Bản tin thời sự sáng 28/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá vàng miếng giảm một triệu đồng mỗi lượng; khởi tố vụ án liên quan Việt Á tại CDC Tiền Giang; cặp cửa khẩu Cốc Nam - Lũng Nghịu khôi phục thông quan sau 2 năm tạm dừng; đề xuất cấp giấy phép cho hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn…

Giá vàng miếng giảm một triệu đồng mỗi lượng

Chiều 27/9, mỗi lượng vàng miếng xuống 64,6 triệu đồng - mức thấp nhất trong hai tháng qua và thấp hơn 8 triệu so với đỉnh lịch sử tháng 3.

Chiều 27/9, mỗi lượng vàng miếng xuống 64,6 triệu đồng - mức thấp nhất trong hai tháng qua

Chiều 27/9, mỗi lượng vàng miếng xuống 64,6 triệu đồng - mức thấp nhất trong hai tháng qua

Thị trường kim loại quý bình lặng suốt buổi sáng 27/9. Tuy nhiên, sau 14h, các đơn vị kinh doanh vàng miếng liên tục điều chỉnh mức giảm giá từ vài chục đến vài trăm nghìn mỗi lần.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trưa 27/9 niêm yết giá mua vào 65,1 triệu đồng và bán ra 66 triệu đồng, giảm nửa triệu đồng so với hôm trước. Mức giảm sau đó lần lượt tăng lên 800.000 đồng rồi một triệu đồng, hiện mua vào 64,6 triệu đồng và bán ra 65,6 triệu đồng.

Mức điều chỉnh của SJC trong phiên ngày 27/9 cũng chênh lệch lớn so với các nhà vàng khác. Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI chỉ giảm 250.000 đồng, còn Vietinbank Gold và Phú Quý giảm 500.000 - 600.000 đồng mỗi lượng.

Trong khi giá vàng miếng biến động mạnh, giá vàng nhẫn chỉ giảm 100.000 đồng, còn 50,2 - 51,2 triệu đồng một lượng.

Diễn biến của thị trường kim loại quý trong nước đang đi ngược với thế giới. Giá mỗi ounce vàng giao ngay đang ở mức 1.635 USD, tăng gần 14 USD. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới tương đương 47,1 triệu đồng, thấp hơn trong nước 18,5 triệu đồng.

Khởi tố vụ án liên quan Việt Á tại CDC Tiền Giang

Cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm trong đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang.

Trụ sở CDC Tiền Giang

Trụ sở CDC Tiền Giang

Ngày 27/9, Công an Tiền Giang khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng tại CDC Tiền Giang.

Sở Y tế Tỉnh cũng có quyết định kỷ luật cách chức Giám đốc CDC đối với ông Nguyễn Ngọc Chơn cùng một trưởng khoa; hai cán bộ khác bị cảnh cáo.

Nhà chức trách chưa công bố sai phạm cụ thể của tổ chức, cá nhân tại CDC Tiền Giang, song động thái này được đưa ra sau quá trình xác minh các gói thầu của CDC với Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Hồi tháng 5, Thanh tra Tỉnh kết luận trong hai năm 2020 và 2021, có 43 đơn vị ở Tiền Giang mua sắm thiết bị phòng chống Covid-19, tổng giá trị trên 800 tỷ đồng, tương ứng 573 gói thầu. Trong đó, có một gói thầu của Công ty Việt Á hơn 19,4 tỷ đồng. Một số đơn vị bị xác định sai phạm, dùng bảng báo giá sai, lựa chọn giá gói thầu cao hơn quy định. Ông Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế cũng bị kỷ luật khiển trách.

Trước đó, khi có thông tin CDC một số tỉnh liên quan đến vi phạm của Công ty Việt Á, tỉnh Tiền Giang đã động viên cá nhân nào nhận quà từ công ty này phải trung thực khai báo và nộp lại. Tuy nhiên, Giám đốc CDC Nguyễn Ngọc Chơn cùng ba cấp dưới không chấp hành. Hiện, số quà mà Việt Á đưa cho các cá nhân thuộc CDC Tỉnh chưa được cơ quan chức năng công khai.

Hơn một tháng trước, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang đã khai trừ Đảng đối với ông Chơn cùng 3 cấp dưới do cáo buộc "nhận quà Công ty Việt Á không khai báo và nộp đúng quy định". Đảng ủy CDC cũng bị kiểm điểm rút kinh nghiệm vì để xảy ra sai sót ở một số gói thầu.

Cặp cửa khẩu Cốc Nam - Lũng Nghịu khôi phục thông quan sau 2 năm tạm dừng

Trung Quốc vừa đồng ý khôi phục thông quan hàng hóa tại cặp cửa khẩu Cốc Nam (Việt Nam) - Lũng Nghịu (Trung Quốc) kể từ ngày 26/9/2022.

