Bản tin thời sự sáng 24/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất lớp 1 - 6 nội thành Hà Nội đến trường từ tháng 3; Bộ Y tế công bố giá thuốc Molnupiravir; Hà Nội lấy ý kiến người dân về kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo; ba tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố; PMU Mỹ Thuận bị phê bình vì chậm triển khai Dự án 1A Vành đai 3 TP.HCM…

Đề xuất lớp 1 - 6 nội thành Hà Nội đến trường từ tháng 3

Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội dự kiến đề xuất với Thành phố cho học sinh lớp 1 - 6 trở lại trường từ tháng 3.

Học sinh lớp 1 đến 6 tại Hà Nội dự kiến trở lại trường từ tháng 3

Học sinh lớp 1 đến 6 tại Hà Nội dự kiến trở lại trường từ tháng 3

Thông tin được Phó Giám đốc Sở Trần Lưu Hoa đưa ra tại phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP. Hà Nội, ngày 23/2.

Theo kế hoạch cũ, cấp tiểu học và lớp 6 nội thành Hà Nội được trở lại trường từ 21/2. Tuy nhiên, thời điểm này, do thời tiết khắc nghiệt và tỷ lệ phụ huynh đồng thuận chưa cao, UBND Thành phố đã quyết định hoãn học trực tiếp với 400.000 học sinh lớp 1 - 6 ở 12 quận nội thành.

Lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo cho biết, tuần qua, số học sinh đi học trực tiếp giảm. Cụ thể, học sinh khối THPT những ngày đầu đi học với tỷ lệ trên 90%, tuần qua giảm xuống còn trên 75%; khối THCS còn hơn 77 % đến trường; học sinh tiểu học ở ngoại thành còn 79%.

Từ tháng 5/2021, hơn 2,2 triệu học sinh phổ thông và trẻ mầm non ở Hà Nội dừng đến trường vì Covid-19 bùng phát. Sau nửa năm, Thành phố dần cho học sinh trở lại với quy mô và thời điểm khác nhau.

Bộ Y tế công bố giá thuốc Molnupiravir

Theo công bố của Cục Quản lý Dược, giá thuốc bán lẻ trên thị trường từ 11.500 - 12.500 đồng/viên.

Thuốc Molnupiravir do hãng dược Merck sản xuất..

Thuốc Molnupiravir do hãng dược Merck sản xuất..

Chiều 23/2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã chính thức công bố giá bán thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir. Cụ thể, thuốc Molnupiravir (400 mg) dạng viên nang cứng do Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất có giá là 11.500 đồng/viên. Dạng hộp có 1, 2, 5 vỉ x 10 viên/vỉ.

Giá của thuốc Molnupiravir (200 mg) dạng viên nang của Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar có giá 8.765 đồng/viên. Dạng hộp 10 vỉ x 10 viên.

Đơn vị thứ 3 được Cục Quản lý Dược Bộ Y tế công bố giá bán là Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Chi nhánh 1 có giá 12.500 đồng/viên (dạng viên nang cứng), mỗi hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ x 10 viên.

Trước đó vào chiều 17/2, Cục Quản lý Dược đã cấp giấy phép lưu hành có điều kiện cho thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir 400 mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất; thuốc Molravir 400 mg của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam và Movinavir của Công ty CP Dược phẩm Mekorpha.

Tại cuộc họp ngày 8/1, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế cũng nêu một số ý kiến về tác dụng phụ và các khuyến cáo quan trọng đối với việc sử dụng thuốc Molnupiravir.

Trong đó, Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

Thuốc được dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày; không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp; không được sử dụng dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng Covid-19…

Hà Nội lấy ý kiến người dân về kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo

Từ ngày 1/3, các phương án kiến trúc đoạt giải sẽ được triển lãm và tham vấn ý kiến cộng đồng trước khi đề xuất UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

Phương án sử dụng loại hình cầu vòm kết hợp với dây văng để truyền tải đường nét dạng sông mềm mại

Phương án sử dụng loại hình cầu vòm kết hợp với dây văng để truyền tải đường nét dạng sông mềm mại

UBND TP. Hà Nội vừa đồng ý với đề xuất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông về việc tổ chức triển lãm kết quả thi tuyển và tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo tại 93 Đinh Tiên Hoàng.

