Bản tin thời sự sáng 22/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Sở Giáo dục TP.HCM đề xuất tự ra đề thi tốt nghiệp THPT; giá xăng tăng gần 700 đồng một lít; tàu biển đâm vào gầm cầu Hoàng Văn Thụ; TP.HCM lại xin lùi thời gian hoàn thành metro Bến Thành - Suối Tiên; Hà Nội bố trí 57 điểm trông giữ xe miễn phí phục vụ SEA Games 31…

Sở Giáo dục TP.HCM đề xuất tự ra đề thi tốt nghiệp THPT

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề xuất được tự xây dựng đề thi tốt nghiệp theo quy chế, đảm bảo cấu trúc, định dạng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Học sinh TP.HCM tại một kỳ thi năm 2021

Học sinh TP.HCM tại một kỳ thi năm 2021

Kiến nghị được nêu trong Dự thảo Báo cáo công tác phát triển giáo dục đào tạo TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030, vừa được trình Thường trực UBND Thành phố.

Theo đó, Sở kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Thành phố cơ chế đặc thù để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. UBND Thành phố sẽ chịu trách nhiệm toàn diện, thực hiện tất cả khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương. Đề thi do Sở tự xây dựng.

Đề xuất tự xét, công nhận tốt nghiệp THPT bằng kỳ thi riêng được TP.HCM lần đầu đưa ra năm 2016. Lúc đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo không đồng ý đề xuất này với lý do đề án chưa xây dựng xong.

Năm ngoái, TP.HCM tiếp tục đề xuất Bộ giao quyền cho các tỉnh thành tự kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Sau đó, Bộ sẽ định kỳ tổ chức, đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương.

Giao quyền tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT cho địa phương từng được nhiều người đề xuất, nhất là trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, để tổ chức kỳ thi chung trên cả nước cùng một thời điểm là rất khó.

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện nay, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, đề thi và lịch thi hiện do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, thống nhất trên cả nước.

Giá xăng tăng gần 700 đồng một lít

Từ 15h ngày 21/4, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 660 đồng, RON 95 tăng 680 đồng và dầu tăng 800 - 970 đồng một lít.

Giá xăng tăng trở lại sau thời gian giảm liên tiếp

Giá xăng tăng trở lại sau thời gian giảm liên tiếp

Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, với việc tăng giá lần này, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/4 là 27.130 đồng một lít (tăng 660 đồng); RON 95 là 27.990 đồng một lít (tăng 680 đồng).

Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 23.820 đồng một lít, tăng 800 đồng. Dầu diesel là 25.350 đồng một lít, tăng 970 đồng. Dầu madut là 21.800 đồng một kg, tăng 880 đồng.

Cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu với các mặt hàng, trừ dầu madut là 250 đồng một lít (giảm 231 đồng so với kỳ điều hành ngày 12/4).

Thay vào đó, nhà điều hành trích Quỹ bình ổn cho các mặt hàng xăng, dầu (trừ dầu madut). Cụ thể, mức trích vào Quỹ bình ổn với xăng RON 95 là 500 đồng mỗi lít, E5 RON92 là 400 đồng. Dầu hoả và dầu diesel là 100 đồng mỗi lít.

Tàu biển đâm vào gầm cầu Hoàng Văn Thụ

Chết máy trong lúc cập cảng Hoàng Diệu, tàu biển Outrivaling 3 của Trung Quốc trôi dạt tự do và đâm vào gầm cầu Hoàng Văn Thụ (TP. Hải Phòng).

Tàu biển Outrivaling 3 đâm va, mắc vào gầm cầu Hoàng Văn Thụ, Hải Phòng, chiều 21/4

Tàu biển Outrivaling 3 đâm va, mắc vào gầm cầu Hoàng Văn Thụ, Hải Phòng, chiều 21/4

Khoảng 15h30 ngày 21/4, con tàu Outrivaling 3 dài 118,35 m, rộng ngang 19,4 m, chất đầy container hàng với tổng trọng tải 12.088 tấn, đâm vào gầm cầu Hoàng Văn Thụ, phía bờ sông thuộc quận Hồng Bàng.

Chiếc tháp cẩu trên tàu bị mắc kẹt dưới gầm cầu, phần đuôi tàu va chạm vào bờ kè, làm đổ một đoạn lan can dài khoảng 10 m cùng hệ thống đèn chiếu sáng.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã tới hiện trường chỉ đạo khắc phục sự cố; đồng thời cử lực lượng công an canh giữ, cấm phương tiện qua cầu Hoàng Văn Thụ từ 16h chiều 21/4.

Đến 21h30 cùng ngày, tàu Outrivaling 3 vẫn mắc kẹt dưới gầm cầu. Nhà chức trách đã điều động nhiều con tàu lai dắt kẹp chặt mũi và đuôi tàu, chờ thủy triều xuống sẽ đẩy tàu ngược trở lại phía cảng Hoàng Diệu, giải phóng khỏi cầu.

Ông Tạ Viết Đông, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng Hải Phòng cho biết, theo đánh giá sơ bộ, vụ đâm va không làm ảnh hưởng nhiều đến kết cấu cầu Hoàng Văn Thụ. Tuy nhiên, Thành phố sẽ phải chờ các chuyên gia đầu ngành thẩm định, kết luận.

Nguyên nhân ban đầu, theo ông Đông, tàu Outrivaking 3 chở hàng rời bị chết máy trong khi tiến vào cập cầu tàu số 7 và 8 của cảng Hoàng Diệu. Thủy triều lên, con tàu bị dòng nước đẩy trôi dạt tự do về phía thượng nguồn sông Cấm khoảng 200 m, rồi đâm va vào dầm thép cầu Hoàng Văn Thụ.

Cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm, kết nối trung tâm thành phố với khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, huyện Thủy Nguyên. Công trình có tổng đầu tư hơn 2.170 tỷ đồng, thông xe kỹ thuật vào tháng 10/2019.

TP.HCM lại xin lùi thời gian hoàn thành metro Bến Thành - Suối Tiên

UBND TP.HCM vừa xin chủ trương cho phép tiến hành các thủ tục điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vào cuối quý IV/2023.

Công nhân các nhà thầu lắp đặt hệ thống điện cung cấp cho tuyến metro số 1

Công nhân các nhà thầu lắp đặt hệ thống điện cung cấp cho tuyến metro số 1

Ngày 21/4, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Theo đó, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận chủ trương cho phép TP.HCM tiến hành các thủ tục điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công Dự án vào cuối quý IV/2023. Thời gian hỗ trợ, vận hành và bảo dưỡng từ 2024 - 2028.

Theo văn bản này, ngày 13/11/2019, UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án metro số 1 với thời gian hoàn thành là vào quý IV/2021. Tuy nhiên, UBND TPHCM cho biết, đến nay Dự án mới đạt 88,5% khối lượng nên cần phải điều chỉnh thời gian thực hiện để tiếp tục thi công, hoàn thành dự án.

Về nguyên nhân kéo dài thời gian thực hiện Dự án, UBND TPHCM cho biết do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thi công.

Bên cạnh đó, việc xử lý các nội dung tồn đọng chính để hoàn thành, kết thúc đàm phán phụ lục hợp đồng số 19 (hợp đồng tư vấn chung) giữa chủ đầu tư với Liên danh NJPT kéo dài do thay đổi về trình tự, quy định pháp lý trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự toán phát sinh.

Tuyến metro số 1 có chiều dài gần 20 km, đi từ chợ Bến Thành (Quận 1) đến Depot Long Bình (TP. Thủ Đức) gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.

Hà Nội bố trí 57 điểm trông giữ xe miễn phí phục vụ SEA Games 31

Để phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31), Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội vừa đề nghị bố trí, bổ sung 57 điểm đỗ xe tạm thời tại các tuyến đường, các bãi đất trống hiện chưa sử dụng.

Hà Nội yêu cầu bố trí 57 điểm trông giữ xe phục vụ SEA Games 31. Ảnh minh họa

Hà Nội yêu cầu bố trí 57 điểm trông giữ xe phục vụ SEA Games 31. Ảnh minh họa

Ngày 21/4, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa yêu cầu bố trí, bổ sung 57 điểm đỗ xe tạm thời tại các tuyến đường, các bãi đất trống hiện chưa sử dụng xung quanh khu vực thi đấu.

Các điểm đỗ bao gồm các vị trí đã cấp phép trông giữ xe tạm thời, các vị trí trong khuôn viên nhà thi đấu để phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31).

