Bản tin thời sự sáng 2/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là dự kiến khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc Nam vào năm 2028; Vietnam Airlines dự kiến khai thác thường lệ đường bay thẳng Mỹ từ tháng 11; Bộ Y tế yêu cầu các địa phương lên kế hoạch tiêm vaccine mũi 3; 30 quận, huyện tại Hà Nội đạt cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19; Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo về cuộc gọi đầu số quốc tế…

Dự kiến khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc Nam vào năm 2028

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến giải phóng mặt bằng, lập thiết kế tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trước 2026 để có thể khởi công năm 2028.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất tàu tốc độ cao Bắc Nam sử dụng công nghệ động lực phân tán giống tàu Shinkanshen ở Nhật Bản

Bộ Giao thông vận tải đề xuất tàu tốc độ cao Bắc Nam sử dụng công nghệ động lực phân tán giống tàu Shinkanshen ở Nhật Bản

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Chính phủ sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Sau đó, Bộ sẽ lập báo cáo khả thi, duyệt thiết kế, giải phóng mặt bằng; đến năm 2028 - 2029 sẽ khởi công một số gói thầu trong 2 đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang.

Bộ trưởng Thể nhấn mạnh, đường sắt Bắc Nam là tuyến quan trọng nhất vận chuyển hành khách và hàng hóa, trong đó có tuyến tốc độ cao trong giai đoạn tới. Địa phương có đường sắt đi qua có thể hình thành khu đô thị mới xung quanh ga mới nên cần đồng hành với Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch cục bộ để phát triển đô thị, khai thác đồng bộ với tuyến đường sắt tốc độ cao, hỗ trợ Bộ trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Sau khi có đường sắt tốc độ cao chở hành khách, tuyến đường sắt cũ khổ 1.000 m hiện sẽ đảm nhiệm vận tải hàng hóa. Bộ GTVT đã lập quy hoạch nhiều tuyến đường sắt kết nối với cảng biển.

Theo Viện trưởng Chiến lược và Phát triển GTVT Lê Đỗ Mười - đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.545 km, đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác lớn nhất đến 320 km/h. Giai đoạn một trước năm 2030 sẽ xây dựng hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang, tổng mức đầu tư khoảng 112.000 tỷ đồng.

Vietnam Airlines dự kiến khai thác thường lệ đường bay thẳng Mỹ từ tháng 11

Ngay sau khi được phía Mỹ chấp thuận khai thác thường lệ, theo kế hoạch được Vietnam Airlines đặt ra, chuyến bay đầu tiên dự kiến sẽ cất cánh vào cuối tháng 11 năm nay.

Máy bay của Vietnam Airlines trong một lần khai thác bay đến Mỹ

Máy bay của Vietnam Airlines trong một lần khai thác bay đến Mỹ

Vietnam Airlines vừa trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên được Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) chính thức chấp thuận đáp ứng toàn bộ yêu cầu về bảo đảm an ninh để khai thác đường bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ.

Theo đại diện Vietnam Airlines, đây là một trong những điều kiện phức tạp và quan trọng nhất mà hãng hàng không nước ngoài cần đạt được để Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép bay thường lệ đến quốc gia này.

Trước đó, sau khi Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) hoàn tất hồ sơ đệ trình lên TSA, cơ quan này đã kiểm tra, đánh giá các biện pháp, quy trình an ninh mà Vietnam Airlines đang áp dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), cũng như khả năng hãng có thể đáp ứng các yêu cầu của nhà chức trách Mỹ trong việc đảm bảo an ninh khai thác các chuyến bay thường lệ.

Ngay sau khi đạt được điều kiện cuối cùng là giấy phép của FAA, Vietnam Airlines sẽ tổ chức thực hiện chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ, theo kế hoạch dự kiến sẽ cất cánh vào cuối tháng 11 năm nay.

Như vậy, sau 20 năm chuẩn bị, Vietnam Airlines sẽ trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam khai thác đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ - quốc gia có hàng rào pháp lý và an ninh hàng không khắt khe bậc nhất thế giới.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương lên kế hoạch tiêm vaccine mũi 3

Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân, đặc biệt với trẻ trên 3 tuổi, đồng thời lên kế hoạch nhắc lại mũi 3, 4.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu và lên kế hoạch nhắc lại mũi 3, 4 vaccine phòng Covid-19

Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu và lên kế hoạch nhắc lại mũi 3, 4 vaccine phòng Covid-19

Theo Bộ Y tế, kế hoạch của các địa phương là cơ sở để cơ quan này phân bổ vaccine trong tháng 10 - 12 và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022.

Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị liên quan căn cứ tình hình, kết quả triển khai tiêm chủng của địa phương và hướng dẫn về việc tiêm kết hợp vaccine để đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo nhóm tuổi: 3 - 11 tuổi, 12 - 15 tuổi, 16 - 17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho những nhóm tuổi này.

Các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều (2 liều).

Cũng liên quan việc tiêm nhắc vaccine mũi 3, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở đang đề xuất với UBND Thành phố tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch trong tháng 11 và 12; tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên trong năm 2022.

Đến năm 2022, ngành y tế TP.HCM dự kiến triển khai tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên; đồng thời tổ chức tiêm vaccine mũi 3 và mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho thấy đến sáng ngày 1/11, cả nước đã tiêm 82.051.163 mũi vaccine.

30 quận, huyện tại Hà Nội đạt cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19

Toàn thành phố Hà Nội ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình), riêng xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh và thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai là cấp độ 3 (nguy cơ cao).

Người dân tập thể dục ở Hồ Gươm sau thời gian Hà Nội giãn cách xã hội

Người dân tập thể dục ở Hồ Gươm sau thời gian Hà Nội giãn cách xã hội

Theo thông báo mới của UBND Hà Nội về đánh giá cấp độ trong phòng, chống dịch Covid-19, 30 quận, huyện, thị xã đạt cấp độ 2 (nguy cơ trung bình), 332 xã, phường đạt cấp độ 1 (bình thường mới) và 245 xã, phường đạt cấp độ 2.

So với lần đánh giá cấp độ dịch đầu tiên hơn 20 ngày trước, diễn biến dịch của Thành phố có nguy cơ cao hơn. Trong lần đánh giá đầu không có địa bàn cấp 3, 4.

Việc xác định cấp độ dịch trên dựa vào hai tiêu chí: tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian và độ bao phủ vaccine. Cụ thể, tại Hà Nội, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng Covid-19 là 98%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 là 48%.

Ngoài ra, trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 84 ca mắc trong cộng đồng, đạt tỷ lệ 1 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, có 3 tiêu chí để đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh là số ca nhiễm mới/100.000 dân/tuần; tỷ lệ tiêm vaccine; năng lực thu dung, điều trị.

Trong cả hai lần công bố cấp độ dịch (lần 1 vào 19/10), Hà Nội đều không nêu tiêu chí về năng lực thu dung, điều trị. Trong lần công bố cấp độ dịch thứ nhất, Thành phố cũng chỉ đánh giá cấp độ dịch ở phường, xã mà không đánh giá với thành phố và quận, huyện.

Quy định về thích ứng an toàn Covid-19 do Chính phủ ban hành ngày 11/10, phân loại 4 cấp độ nguy cơ gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.

Bộ GTVT đề xuất nhà nước chi 9.400 tỷ đồng mua lại 7 dự án BOT

Bộ GTVT đề xuất sử dụng nguồn vốn từ gói kích thích kinh tế để xử lý các dự án BOT không thể tiếp tục thu phí để hoàn vốn như Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, Dự án BOT Quốc lộ 91...

Từng bị phản ứng về vị trí đặt trạm, BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chưa thể thu phí trạm trên Quốc lộ 3 từ 2019 tới nay

Từng bị phản ứng về vị trí đặt trạm, BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chưa thể thu phí trạm trên Quốc lộ 3 từ 2019 tới nay

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất danh mục, cơ chế đầu tư phục vụ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Theo đó, Bộ đề xuất 4 nhóm dự án đưa vào chương trình.

Nhóm 1 là các dự án có thể sớm hoàn thành giải ngân vào năm 2022 - 2023. Bộ GTVT đề nghị bố trí 9.628 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình.

Đặc biệt, Bộ GTVT đề nghị bố trí 9.427 tỷ đồng để xóa bỏ trạm thu phí và hoàn trả kinh phí đã đầu tư cho doanh nghiệp BOT đối với 7 dự án BOT và trạm thu phí không thu phí hoàn vốn được. Đa số các dự án này đã mắc kẹt từ năm 2018 đến nay, đều rơi vào tình trạng vỡ phương án tài chính, nhưng vẫn chưa có giải pháp để xử lý triệt để.

Cụ thể, Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 và đầu tư đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới sử dụng gói bổ sung nguồn vốn để hoàn trả là 3.097 tỷ đồng.

