Hà Nội lên kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi
Ngành Y tế Hà Nội đang rà soát, thống kê số lượng trẻ cần tiêm vaccine phòng Covid-19 với ba nhóm tuổi từ 3 đến 11, từ 12 đến 15, từ 16 đến 17 tuổi và xây dựng kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
Theo kế hoạch được CDC Hà Nội xây dựng, trẻ em từ 17 tuổi sẽ tiêm trước vaccine phòng Covid-19, sau đó đến các nhóm tuổi giảm dần |
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, đơn vị đang rà soát số lượng trẻ em cần tiêm vaccine phòng Covid-19 với ba nhóm tuổi từ 3 đến 11, từ 12 đến 15 và từ 16 đến 17 tuổi. Đáng chú ý, CDC Hà Nội xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi và kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên trong năm 2022.
Trẻ em từ 17 tuổi sẽ tiêm trước, sau đó đến các nhóm tuổi giảm dần theo kế hoạch của Bộ Y tế. Tốc độ tiêm phụ thuộc vào nguồn vaccine.
Ông Tuấn cho biết thêm, đến nay, Thành phố đã triển khai 24 đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 với hơn 7,8 triệu mũi, có ngày lên trên 600.000 mũi. Ngành y tế Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành tiêm vaccine trả mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên vào cuối năm 2021, gồm cả người ngoại tỉnh trên địa bàn.
Dự kiến hoàn thành cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn vào cuối tháng 11/2021
Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn với tổng mức đầu tư hơn 1.162 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2021, sau hai năm thi công.
Dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dài 7,2 km, đến nay khối lượng thi công trên tuyến đạt 95% |
Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dài 7,2 km với 4 làn xe, có điểm đầu thuộc địa phận huyện Ý Yên (Nam Định), điểm cuối thuộc địa phận huyện Yên Mô (Ninh Bình).
Được khởi công từ tháng 12/2019, đây là dự án duy nhất trong 11 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Bộ Giao thông vận tải giao cho địa phương làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 1.162 tỷ đồng.
Hiện khối lượng thi công trên tuyến đạt 95%, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2021.
Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn có 6 cây cầu, trong đó có 2 cầu lớn, 4 cầu vượt ngang và 2 hầm chui dân sinh. Riêng cầu Nam Bình giai đoạn 2 (bắc qua sông Đáy) có mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng, dài 1,6 km. Đây là cây cầu dài nhất trên tuyến cao tốc này, hiện đã được hợp long.
Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn hiện vẫn hạn chế cho xe đi vào. Khi chính thức hoạt động, tuyến cao tốc này sẽ kết nối với hệ thống thu phí trên đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình tạo thành hệ thống thu phí kín Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cao Bồ - Mai Sơn.
TP.HCM dự kiến làm nhiều không gian ngầm phục vụ đi lại, mua sắm và giải trí
Công viên Mê Linh, đường Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng… ở Quận 1 sẽ được quy hoạch thành các không gian ngầm phục vụ đi lại, mua sắm và giải trí của người dân.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ được phát triển không gian ngầm nhiều tầng |
Thông tin trên được nêu trong Dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM do Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì soạn thảo, đang tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và người dân.
Cụ thể, tại khu trung tâm 930 ha (gồm một phần các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh) sẽ phát triển không gian ngầm ở đường Nguyễn Huệ với nhiều tầng. Tầng hầm thứ nhất tạo hành lang cho người đi bộ kết nối các khu vực lân cận như Nhà hát Thành phố, khu công viên dọc sông Sài Gòn. Tại các điểm nút giao của khu vực này sẽ có các quảng trường và các kios diện tích tối đa 60 m2… Hành lang dành cho người đi bộ được bố trí đài phun nước, công viên mini... phục vụ nhu cầu khách giải trí, thư giãn. Tầng thứ hai và ba sẽ làm bãi giữ xe.
Khu vực công trường Mê Linh cách đó khoảng 1 km sẽ được xây dựng vườn trũng ở tầng ngầm, xung quanh có quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ... Vườn trũng kết nối bãi đậu xe ngầm đường Tôn Đức Thắng sức chứa hơn 300 ô tô ở hai tầng hầm, nằm cách đó 100 m, phía Nam đường Ngô Văn Năm. Đây cũng là nơi kết nối các công trình ngầm, các tòa nhà xung quanh trong tương lai. Khu vực giữa công trường Mê Linh và sông Sài Gòn sẽ có 3 trạm xe bus gồm trạm LRT và trạm taxi thủy kết nối người đi bộ giữa các trạm với vườn trũng.
