Bản tin thời sự sáng 28/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất đóng mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á ít nhất đến năm 2070; xăng vượt 19.000 đồng/lít, giá dầu giảm; thu hồi Dự án Bệnh viện quốc tế của Tập đoàn Nam Cường nếu 7 tháng nữa không hoàn thành; ngày 12/4, xét xử 19 bị cáo trong đại án Gang thép Thái Nguyên; nguyên Tổng giám đốc VEAM gây thất thoát hơn 135 tỷ đồng…

Đề xuất đóng mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á ít nhất đến năm 2070

Tỉnh Hà Tĩnh muốn chấm dứt Dự án tuyển quặng sắt Thạch Khê, đóng mỏ ít nhất đến năm 2070 để điều chỉnh quy hoạch phục vụ phát triển du lịch.

Khu vực mỏ đã giải phóng mặt bằng rộng hơn 741 ha

Khu vực mỏ đã giải phóng mặt bằng rộng hơn 741 ha

Ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho biết, UBND Tỉnh vừa gửi văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét chấm dứt Dự án trước tháng 5/2021.

Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư dự án từ năm 2008, triển khai đến năm 2011 phải tạm dừng để cơ quan quản lý thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, tái cơ cấu cổ đông.

Theo bản quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được trình tại buổi thẩm định quy hoạch tại Hà Nội, Tỉnh sẽ đóng mỏ ít nhất đến năm 2070 và khôi phục sử dụng đất theo hướng phát triển du lịch sinh thái, trung tâm đô thị, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...

Trước đó, trong nhiều văn bản gửi Trung ương xin tạm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh cho rằng có nhiều vấn đề lo ngại đối với Dự án nếu tiếp tục khai thác như: cấu trúc địa tầng mỏ phức tạp; giải pháp ổn định bờ mỏ và thoát nước mỏ khi khai thác xuống độ sâu -145 m chưa chắc chắn và an toàn; phương án vận tải trong mỏ sử dụng ôtô chưa phù hợp...

Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà, tổng diện tích đất sử dụng của Dự án là 4.821 ha.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng, vòng đời khai thác hơn 50 năm, với sự tham gia của nhiều cổ đông, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)...

Xăng vượt 19.000 đồng/lít, giá dầu giảm

Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh tăng nhẹ giá bán lẻ các mặt hàng xăng và giảm giá bán lẻ các mặt hàng dầu từ 15h ngày 27/3.

Xăng vượt 19.000 đồng/lít, giá dầu giảm

Xăng vượt 19.000 đồng/lít, giá dầu giảm

Trong kỳ điều hành giá lần này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục chi Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với tất cả các loại xăng dầu.

Cụ thể, chi từ Qũy BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 1.900 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 1.050 đồng/lít, dầu diesel ở mức 500 đồng/lít, dầu hỏa chi ở mức 500 đồng/lít, dầu mazut ở mức 600 đồng/kg.

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG giá xăng dầu, giá bán lẻ xăng E5RON92 không cao hơn 17.851 đồng/lít (tăng 129 đồng/lít); xăng RON95-III không cao hơn 19.046 đồng/lít (tăng 165 đồng/lít).

Cùng với tăng giá bán lẻ mặt hàng xăng, cơ quan quản lý thông báo giá bán lẻ mặt hàng dầu diesel 0.05S không cao hơn 14.243 đồng/lít (giảm 158 đồng/lít); dầu hỏa không cao hơn 13.004 đồng/lít (giảm 169 đồng/lít); dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.757 đồng/kg (giảm 12 đồng/kg).

Theo Bộ Công Thương, nếu không tiếp tục chi Quỹ BOG, giá các loại xăng dầu sẽ tăng so với giá hiện hành khoảng 331-2.029 đồng/lít/kg.

Thu hồi Dự án Bệnh viện quốc tế của Tập đoàn Nam Cường nếu 7 tháng nữa không hoàn thành

Trong báo cáo về các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, UBND Thành phố Hà Nội đốc thúc tiến độ tại nhiều dự án của Tập đoàn Nam Cường...

