325.000 người ở TP.HCM chưa nhận gói hỗ trợ Covid-19
Khoảng 325.000 người ở quận Bình Tân, huyện Củ Chi và Bình Chánh chưa nhận được tiền từ gói hỗ trợ Covid-19 đợt ba năm 2021 do TP.HCM thiếu kinh phí.
Cán bộ tổ dân phố lấy thông tin gói hỗ trợ đợt 3 |
Gói hỗ trợ thứ ba bắt đầu chi cho người dân vào cuối tháng 9/2021, mỗi người nhận một triệu đồng. Thành phố phê duyệt danh sách 7,4 triệu người. Sau nhiều tháng triển khai, Thành phố đã chi hỗ trợ cho gần 7,1 triệu người. Các trường hợp chưa nhận được tiền tập trung ở Bình Chánh (187.700 người), Bình Tân (16.200 người), Củ Chi (2.900 người).
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM Nguyễn Văn Lâm cho biết, người dân phải nhận được tiền hỗ trợ từ năm 2021 nhưng đến nay tiền vẫn chưa đến là quá chậm. Trước đó lãnh đạo Thành phố nhiều lần thông tin về việc sẽ sớm cấp bù kinh phí cho các địa phương, song thiếu kinh phí và gặp khó khăn trong cân đối ngân sách phòng chống dịch trong bối cảnh Covid-19 kéo dài.
Hiện, Thành phố đã cấp bù kinh phí còn thiếu để các địa phương hoàn tất gói hỗ trợ đợt 3. Bình Chánh - có số người chưa nhận nhiều nhất - từ đầu tháng 2/2023 đã lập 126 tổ công tác tại 16 xã, thị trấn để chi tiền cho người dân, song số lượng lớn đã xảy ra tình trạng xếp hàng chờ đợi tại một số địa điểm.
Theo yêu cầu của UBND TP.HCM, các địa phương cùng các sở, ngành liên quan phải nhanh chóng chi tiền hỗ trợ cho người dân và kết thúc trước 31/3.
Hà Nội chốt thi ba môn vào lớp 10
Học sinh Hà Nội sẽ thi ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập, không có môn thứ tư.
Hà Nội chốt thi 3 môn: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ để tuyển sinh vào lớp 10. |
Ngày 22/2, UBND TP. Hà Nội đưa ra quyết định trên, dựa theo tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra với ba môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Như vậy, hai năm liên tiếp, kỳ thi này không có môn thứ tư.
Những năm trước, kỳ thi diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Hai bài thi Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút mỗi môn. Với môn Ngoại ngữ, học sinh thi trắc nghiệm trong 60 phút.
Hôm 16/2, Văn phòng UBND Thành phố bất ngờ tổ chức khảo sát, lấy ý kiến trực tuyến về số môn thi vào lớp 10 công lập. Hai lựa chọn được đưa ra gồm thi ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ hoặc thêm môn thứ tư. Sau khi chọn một trong hai phương án, người được hỏi có thể đưa ra ý kiến khác (nếu có). Theo kết quả được cơ quan này công bố tối 20/2, trong số người tham gia khảo sát, cơ bản chọn phương án thi ba môn.
Năm 2020, Thành phố bỏ môn thứ tư do dịch bệnh bùng phát. Năm 2021, Hà Nội trở lại thi bốn môn, sau đó tiếp tục bỏ môn thứ tư trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2022. Trong hai lần thi môn thứ tư, Lịch sử đều là môn được chọn.
Hơn 58.000 doanh nghiệp tại TP.HCM nợ bảo hiểm xã hội
Tính đến ngày 31/1/2023, trên địa bàn TP.HCM có 58.092 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, với tổng số tiền nợ 4.874,64 tỷ đồng, chiếm 7,55% so với tổng số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hơn 58.000 doanh nghiệp tại TP.HCM nợ bảo hiểm xã hội |
Theo báo cáo Bảo hiểm Xã hội TP.HCM vừa gửi UBND Thành phố về tình hình nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tính đến hết tháng 1/2023, trên địa bàn Thành phố có hơn 58.000 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 4.800 tỷ đồng.
