Bản tin thời sự sáng 2/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 10 trường hợp được tăng lương cơ sở từ ngày 1/7; các hãng hàng không được yêu cầu bổ sung tàu bay; 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế TP.HCM tăng cao nhất 5 năm; Hà Nội muốn thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật tất cả tuyến metro…

10 trường hợp được tăng lương cơ sở từ ngày 1/7

Từ ngày 1/7, 2,78 triệu cán bộ, công chức, viên chức (chưa tính lực lượng vũ trang) được tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng.

Từ ngày 1/7, 2,78 triệu cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương cơ sở

Từ ngày 1/7, 2,78 triệu cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương cơ sở

Nghị định 73 có hiệu lực từ 1/7 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Theo đó, 10 trường hợp được tăng lương cơ sở là: cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; nhân viên hợp đồng với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Các trường hợp áp dụng lương cơ sở mới nữa là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc công an; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc quân đội và hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc công an; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố.

Các đơn vị đang được áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương sẽ bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6/2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ 1/7. Việc bảo lưu áp dụng đến khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Trong thời gian này, các đơn vị sẽ thực hiện tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng và không vượt quá mức hưởng tháng 6/2024. Nếu tiền lương và thu nhập tăng thêm thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.

Cuối năm 2023, cả nước có gần 2,78 triệu lao động khu vực nhà nước đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, không gồm lực lượng vũ trang. Trong đó, hơn 2,2 triệu người hưởng lương từ ngân sách và gần 556.000 người hưởng lương tại các đơn vị tự chủ toàn phần hoặc một phần. Bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của nhóm này đạt 6,9 triệu đồng mỗi tháng.

Ngoài lương cơ sở, từ ngày 1/7, lương tối thiểu vùng tăng 6%; lương hưu tăng 15%; chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 triệu lên 2,789 triệu đồng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9% từ 360.000 lên 500.000 đồng mỗi tháng.

Các hãng hàng không được yêu cầu bổ sung tàu bay

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị, các hãng tìm kiếm tàu bay cho thuê trên thế giới để thay thế phương tiện dừng khai thác do bị triệu hồi động cơ.

Máy bay tại sân bay quốc tế Nội Bài

Máy bay tại sân bay quốc tế Nội Bài

Ngày 1/7, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam; các doanh nghiệp Vietjet, Tre Việt, Pacific Airlines và Lữ hành Việt Nam yêu cầu bổ sung tàu bay, tăng tải trên đường bay quốc tế và nội địa, chú ý đường bay phục vụ du lịch.

Với giá vé, cơ quan quản lý yêu cầu các hãng tiếp tục thực hiện quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, làm rõ khoản mục cấu thành khách phải trả trong giá vé, chương trình bán vé theo quy định.

Ngoài ra, các hãng cần xây dựng dải giá vé linh hoạt, tiếp tục có chính sách ưu đãi về giá vé trên đường bay nội địa phù hợp với thực tiễn thị trường cũng như nhu cầu của người dân và các chương trình du lịch, lễ hội lớn.

Cục Hàng không khuyến cáo, với hành khách đã xác định lịch khởi hành từ xa thì nên đặt vé sớm để có nhiều sự lựa chọn mức giá phù hợp; tạo điều kiện để các hãng bố trí nguồn lực, tối ưu hoạt động khai thác tàu bay, hạn chế việc việc hủy chuyến và giảm áp lực trong bối cảnh đội tàu bay bị thu hẹp như hiện nay.

Do động cơ của Pratt & Whitney bị triệu hồi, các hãng hàng không thế giới đang thiếu máy bay. Thống kê hồi tháng 5/2024, các hãng của Việt Nam đang khai thác 165 - 170 tàu bay, giảm 40 - 45 chiếc so với mức bình quân cả năm ngoái. Thị trường nội địa phụ thuộc vào năng lực cung ứng của Vietnam Airlines và Vietjet. Pacific Airlines vẫn phải dừng bay sau khi trả hết tàu bay hồi cuối tháng 3. Đội bay của Bamboo Airways, Vietravel Airlines chỉ còn lần lượt 5 và 3 chiếc.

