Bản tin thời sự sáng 24/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa vận tải cơ tới Trường Sa; dừng thi công ga ngầm S12 tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội do vướng mặt bằng; hơn 300 người có "hộ chiếu vắc xin" từ Pháp về Việt Nam; Bộ GTVT dự kiến kế hoạch nối lại chở khách trên toàn quốc; 10 khu chung cư cũ của Hà Nội sẽ được cải tạo trong 5 năm tới…

Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa vận tải cơ tới Trường Sa

Bộ Ngoại giao phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam sau khi Trung Quốc đưa vận tải cơ Y-20 hạ cánh trái phép xuống Trường Sa.

Vận tải cơ Y-20 hạ cánh trái phép tại đá Chữ Thập hồi tháng 12/2020. Ảnh: Maxar Technologies.

Vận tải cơ Y-20 hạ cánh trái phép tại đá Chữ Thập hồi tháng 12/2020. Ảnh: Maxar Technologies.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chấm dứt ngay và không tái diễn những hoạt động tương tự, tôn trọng luật pháp quốc tế và những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về vấn đề trên biển.

Tuyên bố được bà Hằng đưa ra khi được đề nghị bình luận về thông tin quân đội Trung Quốc (PLA) tuần trước điều vận tải cơ hạng nặng Y-20 cất hạ cánh trái phép tại đường băng trên đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên Y-20 xuất hiện trái phép ở Trường Sa. Ảnh vệ tinh do hãng Maxar Technologies công bố hồi tháng 1 cho thấy một chiếc Y-20 đậu trên đường băng tại đá Chữ Thập hôm 25/12/2020, nhưng không có hoạt động bốc dỡ hay tải hàng nào.

Bà Hằng khẳng định, hành động của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, gia tăng quân sự hóa, đi ngược lại Tuyên bố chung về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).

Người phát ngôn cho biết, Việt Nam luôn theo dõi sát mọi diễn biến trên Biển Đông, khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Chữ Thập, Subi và Vành Khăn nằm trong 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988, bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo và xây dựng các công trình quân sự hóa. Trung Quốc xây dựng các đường băng lớn tại đây, cho phép chiến đấu cơ và vận tải cơ cỡ lớn cất hạ cánh.

Dừng thi công ga ngầm S12 tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội do vướng mặt bằng

Do vướng mặt bằng nên Gói thầu thi công ga ngầm S12 của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội phải tạm dừng.

Đoạn đi ngầm dài 4 km với 4 ga dự kiến vận hành vào cuối năm 2022

Đoạn đi ngầm dài 4 km với 4 ga dự kiến vận hành vào cuối năm 2022

Theo UBND Hà Nội, từ tháng 7, Nhà thầu liên danh Hyundai - Ghella lấy lý do vướng mắc mặt bằng tại ga S1 (nhà 23 Quốc Tử Giám) và các hộ dân bị ảnh hưởng chưa được di dời (chính sách đền bù, hỗ trợ chưa được phê duyệt) nên đã tạm dừng thi công trên toàn bộ Gói thầu (bao gồm ga S12) để giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên.

UBND quận Đống Đa, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội (MRB) và các đơn vị liên quan đang giải quyết dứt điểm vướng mắc mặt bằng tại ga S11 (nhà 23 Quốc Tử Giám) và các hộ dân bị ảnh hưởng chưa được di dời. MRB được giao đàm phán với các nhà thầu để báo cáo UBND Thành phố về chi phí bổ sung cho nhà thầu và đưa nhà thầu trở lại thi công.

Ga ngầm S12 là một trong 4 ga ngầm của Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, Nhổn - ga Hà Nội, được UBND quận Hoàn Kiếm bàn giao mặt bằng để bắt đầu quây rào thi công nửa phía bắc từ tháng 6/2019. Quá trình thi công, công trình ngầm gặp nhiều vướng mắc dẫn đến chậm trễ so với kế hoạch.

Trong quá trình đào thăm dò Nhà thầu liên tục phát hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật được chôn ngầm dọc vỉa hè, do đó đến tháng 9/2019, mặt bằng mới chính thức được bàn giao. Đồng thời, đơn vị thi công phải di dời rất nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật dưới mặt đất như cấp thoát nước, viễn thông, điện, trong khi vẫn phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho các cơ quan và người dân sinh sống xung quanh.

Trước đó, MRB cho biết, tính đến ngày 16/9, tiến độ chung của Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội đạt 74%. Riêng đoạn trên cao đạt 89,41%.

Hơn 300 người có "hộ chiếu vắc xin" từ Pháp về Việt Nam

Sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) vừa đón chuyến bay đưa khách có "hộ chiếu vắc xin" từ Pháp về Việt Nam. Đây cũng là chuyến bay cuối cùng trong đợt triển khai thí điểm đón khách theo diện này.