Các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm và tham vấn ý kiến cộng đồng trong một tháng, bắt đầu từ 1/3. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia của cộng đồng, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội sẽ báo cáo Thành phố xem xét, quyết định phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.

Theo Hội đồng tuyển chọn, có 20 phương án thi tuyển của 12 đơn vị tư vấn, thiết kế trong và ngoài nước đủ điều kiện được ban tổ chức họp chấm điểm, trao giải. Trong đó, 3 phương án có thiết kế nổi bật được Hội đồng chọn để đề xuất Thành phố chấp thuận, trao giải.

Phương án 1, cầu Extrados bê tông cốt thép (dầm - cáp hỗn hợp) có kết cấu chính là 5 trụ tháp kết hợp với dây văng. Trong đó, trụ chính giữa thiết kế tạo điểm nhấn, 4 trụ hai bên đối xứng trụ chính.

Phương án 2, cầu vòm thép kết hợp dây văng gồm 3 vòm chính mềm mại tương phản với 4 tháp nghiêng hai bên tạo thành sự thống nhất giữa các mặt đối lập, như tinh thần hài hòa âm dương.

Phương án 3 là cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp. Kiến trúc mang phong cách cổ điển, kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp và khu vực phát triển mới bắc sông Hồng.

Lạng Sơn tiếp tục dừng nhận xe container chở hoa quả tươi tới ngày 5/3

Lượng xe container ùn ứ ở các cửa khẩu Lạng Sơn còn rất lớn, gần 2.000 chiếc nên tỉnh này tiếp tục dừng nhận xe chở hoa quả tươi lên cửa khẩu tới ngày 5/3.

Xe container chở hàng nằm chờ tại bến bãi gần cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn

Xe container chở hàng nằm chờ tại bến bãi gần cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn

Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Liễu Anh Minh cho biết, Sở vừa thông báo đến các địa phương có doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu trái cây tươi bằng đường bộ sang Trung Quốc về việc gia hạn thời gian dừng nhận mặt hàng này đến 5/3.

Động thái mới này được lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn cho rằng nhằm tránh thiệt hại với doanh nghiệp khi phải để xe nằm chờ ở các bến bãi quá lâu, khiến họ mất thêm chi phí và hàng hoá giảm chất lượng. Trong thời gian tạm dừng, nếu năng lực thông quan tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn được cải thiện, Tỉnh sẽ thông báo điều chỉnh.

Ông Minh cho biết, hiện phía Trung Quốc vẫn siết phòng dịch, hàng xuất sang nước này qua đường bộ phải kiểm hoá 100%, khiến năng lực thông quan tại các cửa khẩu rất chậm, khoảng 100 xe mỗi ngày.

Với năng lực thông quan như vậy, lượng container đang ùn ứ, chờ ở các cửa khẩu phải mất 15 - 17 ngày mới có thể giải quyết hết.

Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, đến ngày 22/2 còn 1.931 xe chở hàng hoá nằm chờ tại các bến bãi, cửa khẩu; trong đó xe hoa quả chờ xuất khẩu là hơn 1.440, còn lại là xe chở linh kiện điện tử, quần áo...

Ba tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố

Tuyến Liên Á (IA) là tuyến cáp quang thứ ba từ Việt Nam gặp trục trặc. Hai tuyến cáp quang khác gặp sự cố từ cuối năm 2021 vẫn chưa sửa xong.

Hiện sự cố trên nhánh gần trạm cập bờ HongKong của tuyến APG đang được khắc phục.

Hiện sự cố trên nhánh gần trạm cập bờ HongKong của tuyến APG đang được khắc phục.

Đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, tuyến cáp quang biển Liên Á (Intra Asia – IA) đã gặp sự cố từ hôm 18/2. Theo thông báo từ đơn vị quản lý, tuyến cáp IA hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) đang bảo dưỡng để khắc phục các sự cố, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 2.

