Bản tin thời sự sáng 29/9

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM tụt 8 bậc xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu; Bộ Y tế đề xuất công bố hết dịch COVID-19 thuộc nhóm A; Bộ GTVT yêu cầu rà soát quy trình sau vụ nhân viên bốc xếp trộm đồ tại Nội Bài; lợi nhuận Thaco Group lao dốc khi thị trường ôtô khó khăn…

TP.HCM tụt 8 bậc xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu

Theo Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) mới công bố, TP.HCM đứng thứ 120 trên 121 thành phố xếp hạng, hạ 8 bậc so với năm ngoái.

TP.HCM tụt 8 bậc xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu. Ảnh minh họa

TP.HCM tụt 8 bậc xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu. Ảnh minh họa

Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu ấn bản lần 34 (GFCI 34) vừa được tổ chức Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc phát hành ngày 28/9.

GFCI được thực hiện bằng cách tính điểm cho 147 yếu tố đầu vào, cung cấp bởi bên thứ 3 gồm Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Liên Hợp Quốc và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence.

Điểm chung cuộc sẽ quyết định thứ hạng năng lực cạnh tranh ở lĩnh vực trung tâm tài chính của các thành phố. Kết quả này thường được các nhà hoạch định chính sách và đầu tư dùng làm tư liệu tham khảo.

Năm nay, TP.HCM tăng 10 điểm GFCI, lên mức 577. Tuy nhiên, mức độ cải thiện của đầu tàu kinh tế Việt Nam chậm hơn nhiều thành phố khác, khiến thứ hạng đi xuống. Ví dụ, 3 thành phố tăng điểm mạnh nhất là Barbados (thành phố, quốc gia khu vực Caribe) tăng 78 điểm, Isle of Man (đảo tự trị thuộc Anh) tăng 70 điểm và Liechtenstein (thành phố, công quốc ở châu Âu) tăng 62 điểm.

TP.HCM đã có ý tưởng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế từ cách đây gần 20 năm, khởi đầu từ những năm 2000. Việc "thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế" là một trong các chiến lược được đặt ra về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tại cuộc họp vào tháng 2/2022, TP.HCM nêu định hướng phát triển thành trung tâm tài chính khu vực từ năm 2026 - 2045. Mục tiêu là vào top 50 của GFCI năm 2030 và top 20 năm 2045.

Địa phương đề ra 4 chương trình hành động đến năm 2025 gồm: phát triển Fintech (công nghệ tài chính), ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số; thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực; phát triển Khu Tài chính - Thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường giao dịch hàng hóa.

Bộ Y tế đề xuất công bố hết dịch COVID-19 thuộc nhóm A

Bộ Y tế đang đề xuất công bố hết dịch COVID-19 thuộc nhóm A, đồng thời bãi bỏ một số văn bản phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế đề xuất công bố hết dịch COVID-19 thuộc nhóm A

Bộ Y tế đề xuất công bố hết dịch COVID-19 thuộc nhóm A

Theo nhận định của Bộ Y tế, trong hơn 3 năm qua, để phòng, chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó có quy định nhiều biện pháp đặc thù chưa có tiền lệ nên khi chuyển nhóm bệnh COVID-19 sẽ kéo theo việc phải điều chỉnh đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch hiện đang được áp dụng.

Trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5033/VPCP-KGVX ngày 7/7/2023, Bộ Y tế đã tiến hành các thủ tục để ban hành theo thẩm quyền Quyết định điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới chứa virus Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Bộ Y tế cho biết, trên cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 thuộc nhóm A và bãi bỏ một số văn bản phòng, chống dịch COVID-19 do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo dự thảo quyết định kèm theo Tờ trình số 1247/TTr-BYT của Bộ Y tế, cùng với việc công bố hết dịch COVID-19 thuộc nhóm A và thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 thuộc nhóm B theo quy định của pháp luật, trường hợp người bệnh COVID-19 đang điều trị trước ngày quyết định này có hiệu lực thì được tiếp tục áp dụng thanh toán theo quy định tại Nghị quyết số 80/2023/QH13 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 cho đến hết đợt điều trị.

Bộ GTVT yêu cầu rà soát quy trình sau vụ nhân viên bốc xếp trộm đồ tại Nội Bài

Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không rà soát quy trình thực hiện an ninh, an toàn hàng không để điều chỉnh bổ sung đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Bộ GTVT yêu cầu rà soát quy trình sau vụ nhân viên bốc xếp trộm đồ tại Nội Bài

Bộ GTVT yêu cầu rà soát quy trình sau vụ nhân viên bốc xếp trộm đồ tại Nội Bài

Ngày 28/9, Bộ GTVT có văn bản gửi Cục Hàng không yêu cầu xử lý nghiêm; đồng thời rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện an ninh, an toàn hàng không sau vụ việc 5 nhân viên bốc xếp trộm đồ của hành khách tại sân bay Nội Bài.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam xem xét, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quá trình làm thủ tục hàng không.