6 tháng đầu năm 2024, kinh tế TP.HCM tăng cao nhất 5 năm

Trong 6 tháng đầu năm, GRDP TP.HCM tăng 6,46% so với cùng kỳ, tốc độ cao nhất kể từ 2020, theo Cục Thống kê Thành phố.

Trong 6 tháng đầu năm, GRDP TP.HCM tăng 6,46% so với cùng kỳ

Trong 6 tháng đầu năm, GRDP TP.HCM tăng 6,46% so với cùng kỳ

Đây là bước cải thiện đáng kể từ sau Covid-19, với tăng trưởng nửa đầu năm 2022 và 2023 chỉ dưới 4%. Tuy nhiên, tốc độ vẫn chậm hơn so với trước dịch, với nửa đầu năm 2019 tăng 7,61%.

Trong 6 tháng qua, thương mại dịch vụ và công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ tỷ trọng lớn, là lực đỡ cho đầu tàu kinh tế. Trong đó, thương mại dịch vụ chiếm 65,6% cơ cấu, có tốc độ tăng trưởng cao nhất (7,26%) và đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng, với 4,34 điểm phần trăm.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, thương mại và dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi nổi với nhiều chương trình được thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong mùa du lịch hè. Nhờ vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 10%.

Công nghiệp và xây dựng chiếm 21% GRDP, đóng góp 1,2 điểm phần trăm với mức tăng trưởng 5,55%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng tăng 5,6%, cao nhất 3 năm qua. Sản xuất cải thiện góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu đạt 20,6 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp có tín hiệu rục rịch bơm vốn vào sản xuất kinh doanh. Nửa năm qua, Thành phố cấp phép gần 25.250 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 214.716 tỷ đồng, tăng 9,6% về giấy phép và tăng 1% về vốn so với cùng kỳ.

Tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tổng dư nợ đến 30/6 tăng 10,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, riêng khối doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn thận trọng. Sáu tháng qua, vốn thực hiện của khối này ước hơn 16.000 tỷ đồng, chiếm 10,8% vốn đầu tư toàn xã hội của địa phương, giảm 2,2%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Cục Thống kê cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II so với quý I đã có tín hiệu khởi sắc. Cụ thể, có 37% doanh nghiệp đánh giá tình hình tốt lên; 36,6% giữ ổn định và 26,4% khó khăn hơn. Dự báo tình hình quý III, có 37% nghĩ rằng sẽ tốt hơn; 41,2% nói giữ ổn định.

Hà Nội muốn thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật tất cả tuyến metro

UBND TP. Hà Nội dự kiến thống nhất khung tiêu chuẩn cho metro về khổ đường, độ rộng đầu máy toa xe, công nghệ cấp điện để đảm bảo kết nối, vận hành sau này.

Metro Nhổn - Ga Hà Nội trước khi vận hành

Metro Nhổn - Ga Hà Nội trước khi vận hành

Ngày 1/7, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Phi Thường thay mặt UBND TP. Hà Nội trình HĐND đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.

Giai đoạn 2024 - 2030, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 96,8 km đường sắt đô thị với nguồn vốn 14,6 tỷ USD. Giai đoạn 2031 - 2035, Thành phố dự kiến hoàn thành 301 km với nhu cầu vốn khoảng 22,6 tỷ USD. Sau 2030, đường sắt đô thị dự kiến đảm nhận 35 - 40% hành khách công cộng, tương đương 9,7 - 11,8 triệu chuyến đi một ngày.

Ông Thường cho biết, các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam hiện sử dụng vốn ODA từ nước ngoài, có ràng buộc hoặc ưu tiên sử dụng sản phẩm xuất xứ nước tài trợ. Do vậy, các dự án có sự khác nhau về kỹ thuật công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khai thác vận hành. Việc này dẫn đến khó khăn trong việc đồng bộ hóa quản lý, kết nối trung chuyển, khó tối ưu trong tận dụng nguồn nhân lực.

