Bản tin thời sự sáng 28/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 17 triệu người dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013 trên ứng dụng VNeID; sớm ban hành hệ thống quy chuẩn để làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...

Hơn 17 triệu người dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013 trên ứng dụng VNeID

Ngày 27/5, theo đại diện Bộ Tư pháp, ngoài ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương các cơ quan, tổ chức về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (dự thảo Nghị quyết), số lượng người dân trực tiếp góp ý trên ứng dụng VNeID ngày càng tăng.

Giao diện màn hình đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VneID. (Ảnh: TTXVN)

Giao diện màn hình đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VneID. (Ảnh: TTXVN)

Tính đến 20 giờ ngày 26/5/2025, đã có 17.100.624 người dân tham gia góp ý.

Bộ Tư pháp xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, với tinh thần khẩn trương chủ động chuẩn bị từ sớm, trên cơ sở bám sát tiến độ, quy trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Bộ Tư pháp đã sớm ban hành Kế hoạch của Bộ Tư pháp triển khai nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết.

Theo kế hoạch, chậm nhất đến 30/5/2025, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến về Hiến pháp năm 2013 về Bộ Tư pháp.

Ngoài ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương các cơ quan, tổ chức, số lượng người dân trực tiếp góp ý trên ứng dụng VNeID ngày càng tăng.

Bộ Công an và chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các bước góp ý trên ứng dụng VNeID, bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả. Dự kiến thời gian tới, số lượng người dân góp ý trên ứng dụng VNeID sẽ tăng.

Với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương để bảo đảm tiến độ xây dựng và hoàn thành dự thảo Báo cáo của Chính phủ và dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Chính phủ và Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.

Sớm ban hành hệ thống quy chuẩn để làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 4671/VPCP-CN ngày 27/5/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và các dự án đường sắt trong thời gian tới (Dự án).

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là tuyến đường sắt đầu tiên được triển khai theo Quy hoạch hệ thống mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để kết nối với các địa phương của Trung Quốc và quốc tế.

Dự án được yêu cầu phải triển khai trong thời gian sớm nhất có thể nhưng đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu khía cạnh kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, chất lượng, độ an toàn cao nhất đối với công trình quy mô lớn, phức tạp và phải đảm bảo hiệu quả.

Để triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và các dự án đường sắt trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, thẩm định, ban hành Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn (kỹ thuật, công nghệ) cho đường sắt (từ khảo sát, thiết kế, thi công xây lắp, giám sát, hệ thống thông tin tín hiệu, chế tạo đầu máy, toa xe...) để làm cơ sở cho công tác chuẩn bị Dự án (lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thiết kế kỹ thuật, Thiết kế bản vẽ thi công...), thi công xây lắp và đầu tư mua sắm, chế tạo, lắp đặt thiết bị, đầu máy, toa xe.

Tăng cường năng lực cho Bộ Xây dựng và Ban Quản lý dự án đường sắt trong việc thẩm định, quản lý, giám sát (do đây là dự án quy mô lớn đầu tiên trong lĩnh vực đường sắt Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm triển khai) thông qua việc: Kiện toàn Ban Quản lý dự án đường sắt đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu quản lý dự án mới, quy mô lớn, phức tạp; tuyển chọn và sử dụng các chuyên gia tư vấn (trong nước và quốc tế) độc lập (về kỹ thuật, pháp lý) giúp Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án (chủ đầu tư) để có ý kiến phản biện độc lập đối với sản phẩm đầu ra của từng Dự án do Đơn vị Tư vấn thực hiện…

Hơn 2.000 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng cao tốc từ Cà Mau đến Đất Mũi

Ngày 27/5, Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã thống nhất thông qua toàn bộ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư tuyến cao tốc từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Chính phủ)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Chính phủ)

Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm nhằm kết nối các khu vực trong tỉnh, được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh địa đầu cực Nam của Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi thông tin tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 12/QĐ-TTg, ngày 3/1/2025, chiều dài 90 km, quy mô 4 làn xe và tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Đến nay, Tỉnh đã cơ bản xác định Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện tuyến cao tốc từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi có diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 562,17 ha, qua địa bàn 17 xã của 7 huyện, gồm: Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển.

Dự kiến, giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư tuyến cao tốc từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi là khoảng 2.028 tỷ đồng, sử dụng từ vốn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách tỉnh và ngân sách trung ương hỗ trợ).

Tỉnh Cà Mau chịu trách nhiệm thực hiện dự án giải phóng mặt bằng độc lập với dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc do Bộ Quốc phòng thực hiện.

EU khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm nhựa PET Việt Nam

Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết ngày 22/5/2025, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ban hành Thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhựa PET có xuất xứ từ Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh Châu Âu (EU).

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Mặt hàng nhựa PET đã được Cục Phòng vệ Thương mại đưa vào danh sách cảnh báo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại từ tháng 12/2024.

PET Châu Âu là đơn vị gửi yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhựa PET có xuất xứ từ Việt Nam.

Sản phẩm bị điều tra cụ thể là nhựa polyethylene terephthalate (PET) có độ nhớt 78 ml/g hoặc cao hơn, theo Tiêu chuẩn ISO 1628-5, hiện nằm trong mã CN 39076100.

Theo đó, giai đoạn điều tra bán phá giá từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2024. Giai đoạn điều tra thiệt hại từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2024.

Vụ việc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 1 năm, có thể được gia hạn những không quá 14 tháng kể từ ngày ban hành thông báo khởi xướng.

Theo số liệu của nguyên đơn, trong giai đoạn điều tra, Việt Nam đã xuất khẩu 402.545 tấn sản phẩm PET sang thị trường EU. Biên độ bán phá giá cáo buộc 11 - 19%.

Trong thông báo khởi xướng, EC đã cung cấp chi tiết các nội dung liên quan tới bên yêu cầu, hàng hóa bị điều tra, cáo buộc bán phá giá, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả, cáo buộc về can thiệp giá nguyên liệu đầu vào, quy trình thủ tục điều tra và các thời hạn liên quan, các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, hướng dẫn về các thủ tục tải và đăng tải tài liệu trên hệ thống điện tử TRON của EC.

Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra nghiên cứu kỹ các thông tin tài liệu gửi kèm, hợp tác đầy đủ toàn diện với EC để cung cấp các thông tin, tài liệu theo đúng thể thức và thời hạn quy định. Đồng thời, thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin để nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Cục Phòng vệ Thương mại.

Hà Nội mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Ngày 27/5, UBND TP. Hà Nội ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Thành phố, thời gian thực hiện đến ngày 15/6/2025.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, UBND Thành phố yêu cầu thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Các sở, ngành, cơ quan chức năng, UBND quận, huyện, thị xã mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn, không để phát sinh các kho, bãi, điểm trung chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát các tuyến hàng không, địa bàn nội địa.

Xây dựng, triển khai các phương án tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường hàng không, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá vào nội địa; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng sữa, thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng; đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tiếp tục vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tin cùng chuyên mục