Bản tin thời sự sáng 26/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM khởi động lại dự án cầu hơn 900 tỷ sau 4 năm ngưng trệ; sắp đấu giá lần thứ 9 máy bay ATR 72-500, khởi điểm hơn 136 tỷ đồng; hơn 3.300 mét hang động mới phát hiện ở Quảng Bình; Hải Phòng xây chợ mới thay thế chợ Tam Bạc bị cháy; Ủy ban Chứng khoán ‘tuýt còi’ doanh nghiệp vi phạm quy định…

TP.HCM khởi động lại dự án cầu hơn 900 tỷ sau 4 năm ngưng trệ

Sau 4 năm dừng thi công, Dự án cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp, TP. Thủ Đức (TP.HCM), vốn đầu tư 919 tỷ đồng được khởi động lại sau khi hoàn tất giải phóng mặt bằng, sáng 25/3.

Công trường cầu Nam Lý sau 4 năm dừng thi công

Công trường cầu Nam Lý sau 4 năm dừng thi công

Công trình dài 750 m, trong đó phần cầu dài 450 m, rộng 20 m, còn lại là đường dẫn rộng 30 - 37 m. Khởi công từ cách đây 7 năm nhằm thay cầu cống đập Rạch Chiếc nhỏ hẹp và xuống cấp, cầu Nam Lý đã hoàn thành 40%, song ngưng trệ từ tháng 4/2019 do vướng mặt bằng 54 hộ dân, tổ chức. Mới đây, TP. Thủ Đức đã hoàn tất công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng để Dự án được thi công trở lại.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), cho biết, sau khi tiếp nhận mặt bằng, đơn vị cùng các nhà thầu đang huy động nhân lực, vật tư và thiết bị để bắt đầu thi công trước ngày 10/4. Dự kiến, cầu hoàn thành sau 14 tháng thi công, tức quý II năm sau sẽ đưa vào khai thác.

Theo Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Hoàng Tùng, cầu Nam Lý là một trong những dự án trọng điểm trên địa bàn, khi hoàn thành ngoài nối hai bờ sông Rạch Chiếc, còn góp phần giảm ùn tắc đường Đỗ Xuân Hợp, hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực. Hiện một số hộ trong diện giải toả để làm công trình còn băn khoăn về việc di dời, sửa chữa nhà, các đơn vị cần hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.

Sắp đấu giá lần thứ 9 máy bay ATR 72-500, khởi điểm hơn 136 tỷ đồng

Công ty Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) sắp đấu giá thanh lý lần thứ 9 chiếc máy bay ATR 72-500 sản xuất năm 2010 với giá khởi điểm 136,6 tỷ đồng.

ATR-72 là dòng máy bay chở khách hạng nhẹ 2 động cơ turbine cánh quạt hoạt động trên những tuyến đường ngắn. Ảnh minh họa

ATR-72 là dòng máy bay chở khách hạng nhẹ 2 động cơ turbine cánh quạt hoạt động trên những tuyến đường ngắn. Ảnh minh họa

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Hà Nội vừa thông báo bán đấu giá một tàu bay ATR 72-500 số hiệu sản xuất 925 (MSN 925) do VALC ủy quyền.

Máy bay này được sản xuất vào năm 2010, có 68 ghế ngồi và đang được VALC cho Vietnam Airlines thuê khai thác. Giá khởi điểm tại phiên đấu giá là hơn 136 tỷ đồng (tương đương 5,6 triệu USD), chưa bao gồm thuế và phí.

Khách muốn đấu giá sẽ phải đặt trước 6,8 tỷ đồng, tương đương 280.000 USD. Người tham gia đấu giá có thể đến kiểm tra trực tiếp tài sản từ ngày 24/3 - 4/4 tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Tuy nhiên, việc kiểm tra này sẽ phải chịu các chi phí liên quan. Cuộc đấu giá sẽ diễn ra vào sáng 10/4 tại Hà Nội, theo hình thức bỏ phiếu gián tiếp.

Đây là lần thứ 9 VALC đấu giá chiếc máy bay này. Năm 2016, chiếc ATR 72-500 MSN 925 được bán đấu giá lần đầu với giá khởi điểm 215 tỷ đồng.

Hơn 3.300 m hang động mới phát hiện ở Quảng Bình

Năm hang động ướt với tổng chiều dài 3.349 m vừa được phát hiện ở Quảng Bình.

