Bản tin thời sự sáng 28/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tháng 9/2023, Hà Nội sẽ thông xe cầu Vĩnh Tuy 2; đề xuất giảm 10 - 30% phí sử dụng đường bộ; Chủ tịch HĐQT Danh Khôi bị bán giải chấp cổ phiếu NRC; đề xuất lấn biển xây sân bay 5.000 tỷ đồng trên đảo Lý Sơn; truy tố 2 cựu cán bộ Công an TP.HCM buôn lậu trị giá hơn 217 tỷ đồng…

Tháng 9/2023, Hà Nội sẽ thông xe cầu Vĩnh Tuy 2

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội vừa thông tin về tiến độ của các dự án cầu Vĩnh Tuy 2, đường Vành đai 4 vùng thủ đô.

Cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ thông xe vào tháng 9/2023

Cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ thông xe vào tháng 9/2023

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 hiện đã hoàn thành 4/5 gói thầu xây lắp chính. Gói thầu xây dựng cầu chính vượt dòng chủ (gói thầu cuối cùng) hiện đã hoàn thành các trụ cầu, đang thi công kết cấu phần trên.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đang tập trung triển khai thực hiện theo tiến độ chỉ đạo của UBND Thành phố, đảm bảo hợp long cầu trước ngày 30/6/2023; hoàn thành, thông xe trước ngày 2/9/2023.

Đối với Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, cùng với việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án (dự kiến trình duyệt trong tháng 12/2022), công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang được triển khai tích cực.

Hiện tại, đã cắm mốc được 36km/58,2 km (dự kiến sẽ hoàn thành công tác cắm mốc trong tháng 12 tới). Các địa phương đã thành lập hội đồng, tổ công tác GPMB; cơ bản lập xong phương án GPMB tổng thể, xác định được các khu tái định cư.

Sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần được phê duyệt (dự kiến trong tháng 1/2023), Ban sẽ nhanh chóng tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt tổ chức lựa chọn nhà thầu, phối hợp với các địa phương thực hiện công tác GPMB, khởi công Dự án vào tháng 6/2023, theo tiến độ tại Nghị quyết số 56 của Quốc hội.

Đề xuất giảm 10 - 30% phí sử dụng đường bộ

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất giảm 10 - 30% phí sử dụng đường bộ trong năm 2023.

Bộ Tài chính đề xuất giảm 10 - 30% phí sử dụng đường bộ

Bộ Tài chính đề xuất giảm 10 - 30% phí sử dụng đường bộ

Trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định mức thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện, Bộ Tài chính đề nghị giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ với xe kinh doanh vận tải hành khách và 10% với xe kinh doanh vận tải hàng hóa.

Thời gian giảm phí là 6 tháng kể từ khi Nghị định có hiệu lực thi hành, dự kiến áp dụng trong năm 2023.

Trong dự thảo nghị định này, Bộ Tài chính đề xuất mức thu phí áp dụng cho ôtô (trừ xe của lực lượng công an, quốc phòng) chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe từ 130.000 - 1.430.000 đồng/tháng.

Phí sử dụng đường bộ được tính theo năm, tháng hoặc theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Chủ xe nộp phí theo chu kỳ đăng kiểm, theo năm dương lịch, theo tháng với trường hợp doanh nghiệp có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng trở lên.

Đề xuất nếu được Chính phủ thông qua sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải, giảm giá thành vận chuyển, giảm chi phí sản xuất kinh doanh cũng như giá hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Theo Bộ Tài chính, ước tính ngân sách năm 2023 sẽ giảm khoảng 390 tỷ đồng.

Tiền phí đường bộ hàng năm thu được khoảng 9.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước và dùng toàn bộ cho việc bảo trì đường bộ. Ngoài số tiền thu phí trên, mỗi năm, ngân sách nhà nước cấp thêm khoảng 3.000 tỷ đồng cho duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý.

Chủ tịch HĐQT Danh Khôi bị bán giải chấp cổ phiếu NRC

Liên tục trong những ngày qua, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã bị bán giải chấp và cũng có thêm nhiều lãnh đạo đăng ký bán ra lượng lớn cổ phiếu liên quan.