Nhiều hạng mục trong khu đô thị mới Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường chậm tiến độ

Nhiều hạng mục trong khu đô thị mới Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường chậm tiến độ

UBND TP. Hà Nội vừa báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND Thành phố về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố.

Trong đó, tại Dự án Bệnh viện quốc tế 500 giường của Tập đoàn Nam Cường tại Dương Nội, Hà Đông, thời gian thực hiện Dự án từ quý II/2014 - đến quý IV/2018, Nam Cường đang xin điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án. Nội dung kiến nghị đã được UBND TP. Hà Nội giao các sở, ngành xem xét báo cáo. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản xin ý kiến các ngành.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận kiểm tra ngày 24/10/2019. Kết luận kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và nộp nghĩa vụ tài chính. Đồng thời, tiếp tục đôn đốc Tập đoàn Nam Cường khẩn trương đầu tư xây dựng công trình thuộc Dự án theo tiến độ được điều chỉnh.

Hết thời hạn được gia hạn mà Chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

Ngày 12/4, xét xử 19 bị cáo trong đại án Gang thép Thái Nguyên

Thất thoát tiền tại Gang thép Thái Nguyên là một trong 5 vụ án được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng yêu cầu khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm.

Dự án mở rộng sản xuất của TISCO bị thiệt hại hơn 800 tỷ đồng

Dự án mở rộng sản xuất của TISCO bị thiệt hại hơn 800 tỷ đồng

Toà án nhân dân TP. Hà Nội đã ra quyết định ngày 12/4 sẽ bắt đầu xét xử sơ thẩm 19 bị cáo trong vụ án thất thoát 830 tỷ đồng xảy ra tại Ban Quản lý Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 10 ngày.

Trong vụ án, các cơ quan tố tụng xác định TISCO là nguyên đơn dân sự và Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong số các bị cáo, có 14 người bị truy tố về tội “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trong đó có Trần Trọng Mừng - nguyên Tổng giám đốc TISCO, Mai Văn Tinh - nguyên Chủ tịch VNS, Trần Văn Khâm - nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc TISCO, Đậu Văn Hùng - nguyên Tổng giám đốc VNS và nguyên các trưởng, phó ban, phòng thuộc VNS và TISCO là: Ngô Sĩ Hán, Đặng Văn Tập, Đồng Quang Dương, Đỗ Xuân Hòa, Lê Thị Tuyết Lan, Uông Sĩ Bính, Nguyễn Văn Tráng, Nguyễn Trọng Khôi, Đặng Thúc Kháng, Trịnh Khôi Nguyên.

Các bị cáo còn lại gồm Lê Phú Hưng, Nguyễn Minh Xuân - cùng nguyên thành viên HĐQT VNS; Nguyễn Chí Dũng, Đoàn Thu Trang và Hoàng Ngọc Diệp - cùng nguyên thành viên HĐQT TISCO bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty CP Gang thép Thái Nguyên được triển khai năm 2007 do TISCO làm chủ đầu tư.

Đến năm 2018, Dự án chưa hoàn thành; thiết bị hư hỏng, rỉ sét nhưng TISCO đã đổ vào đây hơn 4.423 tỷ đồng và phải chịu thiệt hại hơn 830 tỷ đồng. Liên quan vụ án, nhiều cán bộ đã phải nhận kỷ luật. Trong đó, ông Hoàng Trung Hải - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ bị cảnh cáo.

Hơn 816 tỷ đồng mở đường nối vào Khu công nghiệp Ông Kèo (Đồng Nai)

Tuyến đường nối vào Khu công nghiệp (KCN) Ông Kèo, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có chiều dài 5,5 km, kinh phí hơn 816 tỷ đồng chuẩn bị được triển khai.

Đường kết nối Khu công nghiệp Ông Kèo sau khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ các tuyến giao thông. Ảnh minh họa

Đường kết nối Khu công nghiệp Ông Kèo sau khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ các tuyến giao thông. Ảnh minh họa

Tuyến đường vào KCN Ông Kèo là một trong những dự án vừa được UBND tỉnh Đồng Nai quyết định triển khai. Dự kiến, Dự án sẽ được triển khai với tiến độ thực hiện tối đa 4 năm kể từ ngày bố trí vốn thực hiện Dự án.

