Yêu cầu thanh tra các cuộc đấu giá khoáng sản có giá trúng tăng đột biến
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thanh tra các cuộc đấu giá khoáng sản có giá trúng tăng đột biến, vì ảnh hưởng xấu an ninh kinh tế, trật tự xã hội.
Một mỏ cát đang khai thác tại tỉnh Hà Tĩnh |
Yêu cầu này được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nêu trong văn bản gửi các địa phương. Theo đó, lãnh đạo Bộ này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thanh, kiểm tra các cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản có dấu hiệu bất thường và xử nghiêm trường hợp vi phạm.
Đề nghị này được cơ quan quản lý đưa ra dựa trên đánh giá kết quả đấu giá tại một số địa phương có yếu tố bất thường. Chẳng hạn, việc bỏ giá thực hiện qua nhiều vòng, thời gian tổ chức kéo dài, giá trúng gấp nhiều lần so với mức bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường. Gần nhất, ngày 21/10, một doanh nghiệp đã trúng đấu giá mỏ cát tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với giá gấp 12 lần mức khởi điểm.
"Điều này dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân sau trúng đấu giá đã chấp nhận bỏ cọc, tác động xấu đến an ninh kinh tế, trật tự xã hội tại địa phương", Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.
Bên cạnh đó, Bộ này đề nghị các địa phương tăng kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác tại các mỏ khoáng sản, nhằm đảm bảo các đơn vị thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, không khai thác vượt trữ lượng được cấp phép, nhất là các mỏ cát, sỏi trên địa bàn.
Các địa phương cũng được yêu cầu xây dựng phương án đấu giá phù hợp với đặc thù của đối tượng đấu giá là quyền khai thác khoáng sản, trong đó lưu ý lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp. Trường hợp tổ chức bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đơn vị tổ chức cần nghiên cứu cách thức nhằm giảm số vòng trả giá, tránh kéo dài thời gian cuộc đấu giá.
Ngoài ra, cơ quan quản lý về khoáng sản yêu cầu địa phương phổ biến quy định đấu giá cho tổ chức, cá nhân, nhằm tránh hiểu sai đấu giá quyền khai thác khoáng sản là mua mỏ…
Cầu Phong Châu mới sẽ được khởi công xây dựng trong quý IV
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới được giao cho Ban Quản lý dự án Thăng Long quản lý, xây dựng tại huyện Tam Nông và Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), trong thời gian từ quý IV/2024 đến quý IV/2025.
Cầu Phong Châu mới sẽ được xây dựng từ quý IV/2024 đến quý IV/2025 |
Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) vừa có quyết định về việc ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp Dự án Đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới - Quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ, theo quy định về xây dựng công trình khẩn cấp. Chí phí xây dựng khoảng 800 tỷ đồng, từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024.
Theo quyết định trên, Ban Quản lý dự án Thăng Long chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lập các hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng công trình theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư công, xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan; xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Dự án theo Lệnh khẩn cấp với tiến độ hoàn thành Dự án trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Quản lý dự án Thăng Long cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện bảo đảm trình tự, thủ tục, chất lượng, tiến độ, tuân thủ quy định hiện hành.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông tại cầu Phong Châu.
UBND tỉnh Phú Thọ gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Phú Thọ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ với quy mô hiện đại, đồng bộ tuyến Quốc lộ 32C.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện giao UBND tỉnh Phú Thọ là cơ quan chủ trì, khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan triển khai ngay nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án, bảo đảm kiên cố, an toàn trong mọi điều kiện mưa lũ…
Hoàn thành 50 km đường gom bổ sung trên 3 tuyến cao tốc trong năm 2025
Dự kiến khoảng 50 km đường gom bổ sung thuộc 3 dự án đường bộ cao tốc: Nha Trang - Cam Lâm, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được hoàn thành trong năm 2025.
Thi công đường gom dân sinh cao tốc Bắc - Nam qua huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận |
Báo cáo Quốc hội về tiến độ hoàn thiện hệ thống đường gom, đường dân sinh trên các tuyến đường bộ cao tốc đã đưa vào khai thác, Bộ Giao thông vận tải cho biết, thời gian qua, Bộ đã đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu thi công toàn bộ hệ thống đường gom, đường ngang đối với 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Hiện tại, các dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác toàn bộ hệ thống đường gom, đường ngang theo thỏa thuận ban đầu với địa phương, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.
Theo Bộ Giao thông vận tải, nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại, các địa phương đã kiến nghị bổ sung phạm vi đầu tư đường gom dân sinh với tổng chiều dài hơn 73 km.
