Sạt lở bờ kênh Thanh Đa khiến 13 hộ dân phải di dời khẩn cấp
Theo khảo sát, một số căn nhà dọc theo bờ kênh Thanh Đa (Phường 25, quận Bình Thạnh) bị lún nứt, nghiêng về phía kênh, xuất hiện vết nứt cách đỉnh kè đá hiện hữu khoảng 10 m, dọc theo chiều dài khoảng 120 m.
Nhiều khu vực xảy ra tình trạng lún, nứt, nguy cơ sạt lở rất cao |
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản báo cáo đến Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, UBND quận Bình Thạnh về tình hình sạt lở bờ kênh Thanh Đa (Phường 25, quận Bình Thạnh).
Theo Sở GTVT TP.HCM, Sở đã phối hợp với Trung tâm Quản lý đường thủy, UBND quận Bình Thạnh kiểm tra sự cố sạt lở xảy ra ở khu vực kênh Thanh Đa (thuộc Phường 25). Qua kiểm tra cho thấy, vị trí nguy cơ sạt lở nguy hiểm nằm ở bờ phải kênh Thanh Đa, cách hạ lưu cầu Kinh khoảng 50 m.
Qua khảo sát, đỉnh kè đá khu vực bị sụt lún có xu hướng chuyển vị về phía bờ kênh, một số căn nhà dọc theo bờ kênh bị lún nứt, nghiêng về phía kênh, xuất hiện vết nứt cách đỉnh kè đá hiện hữu khoảng 10 m, dọc theo chiều dài khoảng 120 m.
Theo Sở GTVT TPHCM, nguyên nhân gây ra sạt lở là do hiện tượng mưa lớn và triều cường xảy ra thường xuyên gây bão hòa nước khu vực bên trong đỉnh kè, đồng thời tạo áp lực nước lớn khi triều kiệt gây nguy cơ sạt lở. Ngoài ra, nhà dân xây dựng cách đỉnh kè 3,5 m làm gia tăng tải trọng ngang gây nguy cơ sạt lở.
Về thiệt hại, đỉnh kè bị sụt lún và chuyển vị về phía kênh gây hư hỏng khoảng 120 m kè. Khu vực nhà dân bên trong bị lún nứt, một số căn nhà bị nghiêng về phía kênh, nguy cơ sạt lở rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến 13 hộ dân sống tiếp giáp khu vực đỉnh kè.
Nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản người dân trong khu vực sạt lở nguy hiểm nêu trên, Sở GTVT TP.HCM đề nghị UBND quận Bình Thạnh tổ chức di dời khẩn cấp 13 hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở nguy hiểm; đồng thời, tổ chức rào chắn khu vực nêu trên và bố trí lực lượng trực gác thường xuyên không cho người dân ra vào khu vực.
Toàn bộ cổ phiếu nhóm FLC trên HoSE bị hủy niêm yết
HoSE thông báo hủy niêm yết bắt buộc thêm hai mã AMD và GAB - hai cổ phiếu cuối cùng của nhóm FLC trên HoSE.
Toàn bộ cổ phiếu nhóm FLC trên HoSE bị hủy niêm yết |
Cả hai cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) và Công ty CP Đầu tư khai Khoáng và Quản lý tài sản FLC (GAB) trước đó đã bị đình chỉ giao dịch, đưa vào diện kiểm soát do chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 6 tháng và chậm nộp Báo cáo kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày.
Tương tự trường hợp FLC và ROS, HoSE cho biết, quyết định này nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc.
AMD và GAB là hai cổ phiếu còn lại trong nhóm liên quan tới FLC. Trước đó, nhóm này có 5 cổ phiếu niêm yết trên HoSE, gồm AMD, GAB, FLC, ROS và HAI. Tất cả bị hủy niêm yết bắt buộc với cùng lý do "vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin".
Trước khi bị hủy niêm yết, GAB là một trong những cổ phiếu đắt giá nhất sàn HoSE, với thị giá gần 200.000 đồng. Tuy nhiên, mã này đã mất thanh khoản hoàn toàn từ tháng 4/2022 sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố. Trong khi đó, thị giá AMD chỉ còn hơn 1.100 đồng sau giai đoạn dài bị nhà đầu tư bán tháo.
Theo Nghị định 155, cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Tuy nhiên, các mã nhóm FLC sau khi đăng ký giao dịch trên UPCoM tiếp tục bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đình chỉ giao dịch do chưa khắc phục được vi phạm về công bố thông tin.
Cục Đường bộ "kêu cứu" vì đoạn đường lầy lội trước cửa trụ sở
Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản "kêu cứu" Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh vì đoạn đường phía trước trụ sở dừng thi công suốt 2 năm, gây mất an toàn giao thông.