Làn sóng bán giải chấp và thoát hàng ở nhiều cổ phiếu vẫn đang diễn ra

Làn sóng bán giải chấp và thoát hàng ở nhiều cổ phiếu vẫn đang diễn ra

Tiếp theo việc lãnh đạo các doanh nghiệp như Phát Đạt (PDR), Hải Phát (HPX) hay Công ty Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) liên tục bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu hay còn gọi là Forcesell, mới đây Công ty Chứng khoán Tiên Phong cũng thông báo về việc sẽ bán giải chấp 5,9 triệu cổ phiếu Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi (mã: NRC) thuộc sở hữu của ông Lê Thống Nhất - Chủ tịch HĐQT.

Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 24/11 đến khi đảm bảo đủ tỷ lệ theo quy định về giao dịch ký quỹ. Trước đó từ giữa tháng 11, ông Lê Thống Nhất và vợ là bà Nguyễn Ngọc Thủy cũng đã bị Chứng khoán Maybank (Maybank Investment Bank) Forcesell cổ phiếu NRC với khối lượng lần lượt 1,5 triệu đơn vị và 1,7 triệu đơn vị.

Bên cạnh việc bị bán giải chấp cổ phiếu, gần đây một số lãnh đạo doanh nghiệp hay các công ty cũng liên tục đăng ký bán ra số lượng lớn mặc dù giá cổ phiếu đã giảm sâu. Điều này càng khiến áp lực bán ra trên thị trường gia tăng.

Chẳng hạn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Trí Việt (TVB) - ông Phạm Thanh Tùng - đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu TVB theo phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 29/11 đến ngày 18/12. Nếu giao dịch thành công, lượng cổ phiếu ông Tùng nắm giữ sẽ giảm từ gần 2,8 triệu đơn vị xuống còn gần 0,8 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu thay đổi tương ứng từ 2,48% xuống 0,69%.

Đề xuất lấn biển xây sân bay 5.000 tỷ đồng trên đảo Lý Sơn

UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bổ sung sân bay Lý Sơn vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc. Công trình dự kiến được đầu tư 5.000 tỷ đồng bằng hình thức BOT.

UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ GTVT bổ sung sân bay Lý Sơn vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc.

UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ GTVT bổ sung sân bay Lý Sơn vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc.

Trong gần 2 năm qua, đây là lần thứ 5 UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi nhà chức trách GTVT về việc xin bổ sung quy hoạch sân bay trên đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, lần đề xuất này đặc biệt bởi văn bản được gửi đi sau khi Cục Hàng không làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Quảng Ngãi để xem xét tính khả thi của dự án.

Trong văn bản, UBND tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ thống nhất cao với nội dung kết luận của Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng liên quan đến việc bổ sung sân bay Lý Sơn theo đề nghị của Tỉnh.

Theo ông Đinh Việt Thắng, dự thảo quy hoạch sân bay toàn quốc hiện nay gồm 31 sân bay, trong đó không có sân bay Lý Sơn. Tại cuộc làm việc với Tỉnh, Cục Hàng không đã cho phép địa phương lập đề án nghiên cứu sân bay Lý Sơn, quy hoạch thành sân bay dân dụng.

Liên quan đến việc sân bay Lý Sơn có được đưa vào dự thảo quy hoạch hay không, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, sau khi làm việc xong với các tỉnh, thành xin quy hoạch thêm sân bay, Cục sẽ tổng hợp kết quả và báo cáo Bộ GTVT.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang có một số nhà đầu tư quan tâm và đề xuất triển khai đầu tư xây dựng sân bay Lý Sơn theo hình thức BOT. Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến lấn biển tại mép phía Đông của đảo Lý Sơn để làm vị trí xây dựng sân bay.

Sân bay sẽ có cấp 4C với đường cất hạ cánh dài 2.400 m, đáp ứng máy bay A320, A321 và tương đương. Dự kiến, năng lực khai thác của sân bay đạt 3 - 3,5 triệu khách/năm.

Dự toán đầu tư sân bay là 5.000 tỷ đồng với 100% vốn của nhà đầu tư BOT. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2027.

Bộ GTVT đề nghị Hiệp hội vận tải cung cấp danh sách xe hợp đồng trá hình

Bộ GTVT đề nghị các hiệp hội vận tải cung cấp danh sách xe hợp đồng trá hình cho lực lượng chức năng để xử lý theo quy định.

Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra hoạt động đối với xe hợp đồng hay còn gọi là xe Limousine. Ảnh minh họa

Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra hoạt động đối với xe hợp đồng hay còn gọi là xe Limousine. Ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Hải Phòng và Hiệp hội Vận tải ô tô các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang về đề nghị kiểm tra, xử lý xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình.

Bộ GTVT cho biết đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị vào cuộc quyết liệt và chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cấp huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng “xe dù, bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định, xe ghép, xe tiện chuyến trên địa bàn.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm tra, xử lý đối với các văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đỗ trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm, tự phát trên địa bàn, khi phát hiện có tổ chức đón, trả khách sai quy định thì kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.

Từ đây, Bộ GTVT đề nghị Hiệp hội Vận tải Hải Phòng và Hiệp hội Vận tải ô tô các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang nắm bắt tình hình, cung cấp danh sách đơn vị vận tải, phương tiện có dấu hiệu vi phạm; địa điểm, tuyến phố, khu vực có "xe dù, bến cóc" hoạt động, kịp thời phản ánh đến Sở GTVT, đến các cơ quan, lực lượng chức năng của địa phương và UBND cấp tỉnh để chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo quy định.

Để chấm dứt tình trạng này, các hiệp hội vận tải kiến nghị thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera đã lắp trên xe kinh doanh vận tải và kiểm tra thực tế xử nghiêm tình trạng nêu trên. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý và kiên quyết thu hồi đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp vận tải và phương tiện vi phạm và tăng nặng hình thức xử phạt để không dám tái phạm.

Truy tố 2 cựu cán bộ Công an TP.HCM buôn lậu trị giá hơn 217 tỷ đồng

Cáo trạng của Viện KSND TP.HCM xác định, 2 cựu cán bộ Công an TP.HCM và 24 đồng phạm buôn lậu tổng giá trị tài sản hơn 217 tỷ đồng.

Lô hàng buôn lậu bị thu giữ

Lô hàng buôn lậu bị thu giữ

Viện KSND TP.HCM đã hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ sang TAND TP.HCM để xét xử 2 cựu cán bộ Công an TP.HCM Hoàng Duy Tiến (cựu cán bộ Đội chống buôn lậu - PC03 Công an TP.HCM), Võ Văn Đông và 24 đồng phạm khác về tội “buôn lậu”. Trong đó, Hoàng Duy Tiến được xác định là chủ mưu.

Đây là vụ án “buôn lậu” do Hoàng Duy Tiến và đồng bọn thực hiện trong thời gian dài, đã nhập lậu số lượng đặc biệt lớn máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam. Hoàng Duy Tiến móc nối với chủ hàng để nhập trái phép máy móc cũ và thiết bị từ Nhật Bản, Trung Quốc vào Việt Nam để buôn bán nhằm thu lợi bất chính.

Cụ thể, theo cáo trạng, từ khoảng tháng 9/2019 đến ngày 24/5/2021, Hoàng Duy Tiến đã sử dụng tư cách pháp nhân của 45 công ty, mở 1.153 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.287 container hàng, với tổng giá trị tài sản hàng hóa nhập lậu là hơn 217 tỷ đồng.

Để thực hiện hành vi của mình, Hoàng Duy Tiến và nhân viên đã trực tiếp sử dụng pháp nhân của công ty do Hoàng Duy Tiến và nhân viên của mình thành lập để làm thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Toàn bộ các hợp đồng ngoại thương, hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng được Tiến và đồng phạm điều chỉnh nội dung, làm giả, lập khống để đủ điều kiện theo quy định.

Sau đó, để hàng hóa "buôn lậu" được làm thủ tục thông quan, Hoàng Duy Tiến móc nối với Công ty CP Giám định Đại Minh Việt lập biên bản giám định hàng hóa, cấp giấy xác nhận với nội dung sai sự thật, cung cấp cho hải quan đủ thủ tục thông quan theo quy định.

Xử lý nghiêm ngân hàng ép khách hàng mua các loại bảo hiểm

Nội dung này được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (ngân hàng - NH) tại công văn tăng cường hỗ trợ khách hàng vay vốn, sử dụng dịch vụ NH.