Năm 2012, UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị khu trung tâm hiện hữu Thành phố có diện tích 930 ha. Trong đó, quy hoạch không gian ngầm chủ yếu ở Quận 1, bao gồm: không gian ngầm dưới đường Lê Lợi, giữa ga Bến Thành và ga Nhà hát Thành phố; đường Nguyễn Huệ, giữa ga Nhà hát Thành phố và đường Tôn Đức Thắng; không gian ngầm dưới ga Bến Thành của Metro số 1; không gian ngầm dưới Công viên 23/9...
5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đội vốn hơn 80.000 tỷ
3 dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và 2 dự án tại TP.HCM, sau nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, đội vốn hơn 80.000 tỷ đồng.
3 trong số 4 dự án đường sắt đô thị đang triển khai trên địa bàn Hà Nội đều lâm vào tình trạng đội vốn |
Số vốn tăng thêm trên được thể hiện trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.
Theo báo cáo của Chính phủ, 2 thành phố lớn đang đầu tư 6 tuyến đường sắt đô thị với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Điển hình là tình trạng nhiều dự án tăng tổng mức đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh.
Dự án Đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư 17.387 tỷ đồng. Đến nay, sau 2 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư là 43.757 tỷ đồng, tăng khoảng 26.400 tỷ đồng.
Dự án Tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Tham Lương có mức đầu tư ban đầu là 26.116 tỷ đồng. Hiện nay, tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên 47.890 tỷ đồng, tăng 21.700 tỷ đồng so với thời điểm ban đầu.
Tại Hà Nội, Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông (dài 13 km) có tổng mức đầu tư ban đầu là 8.769 tỷ đồng, đến nay tăng lên 18.000 tỷ đồng, tăng 9.231 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.
Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, có tổng mức đầu tư hơn 22.500 tỷ đồng. Sau đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh lên 32.910 tỷ đồng, tăng khoảng 10.400 tỷ đồng.
Tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5 km, có tổng mức đầu tư ban đầu 19.555 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên 35.679 tỷ đồng, tăng hơn 16.000 tỷ đồng.
Như vậy, 5 trong 6 dự án đường sắt đô thị đang thực hiện trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM đội vốn với tổng mức đầu tư tăng thêm hơn 80.000 tỷ đồng sau nhiều lần điều chỉnh.
Thừa Thiên Huế thí điểm đón khách quốc tế vào cuối năm 2021
Từ tháng 12, Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine bằng các chuyến bay thuê bao đến địa phương này.
Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine bằng các chuyến bay thuê bao |
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang lên kế hoạch phục hồi, kích cầu các hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới. Theo dự thảo kế hoạch, Thừa Thiên Huế ưu tiên khôi phục du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng các khu phức hợp, khu du lịch ven biển có tính biệt lập, cách xa khu dân cư để đón khách du lịch nội địa từ tháng 11.
Để đạt yêu cầu đón khách nội địa, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải có thẻ kiểm soát dịch bệnh để quét mã QR tại tất cả các điểm đến. Toàn bộ nguồn nhân lực trực tiếp trong ngành du lịch phải được tiêm 2 mũi vaccine.
Du khách đến tham quan, du lịch ở Thừa Thiên Huế từ 18 tuổi trở lên phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương. Khách du lịch dưới 18 tuổi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch.
Từ tháng 12, Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine bằng các chuyến bay thuê bao đến địa phương này sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Việc đón khách du lịch quốc tế được thực hiện theo 2 giai đoạn tại các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch khép kín. Giai đoạn 1 (dự kiến từ tháng 12), Thừa Thiên Huế triển khai đón khách du lịch quốc tế đến khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô và một số resort, điểm dịch vụ khép kín khác.
Nếu triển khai thành công, ngành du lịch Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 là đề xuất các thị trường có tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch Covid-19, gồm Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, châu Úc, New Zealand, Mỹ.