Con đường chưa hoàn thiện, lỗ chỗ ổ gà tại lối ra vào trụ sở Cục Đường bộ Việt Nam |
Trong văn bản gửi Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, tuyến đường qua trụ sở của cục đã chậm tiến độ và dừng thi công suốt từ năm 2021 đến nay.
"Cứ mỗi khi trời nắng đường khô, phương tiện di chuyển qua lại gây bụi bặm, còn khi trời mưa đường bị ngập sâu khiến giao thông tê liệt", văn bản của Cục Đường bộ Việt Nam nêu thực trạng.
Cụ thể, đây là đoạn đường nối đường Tôn Thất Thuyết và Duy Tân, nằm trong Dự án xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D20, Khu đô thị mới Cầu Giấy do UBND quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 11/2020.
Đoạn đường dài khoảng 200 m, đi qua mặt tiền trụ sở Cục Đường bộ Việt Nam, là điểm nối liền giữa quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Dự án lẽ ra phải hoàn thành vào tháng 8/2021. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, các nhà thầu đã dừng thi công. Hiện, nền đường bị đào sâu hơn so với cốt mặt đường cũ từ 50 - 100 cm, không được san gạt, rào chắn cảnh báo an toàn giao thông.
Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, đoạn đường không chỉ gây bất tiện cho phương tiện ra vào trụ sở cục mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, công sở trong khu vực. Đây là tuyến có mật độ dân cư đông đúc, lưu lượng tham gia giao thông lớn, đặc biệt vào khung giờ cao điểm.
Thời gian qua, Cục Đường bộ đã gửi nhiều văn bản tới các cơ quan, ban ngành của Hà Nội đề nghị xử lý nhưng đến nay Dự án vẫn chưa được triển khai thi công, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông và môi trường khu vực.
Bác đề xuất xây khách sạn 5 sao sát hồ Xuân Hương
Doanh nghiệp trụ sở tại TP.HCM đề xuất cho xây khách sạn 5 sao cao 7 tầng và 4 tầng ngầm trên đường Trần Quốc Toản (TP. Đà Lạt). Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp nhận.
Khu đất doanh nghiệp đề xuất xây khách sạn nằm đối diện danh thắng hồ Xuân Hương. |
Sở Xây dựng Lâm Đồng vừa có văn bản gửi UBND Tỉnh liên quan đến việc Công ty CP Đầu tư TMDV Mount A (trụ sở TP.HCM) đề xuất xin đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp tại khu đất số 11 Trần Quốc Toản, Phường 1, TP. Đà Lạt.
Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, khu đất tại số 11 Trần Quốc Toản (tên cũ là Nguyễn Thái Học) có nguồn gốc do Công ty TNHH DiDaMa trúng đấu giá thuê quyền sử dụng đất và tài sản trên đất trả tiền một lần từ năm 2015.
Qua quá trình sang nhượng, cho tặng, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản về việc chấp thuận chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 11 đường Nguyễn Thái Học từ ông Nguyễn Văn Tuần sang Công ty CP Đầu tư TMDV Mount A.
Trong văn bản trên, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty CP Đầu tư TMDV Mount A sử dụng đất đúng mục đích (đất thương mại dịch vụ) và thời gian thuê đất còn lại, tập trung nguồn lực, nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng theo đúng chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc đã được duyệt… Trường hợp Công ty CP Đầu tư TMDV Mount A không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước xử lý theo quy định.
Cũng theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, theo quy hoạch, khu đất số 11 Trần Quốc Toản thuộc phạm vi Đồ án Thiết kế đô thị khu vực cảnh quan hồ Xuân Hương theo Quyết định 2609 và Đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị (tỷ lệ 1/500) khu vực trung tâm Hòa Bình theo Quyết định 229.
Đối chiếu với quy định, Sở Xây dựng Lâm Đồng cho rằng, đề xuất của doanh nghiệp là chưa phù hợp.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Lâm Đồng cho rằng, theo quy định quản lý kèm theo Quy hoạch chung 704 thì các công trình điểm nhấn của đô thị được xác định trong các đồ án quy hoạch phân khu; tuy nhiên, hiện tại vị trí khu đất số 11 Trần Quốc Toản chưa có quy hoạch phân khu được duyệt.
Từ đó, Sở Xây dựng Lâm Đồng đề xuất UBND Tỉnh chưa xem xét đề xuất của Công ty CP Đầu tư TMDV Mount A.
Gỡ khó về khai thác khoáng sản làm đường cao tốc có cơ chế đặc thù
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn 35 địa phương khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù.
Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết các địa phương về trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù.
Trong công văn vừa gửi 35 tỉnh, thành phố trên cả nước (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Ninh, Kiên Giang, Cà Mau, Đăk Lăk, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng…), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn kỹ lưỡng việc này.
