Bản tin thời sự sáng 28/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đèo Tà Nung ở cửa ngõ Đà Lạt sạt lở; Giá USD ngân hàng thấp nhất 5 tháng; 20 năm TP.HCM chưa thể thu hồi 1.200 tỷ đồng tạm ứng; dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đã khoan được 100m hầm; chiều 27/8, TP.HCM công bố dịch sởi…

Đèo Tà Nung ở cửa ngõ Đà Lạt sạt lở

Đèo Tà Nung - cửa ngõ TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) sạt lở kéo dài khoảng 10 m, tạo hàm ếch, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, cơ quan chức năng đã khoanh vùng cảnh báo.

Vị trí bị sạt lở trên đèo Tà Nung, cửa ngõ Đà Lạt

Vị trí bị sạt lở trên đèo Tà Nung, cửa ngõ Đà Lạt

Ngày 27/8, khu vực đèo Tà Nung trên Tỉnh lộ ĐT 725 (ở vùng giáp ranh Phường 5 và xã Tà Nung, TP. Đà Lạt) xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 10 m, sâu khoảng 10 m.

Tại vị trí sạt lở, đất đá trôi xuống vực sâu tạo khoảng trống hàm ếch vào mặt đường khiến các cột hộ lan bên đường treo lơ lửng, nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngoài ra, mặt đường nhựa bị ảnh hưởng dài khoảng 50 m xuất hiện nhiều vết nứt, nguy cơ sạt lở theo.

Trước đó, ngày 23/8 cơ quan chức năng ghi nhận tình trạng sạt lở xảy ra tại đèo Tà Nung. Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng sau đó đã cho đắp bao tải đất, làm gờ bêtông để hạn chế nước chảy vào vị trí sạt trượt và di dời hệ thống cấp nước khỏi vị trí sạt lở.

Cơ quan chức năng cũng giới hạn xe qua lại ở một nửa làn đường bên ngoài của đèo Tà Nung đồng thời tiến hành khảo sát tìm ra phương án xử lý tại vị trí sạt lở trên.

Đèo Tà Nung dài khoảng 7,2 km nối từ trung tâm TP. Đà Lạt đi các huyện Lâm Hà, Đam Rông. Đường đèo nhỏ hẹp, lượng xe đưa du khách đi tham quan đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ.

Giá USD ngân hàng thấp nhất 5 tháng

Giá USD giao dịch chiều ngày 27/8 tại nhiều ngân hàng đã thủng mốc 25.000 đồng/USD, thấp nhất trong vòng 5 tháng qua.

Giá USD tại kênh ngân hàng giảm mạnh thủng mốc 25.000 đồng

Giá USD tại kênh ngân hàng giảm mạnh thủng mốc 25.000 đồng

Ngày 27/8, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra ở mức 24.224 đồng/USD, giảm 30 đồng so với phiên giao dịch liền trước. Sở Giao dịch NHNN vẫn giữ nguyên giá niêm yết mua - bán đồng bạc xanh ở mức 23.400 - 25.450 đồng/USD.

Đáng chú ý, trong phiên chiều 27/8, giá bán ra USD tại một số ngân hàng đã về dưới mốc 25.000 đồng/USD, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4.

Tại Vietcombank, tỷ giá mua - bán đồng USD đã điều chỉnh giảm thêm 40 đồng so với phiên sáng, xuống lần lượt 24.630 đồng/USD và 25.000 đồng/USD. Theo dữ liệu từ WiChart, đây là mức bán ra đồng USD thấp nhất kể từ ngày 1/4.

Trong khi đó, USD cũng được 2 ngân hàng quốc doanh lớn khác là VietinBank và BIDV giảm dưới mốc 25.000 đồng/USD.

Cụ thể, VietinBank giảm 24 đồng ở cả hai chiều mua - bán USD, xuống lần lượt 24.659 đồng/USD (mua) và 24.999 đồng/USD (bán). Tại BIDV, tỷ giá USD giảm 45 đồng ở cả hai chiều, xuống mức 24.655 - 24.995 đồng/USD.

Trong khi đó, giá giao dịch đồng USD tại các ngân hàng thương mại tư nhân đều được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến 30 - 90 đồng so với phiên trước.