Một trong 5 hang động vừa phát hiện ở Quảng Bình

Một trong 5 hang động vừa phát hiện ở Quảng Bình

Từ ngày 12 đến 16/3, đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã khảo sát vùng núi đá vôi tại xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hoá (tỉnh Quảng Bình). Năm hang động mới đã được phát hiện.

Tất cả các hang đều thuộc dạng ướt, một số hang có nhánh khô. Trong đó, hang Hung Trù 1 dài 1.919 m, sâu 11 m; hang Hung Trù 2 dài 502 m, sâu 25,8 m; hang Hung Trù 3 dài 153 m, sâu 11,4 m; hang Hung Kà Vờng 1 dài 238 m, sâu 2,8 m; hang Hung Kà Vờng 2 dài 537 m, sâu 5 m.

Các chuyên gia còn phát hiện một hang động có chiều dài suối ngầm khá lớn nhưng không thể khảo sát hết do chưa chuẩn bị đầy đủ phương tiện. Đoàn sẽ chuẩn bị thuyền, phương tiện cứu hộ, bình lặn nhằm khảo sát thêm.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa cho biết, địa phương có thể còn nhiều hang động chưa được khám phá. Một số hang động có không gian lớn, thạch nhũ đẹp, có tiềm năng để khai thác du lịch. Huyện sẽ xây dựng điểm đến an toàn, ấn tượng khi có những công bố chi tiết hơn.

Quảng Bình được mệnh danh là "Vương quốc hang động", với hơn 500 hang được phát hiện. Có khoảng 40 hang được đưa vào khai thác du lịch. Trong đó, hang Sơn Đoòng, hang Én và Pigmy lần lượt lớn thứ nhất, hai và tư thế giới. Hang Sơn Đoòng đã được khách tham quan đặt chỗ kín đến tháng 3/2024.

Hải Phòng xây chợ mới thay thế chợ Tam Bạc bị cháy

Thành phố Hải Phòng sẽ lựa chọn nhà đầu tư xây dựng chợ mới tại khu vực Mega Market, phường Sở Dầu, thay thế chợ Tam Bạc đã bị cháy.

Chợ Tam Bạc (Hải Phòng) bị cháy ngày 12/2

Chợ Tam Bạc (Hải Phòng) bị cháy ngày 12/2

Làm việc với đại diện các hộ kinh doanh tại chợ Tam Bạc (phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng), Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, chợ mới sẽ được xây dựng ở khu đất có diện tích hơn 1 ha.

Ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, diện tích mặt bằng chợ Tam Bạc cũ không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn để xây dựng lại chợ mới.

Công an TP. Hải Phòng cũng đánh giá mặt bằng chợ cũ không đảm bảo về giao thông, phòng cháy, chữa cháy, bãi để xe và các công trình tiện ích phục vụ hoạt động của chợ.

Khu đất ở vị trí chợ Tam Bạc cũ sẽ được sử dụng để xây dựng công trình tiện ích phục vụ cộng đồng dân cư như công viên hoặc công viên kết hợp bãi đỗ xe.

Ngày 12/2, chợ Tam Bạc bị cháy, thiêu rụi 664 quầy hàng, gây thiệt hại một phần cho 49 quầy. Đây là chợ loại 1 (do tỉnh, thành quản lý) có từ 38 năm trước, xây dựng lại năm 2002.

Đại tá Lê Nguyên Trường, Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng cho biết, nguyên nhân vụ cháy là do chập mạch điện, không có dấu hiệu phá hoại hay hành vi can thiệp của con người.

9 dự án ở Thanh Hoá phải tạm dừng do chưa phù hợp quy hoạch

Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hoá vừa thống nhất chủ trương tạm dừng 9 dự án chưa phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Thanh Hoá.

Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hoá thống nhất chủ trương tạm dừng 9 dự án chưa phù hợp với điều chỉnh quy hoạch

Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hoá thống nhất chủ trương tạm dừng 9 dự án chưa phù hợp với điều chỉnh quy hoạch

Theo đó, sau khi nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hoá báo cáo, xin ý kiến về việc tạm dừng thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 do cần thiết phải đánh giá, xem xét sự phù hợp với quy hoạch cấp trên, Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá thống nhất chủ trương tạm dừng thực hiện 9 dự án chưa phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Thanh Hoá đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009.