Dự án BOT xây dựng mới Quốc lộ 26 đoạn qua Ninh Hòa và cải tạo, nâng cấp một số đoạn Quốc lộ 26 qua 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk là 550 tỷ đồng. Dự án BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B, TP. Cần Thơ cần 587 tỷ đồng. Dự án BOT đầu tư cầu Thái Hà trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cần 1.466 tỷ đồng.

Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh phía đông và tránh phía tây TP. Thanh Hóa cần 741 tỷ đồng. Dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148÷ Km1763+610 cần 706 tỷ đồng và Dự án BOT xây dựng các hầm Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân 2 cần 2.280 tỷ đồng.

Ninh Bình hoàn thành tiêm vaccine cho hơn 32.000 học sinh cấp THPT

Sau 2 ngày mở chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh THPT trên địa bàn, tỉnh Ninh Bình đã tiêm xong cho hơn 32.000 học sinh đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Trong 2 ngày tỉnh Ninh Bình thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh THPT trên địa bàn.

Trong 2 ngày tỉnh Ninh Bình thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh THPT trên địa bàn.

Ngày 1/11, thông tin từ ngành y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, trong 2 ngày 30/10 và 31/10, tỉnh Ninh Bình tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho đối tượng là học sinh cấp THPT trên địa bàn. Theo đó, trên 32.000 học sinh từ 15 đến dưới 18 tuổi, đủ điều kiện về độ tuổi và sức khỏe đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh THPT tại Ninh Bình bắt đầu từ ngày 30/10. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình phối hợp với Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP. Ninh Bình) tiêm vaccine cho 1,5 nghìn học sinh tại điểm tiêm này.

Bác sĩ Phạm Thị Phương Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết, sau khi tổ chức tiêm phòng làm điểm thành công tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng, ngành Y tế và Giáo dục đã tổ chức rút kinh nghiệm và tổ chức tiêm vaccine diện rộng tại 27 trường THPT và 8 Trung tâm Giáo dục thường xuyên -Giáo dục nghề nghiệp trong toàn Tỉnh vào ngày 31/10.

Bác sĩ Phương Hạnh cho biết thêm, chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trên 32.000 học sinh thuộc cấp THPT trên địa bàn đã hoàn thành nhanh, sớm, đạt hiệu quả và đảm bảo an toàn.

Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo về cuộc gọi đầu số quốc tế

Cục Viễn thông, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, người dùng cần cảnh giác khi nhận cuộc gọi từ đầu số quốc tế.

Cuộc gọi từ đầu số nước ngoài sẽ hiển thị dấu + và mã số lạ, thay vì đầu số 84 của Việt Nam

Cuộc gọi từ đầu số nước ngoài sẽ hiển thị dấu + và mã số lạ, thay vì đầu số 84 của Việt Nam

Ngày 1/11, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát đi thông tin cảnh báo về cuộc gọi đầu số quốc tế. Cụ thể, Cục cho biết những cuộc gọi từ đầu số nước ngoài thường là nháy máy để người dùng gọi lại, phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn; hoặc có mục đích lừa đảo.

Với trường hợp lừa đảo, đối tượng thường gọi điện đe dọa người dùng vi phạm pháp luật, nợ tiền, yêu cầu người nghe kê khai tài sản rồi hù dọa, chiếm đoạt tài sản.

Dù được cảnh báo liên tục nhưng nhiều người vẫn không may trở thành nạn nhân của tình trạng này. Nhằm đối phó với tình hình phức tạp trên, Cục Viễn thông đã chỉ đạo, yêu cầu các nhà mạng trong nước triển khai các biện pháp kỹ thuật chặn các cuộc gọi giả mạo mục đích lừa đảo.

Theo Cục, từ tháng 7/2020 - 9/2021, các nhà mạng đã ngăn chặn hơn 74 triệu cuộc gọi giả mạo. Từ tháng 4/2020 - 12/2020, các nhà mạng di động thực hiện nhắn tin đến toàn bộ thuê bao của mình 1 lần/tháng với nội dung khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại.

Mới đây, Cục Viễn thông cũng yêu cầu các nhà mạng triển khai gửi tin nhắn FlashSMS/USSD để cảnh báo khách hàng đang nhận cuộc gọi từ quốc tế...

Khi người gọi giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng hoặc thông báo có quà từ bưu điện, người dùng tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào. Người dùng cũng không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại.