Bản tin thời sự sáng 22/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 5 dự án cao tốc Bắc Nam sắp khởi công; Bắc Giang dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách từ 0h ngày 21/5; gần 3.800 tỷ đồng xây đường kết nối Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; Bệnh viện K cơ sở 9A – 9B Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp hoạt động trở lại từ ngày 24/5; bắt khẩn cấp chủ đường dây sản xuất xăng dầu giả quy mô lớn ở Bình Thuận…

5 dự án cao tốc Bắc Nam sắp khởi công

5 dự án cao tốc Bắc Nam gồm 2 dự án đầu tư công và 3 dự án theo hình thức đối tác công tư PPP sẽ được khởi công trong quý 2/2021.

Cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đang thi công

Cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đang thi công

Ngày 22/5, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh) khởi công. Đây là dự án đầu tiên trong 3 cao tốc Bắc Nam theo hình thức PPP được triển khai.

Cao tốc này dài 50 km, tổng vốn đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng, được Bộ Giao thông Vận tải ký kết hợp đồng triển khai với nhà đầu tư một tuần trước đây.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án PPP Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa) đã được Bộ ký kết với nhà đầu tư sẽ khởi công vào tháng 6. Dự án PPP còn lại là Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận) đang được đàm phán với nhà đầu tư, dự kiến sẽ ký hợp đồng cuối tháng 5 và khởi công trong tháng 6.

Hai dự án cao tốc theo hình thức đầu tư công là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa - Nghệ An) đang được các Ban Quản lý dự án khẩn trương lựa chọn đơn vị xây lắp. Các gói thầu đều được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án 2, đơn vị đã mở thầu hồ sơ đề xuất kỹ thuật của hai gói thầu xây lắp Cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn. Tổ chuyên gia của Ban đang đánh giá hồ sơ dự thầu. Dự kiến, trong tháng 6, gói thầu xây lắp đầu tiên của dự án này sẽ được khởi công.

Dự án Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu có 4 gói thầu xây lắp cũng đã được Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) mở thầu và đánh giá hồ sơ. Dự kiến trong tháng 6, gói thầu đầu tiên của Dự án sẽ chọn được nhà thầu và khởi công.

Bắc Giang dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách từ 0h ngày 21/5

Bên cạnh biện pháp với hoạt động vận tải, tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu người dân thực hiện triệt để nhà nào ở yên nhà ấy, không đến chơi nhà ai, không cho ai vào nhà mình, nhà nhà cửa đóng then cài.

Bến xe Bắc Giang đã dừng mọi hoạt động vận tải nội địa

Bến xe Bắc Giang đã dừng mọi hoạt động vận tải nội địa

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19, từ 0 giờ ngày 21/5, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Giang yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động vận tải khách bằng ôtô trên địa bàn Tỉnh, bao gồm cả hoạt động vận tải khách liên tỉnh và hoạt động vận tải khách nội Tỉnh (trừ trường hợp xe phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cơ quan chức năng).

Đối với các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh có hành trình đi qua tỉnh Bắc Giang, nghiêm cấm dừng đón, trả khách trên địa bàn Tỉnh; dừng toàn bộ hoạt động của các bến khách ngang sông và Bến phà Đồng Việt; dừng toàn bộ hoạt động của các bến xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn Tỉnh.

Sở Giao thông Vận tải đề nghị Công an Tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an các huyện, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện kinh doanh vận tải khách, bến phà và bến khách ngang sông không chấp hành việc dừng hoạt động.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc ngừng hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô, ngừng hoạt động vận tải khách ngang sông; xử lý nghiêm các phương tiện và đơn vị kinh doanh vận tải khách, bến phà và các bến khách ngang sông cố tình hoạt động.

Gần 3.800 tỷ đồng xây đường kết nối Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc

Dự án tuyến đường liên kết giữa Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc dài 42 km, có tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng.

Nút giao Yên Bình trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên kết nối với đường vành đai 5 thủ đô đang được xây dựng và dự kiến sẽ kết nối với tuyến đường 3.800 tỷ đồng

Nút giao Yên Bình trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên kết nối với đường vành đai 5 thủ đô đang được xây dựng và dự kiến sẽ kết nối với tuyến đường 3.800 tỷ đồng

Dự án cũng kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào khu du lịch Hồ Núi Cốc, kết nối khu du lịch ATK Định Hóa, tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng Tây Tam Đảo, là đường tránh cho thành phố Thái Nguyên...

Tuyến đường chia làm hai đoạn, trong đó đoạn một dài hơn 4 km, rộng từ 12 đến 47 m, điểm đầu nối với đầu cầu Hòa Sơn (cầu kết nối giữa huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang với thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên), điểm cuối giao với đường vành đai 5, vùng thủ đô tại phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên.

Đoạn thứ hai gồm tuyến chính và 2 tuyến nhánh dài 38,42 km, rộng 22 m; trong đó, tuyến chính dài 32,5 km, điểm đầu tại nút giao Yên Bình, thuộc địa phận phường Tân Hương, thị xã Phổ Yên, điểm cuối giao với đường 261 thuộc xã Ký Phú, huyện Đại Từ. Tuyến nhánh dài 3 km từ tuyến chính kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc tại điểm giáp ranh giữa tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Vĩnh Phúc...

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.800 tỷ đồng, trong đó hơn 1.800 tỷ đồng được Trung ương hỗ trợ, còn lại là ngân sách địa phương, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 2025.

Bệnh viện K cơ sở 9A – 9B Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp hoạt động trở lại từ ngày 24/5

Theo thông tin từ Bệnh viện K, từ ngày 24/5, Bệnh viện K cơ sở Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp sẽ gỡ bỏ phong toả, hoạt động trở lại tiếp nhận người bệnh đến thăm khám, điều trị...

Bệnh viện K cơ sở 9A – 9B Phan Chu Trinh hoạt động trở lại từ ngày 24/5

Bệnh viện K cơ sở 9A – 9B Phan Chu Trinh hoạt động trở lại từ ngày 24/5

Sau khi ghi nhận các trường hợp nhiễm COVID-19 tại cơ sở Tân Triều vào ngày 7/5, Bệnh viện K đã kích hoạt toàn bộ các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất. Giám đốc Bệnh viện đã có quyết định phỏng tỏa Bệnh viện K ở cả 3 cơ sở từ 5h30 ngày 7/5, không tiếp nhận người bệnh tới khám, điều trị trừ trường hợp cấp cứu.

Bệnh viện đã thần tốc truy vết, khoanh vùng và trong thời gian sớm nhất lấy tất cả mẫu xét nghiệm những người cách ly tại bệnh viện để sàng lọc ngay.

Lãnh đạo Bệnh viện K cho biết, Bệnh viện đã xét nghiệm hơn 10.000 mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, Gen expert cho tất cả cán bộ y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên vệ sinh, nhân viên nhà bếp, nhân viên bảo vệ đang cách ly tại 3 cơ sở của bệnh viện.

Những ca bệnh nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện đều được ghi nhận ở cơ sở Tân Triều, các cơ sở cách ly ở bên ngoài bệnh viện và đã được cách ly trước đó, do vậy không có khả năng lây lan ra cộng đồng; lây chéo trong bệnh viện hay các cơ sở khác.

Cần hơn 8.100 tỷ đồng xử lý 76 điểm sạt lở ở miền Tây

Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đề xuất Chính phủ hỗ trợ 8.143 tỷ đồng để xây đê, kè tại 76 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 140 km.

Hiện trường vụ sạt lở hàng chục m tại Quốc lộ 91 tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang xuống sông Hậu

Hiện trường vụ sạt lở hàng chục m tại Quốc lộ 91 tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang xuống sông Hậu

Cà Mau là địa phương có tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng nhất miền Tây. 10 năm qua, sóng biển cuốn trôi của tỉnh này khoảng 1.000 ha đất, rừng phòng hộ. Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, tại bờ biển Tây dài khoảng 100 km thì có 62 km bị sạt lở. Những năm qua, từ các nguồn vốn Trung ương và địa phương, 40 km đê, kè đã được xây dựng.

Hiện còn khoảng 22 km ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân đang bị sạt lở nguy hiểm, chỉ còn cách đê khoảng 20 - 30 m. Để xử lý tình trạng này, cần kinh phí khoảng 500 tỷ đồng.

Còn bờ biển Đông dài 150 km, trong đó hơn 40 km bị sạt lở, nằm ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi; mỗi năm ăn sâu vào đất liền 30 - 40 m.

Trong khi đó, tỉnh Kiên Giang có 50 km trong tổng số 200 km bờ biển Tây đang bị sóng biển tàn phá. UBND Kiên Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ 900 tỷ đồng để xây kè bờ biển, bảo vệ đê, tạo bãi phát triển rừng phòng hộ.

Tại An Giang, kết quả quan quan trắc mới nhất cho thấy, có 53 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài hơn 170 km, nguy cơ ảnh hưởng khoảng 20.000 hộ dân. Trong đó, hơn 5.380 hộ cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đây là địa phương bị sạt lở bờ sông nặng nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

Nữ đại gia Vũng Tàu bị khởi tố tội Rửa tiền

Bà Lâm Thị Thu Trà, bị khởi tố thêm tội Rửa tiền, sau hơn một tháng bị bắt vì cho chủ biệt thự dát vàng vay lãi nặng.

Bà Lâm Thị Thu Trà khi bị bắt

Bà Lâm Thị Thu Trà khi bị bắt

Quyết định khởi tố thêm tội đối với bà Trà được Công an thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đưa ra. Nữ đại gia Vũng Tàu bị cáo buộc theo khoản 3 Điều 324 BLHS, khung hình phạt cao nhất 15 năm tù.

Hành vi của bà này bị phát hiện sau hơn một tháng điều tra bị can cùng chị dâu Đặng Thị Tuyết Lan, về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Công an thị xã Phú Mỹ cho rằng tìm thấy nhiều tài liệu, chứng cứ thể hiện bà Trà chuyển hóa tiền phạm tội thành tài sản khác, thông qua các giao dịch – là căn cứ cấu thành tội Rửa tiền, song chưa tiết lộ cụ thể các vụ việc và nạn nhân vì "trong quá trình điều tra".

Bà Trà là vợ diễn viên Kinh Quốc, được biết đến là doanh nhân bất động sản giàu có ở TP. Vũng Tàu.

Theo điều tra, từ 2018 đến 2019, chị em bà Trà cho chủ biệt thự "dát vàng" Lê Thái Thiện (thị xã Phú Mỹ) vay tiền lãi suất 2.000 - 3.000 đồng mỗi triệu đồng một ngày, cao hơn gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự. Họ bị cáo buộc thu lợi bất chính (ông Thiện trả lãi) là hơn 106 triệu đồng.

Ông Thiện và con trai Lê Thái Phong dùng số tiền này tiếp tục cho nhiều người khác vay lại với lãi suất 0,3 -0,4% mỗi ngày để hưởng chênh lệch, 10 ngày chốt lãi một lần. Khi người vay không có khả năng trả, ông Thiện buộc họ gán đất cho mình với giá rẻ.

Nguồn tiền có được từ cho vay lãi nặng, cha con ông Thiện đổ vào kinh doanh hợp pháp hoặc mua bán bất động sản. Công an thị xã Phú Mỹ xác định hành vi này là Rửa tiền.

Bắt khẩn cấp chủ đường dây sản xuất xăng dầu giả quy mô lớn ở Bình Thuận

Chiều 21/5, Công an Bình Thuận cho hay, đường dây này cung cấp cho các cửa hàng xăng dầu tại Bình Thuận khoảng hơn 1 triệu lít xăng dầu giả mỗi tháng.

Ông Nguyễn Huy Đạt chứng kiến cơ quan điều tra thu giữ tang vật

Ông Nguyễn Huy Đạt chứng kiến cơ quan điều tra thu giữ tang vật

Công an Bình Thuận đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc tàng trữ, sản xuất xăng dầu giả quy mô lớn tại huyện Hàm Tân.

Trong quá trình kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, Công an Bình Thuận phát hiện một doanh nghiệp có dấu hiện sản xuất xăng dầu giả. Lực lượng chức năng của Công an Bình Thuận bất ngờ bao vây, kiểm tra kho xăng dầu của ông Nguyễn Huy Đạt (trú tại phường Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM) tại thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân và phát hiện có trên 13.000 lít xăng, 2.000 lít dầu và khoảng 7.000 lít dung môi không có hoá đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ.

Cùng thời điểm trên, một tổ công tác khác của Công an Bình Thuận đã khám xét và bắt khẩn cấp ông Nguyễn Huy Đạt và vợ là bà Lê Thị Yến Nhi tại nơi ở của vợ chồng ông Đạt tại thôn Đông Thuận, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Được biết, qua theo dõi và điều tra ban đầu, vợ chồng ông Đạt đã dùng dùng nhiều thủ đoạn như mua dung môi về pha chế thành xăng giả, mua dầu đã pha chế kém chất lượng để đưa ra thị trường. Ngoài ra, còn "rút ruột" các xe bồn chứa xăng, bơm dung môi vào thay thế.

Đường dây xăng dầu giả của vợ chồng ông Đạt đã cung cấp cho các cửa hàng xăng dầu tại Bình Thuận khoảng hơn 1 triệu lít/tháng trong thời gian dài và thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.