Kể từ ngày 26/9, hoạt động thông quan hàng hoá tại cửa khẩu Cốc Nam chính thức được khôi phục trở lại sau 2 năm tạm dừng.

Kể từ ngày 26/9, hoạt động thông quan hàng hoá tại cửa khẩu Cốc Nam chính thức được khôi phục trở lại sau 2 năm tạm dừng.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, sau nỗ lực chung của cả hai bên, cửa khẩu Cốc Nam - Lũng Nghịu đã đạt được điều kiện để khôi phục thông quan. Do đó, để cho việc thông quan được thuận lợi dễ dàng hơn, phía Trung Quốc kiến nghị bắt đầu từ ngày 26/9/2022 chính thức khôi phục thông quan cửa khẩu này.

Phía Trung Quốc cho rằng, trong thời gian thông quan gần đây, Trung Quốc đã và đang đẩy nhanh công tác phối hợp với các cơ quan liên kiểm để chạy thử nghiệm hệ thống thông quan phiên bản mới của Hải quan Trung Quốc…

Tỉnh Lạng Sơn đã thông tin đến các lực lượng chức năng, doanh nghiệp kinh doanh bến bãi tại cửa khẩu Cốc Nam chủ động chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị đảm bảo công tác thông quan hàng hóa được thuận lợi; đồng thời, tuyên truyền rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn nắm được để chủ động đưa hàng hóa về cửa khẩu làm thủ tục theo quy định.

Tính đến ngày 25/9/2022, tại 4 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam của tỉnh Lạng Sơn còn 218 xe đang hàng hóa chờ xuất khẩu.

Đề xuất cấp giấy phép cho hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa kiến nghị Thủ tướng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho hãng bay IPP Air Cargo.

Chiếc máy bay chở hàng đầu tiên của IPP Air Cargo

Chiếc máy bay chở hàng đầu tiên của IPP Air Cargo

Cơ quan này cho biết đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ngành liên quan và cho rằng hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng hàng không của IPP Air Cargo hiện tại phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện tại, Việt Nam chưa có hãng vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Trong khi đó, có đến 47 hãng hàng không có chuyến bay chuyên chở hàng hóa bằng tàu chuyên dụng thường lệ đến Việt Nam.

Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất với Thủ tướng xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo.

Việc được cấp giấy phép là cơ sở pháp lý quan trọng để IPP Air Cargo có thể tham gia vào khai thác thị trường vận chuyển hàng hóa hàng không. Tuy nhiên, để có thể thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cần có chứng nhận nhà khai thác máy bay AOC sau khi được cấp giấy phép kinh doanh.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, IPP Air Cargo vẫn dự kiến có chuyến bay đầu tiên vào tháng 11. IPP Air Cargo đã hoàn tất thủ tục thuê 4 máy bay B737 800BCF, trong đó có 1 chiếc đã xuất xưởng hồi cuối tháng 7 chỉ chờ hoàn thiện thủ tục, giấy phép để về Việt Nam.

Theo kế hoạch, mạng đường bay nội địa IPP Air Cargo sẽ bắt đầu từ trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Phòng, Quảng Ninh... tới trung tâm vận chuyển hàng hóa Hà Nội, TP.HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu...

VCCI đề nghị giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Theo VCCI, phương án giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là tích cực, nhưng miễn toàn bộ thuế này sẽ cần thiết khi thế giới nhiều bất ổn.

VCCI đề nghị giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

VCCI đề nghị giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và tối đa 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) với xăng, dầu.

Góp ý kiến về mức giảm này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc giảm thêm hai sắc thuế trên với xăng dầu là cần thiết. Việc dự thảo nghị quyết đưa ra phương án trao thẩm quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định mức giảm cụ thể tuỳ điều kiện thực tế sẽ giúp phản ánh nhanh, kịp thời hơn trong hạn chế tác động tiêu cực của tăng giá xăng dầu tới người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, VCCI đề nghị Bộ Tài chính về lâu dài xem xét, đánh giá tác động và miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Đây có thể là phương án sử dụng trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao bất thường.

Hiện trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có 4 loại thuế: nhập khẩu, bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt và VAT. Ngoài ra còn có các loại chi phí, như lợi nhuận định mức, chi phí định mức, vận chuyển... chiếm khoảng 5 - 6%.

Từ 11/7, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã giảm về kịch khung theo thẩm quyền quyết định của UBTVQH, còn 1.000 đồng với mỗi lít xăng, dầu 500 - 700 đồng một lít, kg.

Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện đánh trên mỗi lít xăng (dầu không chịu thuế này) là 10%. Nếu giảm một nửa thuế như đề xuất của Bộ Tài chính, mức thuế suất áp trên mỗi lít xăng là 5%.

Theo đề xuất Bộ Tài chính, hai phương án được cơ quan này tính toán và đề nghị UBTVQH quyết định mức giảm cụ thể.

Phương án một, giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (gồm xăng E5, E10) và 20% thuế VAT với xăng, dầu. Phương án hai, giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và 50% thuế VAT với xăng dầu. Thời gian giảm thuế dự kiến trong 6 tháng từ lúc Nghị quyết có hiệu lực.

Hà Nội xử lý phương tiện đi sai làn trên đường Nguyễn Trãi

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở GTVT về việc tiếp tục thí điểm phân làn giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến).

Hà Nội sẽ thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi đến cuối năm 2022
Hà Nội sẽ thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi đến cuối năm 2022

Thành phố giao lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông tuân thủ đúng quy định, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, dừng đỗ trái phép, cố tình đi không đúng làn đường quy định...

Việc thí điểm phân làn trên đường Nguyễn Trãi được thực hiện từ 6/8 và dự kiến diễn ra trong một tháng. Theo phương án phân làn, hai làn sát vỉa hè đường Nguyễn Trãi dành cho xe máy, xe thô sơ và xe buýt; 3 - 4 làn sát dải phân cách giữa dành cho ôtô. Việc điều chỉnh phân làn và phương tiện được thực hiện bằng dải phân cách cứng như mũi tên phản quang, trụ chống va xô (bằng lốp), hàng rào di động... kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ.

Hôm 16/9, Sở GTVT cho biết, sau 1 tháng thí điểm cho thấy kết quả tích cực; cả hai chiều từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở và ngược lại đều giảm ùn ứ, phương tiện lưu thông trật tự hơn.

Để đánh giá chính xác hiệu quả của phương án thí điểm trong thời gian học sinh, sinh viên đi học trở lại và thời điểm lưu lượng phương tiện gia tăng vào cuối năm, Sở đề xuất Thành phố tiếp tục cho thí điểm phân làn.

Đề xuất đổi tên một loạt đường cửa ngõ Tân Sơn Nhất

Các đường Hồng Hà, Bạch Đằng, Đặng Văn Sâm, Nguyễn Thái Sơn ở khu vực Tân Sơn Nhất (TP.HCM) được đề xuất đổi tên, điều chỉnh giới hạn để dễ quản lý và thuận lợi đi lại.

Hiện trạng tên các đường ở khu vực Tân Sơn Nhất

Hiện trạng tên các đường ở khu vực Tân Sơn Nhất

Phương án đổi tên các tuyến đường trên đang được Sở GTVT lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Hiện, tên Hồng Hà và Bạch Đằng (hai nhánh song song đi qua công viên Gia Định, từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm đến Trường Sơn trước cổng sân bay) đang sử dụng cho nhiều nhánh, đoạn đường khác nhau.

Theo đó, đường số 1 được đề nghị đặt tên Bạch Đằng, bao gồm đoạn từ vòng xoay Nguyễn Kiệm đến hẻm 187 Bạch Đằng (hiện hữu) - đang mang tên Nguyễn Thái Sơn; đổi tên đường Bạch Đằng 2 đoạn từ hẻm 187 Bạch Đằng hiện hữu đến nút giao Hồng Hà; từ nút giao này đến đường Trường Sơn sẽ đặt tên mới do hiện chưa có tên.

Tên Hồng Hà được đề xuất đặt cho đường số 2, trong đó, giữ nguyên tên Hồng Hà đoạn từ Trường Sơn đến số 31-33; từ địa chỉ này đến vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn sẽ đặt tên mới. Đường số 3, đoạn từ hẻm A75 Bạch Đằng đến Bùi Văn Thêm bao gồm cả đường Bạch Đằng 1 sẽ đặt tên mới.

Đường số 4, giáp sân bay Tân Sơn Nhất, bao gồm cả đường Bạch Đằng 1 và hẻm A75 Bạch Đằng cũng được đề xuất đặt tên mới. Cùng với đó, sẽ điều chỉnh giới hạn đường Đặng Văn Sâm, bổ sung đoạn đường dọc tuyến mương Nhật Bản từ tường rào công viên Gia Định đến hẻm A75 Bạch Đằng.

Hai nhánh đường Bạch Đằng và Hồng Hà thuộc dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, đưa vào khai thác năm 2016. Toàn bộ trục đường này dài gần 14 km, nối từ quốc lộ 1 (TP. Thủ Đức) đến sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, đoạn từ tuyến quốc lộ đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, hiện mang tên Phạm Văn Đồng.

Tin cùng chuyên mục