Bản tin thời sự sáng 22/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội triển khai cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19; Phan Sào Nam bị buộc quay lại nhà tù; sau 15 ngày miễn phí, tàu Cát Linh - Hà Đông bắt đầu thu phí từ ngày 21/11; Ủy ban Chứng khoán cảnh báo tình trạng chèo kéo đầu tư; tháo nút thắt cải tạo chung cư cũ của Hà Nội…

Hà Nội triển khai cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19

Sở Y tế Hà Nội đề nghị các UBND quận, huyện, thị xã phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thành lập cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Hà Nội triển khai thành lập cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ

Hà Nội triển khai thành lập cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ

Ngày 21/11, Sở Y tế vừa ban hành văn bản khẩn số 632 về việc hướng dẫn triển khai cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 tại các quận, huyện, thị xã.

Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn triển khai thành lập cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại các địa bàn xã, phường, thị trấn có chức năng quản lý, theo dõi, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ; thu dung, khám, điều trị cho người bệnh Covid-19 nhẹ, không triệu chứng tại quận, huyện; phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh Covid-19 tiến triển ở mức độ vừa và nặng; kiểm soát, ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 tại Trạm Y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19) và ngăn ngừa lây nhiễm ra cộng đồng.

Đối tượng được thu dung, cách ly, quản lý, điều trị là người bệnh Covid-19 không có triệu chứng - người nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR dương tính nhưng không có triệu chứng lâm sàng; người mắc Covid-19 mức độ nhẹ ….

Mô hình tổ chức căn cứ điều kiện thực tiễn của từng quận, huyện, thị xã để đề xuất mô hình tổ chức và ban quản lý điều hành trạm y tế lưu động phù hợp với tình hình của địa phương.

Các trạm y tế lưu động bố trí cơ sở vật chất hạ tầng có khu vực đón tiếp, trạm gác bảo vệ trực 24/24 giờ; bố trí khu điều trị, buồng xử lý dụng cụ có đủ phương tiện cho khử khuẩn…

Phan Sào Nam bị buộc quay lại nhà tù

TAND Cấp cao chấp nhận kháng nghị của VKSND Cấp cao về việc hủy hai quyết định giảm 22 tháng tù cho cựu Chủ tịch VTC Online Phan Sào Nam.

Phan Sào Nam trong phiên tòa tại TAND tỉnh Phú Thọ

Phan Sào Nam trong phiên tòa tại TAND tỉnh Phú Thọ

Phán quyết được đưa trong phiên giám đốc thẩm do TAND Cấp cao tại Hà Nội mở vài ngày trước. Theo đó, Toà Cấp cao đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKS và cho rằng quyết định giảm thời gian chấp hành án với phạm nhân Phan Sào Nam là không đủ điều kiện và không có căn cứ pháp luật. Cựu Chủ tịch VTC Online vì thế phải chấp hành hết phần bản án còn lại - thụ án tiếp 22 tháng tù.

Trong vụ án tổ chức đánh bạc qua game bài có bảo kê của hai tướng công an, Nam bị TAND Cấp cao tại Hà Nội phạt 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền; thời hạn tính từ ngày bị bắt (tháng 10/2017), thi hành án tại Trại giam Quảng Ninh.

Ngày 29/4/2020, TAND tỉnh Quảng Ninh chấp nhận đề nghị của trại Trại giam Quảng Ninh này về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 19 tháng cho Nam. Ngày 4/2, TAND tỉnh Quảng Ninh lần thứ hai chấp nhận đề nghị của Trại, giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại là 3 tháng 7 ngày. Nam ra tù ngày 6/2, sớm 22 tháng so với thời hạn.

Hơn hai tháng sau, ngày 14/4, VKSND Cấp cao tại Hà Nội ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm về hai quyết định nêu trên của TAND tỉnh Quảng Ninh. Viện đánh giá hai quyết định đưa ra là "không đủ điều kiện và không có căn cứ".

Trong vụ án đánh bạc, các khoản phải thi hành án của Nam là hơn 1.475 tỷ đồng và đến tháng 10/2019 đã thi hành 1.346 tỷ đồng. Sau khi được tha tù trước hạn, Nam đã nhiều lần nộp thêm tiền khắc phục hậu quả và hiện còn khoảng 7 tỷ đồng phải nộp. Nam cam kết nộp đủ toàn bộ số tiền hơn khắc phục hậu quả trước tết Âm lịch 2022 và có thể sớm hơn nếu điều kiện thuận lợi.

Sau 15 ngày miễn phí, tàu Cát Linh - Hà Đông bắt đầu thu phí từ ngày 21/11

Sau 15 ngày miễn phí, từ ngày 21/11, hành khách đi tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ phải mua vé.