Rà soát toàn bộ quy trình thực hiện an ninh, an toàn hàng không; tham mưu, đề xuất điều chỉnh bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Cục Hàng không quán triệt đến các cơ quan, đơn vị trong ngành về việc chấp hành và thực hiện quy định pháp luật.

Trước đó, hôm 22/8, sân bay nhận được phản ánh của N.M.A., quốc tịch Đức sau chuyến bay Hà Nội - Cam Ranh tại nhà ga T1 sân bay Nội Bài, đã phát hiện vali hành lý ký gửi của mình bị mở khóa.

Kiểm tra tài sản bên trong, hành khách phát hiện bị mất gồm bộ tai nghe không dây màu trắng và tiền mặt 500 Euro.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của hành khách, lực lượng an ninh sân bay đã báo với đồn Công an sân bay Nội Bài vào cuộc xác minh.

Qua đấu tranh, cơ quan công an xác định 5 nghi phạm làm việc chung ca và có nhiệm vụ bốc xếp hành lý ký gửi của khách đi tàu bay tại đảo hành lý số 4, tầng 1 ga quốc nội đi, Nhà ga T1, sân bay quốc tế Nội Bài.

Cơ quan công an xác định 5 người này là nhân viên bốc xếp của Công ty CP Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) đã lấy trộm tài sản trong hành lý ký gửi gồm 500 Euro và 1 tai nghe Airpods tại đảo hành lý số 4, ga hành khách T1.

Công an Huyện Sóc Sơn đã bắt tạm giam và khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 người này về hành vi trộm cắp tài sản.

Lợi nhuận Thaco Group lao dốc khi thị trường ôtô khó khăn

Nửa đầu năm, Thaco Group lãi hơn 1.000 tỷ đồng, chưa bằng 25% cùng kỳ 2022 khi thị trường ôtô tiếp tục khó khăn.

6 tháng đầu năm nay, Thaco Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.076 tỷ đồng, chưa bằng một phần tư cùng kỳ năm 2022

6 tháng đầu năm nay, Thaco Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.076 tỷ đồng, chưa bằng một phần tư cùng kỳ năm 2022

Thông tin này vừa được Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) cho biết trong bản công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính, gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

6 tháng đầu năm nay, Thaco Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.076 tỷ đồng, chưa bằng 1/4 cùng kỳ năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận cũng giảm gần 5 lần, xuống 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận doanh nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương lao dốc trong bối cảnh thị trường xe nội địa vẫn chưa thoát cảnh kinh doanh ế ẩm từ quý cuối năm 2022 đến nay. Thời gian qua, nhiều mẫu xe được Thaco lắp ráp, phân phối đã giảm giá cả trăm triệu đồng để kích cầu.

Trong thông điệp đầu năm gửi nhân viên Thaco Group, ông Trần Bá Dương cũng dự tính thị trường xe năm nay sẽ giảm so với 2022 và cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn đặt mục tiêu doanh số cả năm trên 120.000 xe, gồm 96.000 xe du lịch, 23.500 xe tải, 1.500 xe bus và mini bus. Đơn vị chủ lực của Thaco Group - Thaco Auto dự kiến doanh thu hợp nhất trên 90.000 tỷ đồng, tương đương gần 3,8 tỷ USD, trong đó thu từ dịch vụ 5.200 tỷ đồng.

Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), 8 tháng đầu năm 2023, Thaco bán được khoảng 58.000 xe, giảm 40% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 8 tháng, doanh nghiệp này mới đạt hơn 48% mục tiêu doanh số cả năm.

Tiếp tục đề xuất dùng thải than làm vật liệu san lấp

Các đơn vị của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đề xuất được sử dụng đất đá thải than làm vật liệu san nền.

Đất đá thải than được đề xuất làm vật liệu san lấp

Đất đá thải than được đề xuất làm vật liệu san lấp

Công ty CP Than Cọc Sáu, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép thu hồi, sử dụng đất đá thải mỏ trong quá trình khai thác than làm vật liệu san lấp.

Đơn vị nêu lý do nhu cầu sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp cho các dự án tại tỉnh Quảng Ninh đang rất lớn và cấp bách. Đồng thời, TKV đã hoàn thành quy hoạch khu vực hoạt động khai thác, sử dụng đất đá thải trong quá trình khai thác và chế biến than trên địa bàn Tỉnh. TKV cũng đã lập, phê duyệt phương án thu hồi, sử dụng đất đá thải mỏ Cọc Sáu làm vật liệu san lấp trên địa bàn TP. Cẩm Phả - Vân Đồn.

Tương tự, Công ty CP Thiên Nam cũng đề nghị được tận dụng đất đá thải tại mỏ Mông Dương - đã đóng cửa tháng 9/2022, để sản xuất cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên làm vật liệu san nền với bốn dây chuyền, mỗi dây chuyền công suất 600 tấn một giờ.

Lãnh đạo Cục Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chủ trương của Chính phủ là xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Bộ đã có nhiều văn bản hướng dẫn Quảng Ninh sử dụng đất đá trong quá trình khai thác than để làm vật liệu san lấp.

Bộ đã soạn thảo Nghị định sửa đổi các quy định cũ và trình Chính phủ, dự kiến thông qua tháng này sẽ là cơ sở pháp lý cho các đơn vị sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp.

