Bản tin thời sự sáng 24/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Cần Thơ cảnh cáo nhà thầu thi công xây dựng cầu Trần Hoàng Nam do chậm tiến độ; hủy bỏ lệnh tạm dừng giao dịch tài sản 4 công ty liên quan Vũ "nhôm"; TP.HCM sắp chi 512 tỷ đồng xây cầu Rạch Đỉa nối Nhà Bè với Quận 7; chi hơn 650 tỷ đồng để bình ổn giá xăng dầu 3 tháng đầu năm…

Cần Thơ cảnh cáo nhà thầu thi công xây dựng cầu Trần Hoàng Na do chậm tiến độ

Ban Quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ vừa có công văn khẩn cảnh cáo liên danh nhà thầu CIENCO1 và Công ty CP Cầu 14 vì chậm thi công gói thầu xây dựng cầu Trần Hoàng Na.

Phối cảnh cầu Trần Hoàng Na

Phối cảnh cầu Trần Hoàng Na

Ngày 23/5, Ban Quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ cho biết, đơn vị này vừa đưa ra 1 cảnh cáo, 3 cảnh báo và 2 yêu cầu về hàng loạt thiếu sót của liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1) và Công ty CP Cầu 14 liên quan tới gói thầu xây dựng cầu Trần Hoàng Na.

Khởi công vào tháng 9/2020, cầu Trần Hoàng Na là một dự án lớn bắc qua sông Cần Thơ có vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng. Theo hợp đồng, dự kiến công trình này sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022 nhưng do tiến độ buộc phải kéo dài hợp đồng đến tháng 7/2023.

Trong văn bản, Ban Quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ đã cảnh cáo CIENCO1 do chưa huy động kịp thời nhân sự chủ chốt điều hành công trường. Đơn vị này yêu cầu CIENCO1 khẩn trương trình nhân sự thay thế ông N.V.D. (kiểm soát chất lượng) - đã có văn bản rời khỏi Dự án từ ngày 19/5.

Cùng với đó, CIENCO1 bị cảnh báo về việc điều hành chỉ đạo nhà thầu phụ Vạn Cường thi công hạng mục bơm bê tông chân vòm, đúc tấm đan bản mặt cầu...

Cảnh báo CIENCO1 về việc điều hành chỉ đạo nhà thầu phụ Ánh Mai chậm thực hiện phần công việc đường dẫn bờ Cái Răng. CIENCO1 cần có trách nhiệm tăng cường thêm mũi thi công, tập kết vật tư, nhân sự, thiết bị để thi công phần công việc đã ký kết trong hợp đồng.

Cảnh báo CIENCO1 về việc điều hành chỉ đạo nhà thầu phụ Thành Long nhanh chóng tập kết các cấu kiện còn lại 40% vòm thép về công trình theo cam kết trong tháng 5.

Ban Quản lý dự án ODA yêu cầu nhà thầu CIENCO1 có báo cáo bằng văn bản chính thức cho Ban về việc xử lý dứt điểm tồn tại của 2 nhà thầu phụ này trước ngày 25/5.

Nhà thầu CIENCO1 cần khẩn trương trình nộp hồ sơ pháp lý liên quan đến việc gia hạn thời gian hoàn thành công trình.

Hủy bỏ lệnh tạm dừng giao dịch tài sản 4 công ty liên quan Vũ "nhôm"

UBND TP. Đà Nẵng vừa có công văn về việc hủy bỏ tạm dừng giao dịch tài sản của các công ty liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm").

Hủy bỏ lệnh tạm dừng giao dịch tài sản 4 công ty liên quan Vũ "nhôm"

Hủy bỏ lệnh tạm dừng giao dịch tài sản 4 công ty liên quan Vũ "nhôm"

Ngày 23/5, tin từ UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND Thành phố Lê Trung Chinh vừa ký văn bản chỉ đạo các đơn vị, sở ngành phối hợp thực hiện yêu cầu của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an liên quan đến hoạt động của các công ty liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm").

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các sở và UBND các quận, huyện có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và yêu cầu của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tại Công văn số 2030 để triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; hủy bỏ tạm dừng giao dịch tài sản, bảo đảm hoạt động bình thường của các công ty liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.

Trước đó, ngày 9/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có Công văn 2030 gửi UBND TP. Đà Nẵng về việc hủy bỏ dừng giao dịch tài sản, bảo đảm hoạt động bình thường của các công ty liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.

Theo Công văn, ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận được đơn đề nghị của Công ty CP Xây dựng 79, Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty TNHH I.V.C và Công ty CP Nhất Gia Phúc (đều có trụ sở tại Đà Nẵng) đề nghị hủy bỏ tạm dừng các giao dịch tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng để đảm bảo hoạt động bình thường của doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng.