Ngân hàng rà soát việc "muốn vay phải mua bảo hiểm"

Ngân hàng rà soát việc "muốn vay phải mua bảo hiểm"

Theo phản ánh của hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nghiệp thành phố và hội doanh nghiệp ngành nghề trên địa bàn, khi doanh nghiệp muốn vay vốn phải mua bảo hiểm mới được NH xem xét cho vay. Việc làm này làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp, khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong bối cảnh chi phí đầu vào có xu hướng tăng, cũng như không đúng tinh thần cải cách hành chính của ngành ngân hàng.

Chính vì vậy, NHNN chi nhánh TP.HCM yêu cầu các NH trên địa bàn nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của NHNN liên quan đến hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp “ép” khách hàng mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân.

Ngoài ra, NH tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm xử lý thủ tục nhanh, tiện ích giúp giảm chi phí giao dịch cho khách hàng; sử dụng vốn hiệu quả, ổn định lãi suất vay nhằm chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát chất lượng tín dụng an toàn, hiệu quả…

Đầu tư gần 300 tỷ mở rộng Quốc lộ 80 ở miền Tây

Quốc lộ 80 đoạn từ huyện Kiên Lương đi TP. Hà Tiên dài 15,6 km hư hỏng nặng được cải tạo, nâng cấp, dự kiến xong trước Tết Nguyên đán năm 2023.

Quốc lộ 80 hư hỏng nặng

Quốc lộ 80 hư hỏng nặng

Theo Sở GTVT Kiên Giang, dự án trên vừa được khởi công, mở rộng đường từ 7 m lên 11 m, từ nút giao thị trấn Ba Hòn (Kiên Lương) đến nút giao thông Quốc lộ N1 (TP. Hà Tiên), kinh phí đầu tư gần 300 tỷ từ ngân sách Tỉnh.

Đoạn đường nâng cấp thuộc tuyến huyết mạch đi Hà Tiên, xuống cấp nặng, nhiều ổ voi, ổ gà và lầy lội mỗi khi mưa xuống. Hơn hai năm trước đường đã nâng cấp, bổ sung hệ thống thoát nước với kinh phí 320 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, tuyến góp phần khai thác tiềm năng kinh tế vùng Tứ giác Long Xuyên, nhất là phát triển du lịch khu vực TP. Hà Tiên.

Quốc lộ 80 dài 215 km, là tuyến huyết mạch nối các tỉnh phía tây Đồng bằng sông Cửu Long, chạy qua Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang.

Bộ Xây dựng lập 20 đoàn thanh tra, xử phạt 13 tổ chức sai phạm

Đến ngày 31/10/2022, Bộ Xây dựng đã tổ chức thực hiện 20 đoàn thanh tra theo kế hoạch và đột xuất. Số tiền kiến nghị xử lý hơn 186 tỷ đồng sau thanh tra.

Đường Lê Văn Lương với nhiều sai phạm "nâng tầng" được Thanh tra Bộ Xây dựng công bố năm 2022.

Đường Lê Văn Lương với nhiều sai phạm "nâng tầng" được Thanh tra Bộ Xây dựng công bố năm 2022.

Theo kế hoạch thanh tra năm 2022, Thanh tra Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện 14 đoàn.

Cụ thể, có 2 đoàn thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng tại Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; 3 đoàn thanh tra công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng tại 3 tỉnh (Lào Cai, Hậu Giang, Tuyên Quang).

Đặc biệt, có đến 10 đoàn thanh tra về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội và công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì tại 8 tỉnh, thành phố (Bắc Giang, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương, Long An)...

Sau khi thanh tra chỉ rõ vi phạm từng đơn vị, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện rà soát văn bản quản lý, điều chỉnh bổ sung nội dung để đảm bảo công tác công bố, công khai đồ án quy hoạch xây dựng đã phê duyệt. Còn với các chủ đầu tư phải thực hiện việc đăng tải đầy đủ các thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh; khắc phục các vi phạm về quy hoạch chi tiết xây dựng và xin cấp giấy phép xây dựng.

Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền hơn 186 tỷ đồng và ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 tổ chức, số tiền 3,18 tỷ đồng.