Nợ thuế đất 658 tỷ đồng, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình bị phong tỏa tài khoản
Nợ thuế đất lên tới 658 tỷ đồng, đến nay, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới nộp trên 35 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình mới nộp hơn 35 tỷ đồng trên tổng số 658 tỷ đồng tiền thuế đất |
Theo đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội, cơ quan quản lý thuế đã ban hành các quyết định cưỡng chế bằng hình thức phong tỏa tài khoản và hình thức thông báo hoá đơn không có giá trị sử dụng đối với Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.
Nguyên nhân dẫn tới các quyết định cưỡng chế thuế này là do Khu liên hợp thể thao quốc gia thuộc nhóm đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính có sử dụng một phần diện tích cho thuê, liên doanh, liên kết. Vì vậy, đơn vị này thuộc đối tượng phải nộp tiền thuế đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, Khu liên hợp thể thao này thường xuyên thuộc diện nợ thuế. Từ năm 2017, Cục Thuế TP. Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành xác định nghĩa vụ tài chính và ban hành thông báo thu, truy thu tiền thuế đất đối với Khu liên hợp thể thao này.
Đến tháng 5 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra và kiến nghị đơn vị phải nộp tiền thuế đất và tiền chậm nộp đối với việc cho thuê, liên doanh, liên kết trong giai đoạn 2009 - 2018. Đến nay, số tiền thuế mà Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình mới nộp vào ngân sách Nhà nước là trên 35 tỷ đồng.
Trước đó, Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình giai đoạn 2009 - 2018 cho biết, đơn vị này đã để phát sinh hàng loạt sai phạm nghiêm trọng dẫn đến thất thoát lớn ngân sách nhà nước.
Tổng số tiền sai phạm bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra là khoảng 777 tỷ đồng, trong đó, riêng tiền thuế đất chưa nộp và chậm nộp là 658 tỷ đồng.
Tiêm vaccine Covid-19 cho 100.000 trẻ em TP. Thủ Đức từ ngày 25/10
UBND TP. Thủ Đức có kế hoạch triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho 100.000 trẻ em từ 12 đến hết 17 tuổi, dự kiến từ ngày 25/10.
TP. Thủ Đức sẽ tiêm mũi một vaccine Covid-19 cho khoảng 25.000 trẻ tuổi từ 16 đến hết 17, sau đó tiếp tục hạ dần |
Theo kế hoạch do Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng ký ngày 22/10, TP. Thủ Đức sẽ tiêm mũi một trước cho khoảng 25.000 trẻ tuổi từ 16 đến hết 17, sau đó tiếp tục hạ dần từ 14 đến hết 15 tuổi (khoảng 30.000 trẻ), sau đó từ 13 đến 12 tuổi (khoảng 45.000 trẻ) tùy thuộc tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Loại vaccine được sử dụng là loại được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Thành phố ưu tiên tiêm chủng cho trẻ em béo phì, có bệnh mạn tính...
Theo lộ trình, giai đoạn một từ ngày 18 đến 21/10, TP. Thủ Đức lấy ý kiến cha mẹ học sinh thông qua "Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vaccine Covid-19" theo mẫu Bộ Y tế ban hành. Các trường học tổng hợp phiếu đồng thuận báo cáo số lượng và danh sách cụ thể về Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Giai đoạn hai, dự kiến từ ngày 25/10, Thành phố bắt đầu tổ chức chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ từ 16 đến hết 17 tuổi và hạ dần xuống 12 tuổi. Giai đoạn ba, dự kiến từ ngày 25/11 triển khai tiêm nhắc mũi hai.
54 điểm tiêm sẽ được bố trí tại các điểm cố định ở 34 phường, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện TP. Thủ Đức, Bệnh viện Lê Văn Việt. Mỗi phường tùy tình hình thực tế có thể bố trí nhiều điểm tiêm cố định để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ đến điểm tiêm trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 hiện nay. Các đội tiêm do Trung tâm Y tế Thành phố cùng ba bệnh viện trên đảm trách.
Bộ Y tế từ ngày 14/10 đã cho phép tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi, theo lộ trình từ lớn đến nhỏ, ưu tiên lứa 16 - 17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.