TP.HCM sắp chi 512 tỷ đồng xây cầu Rạch Đỉa nối Nhà Bè với Quận 7

Dự án Xây dựng cầu Rạch Đỉa mới thay thế cầu sắt trên đường Lê Văn Lương (nối huyện Nhà Bè và Quận 7) dài gần 318 m, tổng vốn hơn 512 tỷ đồng dự kiến khởi công tháng 6 năm nay và hoàn thành cuối năm 2024.

Cầu Rạch Đỉa mới sắp được xây dựng thay thế cầu sắt xuống cấp

Cầu Rạch Đỉa mới sắp được xây dựng thay thế cầu sắt xuống cấp

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết thông tin trên.

Theo ông Lương Minh Phúc, Dự án cầu Rạch Đỉa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001 và được duyệt điều chỉnh vào tháng 9/2017 nhằm thay thế cho cầu sắt hiện hữu đã xuống cấp, mặt cầu nhỏ hẹp chỉ 3 - 3,5 m gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Cầu mới dài gần 318 m (gồm cả cầu và đường dẫn khoảng 233 m), rộng hơn 10 m với tổng mức đầu tư hơn 512 tỷ đồng.

Ông Lương Minh Phúc cho biết, hiện Chủ đầu tư đã chuyển toàn bộ chi phí bồi thường theo dự toán được duyệt cho Quận 7 và huyện Nhà Bè. Đến nay, có 41/50 trường hợp tại Quận 7 và 28/45 trường hợp tại huyện Nhà Bè đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.

Ban kiến nghị UBND Quận 7 và huyện Nhà Bè đẩy nhanh hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân, tổ chức còn lại bị ảnh hưởng bởi Dự án, bàn giao mặt bằng khởi công Dự án trong tháng 6. Cầu Rạch Đỉa mới sẽ thi công trong 18 tháng, hoàn thành cuối năm 2024.

Cầu Rạch Đỉa là một trong 4 cây cầu sắt (Long Kiểng, Rạch Tôm, Rạch Dơi) trên đường Lê Văn Lương tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vì có tuổi đời cao và xuống cấp.

Chi hơn 650 tỷ đồng để bình ổn giá xăng dầu 3 tháng đầu năm

Trong quý đầu năm, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã chi ra hơn 658 tỷ đồng, trong khi đó, số tiền đã trích lập thêm lên tới hơn 1.681 tỷ đồng.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang ở mức cao nhất từ đầu năm đến 2021 đến nay

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang ở mức cao nhất từ đầu năm đến 2021 đến nay

Theo báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu mới được Bộ Tài chính công bố, tính đến hết quý I/2023, tổng số dư Quỹ đã tăng lên mức 5.640 tỷ đồng, cao nhất kể từ quý I/2021 đến nay.

Theo Bộ Tài chính, so với quý liền trước, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã tăng hơn 1.040 tỷ đồng.

Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 12/2022, số dư quỹ này được xác định là hơn 4.617 tỷ đồng. Trong quý đầu năm, các thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu đã trích lập thêm hơn 1.681 tỷ đồng vào Quỹ và chỉ sử dụng hơn 658 tỷ đồng từ Quỹ để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường.

Lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá dương trong 3 tháng đầu năm là 2,42 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá âm trong quý I là 2,17 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, trong tổng số thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt nam (Petrolimex) là đơn vị có số dư Quỹ đến hết quý I cao nhất với 1.985 tỷ đồng, chiếm 35% tổng số dư Quỹ Bình ổn giá toàn ngành.

Ngoài ra, một số thương nhân đầu mối có số dư Quỹ cao là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp hay Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM…

Ngược lại, toàn hệ thống vẫn còn 7 doanh nghiệp đầu mối có số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu âm, gồm Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (âm 513 tỷ). Các thương nhân đầu mối khác như Petro Bình Minh, Long Hưng, Trường An, Hải Linh, Tân Nhật Minh cũng ghi nhận âm hàng chục tỷ đồng.

Đồng Nai dự kiến xây dựng thêm 10.000 căn nhà ở công nhân, nhà xã hội

Tỉnh Đồng Nai dự kiến xây dựng 10.000 căn nhà ở công nhân, nhà xã hội với tổng mức đầu tư 10.155 tỷ đồng.

Một chung cư nhà ở xã hội tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai

Một chung cư nhà ở xã hội tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai

UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội (NƠXH) giai đoạn đến năm 2025.

Theo đó, tỉnh Đồng Nai có kế hoạch dành hơn 700 ha đất để đầu tư xây dựng 66 dự án nhà ở công nhân, NƠXH. Tổng mức đầu tư ước tính cần khoảng 10.155 tỷ đồng. Những dự án này chưa bao gồm quỹ đất NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại.

Theo kế hoạch, các địa phương chưa có dự án NƠXH sẽ được bố trí nhiều quỹ đất hơn để phát triển loại hình nhà ở này. Như huyện Cẩm Mỹ sẽ có 288,58 ha hay huyện Vĩnh Cửu có 140,54 ha.