Hành khách mua vé tại quầy có nhân viên phục vụ

Hành khách mua vé tại quầy có nhân viên phục vụ

Phó Tổng giám đốc Hà Nội Metro Nguyễn Văn Ngọc cho biết, hành khách đi vé lượt mua ở máy bán vé tự động hoặc tại quầy. Hiện đơn vị quản lý đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ bán vé trực tiếp ở các nhà ga trên tuyến.

Từ ngày 6 - 19/11, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có 2.351 chuyến tàu vận hành an toàn tuyệt đối với trên 336.000 lượt khách; bình quân mỗi ngày có từ 18.000 đến trên 24.000. Trước đó ngày 6/11, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông vận tải bàn giao cho Hà Nội quản lý, vận hành thương mại.

Tuyến đường sắt dài 13 km, tàu đi mất 23 phút nếu dừng tất cả 12 ga, thời gian dừng mỗi ga dự kiến 45 giây. Nếu tàu chạy từ điểm đầu (ga Cát Linh) đến điểm cuối (ga Yên Nghĩa) và ngược lại không dừng chỉ mất 13 phút, không gặp bất kỳ trở ngại nào do chạy ở đường riêng.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần điều chỉnh tiến độ.

Ủy ban Chứng khoán cảnh báo tình trạng chèo kéo đầu tư

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có văn bản cảnh báo về tình trạng chào mời nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán quốc tế.

Nhà đầu tư cần cảnh giác với các lời chào mời tham gia chứng khoán quốc tế. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Nhà đầu tư cần cảnh giác với các lời chào mời tham gia chứng khoán quốc tế. Ảnh minh họa: Shutterstock.

UBCKNN cho biết, thời gian qua có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân kêu gọi, mời chào nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch lại thông qua sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán ảo… hoặc công ty trung gian có kết nối với các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế.

Trong đó, có những công ty sử dụng tên công ty chứng khoán để giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán khi chưa được UBCKNN cấp phép.

Theo UBCKNN, thực trạng này đã gây hiểu nhầm cho các nhà đầu tư đây là các sàn giao dịch chứng khoán và công ty chứng khoán được hoạt động hợp pháp và thuộc sự quản lý, giám sát của UBCKNN.

UBCKNN cảnh báo, ngoài Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) Việt Nam và công ty con (gồm HSX và HNX), không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán.

Các loại chứng khoán được phép giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được pháp luật về chứng khoán quy định phải đáp ứng các điều kiện về niêm yết và đăng ký giao dịch và được SGDCK chấp thuận trước khi được đưa vào giao dịch.

UBCKNN không quản lý, giám sát các công ty chứng khoán hoặc các tổ chức kinh doanh, vận hành các sàn giao dịch chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép hoạt động.

Do vậy, UBCKNN khuyến cáo các nhà đầu tư cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ thông tin khi được mời tham gia đầu tư vào các loại chứng khoán thông qua các sàn giao dịch chứng khoán và các tổ chức trung gian không được pháp luật chứng khoán quy định hoặc thừa nhận, để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.

Đồng Nai sắp khởi công 3 tuyến đường hơn 8.000 tỷ đồng

UBND TP. Biên Hòa và Ban Quản lý dự án tỉnh Đồng Nai đang hoàn tất hồ sơ để khởi công 3 tuyến đường ở trung tâm với tổng kinh phí đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng vào thời gian tới.

Khúc sông Đồng Nai đi qua phường Bửu Long sẽ được cải tạo, làm tuyến đường chạy dọc nối TP. Biên Hòa lên huyện Vĩnh Cửu

Khúc sông Đồng Nai đi qua phường Bửu Long sẽ được cải tạo, làm tuyến đường chạy dọc nối TP. Biên Hòa lên huyện Vĩnh Cửu

Trong đó, Dự án Đường ven sông Đồng Nai từ cầu Hoá An (TP. Biên Hòa) đến huyện Vĩnh Cửu dài 5,2 km, kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng từ ngân sách địa phương vừa được UBND TP. Biên Hòa họp bàn thống nhất khởi công tháng 12.

Đây là một trong những dự án trọng điểm của Tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với mục đích tăng cường kết nối giao thông với huyện Vĩnh Cửu, cải tạo cảnh quan ven sông Đồng Nai, kiến tạo không gian công cộng, tạo nét riêng cho bộ mặt đô thị Biên Hòa.

Tuyến đường rộng 34 m, trong đó vỉa hè mỗi bên 5 m, mặt đường 24 m với các hạng mục phụ gồm: hệ thống tín hiệu giao thông, hệ thống thoát nước, lát gạch vỉa hè, cây xanh, xây dựng cầu Rạch Lung, đầu tư hệ thống chiếu sáng và trạm biến áp cấp nguồn chiếu sáng...