Dự án Tuyến đường vào KCN Ông Kèo (giai đoạn 1) sau hoàn thành có chiều dài 5,5 km, điểm đầu giao với đường Hùng Vương (Hương lộ 19 cũ), điểm cuối kết nối vào KCN Ông Kèo.

Trên tuyến sẽ xây dựng cầu Ông Kèo và cầu Rạch Lá. Tổng mức đầu tư hơn 816 tỷ đồng. UBND Tỉnh giao huyện Nhơn Trạch làm chủ đầu tư tuyến đường.

Nguyên Tổng giám đốc VEAM gây thất thoát hơn 135 tỷ đồng

Bị can Trần Ngọc Hà - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã buông lỏng quản lý, quyết định những chủ trương, chiến lược hoạt động của Tổng công ty không đúng các quy định pháp luật, gây thất thoát hơn 135 tỷ đồng.

Bị can Trần Ngọc Hà, nguyên Tổng giám đốc VEAM

Bị can Trần Ngọc Hà, nguyên Tổng giám đốc VEAM

Ngày 27/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại VEAM, Công ty CP Thương mại vận tải VEAM (Vetranco) và một số doanh nghiệp liên quan.

Đồng thời, chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố các bị can: Trần Ngọc Hà - nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc VEAM cùng 6 bị can khác nguyên là lãnh đạo, cán bộ Tổng công ty về tội danh nêu trên.

Theo kết luận điều tra, bị can Trần Ngọc Hà giữ chức vụ Tổng giám đốc VEAM từ 2015 - 2019, là người điều hành hoạt động hàng ngày của Tổng công ty. Tuy nhiên, trong thời gian giữ chức vụ này, bị can Hà không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao, buông lỏng quản lý, quyết định những chủ trương, chiến lược hoạt động của VEAM không đúng các quy định pháp luật, gây thất thoát hơn 135 tỷ đồng của Nhà nước.

Không chỉ vậy, cơ quan điều tra còn làm rõ, Vetranco đã lập các hợp đồng khống mua bán hàng hóa lòng vòng để chuyển tiền cho các doanh nghiệp vay trái quy định, gây thiệt hại tài sản nhà nước gần 183 tỷ đồng.

TP.HCM hạn chế xe tải và ô tô khách trên 25 chỗ chạy vào làn hỗn hợp Quốc lộ 22

Kể từ ngày 10/4, Sở Giao thông vận tải TP.HCM hạn chế xe tải nặng trên 2,5 tấn và xe khách trên 25 chỗ (ngoại trừ xe buýt) lưu thông làn đường hỗn hợp Quốc lộ 22.

Hạn chế xe tải nặng trên 2,5 tấn và xe khách trên 25 chỗ lưu thông làn đường hỗn hợp Quốc lộ 22 nhằm bảo đảm an toàn giao thông

Hạn chế xe tải nặng trên 2,5 tấn và xe khách trên 25 chỗ lưu thông làn đường hỗn hợp Quốc lộ 22 nhằm bảo đảm an toàn giao thông

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa thông báo hạn chế xe tải nặng trên 2,5 tấn và xe khách trên 25 chỗ (ngoại trừ xe buýt) lưu thông trên phần đường hỗn hợp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến giao lộ Quốc lộ 22 - Nguyễn Văn Hoài) vào giờ cao điểm.

Theo Sở Giao thông vận tải, phương án này nhằm bảo đảm an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông giữa xe 2 bánh và ô tô tải, ô tô khách.

Thời gian điều chỉnh tổ chức giao thông kể từ ngày 10/4/2021, trong khung giờ từ 6h đến 8h và từ 11h đến 13h, 17h đến 19h.

Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Thanh tra Sở Giao thông vận tải bố trí lực lượng hướng dẫn điều tiết giao thông trong thời gian đầu thực hiện phương án, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố ý không tuân thủ quy định khi lưu thông trên tuyến đường này.

Tin cùng chuyên mục