"Tuy nhiên, việc sử dụng đất đá thải này phải được giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng mục đích, không để lợi dụng khai thác khoáng sản trái phép tuồn ra ngoài", đại diện Cục Khoáng sản nói.

Trước đó, năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đề xuất cơ quan trung ương cho phép khai thác đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp. Lý do, hàng năm loạt mỏ than đổ ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất đá, chiếm dụng hàng nghìn ha đất ở TP. Hạ Long, Cẩm Phả, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường.

Cáp quang biển APG chưa sửa xong, tuyến AAE-1 đã gặp sự cố mới

Việc khắc phục sự cố trên tuyến cáp quang biển APG dự kiến sẽ xong vào ngày 30/9. Tuy nhiên, hiện nay đang có thêm 1 tuyến cáp biển khác là AAE-1 bị lỗi trên nhánh cáp hướng kết nối đi Singapore.

Việc khắc phục sự cố trên tuyến cáp quang biển APG dự kiến sẽ xong vào ngày 30/9

Việc khắc phục sự cố trên tuyến cáp quang biển APG dự kiến sẽ xong vào ngày 30/9

Ngày 28/9, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, sáng 27/9, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Africa Europe 1 (AAE-1) đã gặp sự cố, gây mất dung lượng trên hướng cáp kết nối đi Singapore của tuyến.

AAE-1 là tuyến cáp biển được đưa vào khai thác từ tháng 7/2017. Tuyến cáp này có vai trò nâng cao chất lượng kết nối Internet hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới các hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc), Singapore.

Hiện nguyên nhân sự cố mới xảy ra với tuyến cáp biển AAE-1 chưa được xác định. Các ISP tại Việt Nam cũng chưa nhận được thông báo của đối tác quản lý tuyến cáp về dự kiến kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố.

Đáng chú ý, cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn 1 tuyến cáp quang biển quốc tế khác là Asia Pacific Gateway - APG cũng đang gặp sự cố, gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến.

Là một trong những tuyến cáp biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, trong năm 2023, APG đã gặp sự cố từ gần cuối tháng 1 trên nhánh S9 cách trạm cập bờ SEA khoảng 151 km. Lịch khôi phục hoàn toàn tuyến cáp biển này đã liên tục bị lỗi hẹn do phát sinh thêm nhiều lỗi mới trên các nhánh S7, S9.

Cáp quang biển APG đưa vào khai thác từ cuối năm 2016, có chiều dài khoảng 10.400 km. Tuyến cáp này được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương và có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Theo thông tin mới được đối tác quốc tế cập nhật tới các ISP tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, sự cố trên nhánh S9 của APG đã được khắc phục nhưng lỗi trên nhánh S7 dự kiến phải đến ngày 30/9 mới sửa xong. Khi đó, các kênh truyền trên tuyến cáp biển này mới được khôi phục hoàn toàn.

Khởi tố cựu Chủ tịch UBND phường ở Đồng Nai liên quan đến vụ chiếm đoạt 53 thửa đất

Ông Phan Thanh Sắc (nguyên Chủ tịch UBND phường An Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) bị khởi tố về hành vi ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.

35 căn nhà xây dựng trái phép tại phường An Hòa, dẫn đến việc ông Sắc đã bị cách chức Chủ tịch UBND Phường

35 căn nhà xây dựng trái phép tại phường An Hòa, dẫn đến việc ông Sắc đã bị cách chức Chủ tịch UBND Phường

Ngày 28/9, Cơ quan CSĐT Công an TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã ra quyết định khởi tố bị can, cho tại ngoại để điều tra với ông Phan Thanh Sắc, cựu Chủ tịch UBND phường An Hòa (TP. Biên Hòa) để điều tra về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Theo thông tin ban đầu, trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch UBND phường An Hòa, khoảng tháng 3/2021, ông Sắc cùng với cán bộ địa chính phường tiếp tay cho một số người dân làm các giấy tờ liên quan để chiếm đoạt 53 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 2, xã An Hòa (nay là phường An Hòa) của một số hộ dân khác.

Quá trình điều tra ban đầu, Công an TP. Biên Hòa đã xác định hành vi vi phạm của ông Sắc nên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra. Cơ quan điều tra cũng đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, xác định vai trò của những người liên quan trong vụ án.

Trước đó, vào cuối năm 2020, trên cương vị là Chủ tịch UBND phường An Hòa từ năm 2018 - 2020, ông Sắc được xác định do thiếu trách nhiệm trong quản lý, lãnh đạo điều hành tại địa phương, để xảy ra tình trạng phân lô bán nền xây dựng trái phép, không phép phức tạp trên địa bàn. Trong đó, có vụ sai phạm liên quan 35 căn nhà liền kề xây trái phép tại phường An Hoà. Trước sai phạm đó, tháng 12/2020, UBND TP. Biên Hoà đã cách chức Chủ tịch UBND phường An Hòa đối với ông Phan Thanh Sắc.

Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

Tin cùng chuyên mục