Các dự án tạm dừng gồm: Khu Công viên thể thao Đình Hương; khu vực Hồ Thành; Khu đô thị Mật Sơn 2 thuộc Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực di tích thắng cảnh Mật Sơn, TP. Thanh Hoá; Khu dân cư phường Nam Ngạn; Khu ở phía Bắc đường Nguyễn Công Trứ; Khu dân cư Tây Nam đường vành đai Đông Tây; Khu đô thị mới Đông Bắc TP. Thanh Hoá; Khu dân cư Quảng Phú; Khu dân cư phố Minh Trại, phường Quảng Thành.

Hiện cơ quan chức năng đang thực hiện việc tạm dừng các dự án, triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Ủy ban Chứng khoán ‘tuýt còi’ doanh nghiệp vi phạm quy định

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố 3 quyết định xử phạt doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Các lỗi bị xử phạt là "bán chui" cổ phiếu quỹ, không công bố thông tin tiền lương lãnh đạo...

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa xử phạt 3 doanh nghiệp

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa xử phạt 3 doanh nghiệp

Theo đó, Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC bị phạt 60 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật, cụ thể là báo cáo tình hình quản trị Công ty năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, VRC còn bị phạt 25 triệu đồng do chưa thuyết minh chi tiết thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương Tổng giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Long An bị phạt 70 triệu đồng do bán cổ phiếu quỹ mà không báo cáo UBCKNN. Năm 2022, doanh nghiệp này đã bán 4.100 cổ phiếu quỹ nhưng không báo cáo.

Công ty CP Vận tải xăng dầu VIPCO bị phạt 50 triệu do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định về thay đổi số cổ phiếu có quyền biểu quyết do hoàn tất việc bán cổ phiếu quỹ năm 2021.

Ngoài ra, VIPCO còn bị phạt 100 triệu đồng do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Công ty chỉ có 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập trên tổng số 7 thành viên Hội đồng quản trị.

Hàng chục nghìn hộ dân ở TP.HCM bị cắt nước

Hàng chục nghìn hộ dân ở Quận 8, huyện Bình Chánh bị cắt nước từ tối 25/3 đến sáng 26/3 nhằm bảo trì định kỳ Mhà máy Nước Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (TP.HCM).

Nhà máy Nước Tân Hiệp được bảo dưỡng

Nhà máy Nước Tân Hiệp được bảo dưỡng

Nước bị cắt từ 22h ngày 25 đến 4h ngày 26/3. Trong đó, 6 phường ở Quận 8 bị cắt nước toàn bộ, gồm: 6, 7, 13, 14, 15, 16. Huyện Bình Chánh gồm: thị trấn Tân Túc, xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai, Bình Lợi, Lê Minh Xuân, Tân Kiên, Tân Nhựt, Bình Chánh, An Phú Tây, Tân Quý Tây, Hưng Long, Phong Phú và Bình Hưng.

Các địa bàn nước bị yếu, gồm: quận Bình Tân, huyện Hóc Môn. Quận 6 (các phường 6, 9, 10, 11, 12, 13, 14); Quận 12 (các phường Tân Thới Nhất, Tân Hưng Thuận, Đông Hưng Thuận, Trung Mỹ Tây, Tân Chánh Hiệp, Tân Thới Hiệp, Hiệp Thành, Thới An, Thạnh Xuân); Gò Vấp (các phường 8, 9, 11, 12, 13, 14, 15, 16); Tân Bình (các phường 12, 13, 14, 15); Tân Phú (phường Tây Thạnh, Sơn Kỳ, Tân Sơn Nhì, Tân Quý, Tân Thành, Phú Thọ Hòa, Phú Thạnh, Hòa Thạnh, Hiệp Tân, Tân Thới Hòa).

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, khi hệ thống cấp nước hoạt động lại, một số nơi xa nguồn có thể phục hồi chậm hơn dự kiến. Đơn vị sẽ điều tiết mạng lưới cấp nước và tăng cường tiếp nước bằng xe bồn đến các nơi quan trọng bị ảnh hưởng.

Nhà máy Nước Tân Hiệp được khánh thành năm 2016, tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Đây là dự án cấp nước quy mô lớn ở TP.HCM với công suất 300.000 m3 mỗi ngày.