Toàn bộ hành khách là các công dân Việt Nam tại châu Âu đạt đủ điều kiện về nước theo diện có "hộ chiếu vắc xin".

Toàn bộ hành khách là các công dân Việt Nam tại châu Âu đạt đủ điều kiện về nước theo diện có "hộ chiếu vắc xin".

Vào lúc 7h sáng ngày 23/9, chuyến bay mang số hiệu VN18 chở 301 hành khách từ Pháp đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Toàn bộ hành khách là các công dân Việt Nam tại châu Âu đạt đủ điều kiện về nước theo chương trình cách ly y tế 7 ngày của Bộ Y tế.

Hành khách trước khi lên máy bay phải đảm bảo sức khỏe tốt, đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, cũng như thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ đảm bảo an toàn suốt hành trình.

Giám đốc sân bay quốc tế Vân Đồn Phạm Ngọc Sáu cho biết, các chuyến bay thí điểm đón khách theo chương trình cách ly y tế 7 ngày trong tháng 9 này đã diễn ra suôn sẻ, an toàn, giúp tạo dựng niềm tin trong cộng đồng về việc sớm tái thiết các hoạt động giao thương trong và ngoài nước. Đây dữ liệu tốt để xem xét, đánh giá, rút ra bài học trước khi triển khai rộng đưa "hộ chiếu vắc xin" hoặc thẻ thông hành "xanh" vào lưu thông, nhằm hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế song hành với phòng chống dịch bệnh.

Theo thống kê của sân bay này, đến nay, đã có tổng cộng 943 công dân về nước theo chương trình "hộ chiếu vắc xin".

Bộ GTVT dự kiến kế hoạch nối lại chở khách trên toàn quốc

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách trên toàn quốc trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Kế hoạch này áp dụng cho cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa.

Bộ GTVT dự kiến kế hoạch nối lại chở khách trên toàn quốc. Ảnh minh hoạ.

Bộ GTVT dự kiến kế hoạch nối lại chở khách trên toàn quốc. Ảnh minh hoạ.

Theo đó, với địa phương, khu vực áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 không tổ chức hoạt động vận tải khách. Các địa phương, khu vực đã nới lỏng giãn cách được phép tổ chức lại vận tải khách, quá trình khôi phục được chia thành từng giai đoạn với tần suất tăng dần. Các địa phương thực hiện mức độ bình thường mới được vận tải hành khách bình thường, không hạn chế.

Với xe khách liên tỉnh, Bộ GTVT đề xuất chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn một, các tuyến được khai thác tối đa 40% số chuyến đã cấp phép, mỗi xe chở không quá 50% số ghế. Giai đoạn hai khai thác tối đa 60% cho mỗi tuyến. Giai đoạn ba khôi phục tần suất 80% và sau đó trở lại bình thường hoàn toàn ở giai đoạn bốn.

Với hàng không, Bộ GTVT cũng đề xuất dần nối lại theo 4 giai đoạn, nhưng có 2 phương án. Với phương án một, trong giai đoạn một được khai thác tối đa 50% số chuyến bay và giãn cách ghế. Giai đoạn hai tăng lên tối đa 70% và giãn cách ghế. Giai đoạn ba vẫn khai thác tối đa 70% nhưng bỏ giãn cách ghế; giai đoạn bốn khôi phục hoàn toàn.

Phương án 2, giai đoạn một và hai áp dụng như phương án trên, tới giai đoạn ba sẽ nới lỏng hơn khi cho phép các hãng khôi phục hoàn toàn tần suất bay bình thường.

Đường sắt cũng chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn một khôi phục 50% tần suất chạy tàu, giãn cách khách. Giai đoạn hai tần suất tối đa 70% và giãn cách khách. Giai đoạn ba vẫn như giai đoạn hai nhưng bỏ áp dụng giãn cách; giai đoạn bốn khai thác trở lại bình thường.

Đối với đường thuỷ, các tuyến tàu chở khách từ đất liền ra đảo và ngược lại, tàu chở khách đường sông. Giai đoạn một cho phép khai thác tối đa 50% số chuyến, giãn cách khách. Giai đoạn hai khôi phục tối đa 70%. Giai đoạn ba khôi phục hoàn toàn trở lại bình thường.

10 khu chung cư cũ của Hà Nội sẽ được cải tạo trong 5 năm tới

4 khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D và 6 khu nhà khác được chọn cải tạo trong giai đoạn 2021 - 2025.

10 khu chung cư cũ của Hà Nội sẽ được cải tạo trong 5 năm tới

10 khu chung cư cũ của Hà Nội sẽ được cải tạo trong 5 năm tới

Ngày 23/9, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết về Đề án Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố lên kế hoạch cải tạo lại 10 khu chung cư cũ, bao gồm 4 khu chung cư có nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư Pháp; và 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.