Về số lượng nhà ở công nhân, NƠXH tính theo địa phương, kế hoạch đến năm 2025, TP. Biên Hoà có 18 dự án, huyện Cẩm Mỹ 12 dự án, huyện Vĩnh Cửu và Thống Nhất mỗi nơi có 7 dự án…

Hiện, tỉnh Đồng Nai có 9 dự án nhà ở công nhân, NƠXH đang triển khai với tổng số 10.202 căn nhà, tập trung chủ yếu tại huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành. 5 địa phương không có dự án NƠXH nào là các huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú.

Chuyển gần 500 tỷ đồng hỗ trợ tái định cư Dự án sân bay Long Thành

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã chuyển gần 500 tỷ đồng để bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện Dự án Tuyến giao thông kết nối (Tuyến số 1).

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành

ACV, chủ đầu tư Dự án thành phần 3 - Dự án Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành vừa thực hiện chuyển số tiền hơn 488 tỷ đồng vào tài khoản Kho bạc Nhà nước của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành.

Điều này thực hiện theo Quyết định số 4615 ngày 9/5/2023 của UBND huyện Long Thành về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện Dự án Tuyến giao thông kết nối (Tuyến số 1) thuộc Dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 tại xã Long An và xã Long Phước. Đây là kết quả sau các buổi làm việc quyết liệt giữa ACV và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành.

Đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành đã nhận được tiền từ ACV. Trung tâm cũng đang làm thông báo đến các hộ dân thuộc diện giải tỏa đến nhận tiền để nhanh chóng bàn giao mặt bằng “sạch” cho ACV triển khai gói thầu thi công tuyến giao thông kết nối, đảm bảo tiến độ chung của Dự án.

3 cây sưa chết khô ven hồ Hoàn Kiếm sắp được đấu giá

Sau khi chặt hạ, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. Hà Nội sẽ phối hợp cùng đơn vị liên quan đấu giá 3 cây sưa theo quy định.

Ngày 24/5, Công ty Cây xanh Hà Nội sẽ chặt hạ 3 cây sưa chết khô ven hồ Hoàn Kiếm

Ngày 24/5, Công ty Cây xanh Hà Nội sẽ chặt hạ 3 cây sưa chết khô ven hồ Hoàn Kiếm

Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) vừa thông tin về việc hoàn thành các thủ tục xin cấp phép chặt hạ 3 cây sưa.

Việc chặt hạ 3 cây sưa ở ven hồ Hoàn Kiếm, đồng thời trồng thay thế cây mới sẽ do Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội thực hiện vào sáng 24/5/2023.

Khối lượng gỗ sưa sẽ được bàn giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. Hà Nội bảo quản và thanh lý theo quy định.

Ba cây sưa chết khô bên bờ hồ Hoàn Kiếm có đường kính từ 35 - 60 cm. Cụ thể, cây sưa chết từ năm 2019 nằm đối diện phố Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng có đường kính 59 cm, cao 10 - 12 m.

Hai cây sưa chết khô còn lại dự kiến được chặt hạ nằm ở gần đồng hồ hoa Thuỵ Sỹ (Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay), có đường kính từ 35 - 40 cm, cao từ 5 - 10 m.

Thêm 2 tuyến xe buýt trợ giá được TP.HCM khôi phục hoạt động

Hai tuyến buýt trợ giá, gồm tuyến 61 (bến xe Chợ Lớn - Khu công nghiệp Lê Minh Xuân) và 86 (Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng) sẽ được khôi phục hoạt động vào cuối tháng 5 này sau một thời gian tạm dừng hoạt động.

Tuyến xe buýt số 57 vừa được khôi phục hoạt động

Tuyến xe buýt số 57 vừa được khôi phục hoạt động

Ngày 23/5, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, cuối tháng 5 này sẽ tổ chức khai thác trở lại 2 tuyến buýt, gồm tuyến 61 (bến xe Chợ Lớn - Khu công nghiệp Lê Minh Xuân) và 86 (Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng).

Đây là hai trong số 4 tuyến xe buýt (bao gồm các tuyến số 57, 61, 86, 61-6) tạm dừng hoạt động từ tháng 1/2023 bởi các xe xuống cấp, chất lượng phục vụ chưa cao nên sẽ đấu thầu chọn đơn vị khác đủ năng lực để đầu tư, nâng cấp các xe để hoạt động hiệu quả hơn.

Ngày 15/5 vừa qua, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM đã ra thông báo khôi phục hoạt động tuyến xe buýt có trợ giá số 57 (chợ Phước Bình - Trường Trung học phổ thông Hiệp Bình).

Hiện tại, Công ty CP Xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines là đơn vị vận hành các tuyến xe buýt số 57 cùng các tuyến buýt số 61 và 86 (sắp được khôi phục hoạt động).

Tin cùng chuyên mục