Như vậy, ngoài 2 tuyến cáp quang biển quốc tế AAG và APG vẫn đang gián đoạn dịch vụ do gặp sự cố trong năm 2021 và chưa sửa chữa xong, tuyến cáp Liên Á (IA) là tuyến thứ ba bị lỗi.

Tuyến cáp biển IA có chiều dài 6.800 km, dung lượng 3,84 Tb/s và được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009. Tuyến cáp này kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong và Nhật Bản. Đây là tuyến cáp quang quan trọng trong việc trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực.

Việc tuyến cáp biển IA gặp sự cố trong khi 2 tuyến cáp khác là Asia Pacific Gateway (APG) và Asia America Gateway (AAG) vẫn chưa sửa xong khiến cho áp lực đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet quốc tế của các nhà mạng càng thêm nặng nề.

PMU Mỹ Thuận bị phê bình vì chậm triển khai Dự án 1A, Vành đai 3 TP.HCM

Dự kiến khởi công Dự án 1A (Vành đai 3 TP.HCM) vào đầu năm 2022 song đến nay Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vẫn chưa giải quyết xong khâu giải phóng mặt bằng tại TP.HCM và Đồng Nai.

Chưa giải quyết xong giải phóng mặt bằng, PMU Mỹ Thuận bị phê bình vì chậm triển khai dự án 1A vành đai 3 TP.HCM. Ảnh minh họa

Chưa giải quyết xong giải phóng mặt bằng, PMU Mỹ Thuận bị phê bình vì chậm triển khai dự án 1A vành đai 3 TP.HCM. Ảnh minh họa

Ngày 23/2, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có văn bản đôn đốc tiến độ Dự án 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (thuộc tuyến Vành đai 3 TP.HCM).

Bộ GTVT phê bình Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận) với trách nhiệm quản lý điều hành dự án đã chưa chủ động và quyết liệt cùng địa phương triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) để đáp ứng tiến độ.

Bộ GTVT yêu cầu PMU Mỹ Thuận rà soát, kiện toàn bộ máy điều hành để đảm bảo năng lực, kịp thời xử lý vướng mắc tại Dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ GPMB, đảm bảo kế hoạch khởi công các gói thầu xây lắp trong tháng 3, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc.

Trong bối cảnh thủ tục GPMB còn vướng mắc, PMU Mỹ Thuận cần ưu tiên lựa chọn các đoạn tuyến có điều kiện mặt bằng thuận lợi, phối hợp cùng địa phương tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện khởi công trong tháng 3.

Về công tác lựa chọn nhà thầu, Bộ GTVT yêu cầu PMU Mỹ Thuận và Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông khẩn trương hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công Dự án trong tháng 3.

Hà Nội thu giữ gần 500 hộp thuốc điều trị Covid -19 không hóa đơn hợp lệ

Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán mặt hàng Kit test Covid -19... không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra lô hàng kit test Covid thu giữ.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra lô hàng kit test Covid thu giữ.

Lực lượng chức năng của Hà Nội vừa thu giữ một lượng lớn thuốc điều trị Covid -19 không có hoá đơn, chứng từ.

Theo đó, ngày 23/2, căn cứ đề xuất phối hợp kiểm tra của Công an quận Thanh Xuân, Đội Quản lý thị trường số 12 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra phương tiện có dấu hiệu khả nghi.

Kiểm tra phương tiện do ông Bùi Đức Toàn là người điều khiển đang dừng đỗ trước cửa số nhà 612 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), lực lượng chức năng phát hiện 2 thùng carton chứa hàng hoá là 240 hộp thuốc tân dược mang nhãn hiệu Arbidol (loại 10 viên/vỉ/hộp) do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp.

Tiếp tục kiểm tra xe máy do ông Đinh Văn Hiểu điều khiển đang dừng đỗ tại ngõ 477 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), lực lượng chức năng thu giữ thêm 240 hộp thuốc tân dược cùng nhãn hiệu trên nhưng không có hoá đơn chứng từ hợp pháp.

Sau khi kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 12 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ sản phẩm trên để tiếp tục xác minh, làm rõ.