Ngoài ra, Thành phố tiếp tục đôn đốc 14 dự án cải tạo chung cư cũ đang triển khai.

Để có cơ sở xây dựng, cải tạo các khu chung cư cũ, Thành phố sẽ lập quy hoạch chi tiết và ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn (dự kiến cuối năm 2021).

Việc lựa chọn nhà đầu tư có 3 hình thức: chủ sở hữu thống nhất lựa chọn; đấu thầu lựa chọn và nhà nước trực tiếp cải tạo.

Sở Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch xây dựng quỹ nhà tạm cư (nhà tái định cư có sẵn, quỹ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại...) để phục vụ nơi ở tạm thời cho những người dân có nhu cầu, khi tiến hành cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.

Thống kê đến năm 2020, Thành phố có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư; trong đó, 34 khu có diện tích đất từ 2 ha trở lên và 42 khu diện tích đất dưới 2 ha. Ngoài ra còn 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960 - 1994 và trước năm 1954.

Khánh Hòa cho tiệm cắt tóc, thể thao ngoài trời hoạt động từ ngày 24/9

Sau gần 3 tháng đóng cửa để chống dịch, Khánh Hòa cho phép thể thao ngoài trời, tiệm tóc, rửa xe hoạt động trở lại từ ngày 24/9.

Khánh Hòa cho tiệm cắt tóc, thể thao ngoài trời hoạt động từ ngày 24/9

Khánh Hòa cho tiệm cắt tóc, thể thao ngoài trời hoạt động từ ngày 24/9

Chủ tịch UBND Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, trong bối cảnh số ca Covid-19 ở địa phương giảm mạnh, 2 tuần không ghi nhận ca dương tính trong cộng đồng, Tỉnh dự kiến cho phép mở cửa một số dịch vụ, cửa hàng tạp hóa và các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời như đi bộ dọc bãi biển, công viên, đánh tennis, nhưng phải giữ khoảng cách và đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Ngoài ra, ngành giáo dục lên kế hoạch cho học sinh trở lại trường khi giáo viên từ cấp mầm mon đến THPT được tiêm vaccine mũi hai vào đầu tháng 10. Sau 30/9, người tiêm mũi một vaccine có thể ra đường và xét nghiệm âm tính 5 ngày/lần; người đủ 2 mũi vaccine cần xét nghiệm 10 ngày/lần.

Cùng với đó, ngành du lịch đang chuẩn bị đón khách nội tỉnh giữa tháng 10, khi địa phương cơ bản kiểm soát Covid-19.

Thành phố Vinh mở lại nhiều dịch vụ từ 0h ngày 24/9

Thành phố Vinh với hơn nửa triệu dân đã cho phép mở cửa dịch vụ cắt tóc gội đầu, quán ăn, cà phê từ 0h ngày 24/9.

Thành phố Vinh mở lại nhiều dịch vụ từ 0h ngày 24/9

Thành phố Vinh mở lại nhiều dịch vụ từ 0h ngày 24/9

Theo quyết định ban hành của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long, thành phố Vinh dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, chuyển sang thực hiện biện pháp phòng chống Covid-19 (trừ Chung cư HTX Trung Đô và Chung cư CTA1 Hadico 30 đang cách ly y tế).

Lãnh đạo Tỉnh cho phép chính quyền các địa phương bổ sung một số biện pháp phòng dịch phù hợp với thực tế.

Thực hiện Chỉ thị 19, thành phố Vinh với diện tích 104 km2, dân số hơn 500.000 sẽ tiếp tục dừng các dịch vụ không thiết yếu như karaoke, quán bar, vũ trường, xông hơi, massage, phòng tập thể thao (phòng tập gym, yoga, bia), trò chơi điện tử, Internet công cộng.

Các quán ăn, nhà hàng, chợ dân sinh, cơ sở cắt tóc gội đầu, quán cà phê, quán ăn vỉa hè... được phép hoạt động, song người dân được yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.

Trước đó, Thành phố cho phép shipper tự do hoạt động trở lại sau 1 tháng cấm; công dân trên địa bàn Nghệ An nếu trở về Vinh bắt buộc tự cách ly 14 ngày, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 3 lần.

Từ ngày 23/9, Sở Giao thông vận tải Nghệ An cũng cho phép các phương tiện vận tải hành khách nội tỉnh hoạt động trở lại. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh ôtô tuyến cố định, xe hợp đồng, taxi, xe buýt và hợp đồng vận chuyển khách bằng đường thủy nội địa chỉ được vận hành không quá 50% lượng phương tiện; mỗi chuyến không quá 50% chỗ.