Bản tin thời sự sáng 30/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội dừng hoạt động quán bar, kraoke, vũ trường, game từ 0h00 ngày 30/4; đường sắt Cát Linh - Hà Đông được cấp chứng nhận an toàn; cựu bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị phạt 11 năm tù; cấm xe 16 chỗ lên Đà Lạt bằng đèo Prenn dịp lễ 30/4…

Hà Nội dừng hoạt động quán bar, kraoke, vũ trường, game từ 0h00 ngày 30/4

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và cả nước lại có ca mắc trong cộng đồng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có Công điện khẩn gửi Giám đốc các sở, ban, ngành của Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Hà Nội dừng hoạt động quán bar, kraoke, vũ trường, game từ 0h00 ngày 30/4

Hà Nội dừng hoạt động quán bar, kraoke, vũ trường, game từ 0h00 ngày 30/4

Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo: Bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, những trường hợp không tuân thủ việc đeo khẩu trang và các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn theo quy định của Bộ Y tế và Thành phố.

Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke, quán Bar, vũ trường, Game từ 0h00 ngày 30/4/2021.

Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về tạm dừng tổ chức các lễ hội và các tuyến phố đi bộ trên địa bàn Thành phố, tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết.

Siết chặt quản lý tại các khu cách ly tập trung, đặc biệt là khu cách ly tại khách sạn, tuyệt đối không để lấy chéo trong khu cách ly tập trung và lấy từ khu cách ly ra cộng đồng.

Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã khẩn trương thần tốc truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm nhanh theo công thức 4-6 của Ban Chỉ đạo Thành phố đã quy định.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được cấp chứng nhận an toàn

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được Tư vấn độc lập ACT (Pháp) cấp chứng nhận an toàn hệ thống.

Tàu Cát Linh - Hà Đông trong khu bảo dưỡng, sửa chữa

Tàu Cát Linh - Hà Đông trong khu bảo dưỡng, sửa chữa

Chiều 29/4, Bộ Giao thông vận tải cho biết đây là một chứng chỉ quan trọng để Hội đồng Kiểm tra nhà nước đánh giá công tác an toàn Dự án và là cơ sở để Bộ Giao thông vận tải nghiệm thu công trình.

Sau khi có chứng nhận an toàn, Bộ Giao thông vận tải đã bổ sung báo cáo nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng và gửi tới Hội đồng Kiểm tra nhà nước. Dự kiến sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Hội đồng sẽ xem xét, đánh giá để ra thông báo về kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.

Sau khi Hội đồng Kiểm tra nhà nước thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu, Dự án sẽ được bàn giao cho UBND Hà Nội vận hành khai thác thương mại trong tháng 5.

Hiện Dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị. Từ đầu tháng 4, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) và Công ty Metro Hà Nội đã tiếp nhận các hồ sơ tài liệu, kiểm đếm tài sản của Dự án từ Tổng thầu Trung Quốc.

Sau 10 năm, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng hơn 13 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể Depot và cảnh quan cây xanh. Tháng 12/2020, Dự án đã chạy thử toàn hệ thống để kiểm chứng độ an toàn và năng lực vận hành của toàn bộ nhân viên. Đây là bước bắt buộc trong quá trình đánh giá an toàn kỹ thuật do tư vấn ACT thực hiện.

Căn cứ kết quả vận hành thử, tư vấn cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho Dự án. Sau đó, Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư) nghiệm thu công trình và bàn giao cho Hà Nội quản lý, vận hành.

Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị phạt 11 năm tù

Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị phạt 11 năm tù song vắng mặt khi nghe tuyên án.

Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong những ngày diễn ra phiên tòa

Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong những ngày diễn ra phiên tòa

Ông Hoàng bị TAND Hà Nội tuyên phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trước giờ tuyên án, chủ tọa thông báo ông Hoàng có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe không tốt.

Cùng tội danh với cựu Bộ trưởng, ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) bị phạt 9 năm tù. Mức án với hai ông đều cao hơn khung hình phạt đề nghị của VKS (7 - 8 năm).

8 bị cáo còn lại là cựu cán bộ, lãnh đạo TP.HCM, gồm: Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM, xét xử vắng mặt) bị phạt 6 năm 6 tháng tù, Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) 4 năm 6 tháng, Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) 5 năm, Lê Văn Thanh (cựu Phó chánh Văn phòng UBND Thành phố) 4 năm, Lê Quang Minh (cựu Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư) 3 năm 6 tháng, Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM) 3 năm, Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường) 3 năm, Nguyễn Lan Châu (cựu Chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Cùng với hình phạt tại một số vụ án đã xét xử trước, HĐXX tuyên ông Tín phải chấp hành tổng cộng 13 năm 6 tháng tù, ông Kiệt 11 năm 6 tháng, ông Thanh 8 năm, ông Chương 6 năm và ông Út 8 năm.

Xả trạm thu phí T2 hướng Đồng Nai - Vũng Tàu do Quốc lộ 51 quá tải, ùn tắc kéo dài

Hàng nghìn ô tô, xe máy ùn ùn kéo về khiến cửa ngõ TP. Thủ Đức quá tải. Phà Cát Lái ùn tắc cả 2 bờ, trạm thu phí T2 trên Quốc lộ 51 phải xả trạm.

Dòng xe cộ ken đặc trên QL51 đoạn qua TP Biên Hòa

Dòng xe cộ ken đặc trên QL51 đoạn qua TP Biên Hòa

Chiều tối 29/4, các tuyến đường cửa ngõ TP.HCM như: Quốc lộ 51, Quốc lộ 1 đoạn qua cầu Đồng Nai xe cộ ken đặc, người đi đường chen chúc giữa tiếng động cơ, khói bụi...

Tình trạng kẹt xe nghiêm trọng nhất xảy ra trên Quốc lộ 51 đoạn qua phường An Hòa (TP. Biên Hòa) bởi đoạn đường này đang bị thu hẹp để thi công cải tạo mặt đường nút giao Quốc lộ 51 - đường Ngô Quyền. Mặc dù đơn vị thi công đã bố trí người điều tiết giao thông, thông báo phân luồng nhưng lượng xe tăng đột biến gây quá tải, ùn tắc kéo dài hơn 2km.

Đại diện Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC - nhà đầu tư BOT) cho biết, lúc 16h30 tại Trạm thu phí T2 xảy ra kẹt xe nên phải xả trạm 2 làn (hướng đi Vũng Tàu) trong 1 giờ.

Tương tự tại phà Cát Lái (Quận 2, TP.HCM), giao thông cũng ùn ứ tại cả phía TP. Thủ Đức và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Cấm xe 16 chỗ lên Đà Lạt bằng đèo Prenn dịp lễ 30/4

Trong dịp lễ 30/4 - 1/5, ôtô trên 16 chỗ ngồi sẽ không được phép lưu thông theo chiều đi lên đèo Prenn, hướng từ TP.HCM đến Đà Lạt (Lâm Đồng).

Cấm xe 16 chỗ lên Đà Lạt bằng đèo Prenn dịp lễ 30/4

Cấm xe 16 chỗ lên Đà Lạt bằng đèo Prenn dịp lễ 30/4

Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng vừa có văn bản thống nhất về việc phân luồng giao thông tạm thời trên đèo Prenn và đèo Mimosa.

Cụ thể, xe tải vẫn bị cấm lưu thông trên cả hai chiều lên và xuống đèo Prenn như nhiều năm nay.

Từ 10h ngày 30/4 đến hết ngày 3/5, ôtô trên 16 chỗ ngồi (không bao gồm xe buýt công cộng) không được phép lưu thông theo chiều đi lên đèo Prenn (hướng từ TP.HCM đến Đà Lạt). Các phương tiện đi từ thác Datanla và khu du lịch hồ Tuyền Lâm trở lại Đà Lạt cũng bị cấm trong thời gian trên.

Trong khi đó, xe cộ vẫn được phép lưu thông cả hai chiều trên tuyến đường đèo Mimosa.

Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND thành phố Đà Lạt chỉ đạo đơn vị chuyên môn bố trí các biển báo hiệu đường bộ tạm thời theo quy định tại các vị trí phù hợp.

Công an tỉnh chỉ đạo, bố trí lực lượng hướng dẫn, điều tiết giao thông tại các điểm nút ra, vào hai tuyến đường đèo Prenn và đèo Mimosa để đảm bảo giao thông thuận lợi, an toàn.

Theo ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Đà Lạt, việc cấm phương tiện trên 16 chỗ lên lưu thông theo chiều đi lên đèo Prenn là giải pháp ngăn tình trạng ùn ứ có khả năng diễn ra trong dịp lễ. Những năm gần đây, tuyến đường đèo Mimosa đã được nâng cấp, cải tạo trở nên thông thoáng để phục vụ xe cộ lưu thông từ TP.HCM lên Đà Lạt và ngược lại.

TP.HCM vay 100 triệu USD để đầu tư hạ tầng

Chính quyền TP.HCM vay 100 triệu USD (hơn 2.300 tỷ đồng) từ Ngân hàng Thế giới (WB) để đầu tư phát triển hạ tầng và cải cách chính sách.

Đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức đang được đề xuất làm hệ thống thoát nước để chống ngập

Đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức đang được đề xuất làm hệ thống thoát nước để chống ngập

Nội dung được đề cập trong chương trình cho vay hỗ trợ chính sách phát triển ngân sách TP.HCM (DPO-2) vừa được UBND Thành phố phê duyệt.

DPO là hình thức hỗ trợ của WB nhằm giúp bên vay đạt được kết quả bền vững thông qua tiến trình cải cách chính sách và thể chế. Chương trình kỳ vọng giúp TP.HCM có nguồn tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý.

Theo đó, toàn bộ số tiền giải ngân từ chương trình sẽ chuyển vào ngân sách thành phố, chi cho các dự án đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Thành phố và chuyển tiếp thực hiện trong 5 năm tiếp theo.

Một số công trình dự kiến dùng vốn vay từ chương trình này, gồm: xây mới 3 bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi (hơn 1.850 tỷ đồng), Hóc Môn (hơn 1.800 tỷ đồng), Thủ Đức (hơn 1.900 tỷ đồng); hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, TP. Thủ Đức (254 tỷ đồng); cải tạo rạch Đầm Sen (hơn 84 tỷ đồng); xây bờ bao và cống ngăn triều trên rạch Cầu Sập, quận 8 (gần 125 tỷ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước đường Lý Chiêu Hoàng, quận 6 (gần 100 tỷ đồng)...

Chương trình có thời gian thực hiện 3 năm, kể từ ngày hiệp định giữa TP.HCM và WB được ký.