Cụ thể, 17 điểm trông giữ xe được bố trí tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình gồm: Bãi đỗ xe Mỹ Đình 1, bãi đỗ xe Mỹ Đình 2, Lê Đức Thọ 2; lòng đường Nguyễn Hoàng, Trần Văn Lai (2 điểm), Lê Đức Thọ (2 điểm), Châu Văn Liêm, Mễ Trì - Đồng Me, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Cơ Thạch, Trần Hữu Dực, Đỗ Đình Thiện, Hàm Nghi, Vũ Quỳnh, Hoàng Trọng Mậu.

Với địa điểm tại các nhà thi đấu, quận, huyện khác, bố trí 40 điểm gửi xe tại khuôn viên các nhà thi đấu và các tuyến phố lân cận.

Cùng với đó, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị trông giữ xe rà soát, hoàn thiện phương án, điều kiện trông giữ xe... để phục vụ các hoạt động của đại hội (không thu giá dịch vụ trông giữ).

Xí nghiệp thuộc Công ty Bóng đèn Điện Quang xả thải ra môi trường

Phòng Cảnh sát môi trường cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai bắt quả tang nhân viên Công ty CP Bóng đèn Điện Quang đang xả thải không qua xử lý ra môi trường.

Cảnh sát kiểm tra hầm chứa chất thải chưa qua xử lý trong khuôn viên xí nghiệp đèn ống

Cảnh sát kiểm tra hầm chứa chất thải chưa qua xử lý trong khuôn viên xí nghiệp đèn ống

Ngày 21/4, Phòng Cảnh sát môi trường cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai khai quật hệ thống thoát nước và hầm chứa nước (sử dụng chôn lấp chất thải nguy hại) trong khuôn viên của Xí nghiệp đèn ống thuộc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (TP. Biên Hòa) để làm rõ hành vi xả chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường.

Cơ quan chức năng bắt quả tang ba công nhân Xí nghiệp đèn ống đang tiêu hủy chất thải nguy hại (bóng đèn) không đúng quy định. Tại hiện trường, gần 5 tấn thủy tinh có hóa chất chứa trong 195 bao và gần 370.000 bóng đèn chưa kịp xay nghiền đựng trong các sọt nhựa. Nước thải trong quá trình xay nghiền bóng đèn thoát trực tiếp ra hệ thống mương thoát nước.

Cảnh sát còn phát hiện hai hầm bê tông được xây âm dưới đất bên trong xí nghiệp có chứa chất thải công nghiệp, nghi vấn đây là số chất thải phát sinh trong quá trình xay nghiền vỏ bóng đèn được đổ trái quy định.

Điều tra bước đầu, công ty trên được cho không thu gom chất thải để xử lý; tự xử lý chất thải không đăng ký với cơ quan chức năng; chôn lấp chất thải nguy hại tại khuôn viên công ty.

Đề xuất quy hoạch thêm metro, đường sắt nhẹ ở TP.HCM

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị bổ sung các tuyến metro, đường sắt chuyên dụng kết nối cảng, sân bay vào quy hoạch để đáp ứng nhu cầu phát triển Thành phố.

Kẹt xe trên xa lộ Hà Nội

Kẹt xe trên xa lộ Hà Nội

Đề xuất vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi Sở Quy hoạch và Kiến trúc nhằm phù hợp sự biến động dân số, nhu cầu đi lại và định hướng kết nối TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Theo đó, tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Sở Giao thông vận tải đề xuất nghiên cứu, bổ sung tuyến đường sắt đô thị kết nối nhà ga T1, T2 (đang khai thác) và T3 (sắp xây dựng). Đồng thời, tuyến đường sắt nhẹ đi theo Vành đai 2 - Phạm Văn Đồng được đề xuất thêm vào quy hoạch, nhằm kết nối và trung chuyển khách giữa hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành, dự kiến khai thác năm 2025.

Cũng tại khu vực sân bay, tuyến đường sắt nhẹ, monorail kết nối các tuyến Metro Số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) và Số 4 (Thạnh Xuân - khu đô thị Hiệp Phước) được đề nghị bổ sung để thay thế tuyến Metro Số 4b (dài 3,2 km, đi ngầm) được quy hoạch trước đó.

Ngành giao thông cũng đề nghị thêm hệ thống đường sắt chuyên dụng kết nối các cảng hàng hóa, container tại TP. Thủ Đức và dọc sông Sài Gòn để liên kết các tỉnh thành lân cận. Khu vực này hiện có các cụm lớn như Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ, sắp tới có ICD Long Bình... nhưng trong quy hoạch chưa có hệ thống vận tải chuyên dụng.