Tuyến 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn Trung Quốc. Tuyến 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn châu Âu. Tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn Nhật Bản và châu Âu.

Giám đốc Sở GTVT giải thích, các dự án khác biệt nhiều ở đường kính vỏ hầm, kích thước đoàn tàu, vật liệu vỏ, kiểm soát đánh giá an toàn hệ thống. Việc này dẫn đến nhiều bất cập trong đồng bộ, tận dụng thiết kế, tận dụng kinh nghiệm, đào tạo chuyển giao, cũng như khó khăn trong kết nối trung chuyển, tối ưu hóa năng lực sửa chữa, bảo trì toàn mạng lưới.

Vì vậy, UBND TP. Hà Nội đề xuất lựa chọn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dùng chung và các thông số kỹ thuật chính để cho phép khả năng liên vận giữa các tuyến đường sắt với nhau, đồng thời tối ưu hóa chi phí đầu tư, năng lực bảo trì, sửa chữa và vận hành.

Tuy nhiên, ông Thường cũng cho biết, khung tiêu chuẩn kỹ thuật chung chỉ là công cụ hỗ trợ để xác định quy tắc thiết kế và thi công, không mang tính áp đặt. Thành phố vẫn cho phép linh hoạt lựa chọn nhà cung cấp khác nhau để có được chi phí và chất lượng tốt nhất thông qua đấu thầu.

Gần 100.000 nhà đầu tư được triệu tập đến phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết

Tòa án nhân dân Hà Nội dự kiến xét xử vụ án liên quan cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Thao túng thị trường chứng khoán" từ ngày 22/7 tới.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

Ngoài 50 bị cáo, HĐXX sẽ triệu tập 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu mã ROS trong lần bán ra đầu tiên. Ngoài ra, hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này cũng được triệu tập trong vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị xét xử về hai tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

7 người khác bị truy tố với cùng hai tội danh, gồm: Trịnh Thị Minh Huế - cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Quyết); Trịnh Thị Thúy Nga - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (em gái ruột ông Quyết);

Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC; Trịnh Văn Đại, Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros (anh họ ông Quyết); Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng nhóm vật tư cảnh quan, phòng mua sắm của Công ty TNHH MTV FLC Land (em rể ông Quyết, chồng Trịnh Thúy Nga);

Trịnh Tuân, nguyên Giám đốc Công ty FLC Land (cháu họ ông Quyết); Nguyễn Thị Hồng Dung, lao động tự do (vợ Nguyễn Quang Trung, họ hàng với ông Quyết).

Trong vụ án, ông Trần Đắc Sinh - cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE); Lê Hải Trà - cựu Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc thường trực HoSE; Trầm Tuấn Vũ - cựu Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng niêm yết HoSE; Lê Thị Tuyết Hằng - Giám đốc Phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết HoSE, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ông Lê Công Điền - cựu Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Dương Văn Thanh - cựu Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; Phạm Trung Minh - cựu Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, bị truy tố về tội "Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".

13 người khác, trong đó có nhiều người thân, họ hàng của ông Quyết bị Viện KSND Tối cao truy tố tội "Thao túng thị trường chứng khoán"; 22 người còn lại bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cần 28.279 tỷ đồng nâng cấp hơn 15 km đường Mỹ Phước - Tân Vạn

Để đầu tư cải tạo, nâng cấp 15,3 km đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đường Vành đai 3, TP.HCM) cần 28.279 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, chưa bố trí được nguồn vốn để đầu tư.

Một đoạn đường Vành đai 3, TP.HCM từ Mỹ Phước đến Tân Vạn đi qua Bình Dương đã hoàn thành đưa vào khai thác

Một đoạn đường Vành đai 3, TP.HCM từ Mỹ Phước đến Tân Vạn đi qua Bình Dương đã hoàn thành đưa vào khai thác

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND Thành phố về phương án đầu tư đoạn 15,3 đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện đi trùng với đường Vành đai 3, TP.HCM đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương.