Dự án có chi phí xây dựng 385 tỷ đồng; bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 713 tỷ đồng và 204 tỷ đồng cho kinh phí dự phòng. Dự án còn xây công viên và kè với tổng vốn hơn 614 tỷ đồng. Để kết nối tuyến đường ven sông hiện hữu với dự án mới, Đồng Nai xây hầm chui với kinh phí 300 tỷ đồng đi qua cầu Hóa An.

Ngoài dự án trên, Đồng Nai cũng đang hoàn thiện hồ sơ để sớm khởi công xây dựng Dự án tuyến đường ven sông Cái với kinh phí 3.900 tỷ đồng và trục đường trung tâm TP. Biên Hòa với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng. Cả hai dự án trên dự kiến sẽ khởi công vào đầu năm 2022.

Tháo nút thắt cải tạo chung cư cũ của Hà Nội

Nghị định 69 về cải tạo, xây dựng lại chung cư được kỳ vọng tháo gỡ bế tắc 20 năm qua của Hà Nội, tuy nhiên chuyên gia cho rằng vẫn cần thêm chính sách đặc thù.

Một góc khu tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội

Một góc khu tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội

Nghị định 69 có hiệu lực từ tháng 9/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định nhiều chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, tiêu chuẩn căn hộ tái định cư không nhỏ hơn 25 m2; chủ sở hữu chung cư được lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền hoặc tái định cư tại địa điểm khác ở cùng địa bàn nếu chung cư cũ được xây mới, cải tạo nhưng thay đổi công năng, mục đích sử dụng; hệ số K bồi thường bằng 1 - 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong "sổ đỏ". Phần diện tích ngoài diện tích ghi trong "sổ đỏ" thì giải quyết theo pháp luật đất đai.

Các chủ sở hữu tầng một dành diện tích nhà để kinh doanh trước thời điểm Nghị định 69 có hiệu lực và dự án có bố trí một phần diện tích để kinh doanh dịch vụ, thương mại theo quy hoạch được phê duyệt thì ngoài việc được bồi thường theo quy định, nếu có nhu cầu còn được mua hoặc thuê một phần diện tích sàn kinh doanh thương mại, dịch vụ để kinh doanh...

Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, thời gian tới Thành phố thí điểm cải tạo một số khu chung cư cũ theo hướng tăng tiện ích đô thị, nâng giá trị của người dân, đáp ứng yêu cầu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên cơ sở của định hướng quy hoạch chung và quy hoạch phân khu.

TP. Hà Nội có gần 1.600 chung cư cũ, nhiều nhất cả nước, xây dựng những năm 1960 - 1999. Việc cải tạo được đặt ra từ 20 năm trước, nhưng đến nay chỉ 19 nhà được cải tạo xây mới (đạt 1,2%).

TP.HCM đề xuất đón khách du lịch quốc tế theo tour trọn gói từ tháng 12/2021

TP.HCM đề xuất đón khách quốc tế đến du lịch TP.HCM từ tháng 12/2021 với một số điều kiện nhất định, trong đó yêu cầu khách đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hoặc là F0 khỏi bệnh, có xét nghiệm âm tính và bảo hiểm du lịch, tour trọn gói.

Sau đợt dịch vừa qua, TP.HCM đang từng bước hồi phục du lịch

Sau đợt dịch vừa qua, TP.HCM đang từng bước hồi phục du lịch

Văn bản đề xuất đón khách quốc tế được UBND TP.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ VH-TT-DL.

Theo đó, TP.HCM cho rằng, việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian qua đã khẳng định vai trò quan trọng đối với việc phục hồi nền kinh tế. Một số quốc gia sau khi triển khai tiêm chủng trên diện rộng, đạt tỷ lệ tiêm vaccine cao, đã khôi phục hoạt động du lịch nội địa và du lịch quốc tế dành cho khách đã được tiêm vaccine.

Tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao đang tạm thời công nhận “hộ chiếu vaccine” của hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang trao đổi với gần 80 đối tác khác để công nhận lẫn nhau đối với “hộ chiếu vaccine”; 5 địa phương (Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng) đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương thí điểm đón khách quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine”. Đây là những điều kiện tiền đề cho việc mở lại hoạt động du lịch quốc tế đến TP.HCM.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cũng nhận xét, Thành phố còn có một số điều kiện cần thiết khác để đón khách du lịch quốc tế như: tỷ lệ người dân được tiêm vaccine của Thành phố đạt mức cao; hệ thống y tế sẵn sàng về nhân lực, vật lực, trang thiết bị vật tư y tế và đã có kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19…

TP.HCM dự kiến thí điểm từ tháng 12/2021 và thực hiện mở rộng phạm vi đón khách quốc tế trong năm 2022; không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”.

Tin cùng chuyên mục