Tại HDBank, giá giao dịch đồng bạc xanh ở mức 24.560 - 25.050 đồng/USD (mua - bán). So với phiên giao dịch liền trước, tỷ giá quy đổi tại HDBank đã giảm 60 đồng ở chiều mua và 50 đồng ở chiều bán.

Ngoài HDBank, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân cũng duy trì xu hướng giảm giá đồng USD. Như tại Techcombank hiện giảm giá chiều mua 21 đồng xuống 24.632 đồng/USD và giảm chiều bán 39 đồng xuống 25.009 đồng/USD.

Eximbank giảm giá USD thêm 20 đồng ở cả hai chiều, xuống còn 24.630 - 25.060 đồng/USD. Còn tại Sacombank, tỷ giá ngoại tệ này được niêm yết ở mức 24.660 - 25.000 đồng/USD, tương ứng giảm 40 đồng so với phiên sáng.

So với đầu tháng 8, giá USD tại các ngân hàng đã giảm hơn 400 đồng, tương ứng mức đi xuống gần 2%.

Trên thị trường tự do, đồng USD hiện được giao dịch ở mức 25.150 - 25.300 đồng/USD, giảm 50 đồng ở chiều mua vào nhưng đi ngang ở chiều bán ra.

Với diễn biến này, chênh giá trên thị trường tự do và kênh ngân hàng đã giảm về còn khoảng 300 đồng/USD.

20 năm TP.HCM chưa thể thu hồi 1.200 tỷ đồng tạm ứng

Ba dự án ở TP.HCM đã tạm ứng dư 1.215 tỷ đồng, nhưng sau 20 năm chưa hoàn trả cho ngân sách, theo Kho bạc Nhà nước Thành phố.

Cầu Thủ Thiêm nối quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức

Cầu Thủ Thiêm nối quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức

Nội dung được nêu trong báo cáo tình hình tạm ứng, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư công trên địa bàn của Kho bạc Nhà nước TP.HCM vừa gửi Sở Tài chính. Theo đó, Thành phố có 125 dự án với số dư tạm ứng ngân sách quá hạn khoảng 1.666 tỷ đồng, trong đó 3 dự án kéo dài gần 20 năm với tổng vốn 1.215 tỷ đồng, chiếm 72%.

Cụ thể, Dự án xây dựng đường Lê Thánh Tôn nối dài do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư tạm ứng dư 463 tỷ đồng so với tổng vốn. Công trình này được khởi công vào tháng 5/1997. Sau đó, tên đường được đổi thành Nguyễn Hữu Cảnh, thông xe năm 2002.

Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm (trước đây là cầu Thủ Thiêm 1) do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố làm chủ đầu tư tạm ứng dư 118 tỷ đồng. Công trình khởi công năm 2005 và đã đưa vào khai thác từ năm 2008 với chiều dài hơn 1,2 km, 6 làn xe, tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư - Khu công nghệ cao ở Quận 9 cũ (nay thuộc TP. Thủ Đức) do Ban quản lý các dự án đầu tư - xây dựng Khu công nghệ cao TP.HCM làm chủ đầu tư tạm ứng dư 634 tỷ đồng. Dự án này bắt đầu thực hiện từ năm 2004, cách đây đúng 20 năm.

Theo Kho bạc Nhà nước TP.HCM, việc tạm ứng vốn được thực hiện theo chỉ đạo của UBND Thành phố, nhưng đã kéo dài quá lâu và đến nay vẫn chưa có biện pháp thu hồi. Để giải quyết, cơ quan này đề nghị các chủ đầu tư sớm đề xuất hướng xử lý số dư tạm ứng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đối với nhóm ba dự án có số dư tạm ứng quá hạn lớn trước đây.

Kho bạc Nhà nước TP.HCM cũng kiến nghị UBND Thành phố tham mưu Chính phủ cho quyết toán dự án hoàn thành các chi phí hợp lý, hợp pháp đã thực hiện.

Cơ quan này cũng kiến nghị Sở Tài chính tham mưu, đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý và kiểm điểm các chủ đầu tư, ban quản lý có dự án để vốn tạm ứng quá hạn.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã khoan được 100 m hầm

Hiện tại, nhân sự đào hầm công trường Metro Nhổn - Ga Hà Nội đang làm việc 24/24h, với mỗi ca từ 15 - 17 người, đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ.