Cụ thể, tính đến ngày 31/1/2023, trên địa bàn TP.HCM có 58.092 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, với tổng số tiền nợ 4.874,64 tỷ đồng, chiếm 7,55% so với tổng số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Sau khi trừ nợ dưới 1 tháng là 33,03 tỷ đồng và nợ khó thu là 581,74 tỷ đồng, số tiền nợ còn lại là 3.955,87 tỷ đồng, chiếm 6,13% so với tổng số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hiện TP.HCM có 41.176 đơn vị nợ từ 1 đến 3 tháng với số tiền nợ 1.966,23 tỷ đồng; 6.729 đơn vị nợ từ 3 đến 6 tháng với số tiền nợ 423,73 tỷ đồng; 3.546 đơn vị nợ từ 6 đến 12 tháng với số tiền khoảng 335,51 tỷ đồng. Đặc biệt, trên địa bàn có 6.641 đơn vị nợ trên 12 tháng với số tiền nợ 1.812,14 tỷ đồng.
Từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/1/2023, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM đã thực hiện chuyển UBND Thành phố ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền đối với 115 đơn vị (nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp) với số tiền phạt là gần 16 tỷ đồng.
Đã có 12 đơn vị chấp hành quyết định xử phạt, tổng số tiền phạt 1,8 tỷ đồng, 62 đơn vị giải quyết nợ với tổng số tiền là 22,25 tỷ đồng.
Bình Dương bán đấu giá gần 18.000 ha đất gắn với các dự án giao thông trọng điểm
Hàng loạt khu đất gắn liền với các dự án giao thông trọng điểm tại Bình Dương sẽ được đấu giá để lấy kinh phí phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Sau khi đấu giá hoàn thành, Bình Dương sẽ giám sát, tránh tình trạng bỏ hoang gây lãng phí quỹ đất.
Vị trí xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Bình Dương (vạch đỏ) |
Ngày 22/2, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, để giải quyết câu chuyện giao thông gắn liền phát triển kinh tế vùng, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, địa phương đang tập trung các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường giao thông trọng điểm như: Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, Sở được UBND Tỉnh giao phối hợp với các sở ngành, địa phương chủ động xây dựng “Phương án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, qua rà soát và phối hợp với các sở ngành, địa phương, đến nay Sở đã tham mưu, báo cáo UBND Tỉnh về dự thảo phương án khai thác quỹ đất gồm 36 khu với diện tích 17.925 ha.
Trong đó có 7 khu đất sạch với tổng diện tích 274 ha do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương quản lý, xin chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất trong giai đoạn 2022- 2024; 29 khu vực phát triển đô thị với tổng diện tích 17.651 ha quy hoạch gắn liền với các tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 TP.HCM và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đề xuất thực hiện theo hình thức đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất trong giai đoạn sau năm 2025 - 2030.
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, với những khu vực đất dự kiến đấu giá ở Bình Dương, thấp nhất 450.000 đồng/m2 và cao nhất khoảng 40 triệu đồng/m2. Như vậy, với gần 18.000 ha đất khi đấu giá sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng.
Sở Xây dựng phải báo cáo định kỳ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
Bộ Xây dựng quy định 6 tháng 1 lần, Sở Xây dựng địa phương báo cáo số liệu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.
Nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu |
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 01 về việc quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Theo đó, Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi báo cáo UBND cấp tỉnh và Bộ Xây dựng về các dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên địa bàn chậm nhất vào ngày 20/6 và ngày 20/12 của kỳ báo cáo.
Sở Xây dựng địa phương phải bảo đảm tính rõ ràng, công khai, cung cấp và chia sẻ thông tin, dữ liệu báo cáo, tính an toàn, an ninh và tính bảo mật theo quy định pháp luật…
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022, tổng số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã khởi công là 19 dự án với tổng số khoảng 33.194 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1,8 triệu m2.
Cụ thể, nhà ở xã hội có 16 dự án, quy mô 33.194 căn, gồm Bình Dương 5 dự án, 20.978 căn; Kiên Giang một dự án, 765 căn; Hà Nam một dự án, 564 căn; Quảng Ninh hai dự án, 1.903 căn; TP.HCM 4 dự án, 2.444 căn; Thanh Hóa một dự án, 3.000 căn; Quảng Trị một dự án, 180 căn; Bà Rịa - Vũng Tàu một dự án, 97 căn.
Nhà ở công nhân có ba dự án, quy mô 3.360 căn, gồm Quảng Ninh một dự án, 1.000 căn, đáp ứng 5.500 chỗ ở; Bắc Ninh một dự án, 2.000 căn, đáp ứng 11.000 chỗ ở; TPHCM một dự án, 360 căn, đáp ứng 1.000 chỗ ở.
Tính đến nay, trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2.
Số lượng dự án đang tiếp tục triển khai là 401 dự án, quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.
Hai tháng đầu năm, du lịch TP.HCM thu hơn 21.000 tỷ đồng
Trong 2 tháng đầu năm, TP.HCM thu hút hơn 676.565 lượt khách du lịch quốc tế và hơn 4,6 triệu khách nội địa, ước đạt 13% so với kế hoạch năm.
Trong 2 tháng đầu năm TP.HCM thu hút hơn 5,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế và nội địa. |
Theo Sở Du lịch TP.HCM, tính riêng tháng 2, khách quốc tế đến TP.HCM gần 320.000 lượt, tăng 100% so cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa là 2,6 triệu lượt.
Tổng thu du lịch tháng 2/2023 ước đạt 12.984 tỷ đồng, tăng 115,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng thu du lịch 2 tháng đầu năm ước đạt 21.234 tỷ đồng, tăng 62,3% so với cùng kỳ 2022.
Điểm nhấn nổi bật trong tháng 2, là ngành du lịch TP.HCM tiếp tục khai thác và phát huy thế mạnh du lịch của TP. Thủ Đức và các quận, huyện gắn liền với các loại hình du lịch là tiềm năng thế mạnh của địa phương. Cũng trong tháng 2, TP.HCM đã triển khai đón đoàn khách MICE với số lượng khoảng 1.000 khách quốc tế đến từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan...
Để tiếp tục thu hút du khách trong thời gian tới, ngành du lịch TP.HCM đang tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển du lịch MICE; hoàn chỉnh kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch ban đêm; du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và thực hiện ký kết hợp tác phát triển du lịch liên vùng với các địa phương.
TP.HCM cũng sẽ thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng đảo Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, (huyện Cần Giờ) gắn liền với khai thác giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của vùng sông nước TP.HCM.
Xử phạt 860 triệu đồng công ty khai thác than ở Bắc Giang
Ngày 22/2, theo UBND tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty 45 thuộc Tổng công ty Đông Bắc, với tổng số tiền 860 triệu đồng vì có nhiều vi phạm.
Công ty 45 bị xử phạt 860 triệu đồng |
Cụ thể, Công ty 45 đổ thải không đúng vị trí đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Tại thời điểm kiểm tra ngày 19/12, Công ty 45 đã đổ đất, đá thải phía taluy âm, đổ tràn xuống suối Đồng Rì (huyện Sơn Động) tại vị trí trước cổng vào khu hầm lò mức +251 để làm đường lánh nạn cho ô tô. Đối với vi phạm này, Công ty 45 bị xử phạt 120 triệu đồng
Công ty 45 thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Tại thời điểm kiểm tra, nước thải phát sinh trong quá trình phun sương dập bụi, vệ sinh xe tại mặt bằng +251 không được Công ty 45 thu gom và xử lý. Nước thải chảy tràn trên bề mặt đất, chảy ra ngoài đường và chảy xuống suối Đồng Rì. Với vi phạm này, Công ty 45 bị xử phạt 90 triệu đồng.
Tiếp đến, Công ty 45 xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 đến dưới 1,5 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày đến dưới 2.500 m3/ngày.
Công ty 45 xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5 m3/ngày đến dưới 10 m3/ngày. Công ty 45 bị xử phạt 330 triệu đồng. Tổng số tiền phạt đối với 4 vi phạm trên của Công ty 45 là 860 triệu đồng.