bắc Giang) sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Cuối tháng 7, Trung tâm Đấu giá tài sản tỉnh Lạng Sơn cũng đã đấu giá hơn 2.300 chai rượu ngoại với giá khởi điểm hơn 2,5 tỷ đồng.
VNPT mang hơn 60.000 tỷ đồng gửi ngân hàng
Khoản tiền gửi này giúp tập đoàn thu về hơn 1.400 tỷ đồng lãi tiền gửi trong 6 tháng đầu năm, tương đương gần 8 tỷ đồng mỗi ngày.
Quy mô tiền gửi của VNPT tăng dần qua từng năm |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ghi nhận doanh thu thuần đạt 26.365 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ cải thiện giá vốn, biên lợi nhuận gộp được nâng lên 26,4%.
Kỳ vừa qua, chi phí bán hàng và quản lý của Tập đoàn tăng lần lượt 9% và 2%. Mặt khác, chi phí tài chính, phần lớn là lãi vay, giảm 7% xuống gần 75 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ thuế và các loại chi phí, VNPT báo lãi hợp nhất 2.203 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của tập đoàn tăng 3% lên 108.426 tỷ đồng. Trong đó, VNPT đang có hơn 60.000 tỷ đồng gửi ngân hàng, tăng nhẹ so với đầu năm và chiếm 55% quy mô tài sản Tập đoàn.
Khoản tiền gửi khổng lồ này đem về cho VNPT hơn 1.400 tỷ đồng lãi tiền gửi trong 6 tháng đầu năm. Dẫu vậy, do mặt bằng lãi suất thấp hơn cùng kỳ, nguồn thu từ tiền gửi giảm khoảng 12%.
Tính đến giữa năm, tổng nợ phải trả tăng 10% lên gần 36.200 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí phải trả ngắn hạn phát sinh gấp 5 lần so với đầu năm lên gần 5.500 tỷ đồng.
Ở báo cáo tài chính riêng bán niên, công ty mẹ VNPT ghi nhận doanh thu thuần 18.576 tỷ đồng, tăng 18%. Nhờ lợi thế về giá vốn so với cùng kỳ, lợi nhuận ròng của công ty mẹ VNPT tăng mạnh 71% lên 1.954 tỷ đồng.
Năm nay, VNPT kỳ vọng tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 59.089 tỷ đồng, tăng gần 8% so với kết quả thực hiện năm 2023 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, doanh thu công ty mẹ hướng tới con số 41.973 tỷ đồng.
Tập đoàn cũng đặt kế hoạch lãi trước và sau thuế của công ty mẹ đạt lần lượt 4.417 tỷ đồng và 3.534 tỷ đồng.
Như vậy sau nửa năm kinh doanh, ở góc độ hợp nhất, tập đoàn đã hoàn thành gần 47% chỉ tiêu doanh thu. Với riêng công ty mẹ, VNPT đã thực hiện hơn 44% chỉ tiêu doanh thu và 55% mục tiêu lợi nhuận ròng.
Hà Nội khởi động dự án xây nút giao gần 2.400 tỷ đồng
Hà Nội đang chuẩn bị các thủ tục để triển khai dự án xây dựng nút giao khác mức giữa Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, tổng vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng.
Hà Nội đang chuẩn bị các thủ tục để triển khai dự án xây dựng nút giao khác mức giữa Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long. Ảnh minh họa |
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án xây dựng nút giao khác mức giữa Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức), tổng mức đầu tư 2.384 tỷ đồng.
Hiện tại, Gói thầu số 28 về lập thiết kế bản vẽ thi công (bao gồm cả lập ứng dụng mô hình thông tin công trình - BIM) và thi công toàn bộ công trình giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật và mua sắm, lắp đặt thiết bị công trình có giá gần 1.700 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi qua mạng, đóng/mở thầu ngày 30/8/2024.
Dự án được Hà Nội phê duyệt năm 2022, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội làm Chủ đầu tư, thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2026.
Dự án gồm hầm chui theo hướng đường Vành đai 3,5 (đường Hoàng Tùng) - Quốc lộ 32 với tổng chiều dài 975 m, rộng 18,5 m.
Bốn cầu nhánh bằng bêtông cốt thép dự ứng lực với tổng chiều dài hơn 2.300 m, bề rộng cầu 8,8 m, tường chắn bêtông cốt thép dài hơn 600 m.
Ngoài ra, Dự án cũng gồm hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước trên cầu và hai đầu cầu. Phần đường trong phạm vi nút giao được xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, cây xanh, hào cáp kỹ thuật...
Hiện Vành đai 3,5 đoạn từ nút giao đường trục phía Nam đến Đại lộ Thăng Long dài gần 10 km đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Còn Dự án Vành đai 3,5 đoạn Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32 dài hơn 5 km, tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng đã được triển khai thi công từ năm 2017.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa thể thông tuyến do vướng mặt bằng. Dự kiến đến quý I/2025, Chủ đầu tư sẽ được bàn giao 100% mặt bằng sạch để thi công hoàn thiện Dự án.
Đoạn nút giao Dự án Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (khu vực sẽ xây dựng nút giao khác mức) vẫn tồn tại nhiều nhà xưởng, kho bãi chưa được giải phóng mặt bằng.