Tuyến đường này được UBND tỉnh Bình Dương đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2015.

Sở GTVT TP.HCM cho biết, đoạn 15,3 km đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện hữu đi trùng đường Vành đai 3 TP.HCM đang khai thác với 6 làn xe, các nút giao trên tuyến dạng giao bằng, không bảo đảm năng lực thông hành khi đường Vành đai 3 đưa vào khai thác năm 2026.

Trước đây, khi lập chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3, tỉnh Bình Dương đề xuất xây dựng các nút giao trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn bằng nguồn vốn ODA.

Tuy nhiên, việc đầu tư các nút giao dự kiến hoàn thành vào năm 2027 - 2028 (chậm hơn so với đường Vành đai 3) sẽ tạo áp lực giao thông lớn lên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, nguy cơ gây ùn tắc giao thông trên toàn tuyến Vành đai 3.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, để đầu tư nâng cấp, cải tạo đoạn 15,3 km đảm bảo năng lực thông hành trên toàn tuyến khi đường Vành đai 3 đưa vào khai thác năm 2026 cần 28.279 tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu các phương án đầu tư đoạn tuyến này và đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ và chấp thuận chủ trương giao tỉnh Bình Dương đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Di chuyển gần 1.000 cây xanh ở công viên lớn nhất Thanh Hóa

Gần 800 cây xà cừ, sao đen, phượng... trồng 10 - 20 năm và hàng trăm cây khác sẽ được di chuyển, thay thế khi TP. Thanh Hóa cải tạo công viên Hội An.

Gần 1.000 cây xanh trong công viên Hội An sẽ được đánh chuyển, cắt bỏ

Gần 1.000 cây xanh trong công viên Hội An sẽ được đánh chuyển, cắt bỏ

Ngày 1/7, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Thanh Hóa cho biết, nhà thầu đang cho công nhân đào gốc, tạo bầu và đánh chuyển đến vị trí mới gần 800 cây xanh khi thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp công viên Hội An. Số cây này đa phần là xà cừ, sao đen, phi lao, phượng..., buộc phải đánh chuyển do nằm ở phạm vi mở rộng đường nội bộ, hoặc công trình mới sau cải tạo công viên.

Ngoài ra, nhà thầu cắt bỏ hơn 200 cây không đúng chủng loại, không phù hợp cảnh quan trong công viên như cây sanh, cây đa. Đây là lần đánh chuyển nhiều cây nhất thuộc phạm vi công viên công cộng ở Thanh Hóa.

Chính quyền Thành phố cũng cho cắt tỉa tạo tán giữ nguyên vị trí 58 cây khác. Dự kiến, nhà thầu còn cho trồng mới khoảng 1.200 cây luồng, đào, hoa giấy để tạo cảnh quan cho công viên lớn nhất TP. Thanh Hóa.

Công viên Hội An vốn là công viên Thanh Hóa, được xây dựng năm 2003 với diện tích khoảng 24 ha, nằm trên các phường Lam Sơn, Trường Thi. Công trình có bốn mặt tiền, nằm trên hai tuyến phố sầm uất bậc nhất TP. Thanh Hóa là Lê Hoàn và đại lộ Lê Lợi kéo dài.

Năm 2009, công viên được đổi tên nhân kỷ niệm sự kiện kết nghĩa giữa thị xã Hội An và thị xã Thanh Hóa (nay là TP. Hội An và TP. Thanh Hóa). Công viên hiện có nhiều công trình kiến trúc độc đáo mang biểu trưng của TP. Hội An (Quảng Nam) như mô hình chùa Cầu, dãy phố cổ Hội An...

Suốt thời gian dài TP. Thanh Hóa đã cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân thuê mặt bằng để kinh doanh nhà hàng, quán cà phê, sân tennis, sân bóng đá... nên diện tích công viên bị thu hẹp. Nhiều vị trí bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Trước những tồn tại trên, TP. Thanh Hóa đang triển khai dự án nâng cấp, cải tạo công viên với tổng vốn đầu tư hơn 170 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục