Bản tin thời sự sáng 2/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Đồng Nai sẽ giao đủ mặt bằng Dự án thành phần 1A đường Vành đai 3 TP.HCM trong tháng 4; công ty liên quan Vạn Thịnh Phát chịu lãi phạt trái phiếu gần 911 tỷ đồng; Ninh Thuận kêu gọi đầu tư 14 dự án bất động sản; Pacific Airlines làm dịch vụ mặt đất cho Bamboo Airways ở Nội Bài…

Đồng Nai sẽ giao đủ mặt bằng Dự án thành phần 1A đường Vành đai 3 TP.HCM trong tháng 4

Đến nay, Đồng Nai đã bàn giao được 90% mặt bằng thi công Dự án thành phần 1A đường Vành đai 3 TP.HCM. Số mặt bằng còn lại nếu người dân chưa chịu bàn giao, địa phương sẽ triển khai cưỡng chế trong tháng 4.

Cầu Nhơn Trạch nối Đồng Nai và TP.HCM, một trong những hạng mục chính của dự án đang được đẩy nhanh tiến độ

Cầu Nhơn Trạch nối Đồng Nai và TP.HCM, một trong những hạng mục chính của dự án đang được đẩy nhanh tiến độ

Ngày 1/4, theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, UBND huyện Nhơn Trạch đã bàn giao cho chủ đầu tư gần 45 ha đất thuộc Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 (Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM), tương đương hơn 90% tổng diện tích mặt bằng.

Như vậy, chỉ còn gần 5 ha đất chưa được thu hồi để thi công Dự án. Nguyên nhân là do vẫn còn vướng 59 hộ dân chưa đồng thuận với các chính sách về đền bù, hỗ trợ, tái định cư.

Theo kế hoạch dự kiến, các cơ quan chức năng huyện Nhơn Trạch sẽ triển khai cưỡng chế đối với các trường hợp này trong tháng 4/2024.

Dự án thành phần 1A đường Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài 8,75 km, kéo dài từ Tỉnh lộ 25B (Nhơn Trạch) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Điểm đầu Dự án giao với Đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch và điểm cuối giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (thuộc thành phố Thủ Đức, TP.HCM). Trong đó, đoạn đi qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài 6,3 km.

Để thực hiện Dự án thành phần 1A, huyện Nhơn Trạch phải thu hồi diện tích đất hơn 49 ha thuộc địa bàn các xã Long Tân, Phú Thạnh với 468 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong số này có 376 hộ dân có đất bị thu hồi và 89 hộ dân có tài sản trên đất.

Công ty liên quan Vạn Thịnh Phát chịu lãi phạt trái phiếu gần 911 tỷ đồng

Công ty Bông Sen của gia đình bà Trương Mỹ Lan nắm quyền chi phối khách sạn Daewoo Hà Nội chậm trả lãi trái phiếu từ ngày 1/12/2022 đến nay.

Khách sạn Daewoo Hà Nội do Bông Sen - công ty gia đình bà Trương Mỹ Lan - nắm quyền chi phối

Khách sạn Daewoo Hà Nội do Bông Sen - công ty gia đình bà Trương Mỹ Lan - nắm quyền chi phối

Công ty CP Bông Sen vừa công bố tình hình thanh toán gốc và lãi trái phiếu trong năm 2023.

Lô trái phiếu 4.800 tỷ đồng đã chậm trả lãi từ ngày 1/12/2022 cho tới nay. Tổng số tiền lãi, chậm thanh toán ở mức 1.061,5 tỷ đồng.

Số lãi thực tế Công ty phải trả là 150,5 tỷ đồng. Còn lại, số lãi phạt gần 911 tỷ đồng, gấp 3 lần số lãi thực tế. Lý do Công ty đưa ra là tài khoản bị phong tỏa.

Công ty Bông Sen từng là doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist). Đơn vị này sở hữu và quản lý hàng loạt khách sạn, nhà hàng ở vị trí đắc địa quanh khu vực trung tâm TP.HCM, như các khách sạn: Palace Saigon, Bông Sen Saigon, Bông Sen Annex, các nhà hàng Calibre, Bier Garden, Buffet Gánh Bông Sen, Buffet chay Cỏ Nội, Cỏ Nội Vegetarian và Công ty Giặt ủi Viet Laundry.