Đường hầm Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đang dần hình thành trong lòng đất.

Đường hầm Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đang dần hình thành trong lòng đất.

Sau gần một tháng vận hành robot số 1 mang tên Thần tốc (TBM) thực hiện quá trình đào hầm Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (Metro Nhổn - Ga Hà Nội), Công ty CP FECON cho biết, tính đến nay, toàn bộ máy TBM đã đào được khoảng 100 m, lắp được 7 đốt vỏ hầm tạm và 58 đốt vỏ hầm vĩnh cửu.

Hiện tại, nhân sự đào hầm công trường Metro Nhổn-Ga Hà Nội đang làm việc 24/24h, với mỗi ca từ 15-17 người.

Công nghệ thi công hầm bằng máy TBM tại tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội là công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Với việc sử dụng dòng máy cân bằng áp lực rất phù hợp với điều kiện địa chất tại Hà Nội, bộ đôi máy TBM được thiết kế riêng cho dự án Metro này. Máy được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (Đức), dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn.

Dự kiến, robot TBM số 2 mang tên Táo bạo sẽ bắt đầu khoan từ Ga S9 vào trung tuần tháng Chín tới đây, sau khi máy TBM số 1 Thần tốc đi được khoảng 200 m.

Dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài hơn 12 km. Tuyến đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm với tổng chiều dài là 12,5 km. Trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - Ga Hà Nội) dài 4 km. Ngày 8/8 vừa qua, đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy chính thức vận hành thương mại.

Bình Thuận đầu tư hơn 196 tỷ sửa chữa, nâng cấp đường Trần Hưng Đạo (Phan Thiết)

Đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ vòng xoay 19/4 đến nút giao Lạc Đạo) chạy qua 7 phường ở TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) sẽ được mở rộng, chỉnh trang giúp người dân đi lại thuận lợi, thu hút khách du lịch.

Đường Trần Hưng Đạo nhìn từ vòng xoay 19 tháng 4, phía bắc sông Cà Ty

Đường Trần Hưng Đạo nhìn từ vòng xoay 19 tháng 4, phía bắc sông Cà Ty

Nội dung nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa, nâng cấp đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ vòng xoay 19/4 đến nút giao Lạc Đạo) được HĐND tỉnh Bình Thuận thông qua sáng 27/8. Tổng mức đầu tư Dự án hơn 196 tỷ đồng từ ngân sách Tỉnh, thực hiện trong 3 năm.

Tuyến đường được cải tạo dài hơn 2,7 km, mở rộng lên 25 m, vỉa hè lát gạch, bó vỉa bằng đá granite. Suốt tuyến còn thực hiện các hạng mục thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng, viễn thông. Hai công viên ở trên tuyến (trước trụ sở UBND Tỉnh) cũng được chỉnh trang.

Trần Hưng Đạo là tuyến đường chính, huyết mạch đi qua nội đô Phan Thiết, có tổng chiều dài 3,6 km, nối các phường trung tâm: Đức Long, Lạc Đạo, Đức Thắng, Bình Hưng, Phú Trinh, Phú Thuỷ, Xuân An. Trụ sở cơ quan nhà nước Bình Thuận đều nằm trên trục đường này. Tuy nhiên nhiều năm qua, tuyến đường quá tải, xuống cấp ở nhiều vị trí, thường xuyên ngập khi mưa lớn.

Phan Thiết rộng 211 km2, gần 260.000 người. Đây là địa danh du lịch nổi tiếng ở phía Nam với nhiều thắng cảnh đẹp, thu hút nhiều khách du lịch, cách TP.HCM khoảng 200 km, Nha Trang chừng 240 km.

Chiều 27/8, TP.HCM công bố dịch sởi

UBND TP.HCM chiều 27/8 công bố dịch sởi trên địa bàn nhằm triển khai các biện pháp phòng chống, tổ chức tiêm vaccine trong bối cảnh ca sởi tăng nhanh, ba trẻ tử vong.

Trẻ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Trẻ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Cơ quan y tế địa phương đánh giá sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B lây qua đường hô hấp, có thể dẫn đến biến chứng nặng, tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Mọi người có nguy cơ mắc bệnh khi chưa được tiêm ngừa hoặc tiêm chưa đầy đủ.

Đây là lần đầu TP.HCM công bố dịch sởi và là địa phương đầu tiên trong nhiều năm nay công bố dịch này. Ngành y tế sẽ tiến hành chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho tất cả trẻ em từ 1 - 5 tuổi, có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch.

Các cơ sở y tế tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, người bệnh phải mang khẩu trang. Tất cả ca sốt phát ban nghi sởi sẽ được báo cáo và lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 24 giờ.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đề xuất UBND Thành phố công bố dịch sởi, triển khai chiến dịch tiêm vaccine, bảo vệ nhóm nguy cơ cao như trẻ mắc bệnh nền, trước tình hình số ca mắc tăng nhanh. Tuần trước, thành phố ghi nhận hơn 100 ca phát ban nghi sởi, tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước.

Tính từ đầu năm đến 22/8, Thành phố ghi nhận 353 ca sởi, trong khi từ năm 2021 - 2023 chỉ có một ca xét nghiệm dương tính. Giới chức y tế đánh giá một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi tăng cao là do gián đoạn vaccine tiêm chủng trước đó, khiến miễn dịch cộng đồng yếu đi.

Hiện, sởi vẫn chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng. Đến nay, sởi vẫn là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em, gồm mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.

Xuất khẩu sầu riêng đạt kỷ lục 280 triệu USD

Tháng 7, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đạt kỷ lục 280 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng), tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 92%.

Thu hoạch sầu riêng tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang

Thu hoạch sầu riêng tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang

Theo số liệu mới nhất từ hải quan, xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm đạt gần 4 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ 2023. Sầu riêng dẫn đầu với kim ngạch 1,6 tỷ USD, tăng 50%, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 92% với gần 1,5 tỷ USD.

Riêng tháng 7, xuất khẩu sầu riêng đạt mức kỷ lục 280 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng), tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đây là một năm bội thu cho ngành sầu riêng khi giá cả liên tục tăng cao, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân. Đặc biệt, ngày 19/8, Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mở ra bước ngoặt mới cho ngành, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay đạt 3 - 3,5 tỷ USD, với sầu riêng đông lạnh khoảng 400 - 500 triệu USD.

Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, trị giá 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất sang Trung Quốc. Diện tích trồng sầu riêng là 154.000 ha, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm.

Đầu tư gần 1.000 tỷ đồng nâng cấp đường nối Long An - TP.HCM

Đường tỉnh 830C dài 9 km, nối Long An với TP.HCM sẽ được mở rộng từ 12 m lên 30 m với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm sau.

Vị trí đường tỉnh 830C kết nối Long An với TP HCM sắp được mở rộng

Vị trí đường tỉnh 830C kết nối Long An với TP HCM sắp được mở rộng

Thông tin được Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An cho biết. Dự án có điểm đầu tại đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; điểm cuối kết nối đường Nguyễn Hữu Trí, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Trong đó, đoạn đầu dài 0,7 km, từ đường Nguyễn Hữu Thọ đến đường Nguyễn Văn Tiếp sẽ mở rộng 22 m. Đoạn còn lại dài 8,3 km từ đường Nguyễn Văn Tiếp đến ranh TP.HCM (kết nối với đường Nguyễn Hữu Trí) sẽ nâng cấp lên 30 m. Công trình dự kiến khởi công trong quý IV năm nay và hoàn thành cuối năm 2025.

Ngoài mở rộng nền đường, công trình cũng gồm các hạng mục khác như hệ thoát nước, bó vỉa, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng... Dự án có tổng diện tích cần thu hồi gần 9 ha, với 770 hộ và 11 tổ chức bị ảnh hưởng. Chi phí giải phóng mặt bằng là 220 tỷ đồng.

Đường tỉnh 830C giao với các tuyến đường Nguyễn Văn Tiếp, 830E, song hành cao tốc TP.HCM - Trung Lương, song hành vành đai 3 TP.HCM tại nút giao ngã năm Tân Bửu, huyện Bến Lức.

Tin cùng chuyên mục