Theo đó, nhà thầu thi công dự án chỉ lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Nghị định 158/2016; cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
UBND các tỉnh, thành phố xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác trong hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cho nhà thầu thi công.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, trong đó nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.
Đồng thời không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản nên không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chỉ thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với các mỏ cát, sỏi lòng sông nằm ở các đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, hướng dẫn nhà thầu lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông và phải tuân thủ các quy định về tài nguyên nước…
Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở Hòa Bình hoạt động trở lại từ ngày 29/6
Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới duy nhất ở Hòa Bình sẽ hoạt động trở lại từ ngày 29/6.
Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hòa Bình 28-01S hoạt động trở lại. |
Ngày 28/6, Sở Giao thông vận tải Hòa Bình vừa phát đi thông báo về việc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S hoạt động trở lại.
Cụ thể, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S hoạt động trở lại từ 7h30 ngày 29/6. Thời gian hoạt động sáng từ 7h30’-11h30’, chiều từ 13h30’ đến 17h các ngày trong tuần trừ ngày lễ và Chủ nhật.
Đây là trung tâm đăng kiểm duy nhất ở tỉnh Hoà Bình có địa chỉ ở tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Hoà Bình với 2 dây chuyền kiểm định.
Trước đó, ngày 9/1/2023, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hòa Bình 28-01S đã phải tạm dừng hoạt động để phục vụ điều tra.
Đến ngày 17/1/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình cho biết đã khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S, bao gồm Trịnh Thành Công - Giám đốc, cùng các Phó Giám đốc, Trưởng phòng Đăng kiểm, Phó Trưởng phòng Kiểm định và 6 đăng kiểm viên.
Kể từ khi Trung tâm Đăng kiểm 28-01S bị tạm dừng hoạt động đến nay, các chủ phương tiện ô tô và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gặp rất nhiều khó khăn, quá trình chờ để đăng kiểm rất tốn kém công sức, thời gian và tiền bạc.
Giám đốc ở Sài Gòn bán dự án 'ma' chiếm đoạt 526 tỷ đồng
Phạm Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty Angel Lina, bị cáo buộc cùng đồng phạm vẽ 18 dự án "ma" bán cho 584 người, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Phạm Thị Tuyết Nhung (trái) lúc bị bắt giam |
Hành vi của Nhung; Nguyễn Ngọc Hoàng (cùng là Giám đốc, đại diện Công ty Angel Lina và Công ty Đất Vàng Hoàng Gia); hai nhân viên Kiên Minh Tuấn, Lý Văn Sinh và 4 người khác bị Công an TP.HCM nêu trong kết luận điều tra đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vụ án này VKS nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đến nay, từ các đơn trình báo, Công an TP.HCM xác định số tiền Nhung cùng đồng phạm chiếm đoạt lên đến hơn 815 tỷ đồng (so với 550 tỷ đồng giữa năm ngoái). Trong đó, Nhung chiếm đoạt 526 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, Nhung làm ăn chung với bà Trần Thị Mỹ Hiền (Giám đốc đại diện Công ty Đất Vàng Hoàng Gia). Cả hai tìm mua những thửa đất có mục đích sử dụng khác nhau như đất ở, trồng cây, trồng lúa... rồi thỏa thuận việc mua bán và thanh toán một phần tiền, có lập vi bằng.
Bà Hiền sau đó thuê kiến trúc sư thiết kế các thửa đất thành dự án đất ở đô thị có tỷ lệ bản vẽ 1/500 hoàn chỉnh, đầy đủ cơ sở hạ tầng như điện, cấp nước và thoát nước. Những dự án không có thật này được đặt tên khu dân cư: Nguyễn Thị Tú, Triều An, Liên khu 5-6, Tây Lân, Bùi Thanh Khiết, Hiệp Thành, Xuân Thới Thượng, Làng đại học (phường Linh Trung), Đỗ Xuân Hợp, Hương lộ 11, Phạm Hùng...
Để có pháp nhân thực hiện ký kết hợp đồng, bà Nhung và Hiền chỉ đạo cấp dưới thành lập Công ty Angel Lina, Đất Vàng Hoàng Gia, thuê người quảng cáo các dự án, để bán đất nền dưới dạng hợp đồng khác nhau, như "Hợp đồng đặt cọc", "Hợp đồng góp vốn"... chiếm đoạt tiền.
Cơ quan điều tra xác định, với thủ đoạn này, đến nay, những bị can đã chiếm đoạt của 584 bị hại là hơn 815 tỷ đồng. Trong đó, Nhung với vai trò trò đại diện Công ty TNHH Đất Vàng Hoàng Gia và Công ty Angel Lina, được sự giúp sức của cấp dưới, đã trực tiếp ký 512 hợp đồng thỏa thuận việc chuyển nhượng các nền đất không có thật của 12 dự án.