Không chỉ có mặt tại TP.HCM, Bông Sen còn nắm cổ phần chi phối tổ hợp khách sạn Daewoo tại Hà Nội vào năm 2015 với số tiền bỏ ra hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án khách sạn 5 sao này từng là biểu tượng của Hà Nội.

Trong một phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm, bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xác nhận, Công ty Bông Sen là doanh nghiệp của gia đình bà. Khách sạn Daewoo Hà Nội do gia đình bà sở hữu 73,4%. Theo bà Lan, tài sản này không thể bán được do vướng về pháp lý vì trước đó đã được dùng để phát hành trái phiếu.

Về việc Bông Sen bị phong tỏa tài khoản, tại cuộc họp đại hội cổ đông bất thường tổ chức ngày 30/8/2023, bà Vũ Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty - cho biết, theo cơ quan điều tra, Bông Sen nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát.

Ninh Thuận kêu gọi đầu tư 14 dự án bất động sản

Tỉnh Ninh Thuận công bố 55 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, trong đó có 14 dự án bất động sản với tổng diện tích hơn 745 ha.

Ninh Thuận kêu gọi đầu tư 14 dự án bất động sản

Ninh Thuận kêu gọi đầu tư 14 dự án bất động sản

Ngày 1/4, ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư- thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, UBND tỉnh Ninh Thuận vừa công bố danh mục 55 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận có 55 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư với tổng diện tích hơn 3.400 ha. Trong đó, có 14 dự án xây dựng, kinh doanh bất động sản với tổng diện tích hơn 745 ha.

Các dự án bất động sản được ưu tiên kêu gọi đầu tư với mục tiêu xây dựng đô thị mới trên địa bàn TP. Phan Rang - Tháp Chàm đã được phê duyệt như Khu đô thị mới Đông Bắc - K3 rộng 74 ha; Khu đô thị mới Tây Bắc rộng 91 ha; Khu đô thị mới Đông Nam 1 rộng 99 ha; Khu đô thị mới Đông Nam 2 rộng 41 ha… Ngoài ra, còn có một số dự án khu đô thị tại các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn.

14 dự án bất động sản này đều nằm trong kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Đồng thời, đã được phê duyệt trong chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Ninh Thuận.

Tỉnh Ninh Thuận cũng kêu gọi đầu tư 18 dự án thương mại - dịch vụ, du lịch với tổng diện tích 317 ha. Trong đó có các dự án lớn như khu dịch vụ hỗn hợp khách sạn thương mại dịch vụ cao cấp tại khu đất cũ của trường Trần Hưng Đạo, khu du lịch sinh thái Vĩnh Hy, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tại khu Bãi Hời, trung tâm logistics Cà Ná, cảng cạn Cà Ná... Lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo có 9 dự án diện tích hơn 528 ha như Dự án điện khí LNG Cà Ná (270 ha), Dự án thủy điện tích năng Phước Hòa (136 ha)…

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 9 dự án với diện tích 412 ha; nông nghiệp có 5 dự án với diện tích hơn 1.430 ha.

Theo ông Trương Văn Tiến, UBND tỉnh Ninh Thuận đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư, dự kiến vào tháng 4/2024.

Quảng Nam điều chỉnh chủ trương đầu tư Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang

Tỉnh Quảng Nam điều chỉnh chủ trương đầu tư Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang và cho dự án này thuê hơn 135.000 m2 đất.

Dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang.

Dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu vừa ký các quyết định cho Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp thuê đất để thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam quyết định cho Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp thuê đất (đợt 3) để thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang tại xã Mà Cooih.

Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp được thuê 135.092 m2 đất. Trong đó có 25.074 m2 đất quy hoạch rừng phòng hộ, 109.745 m2 đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác và 272,3 m2 đất sông suối.