Trong đó, Dự án cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm bổ sung khoảng 14,5 km; cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết bổ sung hơn 12 km; cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây bổ sung hơn 27 km; cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt bổ sung hơn 2 km; cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo bổ sung khoảng 6,8 km; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ bổ sung gần 10 km.
Đối với phạm vi đường gom bổ sung, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp với địa phương triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục theo quy định, tổ chức lựa chọn nhà thầu để thi công.
"Theo kế hoạch, trong năm 2024, có hơn 23 km đường gom bổ sung sẽ hoàn thành thuộc các dự án: Diễn Châu - Bãi Vọt; Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Nha Trang - Cam Lâm. Còn lại khoảng 50 km thuộc các dự án: Nha Trang - Cam Lâm (13 km); Phan Thiết - Dầu Giây (hơn 27 km) và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (9,7 km) sẽ được triển khai ngay sau khi bố trí nguồn vốn thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2025", Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Xuất khẩu cà phê niên vụ 2023 - 2024 cao kỷ lục
Niên vụ 2023 - 2024, ngành cà phê toàn cầu trải qua nhiều khó khăn, tuy nhiên Việt Nam đã xuất khẩu 1,45 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch cao nhất từ trước đến nay với gần 5,43 tỷ USD.
Xuất khẩu cà phê niên vụ 2023 - 2024 đạt kim ngạch 5,43 tỷ USD |
Đây là thông tin được Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa) cho biết tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ niên vụ 2024 - 2025.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa cho biết, niên vụ cà phê 2023 - 2024, từ dự báo giảm sản lượng ở nhiều quốc gia sản xuất lớn, thị trường chứng kiến giá xuất khẩu liên tục tăng.
Lần đầu tiên giá cà phê robusta trên sàn giao dịch London ở mức trên 5.000 USD/tấn, giá cà phê robusta còn cao hơn cà phê arabica.
Tại Việt Nam, giá cà phê cũng liên tục lập đỉnh, đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Đây là lý do sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm 12,7% về lượng nhưng tăng 33% về giá trị so với niên vụ trước đó.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), niên vụ cà phê 2024 - 2025, tổng sản lượng của Brazil dự báo là 69,9 triệu bao, trong đó arabica 48,2 triệu bao và robusta 21,7 triệu bao; Việt Nam có tổng sản lượng khoảng 29 triệu bao, trong đó xuất khẩu 24,4 triệu bao, còn 4,6 triệu bao tiêu thụ nội địa.
Thủy điện Trị An ngừng xả tràn nhằm hạn chế ngập ở hạ du
Ngày 26/10, Công ty Thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho biết, từ 16 giờ cùng ngày, Thủy điện Trị An kết thúc xả tràn hồ chứa. Việc ngừng xả tràn là để hạn chế ngập vùng hạ du, bởi những ngày tới triều cường tại hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ lên cao.
Hiện cao trình hồ Trị An đạt 61,57 m (cao trình an toàn hồ là 62 m) |
Công ty Thủy điện Trị An cho biết, hiện cao trình hồ Trị An đạt 61,57 m (cao trình an toàn hồ là 62 m); trung bình mỗi giây lượng nước về hồ khoảng 640 m3. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, 5 ngày tới, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ tăng cao nên Thủy điện Trị An ngừng xả lũ nhằm góp phần hạn chế triều cường.
Thủy điện Trị An là hồ lớn nhất miền Nam với 4 tổ máy, công suất thiết kế 400 MW. Ngoài đóng góp cho lưới điện quốc gia, Thủy điện Trị An còn giúp điều tiết nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, đẩy mặn và điều tiết lũ cho vùng hạ du.
Khởi tố Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đắk Lắk về hành vi “Nhận hối lộ”
Trụ sở Ban Quản lý các khu công nghiệp Đắk Lắk |
Ngày 26/10, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Bùi Văn Từ (sinh năm 1972, trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra, làm rõ về hành vi “Nhận hối lộ”.
Ông Bùi Văn Từ là Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó, ngày 25/10, ông Bùi Văn Từ bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố về tội "Nhận hối lộ," theo Điều 354 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Phó Chi cục Thi hành án dân sự Trảng Bom bị bắt khẩn cấp
Ngày 26/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã tạm giữ hình sự ông Nguyễn Đình Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ” |
Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp ông Lê Công Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thẩm định giá Đồng Nai để điều tra về hành vi “Đưa hối lộ”.
Sau khi thực hiện lệnh bắt giữ đối với những người trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã thực hiện lệnh khám xét nơi làm việc và thu giữ các hồ sơ, tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra vụ án.
Trước đó, một người dân trong tỉnh gửi đơn tố cáo hành vi của ông Nguyễn Đình Thành đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai. Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định các cá nhân trên có dấu hiệu tội phạm nên thi hành lệnh bắt khẩn cấp để phục vụ công tác điều tra.