Quyết định của tỉnh Quảng Nam cũng nêu rõ, đất xây dựng công trình có mái che là 15.797 m2; đất sông suối, mặt nước là 972,48 m2; đất công viên, cây xanh là 113.254 m2; đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật 5.067,76 m2 .

Thời hạn thuê đất đến năm 2068; doanh nghiệp sẽ trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang.

Theo đó, từ quý IV/2022 - II/2024 thi công hoàn thiện và đưa vào hoạt động giai đoạn 2. Từ quý III/2024 - III/2027, thực hiện các thủ tục pháp lý và thi công xây dựng các hạng mục còn lại theo sơ đồ vị trí quy hoạch, hạng mục bổ sung và hoàn thiện đưa toàn bộ dự án vào hoạt động.

Ngoài ra, vốn đầu tư dự án cũng được điều chỉnh. Cụ thể, vốn đầu tư của Dự án là 796 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 400 tỷ đồng, vốn huy động là 396 tỷ đồng…

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu, Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp thực hiện đúng các Quyết định về chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án, các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường…

Gas giảm 5.000 đồng/bình 12kg sau 3 tháng tăng liên tiếp

Các công ty kinh doanh gas đồng loạt thông báo giá gas giảm khoảng 417 đồng/kg, tương đương giảm 5.000 đồng/bình 12kg trong tháng 4.

Gas có lần giảm giá đầu tiên trong năm nay

Gas có lần giảm giá đầu tiên trong năm nay

Sáng 1/4, các công ty kinh doanh gas phía Nam thông báo, giá gas tháng 4 giảm 417 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Cụ thể, sau khi giảm, Công ty CP Thương mại dầu khí Thái Bình Dương (Gas Pacific Petro) cho biết, giá gas City Petro, Vimexco, Vina Pacific Petro tại Công ty giảm 2.500 đồng/bình 6kg về 267.500 đồng; bình 12kg giảm 5.000 đồng về 476.000 đồng; bình 45kg giảm 19.000 đồng về 1.785.000 đồng; bình 50kg giảm 21.000 đồng về 1.981.500 đồng.

Công ty TNHH Khí hóa lỏng gas Việt cũng thông báo giá gas mới cho các thương hiệu gas Onic Petro, City Petro, Saigon Petro, Petrovietnam, Thủ Đức gas, VTgas… Mức giảm tương tự mức giảm của Gas Pacific Petro, giảm 5.000 đồng/bình 12kg, giảm 19.000 đồng/bình 45kg...

Trong khi đó, Saigon Petro cho biết giá gas SP chỉ giảm 375 đồng/kg, tương ứng mức giảm 4.500 đồng/bình 12kg.

Theo Chi hội Gas miền Nam, giá nhập khẩu gas thế giới theo hợp đồng (giá CP) cho tháng 4 chính thức chốt ở mức 617,5 USD/tấn, giảm 18 USD/tấn so với tháng trước, giúp giá gas bán lẻ trong nước giảm.

Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá gas đã có 3 lần tăng và 1 lần giảm. Trong đó, giá gas tháng 1 tăng 500 đồng/kg; tháng 2 tăng 417 đồng/kg và tháng 3 tăng 167 đồng/kg. Trung bình mỗi bình gas dân dụng 12kg tăng khoảng hơn 13.000 đồng.

Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, nên theo các doanh nghiệp, giá gas trong nước vẫn phụ thuộc và chịu ảnh hưởng bởi giá của thị trường quốc tế.

TP.HCM yêu cầu tăng cường công tác quản lý quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng

Ngày 1/4, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường ký văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành thành phố, chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện phải tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Một loạt “chuồng cọp” tại một chung cư trên địa bàn Quận 10 được cơi nới và rào kín, không đảm bảo thoát nạn khi xảy ra cháy. Ảnh minh họa

Một loạt “chuồng cọp” tại một chung cư trên địa bàn Quận 10 được cơi nới và rào kín, không đảm bảo thoát nạn khi xảy ra cháy. Ảnh minh họa

UBND Thành phố giao các sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Thành ủy và UBND TP.HCM về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân.

Đồng thời, các đơn vị phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố; công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, công tác quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM và trước pháp luật nếu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra các vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.